Thư Đức Giám Quản – Tháng 6/2011

Dẫn lời của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, Đức Giám Quản viết: "Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và Lễ Mình Máu Thánh Chúa là những lời mời gọi tái khám phá hoa trái của việc tôn kính Thánh Thể."

Các con thân mến: Nguyện xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con của Cha!

Cách đây vài năm, trong một buổi Giáo lý dành cho các em nhỏ chuẩn bị Rước lễ Lần đầu, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã giải thích việc tôn thờ Thiên Chúa có nghĩa là gì. Ngài nói: “Tôn thờ nghĩa là nhận thức được rằng Chúa Giêsu là Chúa của tôi, Chúa Giêsu chỉ cho tôi con đường phải đi, và tôi chỉ có thể sống tốt khi tôi biết con đường mà Chúa Giêsu đã chỉ và đi theo lối Ngài hướng dẫn. Như vậy, tôn thờ có nghĩa là nói rằng: ‘Giêsu ơi, con thuộc về Ngài. Con sẽ theo Ngài trọn đời con; con không bao giờ muốn đánh mất tình bạn này, đánh mất sự kết hiệp này với Ngài.’ Cha cũng có thể nói rằng tôn thờ chính là ôm lấy Chúa Giêsu và thưa với Ngài: ‘Con thuộc về Ngài, xin Ngài hãy ở cùng con luôn mãi’.”[1]

Trong câu trả lời đơn giản trên, ta thấy được ý nghĩa nền tảng của thái độ mà chúng ta, là những thụ tạo, phải có đối với Đấng Tạo Hóa. Cha thiết nghĩ mình cũng có thể dùng đó như ý chỉ chung cho các ngày lễ chúng ta sắp cử hành trong những tuần tới: thờ lạy và tạ ơn Chúa chúng ta, vì tất cả những quà tặng mà Người đã và đang ân ban cho chúng ta.

Hôm qua là ngày Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng. Trong những lời Thánh Elizabeth nói với Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã mang Chúa Kitô trong cung lòng thanh khiết của mình, chúng ta nhận thấy có lòng tôn thờ sâu sa đối với Ngôi Lời nhập thể. Vài tháng sau, Chúa Giêsu được các mục đồng đơn sơ thờ lạy; rồi cả những nhà thông thái tìm đến Bêlem để sấp mình bái lạy Vua dân Do Thái. Thánh Mátthêu kể cho chúng ta biết khi họ đến nơi ngôi sao dừng lại, vào nhà, họ thấy Hài Nhi trong tay Mẹ Ngài, và họ sấp mình thờ lạy Người.[2]

Những con người vĩ đại trên thế giới đã sấp mình thờ lạy Hài Nhi ấy, vì ánh sáng đức tin đã cho họ nhận ra chính Thiên Chúa. Ngược lại, tội lỗi - đặc biệt là tội trọng - khiến con người không muốn nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa, không muốn sấp mình trước Người; như Ađam và Evà trong Vườn Địa đàng, họ tìm cách trở nên giống Thiên Chúa, biết điều thiện điều ác.[3] Nguyên tổ chúng ta, với lòng kiêu ngạo, đã có tham vọng tự chủ, muốn tách biệt hoàn toàn khỏi Thiên Chúa. Bị Satan cám dỗ, nguyên tổ đã không muốn nhìn nhận quyến năng tối cao của Đấng Tạo Hóa cũng như tình yêu của người Cha nhân hậu. Đây là bất hạnh lớn nhất của nhân loại, của con người mọi thời đại, như Thánh Phaolô đã nhắc nhở trong những dòng đầu thư gửi tín hữu Rôma. Đối với vị Tông đồ này, tội của những người ngoại giáo là lấy sự bất chính giam hãm chân lý,[4] không thể nhìn nhận Chúa chính là Thiên Chúa và tôn thờ Người mặc cho có rất nhiều dấu hiệu nhận biết. Sau khi nhận biết Thiên Chúa qua vũ trụ kỳ diệu, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội.[5] 

Bi kịch này lặp lại trong xã hội ngày nay ở nhiều nơi trên thế giới. Không phải Cha đang cường điệu hóa, cũng không phải Cha đang bi quan; ngược lại, đây là một thực tế mà chúng ta không thể lơ là bỏ qua, nhưng ngược lại phải thúc đẩy chúng ta rao truyền niềm vui của Chân lý. Cha xin nhấn mạnh: ý thức về việc tôn thờ đã bị đánh mất trong nhiều lĩnh vực trên thế giới; và các Kitô hữu kiên định, với niềm lạc quan siêu nhiên và tự nhiên, được mời gọi khôi phục lại thái độ thờ phượng này nơi những người sống quanh mình, đó là thái độ duy nhất xứng hợp với thân phận thực sự của những thụ tạo. Khi không tôn thờ Thiên Chúa nữa, con người sẽ tôn thờ chính bản thân mình theo đủ kiểu mà lịch sử nhân loại đã cho thấy: quyền lực, khoái lạc, giàu có, khoa học, sắc đẹp… Bằng cách đó, họ không nhận ra rằng tất cả những điều này, khi tách ra khỏi nền tảng của chúng trong Thiên Chúa, sẽ hư mất đi: “Không có Đấng Tạo Hóa thì tạo vật tiêu tan”,[6] Công đồng Vatican II đã đúc kết như vậy. Vì thế, việc tối quan trọng của tái phúc âm hóa là giúp cho những người kề cận chúng ta tái khám phá nhu cầu và ý nghĩa của việc tôn thờ. Các Lễ trọng sắp tới, Lễ Thăng Thiên, Lễ Hiện Xuống và Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, là một lời mời gọi “để tái khám phá hoa trái của việc tôn thờ Thánh Thể… một điều kiện tiên quyết để sinh nhiều hoa quả (x. Ga 15, 5). Như thế, chúng ta tránh được việc làm giảm giá trị công tác tông đồ của mình bằng những hoạt động bên ngoài trống rỗng, nhưng đảm bảo mang lại những chứng tá cho tình yêu Thiên Chúa.”[7]

“Ước gì lời cầu nguyện của các con luôn là một hành vi tôn thờ Thiên Chúa thật sự và chân thành,”[8] Cha chúng ta đã viết như thế trong tập sách Lò rèn. Nhiều biết bao những khoảnh khắc tôn thờ mà chúng ta có thể tìm thấy trong ngày sống của mình, nếu chúng ta thực sự ý thức! Từ việc dâng công việc của chúng ta lúc sáng cho đến khi xét mình lúc tối, trọn ngày sống của chúng ta có thể và phải trở nên lời cầu nguyện, để tôn kính Thiên Chúa chúng ta.

Trên tất cả, Thánh Lễ là một hành vi tôn thờ Ba Ngôi Chí Thánh, qua Chúa Giêsu Kitô và hiệp nhất với Ngài. Trong kinh Vinh Danh, chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa vì vinh quang cao cả Chúa: không phải vì những quà tặng mà Ngài ban cho chúng ta, nhưng đơn giản là vì Ngài là Thiên Chúa, bởi vì Ngài hiện hữu, bởi vì Ngài cao cả. Trong kinh Thánh, Thánh, Thánh, đồng thanh cùng các thần thánh thiên quốc, chúng ta tung hô Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa các Đạo binh, đấy là một trong những cách thức cao trọng nhất để tôn thờ Thiên Chúa. Nhiều dịp khác trong ngày, chúng ta cầu nguyện trực tiếp cùng Ba Ngôi Thiên Chúa: Vinh danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Những lần quỳ gối trước Nhà Tạm – với ý thức về việc chúng ta làm, kèm với hành vi nhận thức nội tâm, như Thánh Josemaría đã gợi ý – cũng là những hành vi tôn thờ tuyệt vời. 

Mỗi người các con hãy tìm một cách thật riêng biệt để ở trong sự hiện diện của Chúa cách tích cực nhiều giờ trong ngày, bày tỏ với Người lòng tôn kính của những người con thảo. Có khi đó là một niềm khao khát khởi hứng từ các Thánh Vịnh hay các sách thiêng liêng, đặc biệt là các sách Tin Mừng; khi khác có thể dùng những lời mà Cha Thánh Sáng lập Hội chúng ta đã dạy nhằm thúc đẩy ta trung thành trong mối tương quan với Thiên Chúa, Ngài đã chia sẻ kinh nghiệm cho chúng ta, dạy chúng ta điều chúng ta phải làm để có một cuộc đối thoại thân mật với Thiên Chúa. “Mỗi người các con có thể nói những gì mình thích. Một lời bộc phát, một lời khen ‘ngọt ngào’ - như cách ở quê Cha người ta thường gọi, một lời yêu thương. Khi yêu, người ta không cần ai dạy cho phải dùng ngôn từ gì: những lời cần nói sẽ phát lên đúng lúc từ con tim.”[9]

Năm nay, ở nhiều nơi, Lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô được cử hành vào ngày 26 tháng 6, là ngày lễ kính Thánh Josemaría. Sự trùng hợp này làm Cha thật hân hoan, vì Cha chúng ta vô cùng yêu mến Thánh Thể. Cha đề nghị rằng vào ngày ấy (hay vào thứ năm trước đó, nếu lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành vào ngày 23), đặc biệt là nếu các con có thể tham dự kiệu Thánh Thể, thì các con hãy sống buổi lễ long trọng ấy trong hiệp nhất với cách thức Cha chúng ta đang thực hiện, ngay giờ đây trên Thiên Đàng, Ngài luôn được tôn thờ Nhân Tính Cực Thánh của Chúa Giêsu.

Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI đã nhấn mạnh một trong những yếu tố chính của kiệu Thánh Thể ngày nay là “quỳ gối tôn thờ trước Thiên Chúa. Tôn thờ Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã vì yêu mà biến mình thành tấm bánh bị bẻ ra, đó là phương thuốc triệt để và hiệu quả nhất chống lại việc tôn thờ ngẫu tượng từ xưa đến nay. Quỳ gối trước Thánh Thể là biểu lộ sự tự do: những ai cúi mình trước Chúa Giêsu thì không thể và không phải cúi đầu trước bất kỳ uy lực trần gian nào, cho dù hùng mạnh đến đâu đi nữa. Người Kitô hữu chúng ta chỉ bái quỳ trước Thiên Chúa hay trước Mình Máu Cực Thánh vì chúng ta biết và tin rằng Thiên Chúa duy nhất chân thật đang hiện diện nơi đó, Thiên Chúa đã tạo thành thế giới và đã yêu đến nỗi tặng ban Người Con duy nhất của mình (x. Ga 3, 16).” [10]

“Chúng ta biết rõ bài ca mà người Kitô hữu mọi thời đại không ngừng cất lên để tôn vinh Thánh Thể:

‘Nào ca hát để họp mừng mầu nhiệm

Vua muôn dân đã hiến trót thân mình

Dâng máu đào làm lễ tế hy sinh

Làm giá chuộc muôn người trên thế giới. 

Người tự hiến cho ta nên chẳng ngại

Sinh làm con Ðức Trinh Nữ vẹn toàn.

(Thánh thi Nào ca hát).

Chúng ta phải sốt sắng tôn thờ Thiên Chúa chúng ta, ẩn mình nơi Bánh Thánh (x.Thánh thi Con thờ lạy Chúa) – đó chính là Chúa Giêsu, Đấng được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, đã chịu khổ nạn và hiến tế thân mình trên thập giá; từ cạnh sườn Người bị mũi đòng đâm thâu, máu và nước chảy ra (x. Thánh Thi Chúc tụng Ngôi Lời nhập thể.)” [11]

Khi chúng ta quỳ gối trước Chúa Giêsu ngự trong Bí tích Thánh Thể (dù ẩn mình trong nhà tạm hay được đặt trên bàn thờ), chúng ta đang tôn thờ Con Chiên của Hy Tế Canvê, Người hiện diện trong Thánh Lễ. Không có bất kỳ mâu thuẫn nào giữa việc tôn thờ Thánh Thể trong và ngoài Thánh Lễ; ngược lại đó là sự hòa hợp và hiệp nhất mật thiết. “Trong Thánh Thể, Con Thiên Chúa đến gặp chúng ta và mong muốn trở nên một với chúng ta; tôn thờ Thánh Thể chính là kết quả tự nhiên của việc cử hành Thánh Thể, vốn là hành vi thờ phượng cao quý nhất của Hội Thánh... Hành vi thờ phượng ngoài Thánh Lễ tiếp nối và gia tăng tất cả những gì diễn ra trong việc cử hành nghi thức phụng vụ.” [12]

Vậy, trong những tuần sắp tới đây, chúng ta hãy quan tâm nhiều hơn đến việc sùng kính Thánh Thể. Hãy đặt trọn tâm hồn mình vào việc lắng nghe Lời Chúa, suy niệm Kinh Thánh, những bài ca phụng vụ, những lời nguyện mà mỗi người trong chúng ta thốt lên trước Bí Tích Cực Thánh đó. Chúng ta hãy nổ lực đong đầy những khoảnh khắc thinh lặng mà phụng vụ khuyến khích bằng một cuộc đối thoại nội tâm đích thực với Chúa Kitô trong Thánh Thể, một cuộc đối thoại giữa Lòng với lòng. Thật là đúng lúc thực hành lời khuyên của Đấng Sáng Lập: “Hãy đặt nhiều tình yêu hơn vào cái bái quỳ chào Chúa mỗi khi con đến và rời một Trung tâm. Dù rằng các con không thốt lên lời nào, thì cũng hãy đến với Ngài trong tâm hồn: Giêsu ơi, con tin Ngài, con yêu Ngài; xin tha thứ cho những đứa con bé nhỏ của Ngài nếu chúng con có bất trung. Hãy nói bất cứ điều gì xuất hiện trong đầu các con trong khoảnh khắc đó, cách tự phát. Cha không đọc các lời ấy cho các con như cho đứa trẻ lên ba. Và nếu cho đến giờ, các con chưa làm điều đó, thì các con hãy nhớ và làm trong tương lai nhé.

“Cha cũng hay nói với các con về những lời nguyện tự phát cá nhân mà mỗi người chúng ta hay thốt lên. Đó có thể là một lời tán dương, một tiếng reo ca tụng, vui mừng, thân thiết, nhiệt thành, yêu thương ! –  tất cả bắn ra từ tâm hồn chúng ta như một mũi tên... Tất cả vì yêu mến và hiến dâng.” [13]

Cha cũng không dấu các con điều mà Cha thường xuyên nghĩ đến, đó là những lời nói của Thánh Josemaría: “Con đã đánh cắp của Chúa biết bao vinh quang!” Ngài nghĩ rằng Ngài đã có thể nhiệt thành hơn trong việc phụng thờ vô điều kiện Ba Ngôi Cực Thánh. Chúng ta có đang nuôi dưỡng ước mong dâng tất cả vinh quang cho Thiên Chúa hay không: Tất cà vì vinh danh Thiên Chúa? Chúng ta có luôn hành động với ý ngay lành không? Chúng ta có dâng lên Thiên Chúa những điều bình thường và cả những chuyện phi thường không?

Ngày 25 tháng 6, chúng ta kỷ niệm lễ thụ phong những Linh mục đầu tiên của Opus Dei. Ba người con của Cha chúng ta - don Álvaro, don José María, don José Luis - lãnh nhận chức thánh vào năm 1944, đã không ngần ngại gác qua bên hiện tại và tương lai nghề nghiệp đầy hứa hẹn, để đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa, Đấng đã gọi họ vào thiên chức Linh mục thông qua Cha chúng ta. Đối với họ, đó không phải là một “hy sinh” theo nghĩa thông thường người ta vẫn hiểu từ này. Đúng hơn là họ đã đáp trả cách mau mắn và hân hoan tiếng gọi thiêng liêng mới mẻ này, biết rằng đó là một cách thức khác để phục vụ Thiên Chúa, Giáo Hội và các linh hồn, với cùng một sự dâng hiến như các tín hữu khác trong Opus Dei.

Chúng ta hãy xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Cha chúng ta và của ba vị linh mục đầu tiên ấy, cho tinh thần này sẽ được giữ gìn nguyên vẹn nơi Giáo hạt Tòng nhân Opus Dei, để chúng ta có được những vị Linh mục cần thiết cho sự phát triển công tác tông đồ; và để mỗi người chúng ta có thể cảm nhận được cách mạnh mẽ “gánh nặng thiêng liêng” của tâm hồn linh mục nơi chính mình. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho trên khắp thế giới, trong toàn Giáo Hội, có nhiều bạn trẻ cũng như những người lớn tuổi khác dấn bước trên con đường Linh mục, vâng theo tiếng gọi của vị Mục tử Tốt lành.

Xin tiếp tục cầu nguyện cho những dự định của Cha. Xin cầu nguyện cho chuyến viếng thăm Cộng hòa Croatia của Đức Giáo Hoàng trong những ngày đầu tháng này. Mong cho trọn đời sống chúng ta là một lời nguyện cầu dâng lên Thiên Chúa xin giúp chúng ta chu toàn thánh Ý Người, với việc dâng hiến mình cách trọn vẹn, không ngừng quảng đại, tin chắc rằng, mỗi khi có hai hay nhiều người hiệp nhất trong lời cầu nguyện, Thiên Chúa Cha sẽ không quên lắng nghe họ. [14]

Trong mỗi lá thư, Cha cũng muốn nhắc các con về những dịp kỷ niệm khác nhau trong lịch sử Hội, lịch sử của bản thân chúng ta, vì chúng ta nên nhớ những lời này: “Khi Chúa là Thiên Chúa chúng ta định liệu một công trình ích lợi cho con người, thì trước hết Người lưu tâm đến những con người mà Người muốn dùng như công cụ của mình... và Người ban cho họ những ơn cần thiết.” [15]

Với tất cả lòng yêu mến, Cha chúc lành cho các con.

Cha của các con,

Javier

 

Rôma, ngày 1 tháng 6 năm 2011

Ghi chú: [1] Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, trong một buổi hỏi đáp Giáo lý với các em thiếu nhi chuẩn bị Rước lễ Lần đầu, ngày 15 tháng 10 năm 2005.

[2] Mt 2,11

[3] St 3,5

[4] x. Rm 1,18

[5] Tài liệu vừa dẫn, 21.

[6] Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 36.

[7] Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, Bài giảng Đại hội Giáo phận Rôma, ngày 15 tháng 6 năm 2010.

[8] Thánh Josemaría, Lò rèn, số 263.

[9] Thánh Josemaría, Những ghi chép trong buổi họp mặt các gia đình, ngày 26 tháng 3 năm 1972.

[10] Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, Bài giảng Lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, ngày 22 tháng 5 năm 2008.

[11] Thánh Josemaría,Khi Chúa Giêsu đi ngang qua, số 84.

[12] Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, Tông huấn về Bí tích Thánh Thể (Sacramentum Caritatis), ngày 22 tháng 2 năm 2007, số 66.

[13] Thánh Josemaría, Những ghi chép trong buổi họp mặt các gia đình, ngày 1 tháng 6 năm 1972.

[14] x.. Mt 18,19.

[15] Thánh Josemaría, Lời Giới thiệu, 19 tháng 3 năm 1934, số 48.