Thư Đức Giám Quản - Tháng 12/2010

Đức Giám Quản mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Thiên Chúa trong Lễ Giáng Sinh. Ngài cũng đề cập đến Tông huấn mới đây của Đức Thánh Cha,"Verbum Domini".

Các con thân mến: Nguyện xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con của Cha! Cha rất vui khi nhớ đến những lời kinh phụng vụ mà Thánh Josemaría thường hân hoan lặp đi lặp lại suốt mùa Vọng: Dominus prope est! Chúa đã gần đến! [1] Với niềm háo hức và lòng tri ân, Ngài trông chờ ngày kỷ niệm trọng đại việc Đấng Cứu Thế đến trần gian.

Chúng ta đã bắt đầu thời gian chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh và những ngày lễ khác liên quan đến việc giáng sinh của Chúa chúng ta. Cha nghĩ rằng những lời của ngôn sứ Isaia trong Chúa nhật thứ Nhất mùa Vọng sẽ đến trên môi miệng chúng ta: Trong tương lai, núi nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi; và muôn dân lũ lượt đưa nhau tới. [2] Rồi chúng ta sẽ kinh ngạc trước vẻ đẹp của Thiên Đàng, khi thấy lời tiên tri được ứng nghiệm: Ngôi Lời đã làm người trong cung lòng trinh khiết của Mẹ Maria Rất Thánh, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Với mầu nhiệm Nhập thể Cứu chuộc và đặc biệt bằng mầu nghiệm Phục Sinh, bằng cái chết và sự sống lại của mình, Thiên Chúa đã mang bình an đến cho gian trần, sự bình an mà các Thiên thần đã loan báo trong đêm Giáng Sinh đầu tiên. Mặc dầu sự bình an này chưa thật sự tròn đầy (bởi trong kế hoạch của Thiên Chúa, chỉ khi thời gian đến hồi viên mãn, Người mới là mọi sự cho mọi người [3]), nhưng Người cũng đã phá đổ bức tường ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người là hậu quả của tội nguyên tổ và tội cá nhân của chúng ta. [4] Hơn nữa, Chúa Giêsu muốn mỗi người Kitô hữu chúng ta cộng tác với Ngài mỗi ngày để đặt bình an của Ngài vào tâm hồn những người nam, người nữ, vươn đến những ngõ ngách xa xôi nhất của xã hội.

Cách đây vài năm, Đức Thánh Cha chỉ ra rằng: “Trong bản dịch tiếng Hy Lạp của Cựu Ước, các Giáo phụ đã tìm thấy một đoạn của ngôn sứ Isaia mà Thánh Phaolô cũng trích dẫn để chỉ ra cách thức mới mà Thiên Chúa dùng đã để mạc khải trong Cựu Ước. Đoạn ấy viết rằng: ‘Đức Chúa sẽ thực hiện Lời Người cách trọn vẹn và mau chóng trên mặt đất’ (Is 10,23; Rm 9,28)… Chúa Con chính là Lời, là Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng sống đã trở nên nhỏ bé – nhỏ bé đủ để phù hợp với một máng cỏ. Ngài đã trở nên một bé thơ để nhờ đó chúng ta có thể thấu hiểu Lời cách tỏ tường” [5] Và trong Tông Huấn mới đây, Đức Thánh Cha đã nói thêm: “Giờ đây, Lời không chỉ đơn giản là để nghe; không chỉ có tiếng nói, mà giờ đây Ngôi Lời đã có một dung mạo, một dung mạo mà chúng ta có thể nhìn thấy: đó chính là Giêsu Nazareth.” [6]

Vậy nên chúng ta hãy tiếp tục con đường Kitô hữu của mình với niềm xác tín và hân hoan. “Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa là khởi đầu và là tận cùng của vũ trụ: Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa (Ga 1, 1). Các con trai, con gái của Cha, chính Chúa Kitô đã kéo muôn loài về phía mình: Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành (Ga 1, 3). Bằng cách trở nên người phàm và đến ở giữa chúng ta (x. Ga 1, 14), Người đã chỉ cho chúng ta thấy rằng chúng ta không sống ở đời này để tìm kiếm một hạnh phúc tạm bợ chóng qua. Nhưng chúng ta ở đây để đạt đến hạnh phúc muôn đời bằng cách bước theo Người. Và chúng ta chỉ có thể đạt được điều đó bằng cách học nơi Người.” [7]

Chúng ta đã mặc lấy Đức Kitô nhờ Bí tích Rửa tội. Và để chúng ta ngày càng nên giống Ngài hơn, Chúa chúng ta đã để lại cho chúng ta các Bí tích khác, đặc biệt là Bí tích Hòa Giải và Bí tích Thánh Thể. Khi lãnh nhận thường xuyên các Bí tích này, với tâm tình xứng hợp, chúng ta càng trở nên giống Chúa Giêsu hơn; chúng ta càng xứng đáng là con cái Thiên Chúa hơn. Chúa Thánh Thần thực hiện những điều đó nơi tâm hồn ta, cùng với sự hợp tác của mỗi người chúng ta. Và một phần của sự hợp tác đó là siêng năng đọc Lời Chúa, là Lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. [8] Vì thế, Cha chúng ta đã khuyên nhủ: “Đời sống chúng ta phải tái hiện được đời sống của Chúa Kitô. Chúng ta cần đi đến chỗ biết Ngài qua việc đọc và suy niệm Thánh Kinh, và bằng việc cầu nguyện.” [9] Trong những ngày lễ sắp tới chúng ta hãy cố gắng “học những bài học Chúa Giêsu dạy chúng ta, ngay từ khi Ngài chỉ là một Hài Nhi mới sinh, ngay từ giây phút Ngài vừa mở mắt chào đời trên mảnh đất được chúc phúc của loài người.” [10]  Chúng ta hãy thường xuyên suy xét: Tôi có trông cậy vào nguồn mạch ân sủng với lòng nhiệt thành mong muốn được nên thánh hay không ? Tôi có cố gắng mau mắn lãnh nhận các Bí tích với niềm háo hức đạt được sự thanh sạch trong linh hồn và sức khỏe siêu nhiên mà Thiên Chúa mong đợi nơi tôi hay không ?

Tông huấn mới đây của Đức Thánh Cha, Verbum Domini, nhấn mạnh tầm quan trọng của Thánh Kinh trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh cũng như trong đời sống cá nhân của mỗi Kitô hữu. Trong đó, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI nhắc các nhà nghiên cứu Thánh Kinh và mọi người một điều căn bản: “Khung cảnh đầu tiên để diễn giải Thánh Kinh chính là đời sống của Hội Thánh.” [11] Chỉ trong lòng Hội Thánh, trong sự tiếp nối của Thánh Truyền sống động và dưới sự dẫn dắt của Huấn Quyền mà Chúa Kitô đã thiết lập, chúng ta mới có thể hiểu được điều Chúa Thánh Thần muốn thông truyền hầu cứu rỗi chúng ta, qua việc linh hứng cho các tác giả sách thánh diễn tả bằng ngôn ngữ loài người. Nói cách khác, chỉ có trong đức tin và từ đức tin, chúng ta mới có thể hiểu được một cách sâu sắc và chính xác, không sợ sai lệch, điều Thiên Chúa muốn mạc khải cho chúng ta, để chúng ta được thông phần với Người trong đời sống thiêng liêng. Các nghiên cứu khoa học về Thánh Kinh là cần thiết để có những chú giải chính xác; nhưng cũng không kém cần thiết – và ở cấp độ cao hơn – là việc kết hiệp trọn vẹn với đức tin được công bố bởi Huấn Quyền của Hội Thánh. Vì vậy, “việc chú giải Thánh Kinh một cách chính xác phải luôn luôn hài hòa với đức tin của Hội Thánh Công Giáo.” [12]

Để thấu hiểu Lời Chúa, bên cạnh việc canh tân không ngừng đức tin của mình, chúng ta phải cố gắng đọc và suy gẫm Thánh Kinh trong bầu khí siêu nhiên mà Thánh Kinh được viết ra. Bởi thế, khi đọc cẩn thận Tin Mừng và các sách được linh hứng khác, chúng ta cần giữ thái độ lắng nghe. Trên tất cả, khi được công bố trong cử hành phụng vụ, Thánh Kinh luôn hợp thời và truyền đạt những chân lý mới mẻ của Thiên Chúa cho từng con người cụ thể đang chăm chú lắng nghe và mong muốn thực hành. Như Thánh Josemaría từng viết: “Lời Kinh Thánh là ánh sáng từ Chúa Thánh Thần, Người nói qua tiếng nói con người để trí tuệ chúng ta hiểu biết và suy gẫm, để củng cố ý chí chúng ta và biến mong ước của chúng ta thành hành động hiệu quả. Và bởi vì chúng ta là một thân thể, 'nên một trong Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,' nên chúng ta tuyên xưng Kinh Tin Kính để khẳng định sự hiệp nhất trong đức tin của mình.” [13]

Tương tự như vậy, khi mỗi người chúng ta đọc Thánh Kinh – mà nhất là các Tin Mừng – chúng ta nghe thấy tiếng Chúa, mà chúng ta cố gắng áp dụng vào những tình huống cụ thể của bản thân. Khi chúng ta cố gắng tập trung – với thái độ chú tâm của những người con – để đọc các văn bản Thánh Kinh, sự cố gắng của chúng ta sẽ thật sự trở nên những lời nguyện cầu. Đấng Sáng lập của chúng ta đã viết: “Khi các con mở Tin Mừng, hãy nghĩ về những gì được viết trong đấy – những lời nói và việc làm của Chúa Kitô – là những điều các con không chỉ nên biết mà còn phải sống nữa. Tất cả những điều được viết ra đó đã được thu thập từng chi tiết một, để các con làm cho chúng được tái hiện sống động trong những hoàn cảnh cụ thể của đời sống cá nhân của các con.

“Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta trở nên những người Công Giáo là để đi theo sát Ngài. Trong Sách Thánh, các con sẽ tìm thấy Cuộc Đời của Chúa Giêsu, nhưng các con cũng phải tìm thấy chính cuộc đời của mình ở trong đấy.

“Như các Tông Đồ xưa, các con cũng phải học cách hỏi với lòng yêu mến: ‘Lạy Chúa, Ngài muốn con làm gì?’. Và các con sẽ nghe câu trả lời quyết định: ‘Thánh Ý Thiên Chúa!’

Hãy cầm lấy Tin Mừng mỗi ngày, hãy đọc và sống nhưng một luật sống rõ ràng. Các Thánh đã làm như vậy.” [14]

Trong Tông huấn mà Cha vừa nói trên, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI dành nhiều đoạn nói về việc các Thánh đã rất yêu mến Thánh Kinh và đời sống các Ngài đã thấm nhuần ý nghĩa Thánh Kinh như thế nào. Thánh Giêgôriô Cả (Đức Giáo Hoàng viết) quả quyết với chúng ta rằng viva lectio est vita bonorum, đọc một cuộc đời là sống tốt cuộc đời đó, [15] cuộc đời của các Thánh cho chúng ta thấy các Ngài đã đọc Thánh Kinh cách mạnh mẽ và sâu sắc. “Việc diễn giải Thánh Kinh cách sâu sắc nhất đến từ chính những ai để mình được rèn dũa qua việc đọc, lắng nghe và chuyên chăm suy gẫm Lời Chúa…” Đức Thánh Cha viết tiếp: “Không phải tình cờ mà những xu hướng tâm linh lớn trong lịch sử Hội Thánh đều bắt nguồn từ việc tham chiếu Thánh Kinh cách rõ ràng.” [16]

Sau khi nói rằng "mỗi vị Thánh như là một tia sáng phát ra từ Lời của Chúa”, [17] Đức Thánh Cha đề cập đến nhiều vị Thánh đã mang lại cho đời sống Giáo Hội những tia sáng mới khơi nguồn từ Tin Mừng; và Ngài nói rằng một trong những tia sáng ấy được tìm thấy nơi "Thánh Josemaría Escriva trong giáo huấn của Ngài về lời mời gọi mọi người nên thánh". [18] Dĩ nhiên, những lời này làm chúng ta hạnh phúc khôn tả, nhưng đồng thời cũng mời gọi chúng ta ý thức trách nhiệm phải vận dụng tốt hơn những giáo huấn của Cha chúng ta và truyền rao sứ điệp của Ngài rộng khắp hơn, như thế chúng ta sẽ yêu mến Thiên Chúa và Hội Thánh nhiều hơn.

Vậy, chúng ta hãy làm theo lời khuyên của Thánh Josemaría: thường xuyên sử dụng các bản văn Thánh Kinh để nuôi dưỡng những giờ cầu nguyện và suy niệm về các cảnh huống trong cuộc đời Chúa Kitô, đặt chính bản thân chúng ta vào Tin Mừng “như một nhân vật thêm vào các cảnh huống đó.” Các bản văn phụng vụ Thánh lễ trong cả mùa Vọng và Giáng Sinh thúc giục chúng ta gia tăng việc làm quen với Lời Chúa và thắt chặt thêm mối dây thân tình với Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse. Chúng ta hãy quyết tâm bước vào cuộc sống của ba Đấng, đồng hành cùng các Ngài với tất cả trái tim của chúng ta.

Thánh Josemaría viết: “Cha yêu mến cả cuộc đời của Chúa Giêsu, nhưng Cha đặc biệt say mê 30 năm Chúa sống ẩn dật tại Bêlem, Ai Cập và Nagiarét. Khoảng thời gian đó rất dài so với thời gian công khai rao giảng của Chúa, nhưng hầu như các sách Tin Mừng đều rất ít đề cập đến, có vẻ như nó không mang một ý nghĩa đặc biệt nào đối với những ai nhìn nhận nó cách hời hợt. Nhưng Cha vẫn luôn xác tín rằng chính sự thinh lặng về giai đoạn đầu của cuộc đời Chúa Giêsu tự nó đã nói lên nhiều điều và chứa đựng một bài học tuyệt vời cho người Kitô hữu chúng ta. Đó là những năm lao động và cầu nguyện miệt mài, những năm mà Chúa Giêsu sống một cuộc đời bình thường như cuộc đời chúng ta, chúng ta có thể nói, đó là một đời sống vừa thánh thiêng, vừa con người. Trong xưởng mộc đơn sơ và tầm thường của mình, Ngài đã làm mọi việc một cách toàn hảo, giống như Ngài sẽ làm sau đó trước mặt dân chúng.” [19]

Cha muốn đề nghị các con: Nhân những lời Đức Giáo Hoàng nói về Thánh Josemaría, chúng ta hãy hăng say hơn nữa để tìm hiểu cặn kẽ những chú giải của Cha chúng ta về Thánh Kinh. Như vậy, chúng ta sẽ học cách giương buồm cách an toàn hơn trên biển sâu của Mặc khải, và chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa linh thiêng ẩn giấu trong những câu chữ của các bản văn thánh, đó là điều Chúa Thánh Thần muốn nói với chúng ta, với từng người trong chúng ta, tại đây và ngay lúc này. Trong chiều kích đó, Cha mời các con đọc lại một điểm trong quyển “Lò rèn” (The Forge): “Aquae multae non potuerunt exstinguere caritatem! – Những dòng nước hỗn loạn không thể dập tắt ngọn lửa của lòng khoan dung”. Cha gửi đến các con hai giải thích cho những lời Thánh Kinh này. Đầu tiên: Vô số tội lỗi trong quá khứ của các con, mà giờ đây các con đang dốc lòng ăn năn thống hối, không thể tách các con ra khỏi Tình Yêu của Thiên Chúa chúng ta; thứ đến: Những dòng nước của hiểu lầm, của các khó khăn mà có thể các con đang đương đầu, không thể cản trở công việc tông đồ của các con.” [20]

Những ngày vừa qua, Cha đã có một chuyến đi ngắn, theo dấu chân Đấng Sáng Lập của chúng ta, đến Fatima và Santiago de Compostela. Các con biết đấy, thánh địa Fatima đã từng thu hút Cha chúng ta cách đặc biệt; ở đó, như Cha đã nói đến trong nhiều dịp khác, Thánh Josemaría đã thường xuyên đến để dâng những ‎ý nguyện của Ngài cho Đức Maria, vì Ngài tin chắc rằng Chúa luôn lắng nghe lời cầu bầu của Mẹ. Cha cũng đã đến Santiago de Compostela, hồi tưởng lại chuyến hành hương của Cha chúng ta đến mộ của vị Thánh Tông đồ vào năm 1938, cũng là một năm thánh, và Cha đã hiệp thông‎ với lời cầu nguyện Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã dâng tại đó vài ngày trước. Tại cả hai nơi, Cha đều cảm thấy mọi người đang nâng đỡ Cha – điều mà trước khi đi, Cha đã yêu cầu anh chị em của các con ở Rôma – để Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta điều chúng ta cầu xin. Cha đã cầu nguyện cho Hội Thánh, cho Đức Giáo Hoàng, cho mỗi người tín hữu, nam cũng như nữ, trong Opus Dei. Qua Mẹ Maria, chúng ta hãy luôn đến với Chúa Giêsu, với niềm tin và sự bền đỗ, hiệp thông trong lời cầu nguyện với Hội Thánh và với toàn thể nhân loại.

Với tất cả lòng yêu mến, Cha chúc lành cho các con.

Cha của các con,

Javier

Rôma, ngày 1 tháng 12 năm 2010.

Ghi chú:

[1] Thánh lễ Chúa nhật thứ Ba mùa Vọng, Ca Nhập lễ (Pl 4, 5)

[2] Thánh lễ Chúa nhật thứ Nhất mùa Vọng, Bài đọc 1 (A) (Is 2, 2)

[3] 1 Cr 15, 28

[4] x. Eph 2, 14

[5] Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, Bài giảng Thánh Lễ canh thức, 24 tháng 12 năm 2006

[6] Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, Tông huấn Lời Chúa (Verbum Domini), 30 tháng 9 năm 2010, số 12.

[7] Thánh Josemaría, Ghi chép từ một buổi suy niệm, 25 tháng 12 năm 1972.

[8] Dt 4, 12.

[9] Thánh Josemaría, Chúa Giêsu đi qua, số 14.

[10] Tài liệu vừa dẫn

[11] Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, Tông huấn Lời Chúa, 30 tháng 9 năm 2010, số 29.

[12] Tài liệu vừa dẫn, số 30.

[13] Thánh Josemaría, Chúa Giêsu đi qua, số 89; trích dẫn Thánh Cyprian, De Dominica Oratione, 23 (PL 4, 553).

[14] Thánh Josemaría, Lò rèn, số 754.

[15] Thánh Giêgôriô Cả, Moralia in Job XXIV, 8, 16 (PL 76, 295).

[16] Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, Tông huấn Lời Chúa, 30 tháng 9 năm 2010, số 48.

[17] Tài liệu vừa dẫn

[18] Tài liệu vừa dẫn

[19] Thánh Josemaría, Những người bạn của Chúa, số 56.

[20] Thánh Josemaría, Lò rèn, số 655.