Thư Đức Giám Quản – Tháng 4/2011

Đức Giám Quản ước ao: Khi lễ tuyên phong Chân phước Đức Gioan Phaolô II đến, “Chúa Thánh Thần sẽ đánh thức và khơi dậy nơi các tâm hồn những biến đổi sâu xa và một lần nữa mang họ đến gần Chúa”.

Các con thân mến: Nguyện xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con của Cha!

Chúng ta hãy luôn yêu mến kho tàng vô hạn mà Hội Thánh đem đến cho chúng ta trong Lời Chúa, đặc biệt trong suốt Mùa Chay này, để Lời Chúa thúc đẩy chúng ta tiến đến Lễ Phục sinh trong nguồn sinh lực mới. Đức Thánh Cha nói với chúng ta: “Bằng việc suy gẫm và nội tâm hóa Lời Chúa để sống mỗi ngày, chúng ta học được một cách cầu nguyện quý giá và không thể thay thế; bằng cách chăm chú lắng nghe Chúa, Người vẫn tiếp tục nói với lòng ta, chúng ta nuôi dưỡng hành trình đức tin mà mình đã bắt đầu vào ngày được rửa tội.”[1] 

Trên hành trình này, chúng ta được Chúa Giêsu Kitô dẫn dắt. Chính Ngài đã nói với chúng ta: Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.[2] Thánh Agustinô, khi chú giải trình thuật này trong Tin mừng Thánh Gioan, đã viết: “Người ta không bảo bạn: “Cố gắng tìm đường dẫn đến Sự Thật và Sự Sống đi; không, người ta không bảo bạn như vậy. Hỡi kẻ lười nhác, hãy đứng dậy: Đấng là Đường đã đến với bạn, và đánh thức bạn sau giấc ngủ dài; và nếu bạn đã tỉnh thức rồi thì hãy chỗi dậy và bước đi.”[3]

Phần thứ hai của Mùa Chay đem lại cho chúng ta một cơ hội thuận lợi để nhìn lại những quyết tâm mà chúng ta đã đưa ra hồi đầu các tuần lễ này, để làm mới lại lòng khao khát chân thành hướng đến Tuần Thánh và để chuẩn bị tốt cho Lễ Phục Sinh. Như Đức Thánh Cha Bênêđitô 16 gợi ý trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay, chúng ta có thể sử dụng các bản văn Tin Mừng mà chúng ta sẽ đọc trong các Thánh Lễ Chúa nhật để dẫn dắt những suy tư của mình. Chúng ta cũng có thể suy nghĩ tỉ mỉ hơn về các dịp kỷ niệm và các sự kiện khác trong những ngày này, trong đó có cả kỷ niệm 6 năm ngày Đức Gioan Phaolô II qua đời, ngày 2 tháng Tư; và ngày tuyên phong Chân phước cho Ngài sắp tới, ngày 1 tháng Năm.

Kỷ niệm ngày qua đời của Đức Gioan Phalô II nhắc chúng ta nhớ lại tấm gương về lòng trung thành với Thiên Chúa mà Ngài đã cho Hội Thánh và cả thế giới được thấy. Cái chết thánh thiện của Ngài đã tác động lên toàn thế giới; việc từng đoàn người thuộc mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ, đã đổ về Rôma cách lạ lùng trong suốt những ngày di dời thi thể thánh của Ngài, là một dấu chỉ rõ rệt cho thấy trái tim của nhiều người vẫn đập nhịp đập đức tin, cho dù đôi khi nó được ẩn dấu dưới lớp vỏ của thói quen và thậm chí là của tội lỗi. Nhưng nhịp đập của Chúa Thánh Thần (như đã diễn ra trong suốt những ngày tháng khó quên của tháng Tư năm 2005) có thể đánh thức, khơi dậy nơi những tâm hồn sự biến đổi sâu xa và một lần nữa mang họ đến gần Chúa.

Những phản ứng siêu nhiên đó được lặp lại ít lâu sau đó khi Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 được bầu chọn làm Giáo Hoàng vào ngày 19 tháng Tư. Tự sâu thẳm, chúng ta xúc động và tạ ơn khi chứng kiến những lời sống động, đầy thuyết phục của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ mở đầu thừa tác vụ Thánh Phêrô của mình: “Hội Thánh đang sống!” Vì Hội Thánh không bao giờ có thể lụi tàn (cho dù tại một số thời điểm Hội Thánh có vẻ như đang ngã gục) bởi Đấng Bầu Chữa luôn trợ lực cho Hội Thánh, và Chúa Giêsu Kitô, Vị Vua phục sinh và vinh quang của muôn loài thọ tạo, là Đầu Hội Thánh.

Khẳng định chắc chắn này khởi đi từ đức tin tựa như viên đá tảng không hề lay chuyển cho niềm hy vọng và lạc quan siêu nhiên của chúng ta. “Thiên Chúa Cha của chúng ta là một người Cha yêu thương. Để giúp chúng ta hiểu điều này, Thánh Kinh diễn tả cách hình ảnh rằng Người giữ gìn chúng ta chẳng khác nào con ngươi mắt Người. (Đnl 32, 10). Qua Thánh Linh, Người không ngừng thánh hóa Hội Thánh được thiết lập bởi Người Con yêu dấu của Người.”[4] Những lời này của Thánh Josemaría làm cho chúng ta được an ủi và tin tưởng ngay giữa những khó khăn gây trở ngại cho hành trình của Dân Chúa ở nhiều mức độ khác nhau. Cha Thánh nói tiếp: “Hãy tin tưởng rằng Hội Thánh không thể bị phá hủy…Cha cũng muốn các con nhận ra rằng: Ngay cả khi những khuyết điểm của con người nhiều hơn những hành động quả cảm, thì thực tại mầu nhiệm bất khả phủ nhận của Hội Thánh vẫn cứ tồn tại, dù giác quan không cảm thấy được. Hội Thánh vẫn là Nhiệm Thể của Chúa Kitô, là chính Chúa chúng ta, là hoạt động của Chúa Thánh Thần, và là sự hiện diện yêu thương của Chúa Cha.”[5]

Cha tin chắc rằng lễ tuyên phong chân phước sắp đến của Đức Gioan Phaolô II sẽ là một dấu chỉ nữa về sự thánh thiện của Nhiệm Thể Chúa Kitô, về sức mạnh đổi mới của Đấng Bầu chữa, và về lòng Thương xót của Chúa Cha: tóm lại, là về tình yêu của Ba Ngôi Chí Thánh, Đấng chẳng bao giờ từ bỏ Hội Thánh. Và Cha đoan chắc rằng (Cha cũng khẩn cầu Thiên Chúa cho điều này) việc kính nhớ Vị Giáo Hoàng thánh thiện này càng gia tăng sẽ một lần nữa khuấy động trên thế giới và trong Hội Thánh một nguồn chảy đức tin, tình yêu và lòng tri ân Thiên Chúa chúng ta, và một sự trung thành đầy tin tưởng vào Hội Thánh, Mẹ chúng ta. Cha luôn xúc động khi Đức Gioan Phaolô II đề cập đến lòng trung thành (theo cách diễn đạt tương tự trong giảng thuyết của Thánh Josemaría), Ngài nói rằng, đòi hỏi không thể thiếu cho lòng trung thành này là “tính liên tục” trải qua nhiều năm tháng. 

Nhưng lúc này đây, như Cha đã đề nghị ở đầu thư, chúng ta hãy cố gắng dọn lòng cho Lễ Phục Sinh bằng cách quan tâm đến việc cầu nguyện riêng với các bản văn Tin Mừng mà Phụng vụ đề nghị cho chúng ta trong những tuần lễ này. Chúng ta hãy can đảm xét xem liệu chúng ta có đã và đang đồng hành cùng Chúa Giêsu, lắng nghe và thực thi những điều Ngài dạy bảo và không bao giờ muốn bỏ Ngài lại một mình hay không?

Chúa nhật tiếp theo, Chúa nhật thứ tư Mùa Chay, chúng ta đọc đoạn Tin Mừng kể lại việc Chúa Giêsu chữa người mù từ thưở mới sinh, tỏ lộ Ngài chính là Ánh Sáng thế gian. Sau khi nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, Ngài bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa” (Silôác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.[6] Sau đó, tác giả Tin Mừng thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và anh mù. Mỗi người trong chúng ta cũng nhận được câu hỏi mà Chúa đã hỏi anh mù: Anh có tin vào Con Người không? [7] Bạn có thật sự tin - không chỉ bằng hiểu biết, nhưng bằng cả con tim và lý trí, với trọn vẹn cuộc sống - rằng Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ của bạn, rằng Ngài là Con Thiên Chúa nhập thể, Đấng đã chết và sống lại cho bạn và cho tôi ? Việc tuyên xưng đức tin này, được chúng ta long trọng nhắc lại trong Đêm Vọng Phục Sinh, phải bao gồm trọn vẹn con người chúng ta, không chừa lại một ngóc ngách nào cho những ý định cá nhân ích kỷ, hay cho những mối bận tâm nơi bản ngã của mình. Chúng ta hãy nhanh chóng và vui vẻ từ bỏ bất cứ chương trình nào của mình, cho dù đã được chuẩn bị kỹ càng, mà không phù hợp với Chương trình (với chữ C viết hoa) của Thiên Chúa đang tỏ ra cho mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy cố gắng quyết tâm giúp đỡ người khác mở mắt nhìn thấy Ánh Sáng của Chúa; và với lòng khiêm nhường, hãy xin Chúa ban ơn đức tin cho bản thân ta và cho mọi người.

Chúa nhật sau đó, Chúa nhật thứ năm Mùa Chay, chúng ta nghe đoạn Tin Mừng tường thuật việc Lazarô được sống lại. Chúa Giêsu đã làm phép lạ vĩ đại và tỏ lộ cách hùng hồn thiên tính của mình, bởi có ai ngoài Thiên Chúa có thể phục hồi sự sống một người đã chết sau nhiều ngày? Chúa đã bảo với chúng ta như đã nói cùng Matta, chị của Lazarô: Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?[8] Người phụ nữ ấy đang hết sức đau buồn vì cái chết của em trai mình, song, cô vẫn không lưỡng lự tuyên xưng đức tin của mình vào Thiên Chúa của sự sống và sự chết: Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.[9] Và phép lạ đã diễn ra. Cũng như vậy, các phép lạ vẫn được tái diễn trong đời sống chúng ta và trong đời sống của nhiều người mà chúng ta muốn đồng hành với họ trên hành trình về với Chúa Giêsu, nếu đức tin chúng ta vững mạnh. Như Thánh Josemaría đã đảm bảo với chúng ta rằng: “Đừng bao giờ tuyệt vọng. Ladarô đã chết và xác đang thối rửa: ‘Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày’- Cô Matta thưa cùng Chúa Giêsu. Nếu các con nghe theo sự linh hứng của Chúa – ‘Lazarô, hãy ra khỏi mồ!’ – các con sẽ quay về với Sự Sống.”[10]

Với tầm nhìn sắc sảo mà Thiên Chúa đã ban cho Ngài để thấu suốt ý nghĩa thiêng liêng của Thánh Kinh, Cha chúng ta luôn mời gọi chúng ta đi sâu hơn vào khung cảnh này. Năm 1964, khi giảng cho một nhóm người, Ngài đã nói: “Khi nghĩ về niềm vui của gia đình đó, của những người được nhìn thấy phép lạ; khi nghĩ về niềm hạnh phúc của chính Chúa Giêsu, với tấm lòng chan chứa niềm vui vì hạnh phúc của tha nhân (tương tự như khi Ngài khóc khi nhìn thấy những giọt lệ của Matta và Maria), Cha chợt nghĩ đến niềm khao khát mà chúng ta thường hay nhắc đi nhắc lại: omnia in bonum! (x.Rm 8, 28), mọi sự đều sinh ích lợi; ngay cả những đau khổ, miễn là chúng ta không điên rồ cố gắng dưỡng nuôi hay tạo ra đau khổ bằng sự phức tạp do óc tưởng tượng của chính ta. Dù cho điều gì xảy ra trong cuộc sống chúng ta, nếu chúng ta phó mình trong tay Chúa, chúng ta sẽ kín múc được bình an và sức mạnh, bởi vì ân sủng sẽ biến chúng ta thành những công cụ hữu hiệu.[11] 

Cuối Mùa Chay, Chúa nhật Lễ Lá mở đầu Tuần Thánh; như khi xưa, đó là “cánh cổng” đưa chúng ta vào những ngày quyết định lịch sử cứu độ. Vào buổi sáng Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Giám Mục cử hành Thánh Lễ cùng các Linh Mục với sự hiện diện của thành phần Dân Chúa. Trong Thánh Lễ đó, Dầu Thánh được làm phép dùng để thánh hiến bàn thờ, để xức cho anh chị em tân tòng (khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, họ sẽ nên giống như những bàn thờ được thánh hiến cho việc phụng sự Thiên Chúa), và để dùng trong Bí tích Xức dầu Bệnh nhân. Hơn nữa, dầu thánh hiến được dùng trong nghi thức ban Bí tích Thêm Sức, Bí tích đánh dấu sự trưởng thành trong Chúa Kitô nơi người đã được rửa tội. Cũng trong nghi lễ đó, các linh mục làm mới lại lời hứa mà các Ngài đã khấn trong ngày thụ phong linh mục. Tất cả các thành phần Dân Tư tế, cả thừa tác viên và giáo dân, đều có thể rút ra nhiều hoa trái từ nghi lễ phụng vụ này. Thật là một thời điểm thuận lợi để gia tăng cầu nguyện cùng Chúa Giêsu, Vị Thượng tế Muôn đời Cao cả, xin cho có nhiều linh mục thánh thiện, cũng như nhiều giáo dân nam nữ thật sự khao khát nên thánh trong chính môi trường của mỗi người!

Vào buổi chiều, trong Thánh Lễ Tiệc ly, chúng ta đặc biệt tưởng nhớ việc Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể và thừa tác vụ linh mục. Tính“hiện tại” của việc làm mới lại mầu nhiệm Vượt Qua một cách bí tích, tính “ngày nay” củaThập giá (mà Chúa đã báo trước trong bữa Tiệc ly) được hiện tại hóa trong mỗi cử hành Thánh Thể, và đặc biệt vào ngày Thứ Năm Thánh. Chúng ta hãy hướng sự ngạc nhiên thán phục của mình vào “tính hiện đại” muôn đời của Hy lễ Canvê, đặc biệt là trong Thánh Lễ Tiệc ly. Thứ Năm Tuần Thánh, trước khi truyền phép Thánh Thể, sách lễ Rôma sẽ đặt lên môi miệng linh mục những lời long trọng này: “Hôm trước ngày Người chịu khổ hình để cứu độ chúng ta và muôn người, chính là ngày hôm nay, Ngài cầm lấy bánh trong đôi tay thánh thiện của mình …”[12]

Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa Ba Ngôi cho chúng ta đừng bao giờ thờ ơ lãnh đạm trước tình yêu vô ngần được thể hiện nơi Đức Kitô. Người không chỉ hiến mình trên Thánh giá một lần cho tất cả, nhưng Người còn thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức linh mục, để ở mọi nơi và mọi thời, cho đến khi Người trở lại vinh quang vào lúc tận cùng của thời gian, chúng ta luôn có thể đi vào sự kết hiệp sống động và thật sự cùng hy tế cứu độ của Người. Chúng ta hãy cúi đầu “tôn kính trước mầu nhiệm này: mầu nhiệm vĩ đại, mầu nhiệm của lòng thương xót. Còn gì mà Chúa Giêsu đã không thể làm cho chúng ta?” - Đức Gioan Phaolô II đã viết trong Thông điệp cuối cùng của mình - “Thật vậy, trong Thánh Thể, Người tỏ cho chúng ta một tình yêu ‘đi đến tận cùng’ (Ga 13, 1), một tình yêu không giới hạn.” [13] 

Thánh Lễ chiều Thứ Năm Thánh giúp chúng ta chuẩn bị tưởng niệm cuộc thương khó và tử nạn của Chúa chúng ta trong ngày tiếp theo. “Có một mối dây liên hệ bất khả phân ly giữa bữa Tiệc ly và cái chết của Đức Giêsu. Trong bữa Tiệc ly, khi Chúa Giêsu trao ban Mình và Máu Người, là sự hiện hữu trần thế của Người, là chính Người, Người đã báo trước về cái chết của mình và chuyển đổi nó thành một hành động yêu thương.”[14] Khi suy tôn Thánh Giá vào ngày hôm ấy, chúng ta hãy dâng một lời cảm tạ chân thành lên Đấng Cứu Chuộc chúng ta, cùng với khao khát được tin tưởng mãnh liệt vào Người, để chúng ta được bền chí và hân hoan tiếp bước trên con đường nên thánh.

Rồi chúng ta đến với đêm canh thức Phục Sinh. Chờ đợi cuộc chiến thắng chung cuộc của Chúa chúng ta, Thứ Bảy Thánh là ngày của thinh lặng và suy gẫm. Các bàn thờ không trang trí và không cử hành nghi thức phụng vụ; chúng ra cũng để ý thấy không có Thánh Thể vì đã được cất giữ nơi riêng biệt chỉ để được dùng trong trường hợp cần ban của ăn đàng. Năm nay, ngày Thứ Bảy Thánh rơi vào ngày kỷ niệm Thánh Josemaría được Rước Lễ Lần Đầu và lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, ngày 23 tháng 4. 

Những lúc không được cử hành Bí tích Thánh Thể như những ngày này khiến Cha nhớ lại lễ kim khánh kỷ niệm ngày Đấng Sáng lập thụ phong linh mục, Thiên Chúa Quan Phòng đã sắp đặt cho Ngài không thể cử hành Thánh Lễ vì ngày đó trùng với ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Tuy nhiên, như mọi khi, mỗi ngày của Ngài là một “Thánh Lễ” (thậm chí có thể mãnh liệt hơn bình thường) nhờ sự kết hiệp rất mật thiết với Hy tế Thập giá. Cha mời gọi các con hãy nhờ Ngài chuyển cầu, để suốt Tam Nhật Thánh, chúng ta được kết hợp cách đặc biệt với Hy lễ của Chúa chúng ta, cố gắng liên kết mật thiết chúng ta với Đấng đã tự hiến mình cho chúng ta.

Cuối cùng, vào đêm Vọng Phục Sinh, “nhắc lại lời hứa khi chịu phép rửa, chúng ta tái quả quyết rằng Đức Kitô là Chúa của cuộc đời ta, cuộc đời mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta khi chúng ta được tái sinh trong ‘nước và Thánh Thần’, và một lần nữa chúng ta tuyên xưng quyết tâm dấn thân để đáp trả ân sủng Chúa ban hầu để trở thành môn đệ của Ngài.”[15]

Và Cha xin luôn nhắc lại: Xin các con hãy hiệp ý với các ý nguyện của Cha. Trong mấy tuần lễ qua, chúng ta đã biết còn nhiều hậu quả nghiêm trọng sau trận động đất ở Nhật Bản và những cuộc xung đột vũ trang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở Bờ Biển Ngà và Libya. Chúng ta hãy chạy đến cùng Đức Mẹ, Nữ Vương Hòa Bình, khẩn cầu Mẹ với niềm trông cậy bằng Kinh cầu Đức Bà của chuỗi Mân Côi. Và chúng ta hãy tiếp tục hiệp nhất với Đức Thánh Cha, đặc biệt vào ngày 19 tháng Tư, ngày kỷ niệm Ngài được chọn trên Ngai tòa Thánh Phêrô. Xin các con cũng cầu nguyện cho Cha, vào ngày 20 tháng Tư, Cha bắt đầu một năm mới nữa trong công tác mục vụ phục vụ Hội Thánh trong vai trò Giám quản Opus Dei.

Với tất cả lòng yêu mến, Cha chúc lành cho các con.

Cha của các con,

Javier

 

Rôma, ngày 1 tháng 4 năm 2011

Ghi chú: 

[1] Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, Sứ Điệp Mùa Chay 2011, ngày 4 tháng 11, 2010, số 3.

[2] Ga 14, 6.

[3] Kinh Thần Vụ, Bài đọc 2 cho Chúa nhật Thứ Tư Mùa Chay (Thánh Agustinô, Luận Văn 34 theo Tin Mừng Thánh Gioan)

[4] Thánh Josemaría, Bài giảng Mục đích Siêu nhiên của Hội Thánh, ngày 28 tháng 5, 1972.

[5] Tài liệu vừa dẫn.

[6] Ga 9, 6-7

[7] Tài liệu vừa dẫn, 35

 [8] Ga 11, 25-26.

 [9] Tài liệu vừa dẫn, 27

[10] Thánh Josemaría, Con đường, số. 719

[11] Thánh Josemaría, Ghi chép trong một buổi suy niệm, ngày 22 tháng 7, 1964

[12] Sách Lễ Rôma, Lời nguyện Hiệp Lễ I, Lời nguyện Qui pridie của Thánh Lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh

[13] Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Hội Thánh từ Thánh Thể, ngày 17 tháng 4, 2003, số 11

[14] Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, Bài phát biểu trong buổi yết kiến chung, ngày 31 tháng 3, 2010

[15] Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, Sứ điệp Mùa Chay 2011, ngày 4 tháng 11, 2010, số 2