Thư Đức Giám Quản – Tháng 9-2010

Các con thân mến: Nguyện xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con của Cha!

Như mọi năm, vào giữa tháng 9, chúng ta cử hành Lễ Suy Tôn Thánh Giá. Một lần nữa, chúng ta suy gẫm với lòng biết ơn chân lý phi thường này: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. [1]

Lời của Thiên Chúa đã trở nên người phàm và mặc lấy thân phận của một nô lệ, vâng lời cho đến chết, thậm chí chết trên một cây thập tự, [2] để cứu độ chúng ta. Vì thế, “khi ngước mắt nhìn lên Đấng Chịu Đóng Đinh, chúng ta tôn thờ Người, Đấng đã đến gánh tội trần gian và ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Và Hội Thánh mời gọi chúng ta hãy kiêu hãnh giương cao cây Thập Giá vinh quang để thế gian có thể nhìn thấy tình yêu bao la của Thiên Chúa Chịu Đóng Đinh vì nhân loại, vì từng người chúng ta. Hội Thánh mời gọi chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì từ cây mang lại sự chết, sự sống lại được tuôn trào”. [3]

Đối với những người con của Chúa trong Opus Dei, ngày lễ này mang một ý nghĩa đặc biệt, vì Thiên Chúa đã ban cho Thánh Josemaría ý thức sâu sa thực tại này: Chúng ta được mời gọi giương cao Thánh Giá Chúa Kitô trên chóp đỉnh của tất cả mọi hoạt động cao đẹp của con người. “Thánh Phaolô đã đề ra khẩu hiệu cho các tín hữu Êphêxô (Ep 1, 10): Instaurare omnia in Christo: Làm đầy mọi sự bằng tinh thần của Chúa Giêsu, đặt Chúa Kitô làm tâm điểm của mọi việc. Và phần Tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi (Gn 12, 32). Qua việc nhập thể làm người, qua lao động ở Nazareth, qua lời giảng dạy và các phép lạ Người làm tại Giuđêa và Galêlia, qua cái chết trên Thập giá và qua sự phục sinh của Người, Chúa Kitô chính là tâm điểm của vũ trụ, là con đầu lòng và là Thiên Chúa của muôn tạo vật.” [4] Để chúng ta có thể cộng tác với Người bằng cách dự phần vào công cuộc cứu rỗi các linh hồn, Thiên Chúa cũng đã giao cho chúng ta các công việc chuyên môn mà chúng ta - với ơn Chúa giúp - phải thực hiện tốt hết sức có thể, với tinh thần phục vụ và ý muốn ngay lành, trong cố gắng biến đổi việc làm thành lời cầu nguyện.

Từ hy tế của Đức Kitô tuôn đổ muôn vàn hồng ân Thiên Chúa ban xuống cho nhân loại. Vì thế, không thể có cuộc sống tâm linh hay có thể chia sẻ sứ mạng cứu chuộc của Chúa Giêsu nếu chúng ta không kết hiệp chính mình, cả trái tim và hành động, với Thánh Giá. Trước hết, hãy tham dự Thánh Lễ một cách tốt hết sức có thể, nơi đó chúng ta bắt gặp chính mình, một cách bí tích nhưng thật sự, đang hiện diện trong hy tế thánh trên đồi Canvê. Điều này cũng sẽ thúc đẩy chúng ta vui vẻ đón nhận những thất bại và đau khổ dọc con đường trần thế của mình, và chủ động tìm kiếm những hy sinh và sám hối tự nguyện trong những điều nhỏ bé hàng ngày. “Vui thay khi có Thập Giá”, một Thánh phụ đã thốt lên như vậy. “Sở hữu Thập Giá là sở hữu một kho báu”. [5] Nhưng sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu nhầm lẫn Thập Giá với ưu buồn, với cam chịu, với vẻ ngoài ủ rủ, bởi vì thực tế hoàn toàn trái ngược: Thập Giá lôi kéo và dẫn chúng ta đến với niềm hạnh phúc trong Đức Kitô, trong Đức Kitô chịu đóng đinh. [6]

Thánh Josemaría đã hiểu rất rõ về hy sinh khi Thiên Chúa đã đi vào lòng Ngài từ khi Ngài còn rất trẻ, chuẩn bị Ngài cho sứ mạng mà Chúa muốn trao phó cho Ngài: lập nên Opus Dei. Ngài đã luôn chấp nhận nhiều đau khổ khác nhau trong đời với một tấm lòng tri ân, cho dù những lúc ấy Ngài không thể hiểu hết chúng. Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Ngài đã mau chóng thấu hiểu chân lý này: Thập Giá mang đến và sẽ luôn mang đến sự bảo đảm về hiệu quả siêu nhiên trong sứ mạng tông đồ.

“Việc chấp nhận phi thường các đau khổ chính là sự chinh phục vĩ đại nhất. Bằng cách chết trên cây Thập Giá, Chúa Giêsu đã chiến thắng cái chết. Thiên Chúa đã mang lại sự sống từ cái chết. Thái độ của một người con Chúa không phải là thái độ cam chịu một số phận có vẻ bi đát; nhưng là ý thức hoàn thành của một người được nếm trước chiến thắng. Nhân danh tình yêu chiến thắng của Chúa Kitô, những người Kitô hữu chúng ta phải ra đi gieo những hạt giống hòa bình và vui mừng vào giữa lòng thế giới bằng tất cả mọi lời nói và việc làm của mình. Chúng ta phải chiến đấu – cuộc chiến của hòa bình – để chống lại sự dữ, chống lại bất công, chống lại tội lỗi. Như thế, chúng ta cho thấy rằng cuộc sống hiện tại của nhân loại không phải là vô vọng. Chỉ có tình yêu của Thiên Chúa, bày tỏ nơi trái tim Đức Kitô, mới đem đến chiến thắng vinh quang siêu nhiên cho con người.” [7]

Hoa trái vui mừng của Thập giá một lần nữa lại được tỏ bày trong Lễ Đức Mẹ Sầu Bi vào ngày 15 tháng 9. Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm Mẹ Maria ở bênh cạnh Con của Mẹ, Đấng bị đóng đinh trên cây gỗ vì yêu và chết cho tội lỗi chúng ta. Thiên Chúa Quan Phòng đã thấy trước sự hiện diện của Mẹ trên đồi Gôngôtha trong những giờ phút ấy, cũng là để Chúa Giêsu có thể trao nhân loại cho Mẹ chăm sóc: Ngài nói: “Thưa Bà, đây là con Bà” [8]. Và Mẹ, giữa nỗi đau khổ tột cùng, đã thật sự mở rộng trái tim Mẹ cho chúng ta, vì Mẹ cũng đã nghe lời Chúa nói với Thánh Gioan: Đây là Mẹ anh [9]. Trong khi Chúa Giêsu chết đi, chúng ta được tái sinh vào sự sống ân sủng, vào một sự sống mới kết hiệp với Thiên Chúa, trong sự cộng tác tích cực của Mẹ Maria.

Rất nhiều thánh và các tác giả thiêng liêng nhấn mạnh rằng: Nếu Đức Mẹ được miễn những đau đớn thể lý khi hạ sinh Chúa Giêsu tại Bêlem, điều đó đã không xảy ra trong giờ phút chúng ta được tái sinh về phần hồn. “Cương vị làm Mẹ nhân loại của Đức Maria, người ‘phụ nữ’ của tiệc cưới Canna và của đồi Canvê, gợi lại hình ảnh Evà, ‘mẹ chúng sinh’ (St 3, 20). Tuy nhiên, trong khi Eva trong quá khứ đã mang tội lỗi vào thế giới, thì Đức Maria, Eva mới, cộng tác vào công cuộc cứu độ…

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã giải thích: “Do sứ mạng này, Đức Mẹ đã được mời gọi thực hiện một hy sinh đau đớn tột cùng là chấp nhận cái chết của người Con duy nhất của mình… Vì thế, tiếng ‘xin vâng’ với kế hoạch này là một sự đồng ý với hy tế của Chúa Kitô, mà Mẹ chấp nhận một cách quảng đại bằng cách thực thi thánh ý Chúa. Dù cho cương vị làm Mẹ toàn thể nhân loại của Đức Maria đã được tiền định từ khởi đầu trong kế hoạch của Thiên Chúa, nhưng chỉ trên đồi Canvê, nhờ hy tế của Chúa Kitô, tất cả chiều kích nhân loại của cương vị ấy mới được tỏ hiện.”[10]

Các con gái, con trai thân mến của Cha, công việc chúng ta đang làm với các linh hồn sẽ mang lại hoa trái dồi dào, nếu với sự hân hoan trong sáng, chúng ta biết kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu trên Thánh Giá, bên cạnh Đức Mẹ sầu bi của chúng ta. “Sự cứu chuộc được hoàn tất khi Chúa Giêsu chết trên Thập Giá, trong ô nhục và vinh quang, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại cho là điên rồ (1 Cr 1, 23). Nhưng bởi thánh ý của Chúa, sự cứu chuộc sẽ được tiếp tục thực hiện cho đến ngày Chúa đến. Không thê sống theo trái tim Chúa Giêsu Kitô mà không biết rằng chúng ta được sai đến, giống như Người xưa kia, để cứu những người tội lỗi (1 Tm 1, 15), với ý thức rõ ràng rằng mỗi ngày bản thân chúng ta cần phó thác cho lòng thương xót Chúa nhiều hơn nữa. Và kết quả là, chúng ta sẽ dưỡng nuôi trong tim mình khao khát mãnh liệt được sống như những người đồng cứu chuộc với Chúa Kitô, để cùng với Ngài cứu rỗi các linh hồn, vì chúng ta là và chúng ta muốn là ipse Christus: chính Chúa Kitô, và Ngài đã tự hiến làm giá chuộc mọi người (1 Tm 2, 6).” [11]

Đó là con đường mà các môn đệ Chúa Giêsu đã theo ngay từ buổi đầu của Kitô giáo. Nhờ sức mạnh Thánh Giá, các Ngài đã loan báo thông điệp Đức Kitô đến những người mình gặp, vốn thường là những người rất xa Chúa. Như thế, với ân sủng Thiên Chúa và sự kiên trì của những người tín hữu đầu tiên này, phép lạ hoán cải thế giới ngoại giáo đã xảy ra.

Ngày 21 tháng 9, chúng ta kính nhớ Thánh Mátthêu, một trong số 12 Tông đồ đầu tiên; theo truyền thống kể lại, sau khi viết sách Tin Mừng mang tên Ngài, Thánh nhân đã tử đạo tại Persia. Ngài đã trải nghiệm nơi chính bản thân mình lòng nhiệt thành của Đấng Cứu Thế đối các linh hồn, khi Ngài được gọi theo Chúa lúc còn đang là người thu thuế, đồng nghĩa là một kẻ tội lỗi công khai theo quan điểm của đại đa số người Israel thời bấy giờ. Đức Thánh Cha Bênêđitô 16 nói rằng: “Chúa Giêsu không loại trừ ai ra khỏi tình bạn của Người. Quả thật, khi ngồi bàn tại nhà Mátthêu-Lêvi, trả lời cho những người bị sốc khi thấy Người kết bạn với những người ít được nhìn nhận là tốt, Ngài đã nói một điều quan trọng: Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến đề kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi (Mc 2, 17). Tin tốt lành của Tin Mừng chính là đây: Ân sủng của Thiên Chúa được trao ban cho người tội lỗi!” [12]

Gương sáng của Chúa Kitô sẽ luôn là một sự khích lệ lòng nhiệt thành tông đồ của tất cả các môn đệ Ngài. Chúng ta cũng thấy mình đang sống trong một xã hội mà tiếc thay, rất nhiều người không biết gì về Chúa (Cha nói thế không phải để bi quan về điều đó). Và nhiều người hành động như thể họ không biết Chúa, xa rời các điều răn và giáo huấn của Ngài. Chúng ta phải nổ lực mang tất cả đến gần Thiên Chúa hơn nữa. Cha nhớ lại niềm hân hoan mà Thánh Sáng lập Hội chúng ta đã thể hiện khi đón nhận giáo huấn của Công đồng Vatican II: “Giáo Hội bày tỏ sự quan tâm cách sâu sắc với một nhiệt tình luôn luôn mới để mang Chân Lý đến với những ai đang bước bên ngoài Con Đường là Chúa Giêsu; vì thế Cha đang bị nung đốt bởi khát vọng là tất cả mọi người đều phải được cứu rỗi.” [13] Trong thực tế hiện nay, gần như khá rõ ràng là các biên giới của hoạt động tông đồ ad fidem đã được mở rộng rất nhiều; đó điều mà Thánh Josemaria rất yêu thích.

Khi làm việc với đồng nghiệp nơi công ty, chúng ta đừng bao giờ để xảy ra tình trạng thiên vị. Như Thánh Josemaría đã nhắc nhở liên tục, không một linh hồn nào bị loại bỏ khỏi lòng bác ái của chúng ta. Hơn nữa, chúng ta phải tỏ ra đặc biệt trìu mến đối với những người xa Chúa nhất. Một lần nọ, Thánh nhân nói: “Kẻ thù của Chúa Kitô buộc tội Người vì Người kết bạn với người tội lỗi. Dĩ nhiên! Và các con cũng vậy! Tuy nhiên, chúng ta sẽ biến đổi họ như thế nào đây ? Chúng ta sẽ mang họ đến vị Bác Sĩ toàn năng như thế nào đây ?

“Dĩ nhiên chúng ta là bạn của những người tội lỗi! Các con có thể làm bạn với họ chừng nào tình bạn đó không gây nguy hại cho đời sống nội tâm của các con, chừng nào sức nóng tâm linh của các con đủ cao để nung nấu họ mà không đánh mất chính mình.

“Vâng, làm bạn với những người tội lỗi, bạn thật sự: qua lời cầu nguyện, qua cách cư xử cao quý, chân thành và vui vẻ của các con; nhưng hãy luôn luôn cẩn thận, đừng đặt linh hồn các con vào nơi nguy hiểm.” [14]

Bất kỳ ai chúng ta gặp, với bất cứ lý do gì, phải khuấy động lên trong tim chúng ta nhiệt tình tông đồ thật sự, một ao ước muốn đem họ đến gần Chúa Kitô hơn. Chúng ta có bổn phận nhóm lên trong mọi người ngọn lửa tình yêu Chúa đang nung nấu trong tim chúng ta. Vì thế, khi chúng ta có liên hệ với bấy kỳ ai, chúng ta phải hỏi chính mình ngay rằng: Tôi có thể khuyến khích người này đến gần Chúa hơn như thế nào đây ? Tôi có thể đề nghị với anh ấy hay cô ấy điều gì đây ? Tôi có thể nói với người đó đề tài gì đây để họ có thể hiểu biết giáo huấn của Chúa hơn ?

Như Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã nói: “Ai đã khám phá được Chúa Kitô thì phải dẫn những người khác đến với Người. Một niềm vui to lớn không thể giữ riêng cho bản thân mình. Nó phải được chuyển tiếp.” [15] Đó là điều mà những người tin theo Chúa đã luôn làm. Thánh Grêgôriô Cả dạy: “Khi các con tìm thấy điều gì đó giúp ích cho mình, hãy cố gắng lôi kéo người khác đến với điều đó. Các con phải ao ước có nhiều người khác đồng hành cùng các con trên những nẻo đường của Chúa. Ví dụ, khi các con đang đi họp bạn hoặc đi tắm hơi, các con gặp ai đó đang rảnh rỗi, thế nào các con cũng mời họ cùng đi với các con. Vậy, hãy áp dụng thói quen trần thế này vào đời sống thiêng liêng: Khi các con đến với Chúa, đừng đi một mình.” [16]

Cha đã kể cho các con nghe những hồi tưởng của Cha về những ngày Thánh Josemaría ở Ecuador, Ngài dâng chính mình nhiều hơn nữa mà không phàn nàn một lời rằng mình không đủ sức khỏe cần thiết. Ở Pêru cũng vậy, khi Cha dành nhiều thời giờ với Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể, đến với Đức Maria và Thánh Giuse; và tại Brazil, cùng với sự đa dạng đáng kinh ngạc của dân cư tại đó là niềm hy vọng về mùa gặt của Thiên Chúa.

Cách đây vài ngày, nhận lời mời của Đức Giám Mục Torun ở Ba Lan, Cha đã tham dự nghi thức đặt tên một nhà thờ tại đó theo tên Thánh Josemaría và đặt thánh tích của Ngài. Thật là một niềm vui lớn lao khi thấy lòng sùng kính Đấng Sáng lập lan rộng khắp thế giới, đánh thức niềm khao khát được nên thánh trong công việc thường nhật nơi vô số các tâm hồn. Hãy cùng Cha dâng lời tạ ơn Chúa.

Và hãy cầu nguyện cho các anh em của các con mà Cha tấn phong làm linh mục ở Torreciudad vào ngày 5 tháng 9. Hãy tiếp tục cầu nguyện mỗi ngày, kết hợp với ý nguyện của Cha, cầu cho Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám Mục và các linh mục trên toàn thế giới.

Với tất cả lòng yêu mến, Cha chúc lành cho các con.

Cha của các con,

Javier

Solingen, ngày 1 tháng 9 năm 2010.

Chú thích:

1. Ga 3, 16.

2. x. Pl 2, 8.

3. Đức Thánh Cha Biển Đức 16, Bài giảng lễ, 14 tháng 9, 2008.

4. Thánh Josemaría, Christ Is Passing By, số 105.

5. Thánh Anrê thành Crete, Bải giảng số 10, Suy Tôn Thánh Giá (PG 97, 1020).

6. x.Cl 1, 23.

7. Thánh Josemaría, Christ Is Passing By, số 168.

8. Ga 19, 26.

9. Cùng đoạn, 27.

10. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Bài phát biểu trong buổi yết kiến chung, 23 tháng 4, 1997.

11. Thánh Josemaría, Christ Is Passing By, số 121.

12. Đức Thánh Cha Biển Đức 16, Bài phát biểu trong buổi yết kiến chung, 30 tháng 8, 2006.

13. Thánh Josemaría, Những Người Bạn Của Chúa, số 226.

14. Thánh Josemaría, Ghi lại trong giờ suy ngẫm, 15 tháng 4, 1954.

15. Đức Thánh Cha Biển Đức 16, Bài giảng lễ, 21 tháng 8, 2005.

16. Thánh Grêgôriô Cả, Giảng giải Tin mừng 6:6 (PL 76, 1098).