Thư Đức Giám Quản – Tháng 5/2011

Đức Giám Mục Javier Echeverría nhấn mạnh ba lý do đặc biệt vui mừng trong tháng này: niềm vui mùa Phục Sinh, tuyên phong chân phước Đức Gioan Phaolô II, và bắt đầu tháng kính Đức Mẹ.

Các con thân mến: Nguyện xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con của Cha!

Bây giờ và mãi về sau, tâm hồn chúng ta vẫn còn âm vang niềm vui của Giáo Hội: surrexit Dominus vere et apparuit Simoni; Thiên Chúa đã sống lại thật và hiện ra với Simôn![1] Với tiếng reo mừng siêu nhiên và tự nhiên này, vào chiều lễ Phục sinh đầu tiên của Kitô giáo, nơi phòng tiệc ly ở Giêrusalem, các Tông đồ đã đón hai môn đệ vội vã trở về từ Emmau. Cleophas và người bạn đường của mình đã kể rằng Chúa Giêsu đã hiện ra với hai ông trên đường đến làng và thậm chí đã ngồi cùng bàn với hai ông.

Chúng ta dễ dàng hiểu được sự ngạc nhiên của các ông, những người đã chứng kiến cái chết ô nhục của Thầy mình! Cũng chính vì thế các ông đã không tin lời những người phụ nữ thánh thiện đã đến ngôi mộ trống từ sáng sớm thuật lại lời loan báo kỳ lạ mà họ được nghe: Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.[2] Song (Thiên Chúa chúng ta gần gũi biết bao!) Chúa Giêsu mong muốn an ủi những người bạn của Ngài sớm hơn, phục hồi lòng tin và niềm vui của các ông, Ngài không thể chờ đợi đến cái hẹn tại Galilê. Ngay chiều hôm ấy, Ngài vào phòng nơi các ông đang ngồi, các cửa đều đóng kín vì các ông sợ người Do Thái,[3] Ngài chào các ông: Bình an cho anh em. Thánh Luca thuật lại cho chúng ta: Các Tông đồ kinh hồn bạc vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? [4] Rồi Ngài hỏi các ông có gì ăn không để các ông có thể tin chắc rằng đó thật là Ngài - Thầy tốt lành đã chiến thắng ác thần và tội lỗi, Đấng đã bẻ gãy xiềng xích của sự chết.

Suốt tuần lễ đầu tiên của mùa Phục sinh, Giáo hội hân hoan suy niệm các đoạn Tin Mừng thuật lại việc sống lại của Chúa Kitô. Giáo Hội suy niệm với lòng biết ơn và xúc động thẳm sâu, được đong đầy bằng niềm tin vào chiến thắng của Thiên Chúa. Đó là sự kiện độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại; sự kiện đó đồng thời báo trước sự phục sinh của vạn vật trong ngày sau hết. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta đã được tháp nhập vào Chúa Kitô và được chung phần với cái chết và sự phục sinh của Ngài. Chết cho tội lỗi và sống lại cho đời sống ân sủng, giờ đây chúng ta bước đi với cuộc sống mới, trong khi chờ đợi thân xác ta được tái sinh hoàn toàn. Bởi như Thánh Phaolô đã viết: Nếu chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại.[5]

Môt lần nữa chúng ta ngạc nhiên trước quyền năng vô hạn và lòng thương xót của Thiên Chúa. Sự phục sinh của Đức Kitô không đơn thuần có nghĩa là quay trở lại cuộc sống lúc trước như trường hợp của Lazarô, của con gái ông Giarô hay của người con trai bà góa thành Naim, những người được Chúa gọi dậy từ cái chết thể lý và kéo dài sự tồn tại nơi trần thế của họ thêm một vài năm nữa cho đến khi họ sẽ chết một lần nữa. Các chứng chân Tin mừng cho chúng ta biết trong ‘sự Phục sinh của Con Người’, có một cái gì hoàn toàn khác đã diễn ra. Sự phục sinh của Chúa Kitô là bước vào một trạng thái sống hoàn toàn mới, vào một sự sống không còn bị chi phối bởi quy luật sinh tử, nhưng nằm ngoài quy luật đó, một sự sống đã khai mở một chiều kích mới cho nhân loại. Vì thế, sự Phục sinh của Chúa Giêsu không phải là một sự kiện riêng lẻ mà chúng ta có thể đặt qua một bên như một cái gì đó đã diễn ra trong quá khứ; trái lại nó như một ‘bước nhảy vọt’ của lịch sử… Trong sự Phục sinh của Chúa Giêsu, một khả năng mới cho sự tồn tại của con người đã được đạt đến, có tác động đến mỗi người và mở ra một tương lai, một dạng tương lai mới, cho nhân loại.”[6]

Trong lịch sử thế giới, tuyên bố về sự sống lại của Chúa Kitô là “tin mừng” trổi vượt. Để làm chứng cho việc ấy, các Tông đồ đã đi khắp thế giới, lướt thắng mọi nỗi sợ hãi. Các Thánh Tử đạo mạnh mẽ trong mọi gian khổ, thậm chí là cái chết. Rất nhiều các Thánh Hiển tu và các Thánh Đồng trinh đã gạt sang bên mọi tham vọng và an nhàn, để hết sức nổ lực cho những giá trị vĩnh cửu. Rồi vô số các Kitô hữu bình dị qua nhiều thế kỷ luôn hướng lòng về Thiên Đàng, trong khi họ làm việc với lòng ngay thẳng và tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho nhân loại giữa những mối bận tâm của thế giới này. 

Điều làm cho sự Phục sinh của Chúa Kitô trở nên đặc biệt như thế chính là Nhân tính Cực thánh của Ngài, với thân xác và linh hồn tái hợp, đã được biến đổi trọn vẹn trong vinh quang của Thiên Chúa Cha bằng sức mạnh Chúa Thánh Thần, như trong các trình thuật về việc Chúa hiện ra cho các môn đệ, trong khi bản chất con người thật của Ngài vẫn không bị phả hủy. Chắc hẳn, sự kiện đó vượt ra ngoài trải nghiệm của chúng ta. Biến cố lịch sử này, dựa vào lời làm chứng của những nhân chứng đáng tin cậy, trở thành sự kiện nền tảng cho đức tin siêu nhiên. Như Thánh Agustinô đã nói: “Không có gì vĩ đại khi tin rằng Chúa Kitô đã chết…Ai nấy đều tin rằng Chúa Kitô đã chết. Nhưng việc Ngài đã sống dậy từ cõi chết mới chính là niềm tin của các Kitô hữu. Tin rằng Ngài đã sống lại chính là điều vĩ đại nhất.”[7]

Có thể đôi khi chúng ta tự hỏi vì sao sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã không tỏ mình cho tất cả mọi người để họ tin vào Ngài. Đức Giáo Hoàng Bênêđitô 16 viết như sau: “Căn nguyên của những điều mới mẻ thì luôn nhỏ nhặt, thực ra không thể nhìn thấy được, và dễ bị bỏ qua. Chính Chúa đã nói với chúng ta rằng ‘nước trời’ trên thế gian này như hạt cải, hạt giống nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt (x. Mt 13, 31-32), nhưng trong nó chứa đựng những tiềm năng vô cùng của Thiên Chúa.”[8] Và Đức Giáo Hoàng kết luận: “Như vậy, sự Phục sinh đã đi vào thế giới qua những cuộc hiện ra diệu kỳ dành cho một số ít được tuyển chọn. Thế nhưng, nó thật sự là một khởi đầu mới mà thế giới đang âm thầm chờ đợi.”[9]

Qua nhiều thế kỷ, niềm tin vào việc Chúa sống lại đã loan truyền trên toàn thế giới; niềm tin ấy bén rễ nơi các nền văn hóa và văn minh mới, với sự trợ giúp của các tín hữu, những chi thể trong Thân thể Nhiệm mầu đang trên cuộc lữ hành nơi trần gian. Như Thánh Josemaría khẳng định mạnh mẽ, giờ đây, điều đó phụ thuộc vào bạn và tôi, vào tất cả mọi Kitô hữu, để làm chứng cho Chúa Kitô bằng cách cư xử và lời nói của chúng ta.

“Do đó, Tin mừng Phục sinh đòi hỏi hành động của các chứng nhân nhiệt thành và can đảm. Mỗi môn đệ Chúa Kitô, và mỗi một người chúng ta, được gọi làm chứng nhân. Đó là lệnh truyền cụ thể, đầy đòi hỏi và hào hứng của chính Đấng Phục Sinh. Cái “mới” của cuộc sống mới trong Chúa Kitô phải chiếu rọi cuộc đời các Kitô hữu; nó phải sống động và tích cực nơi những ai mang nó, thật sự có khả năng biến chuyển con tim và cả cuộc sống.”[10] Chúng ta có nuôi dưỡng mỗi ngày một niềm tin vững chắc, mạnh mẽ vào chiến thắng của Chúa chúng ta không? Ý thức về việc Đức Kitô đã thực sự sống lại có làm chúng ta xác tín trên con đường của mình không? Chúng ta có kiên trì nỗ lực làm cho những người quanh ta nhận biết điều đó nơi mọi giao lộ trong cuộc lữ hành trần thế của chúng ta không?

Vì tất cả những lý do đó, “lễ Phục Sinh là thời gian của niềm vui – một niềm vui không bị giới hạn trong khoảng thời gian này của lịch phụng vụ, nhưng được tìm thấy thực sự tròn đầy nơi trái tim người Kitô hữu. Vì Chúa đang sống. Ngài không phải là một người nào đó đã ra đi, một ai đó đã sống trước đây và đã qua đời, để lại cho chúng ta một gương mẫu vĩ đại và ký ức tuyệt vời. Không, Chúa Kitô đang sống. Chúa Giêsu là Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Sự Phục sinh của Ngài cho chúng ta thấy Thiên Chúa không bỏ rơi những kẻ thuộc về Ngài.”[11]

Trong khi đang ở cùng Cha Ngài trong vinh quang, Đức Giêsu Kitô vẫn tiếp tục hiện diện trong Giáo Hội, đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể, và nơi tâm hồn mỗi Kitô hữu qua ân sủng. Nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta đã được lãnh nhận sự sống mới mà Chúa chúng ta sở hữu toàn vẹn; các Bí tích khác làm cho sự hiện hữu siêu nhiên này ngày càng trở nên hoàn thiện hơn nơi ta. Chỉ với sự phục sinh của thân xác thì vinh quang trọn vẹn mà Vị Thủ Lãnh của chúng ta, là Chúa Giêsu, đang nắm giữ, cùng với Mẹ Thánh của Ngài, cũng là Mẹ chúng ta, sẽ được hoàn tất viên mãn nơi các chi thể của Thân thể Mầu nhiệm thể Ngài. Tuy nhiên, như Đấng sáng lập đã nhấn mạnh: “Đức tin dạy ta rằng con người, trong tình trạng ân sủng, thì được thánh hóa – nghĩa là được đong đầy Thiên Chúa. Chúng ta là những con người, nam và nữ, chúng ta không phải là các thiên thần. Chúng ta có thân xác và máu huyết, là con người với những xúc cảm và đam mê, những muộn phiền và niềm vui. Vậy nên sự thánh hóa có ảnh hưởng đến mọi thứ của con người; đây là một cách thức nếm trải trước sự phục sinh chung cuộc.”[12] Liệu rằng tâm hồn chúng ta có trổi lên lời tạ ơn vì ý thức rằng chúng ta là những người con của Chúa Cha, trong Chúa Giêsu Kitô, bởi Chúa Thánh Thần. 

Việc nếm trải vinh quang chung cuộc chiếu sáng tỏ tường hơn nơi đời sống của các thánh, đặc biệt là những vị mà Hội Thánh nêu lên như một gương mẫu về nhân đức và mời gọi chúng ta sùng kính. Như lẽ tự nhiên, chiến thắng chung cuộc của những anh chị em này mang lại cho ta niềm vui khôn tả. Và hôm nay, ngày 1 tháng 5, niềm vui của chúng ta trở nên đặc biệt mãnh liệt, do Lễ Tuyên phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II đáng mến. Cho dầu đại đa số các con không thể đến Rôma để tham dự buổi lễ này, nhưng tất cả chúng ta cảm thấy hiệp thông rất gần gũi trong dịp đại lễ này của toàn thể Giáo Hội. 

Tất cả chúng ta đều biết vị Giáo Hoàng tuyệt vời này, người đã quảng đại cống hiến đời mình cho các linh hồn cho đến tận giây phút cuối cuộc đời của Ngài nơi dương thế. Chúng ta đã chứng kiến lòng tin mạnh mẽ của Ngài, niềm hy vọng kiên định, và lòng nhân hậu nhiệt huyết của Ngài đã ôm lấy hết mọi người. Hơn thế, ở Opus Dei, như Cha đã nhắc các con trong nhiều dịp, chúng ta mang một “món nợ” là lòng biết ơn lớn lao đối với vị tân Chân phước; trên hết là vì Đức Gioan Phaolô II là công cụ Thiên Chúa dùng để ban cho chúng ta cơ cấu pháp luật của Hội (Opus Dei) và việc phong thánh cho Thánh Josemaría. Thật tự nhiên, chúng ta cảm thấy một nỗi vui mừng đặc biệt khi Ngài được tôn kính trên bàn thờ và chúng ta tạ ơn Chúa vì món quà Ngài đã ban tặng cho Hội Thánh. Bản thân Cha sẽ cử hành một Thánh Lễ tạ ơn trọng thể vào ngày 3 tháng 5. Nếu có thể, các con hãy hiệp ý vào Thánh Lễ Cha dâng hôm ấy, cầu xin cho tất cả ý định mà Cha sẽ trình lên Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của vị tân Chân phước. 

Chúng ta cũng bắt đầu bước vào tháng Năm. Trong những tuần này, Hội Thánh mời gọi chúng ta tôn vinh Đức Maria Chí Thánh cách đặc biệt. Cha đề nghị các con hãy xin Cha Thánh Josemaria của chúng ta và Đức Gioan Phaolô II chuyển cầu để trong những ngày tiếp theo lễ phong Chân phước của Đức Cố Giáo Hoàng, chúng ta được ơn yêu thương và tôn kính Mẹ Thiên Chúa với tất cả sức lực của chúng ta. Karol Wojtyla, từ thưở thiếu thời, đã tự hiến mình hoàn toàn cho Đức Maria, như khẩu hiệu được đính trên áo giám mục của Ngài có chữ: Totus Tuus. Thánh Josemaria cũng muốn là một thần dân tuyệt đối trung thành của Nữ Vương Thiên Đàng. Ngày 28 tháng 12 năm 1931, nhân dịp lễ của các nữ tu dòng Thánh Elizabeth vào ngày lễ các Thánh Anh Hài, Thánh nhân đã viết: “Lạy Đức Bà của con, không bao giờ con muốn Bà ngưng làm Chủ Nhân và Nữ Hoàng của muôn loài thọ tạo.” [13] 

Chúng ta cũng vậy, những ai muốn được hoàn toàn thuộc về Chúa, phải đi con đường Maria mà Thánh Josemaria để lại cho chúng ta như một di sản: "Nếu có một việc gì đó mà Cha muốn các con bắt chước Cha, thì đó chính là tình yêu Cha dành cho Mẹ Maria." [14] Tháng này cho chúng ta một cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy lòng sùng kính Đức Mẹ bằng các cuộc hành hương truyền thống tháng Năm. Trong những ngày này chúng ta hãy mời bạn bè và người quen đi viếng một số nhà nguyện hay đền thờ kính Đức Mẹ, cầu nguyện và suy niệm các mầu nhiệm kinh Mân Côi. Như vậy, chúng ta sẽ tặng họ một món quà thiêng liêng tuyệt vời, bởi vì "luôn nhờ Mẹ Maria, chúng ta đi đến và ‘trở về’ cùng Chúa Giêsu". [15] Hãy cố gắng thực hiện cuộc hành hương này với lòng sùng kính mà Cha chúng ta đã có trong cuộc hành hương đến Sonsoles của Ngài. Và như Ngài đã đề nghị cho chúng ta trong tuần cửu nhật kính Đức Mẹ Guadalupe - Mexico, chúng ta hãy mang đến dâng tặng Mẹ thật nhiều bông hoa hồng bé nhỏ mà chúng ta đã gặt hái được trong những công việc thường ngày.

Ngày 14 tháng 5, đêm trước của Chúa nhật thứ Tư Phục Sinh (còn được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, từ Bài tin Mừng trong Thánh Lễ), Cha sẽ cử hành lễ tấn phong linh mục cho 35 phó tế, những người anh em của các con. Như thường lệ, vào những dịp này, Cha mong tất cả chúng ta gắn kết hiệp nhất trong lời cầu nguyện và trong việc dâng những hy sinh cho các linh mục mới cũng như cho các linh mục trên toàn thế giới. Hãy nhớ đến Đức Giáo Hoàng và tất cả các Giám Mục cách đặc biệt trong lời cầu nguyện của các con, để chúng ta luôn nên giống Chúa Chiên Lành, Người đã hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên. [16]

Ngay sau Tuần Thánh, Cha đã làm một chuyến đi ngắn đến Slovenia và Croatia. Tại Ljubljana và Zagreb, Cha đã gặp các tín hữu trong Hội cùng nhiều người khác nữa, họ đang nhận được nhiều điều hữu ích từ linh đạo của Opus Dei. Cha cảm tạ Thiên Chúa vì hoạt động tông đồ của các con trai, con gái của Cha đang bén rễ sâu ở hai quốc gia ấy, nơi mà Cha chúng ta đã cầu nguyện rất nhiều cho họ. Thật khó lòng chuyển tải được cho các con biết lòng Ngài yêu mến từng quốc gia như thế nào, đặc biệt là những nước phải vượt qua khó khăn dưới bất kỳ hình thức nào. 

Cha quay lại với đoạn đầu của thư này. Surrexit Dominus vere! “Đức Kitô Phục Sinh đang đi trước chúng ta trong hành trình tiến về trời mới đất mới (x. Kh 21, 1), nơi đó, tất cả chúng ta cuối cùng sẽ sống cùng nhau như một gia đình, như những người con của cùng một Cha. Ngài ở với ta mọi ngày cho đến tận thế.”[17] Ẩn dấu dưới hình bánh và rượu một cách bí tích, Ngài đã ở lại trong Bí tích Thánh Thể, để lắng nghe những lời chúng ta khấn nguyện, để an ủi và đong đầy chúng ta bằng sức mạnh. Chúng ta đừng tách mình ra khỏi Ngài; và hãy mang nhiều người khác đến với Ngài, để họ cũng được nếm trải niềm hoan lạc khi có Chúa Kitô ở cùng, khi có Chúa cùng đi, khi được sống trong Chúa (xin bỏ qua cho Cha vì Cha đi lạc đề, nhưng Cha Don Alvaro đã biết ơn biết bao khi nhớ lại ngày Ngài rước lễ lần đầu!). Cha không còn chỗ để viết về tất cả những ngày lễ quan trọng trong tháng này liên quan đến lịch sử của Hội: chúng ta có thể thấy Đức Mẹ đã chăm sóc chúng ta nhiều biết chừng nào! Chúng ta hãy cùng tạ ơn Mẹ.

Với tất cả lòng yêu mến, Cha chúc lành cho các con.

Cha của các con,

Javier

 

Rôma, ngày 1 tháng 5 năm 2011

 

  Ghi chú: [1] Lc 24, 34.

[2] Mt 28, 10.

[3] x. Ga 20, 19.

[4] Lc 24, 36-39.

[5] Rom 6:5.

[6] Giuse Ratzinger - Đức Giáo Hoàng Bênêđitô 16, Giêsu thành Nazareth, II, tr. 244.

[7] Thánh Augustino, Cắt nghĩa Thánh vịnh, 120, 6 (CCL 40. 1791).

[8] Giuse Ratzinger - Đức Giáo Hoàng Bênêđitô 16, Giêsu thành Nazareth, II, tr. 247.

[9] Tài liệu vừa dẫn. [10] Đức Giáo Hoàng Bênêđitô 16, Bải phát biểu trong buổi yết kiến chung, ngày 7 tháng 4 năm 2010.

[11] Thánh Josemaría, Chúa Giêsu Đi Qua, số 102.

[12] Tài liệu vừa dẫn, số 103.

[13] Thánh Josemaría, Ghi chép riêng (ngày 28 tháng 12 năm 1931), số 517 (x. Andrés Vázquez de Prada, Đấng Sáng Lập Opus Dei, tập I, tr. 315).

[14] Thánh Josemaría, năm 1954.

[15] Thánh Josemaría, Con Đường, số 495.

[16] x. Ga 10, 1-18.

[17] Đức Giáo Hoàng Bênêđitô 16, Thông điệp urbi et orbi, ngày 24 tháng 4 năm 2011.