Thư Đức Giám quản - tháng 11 năm 2012

Thư đầu tiên trong loạt thư Đức Giám quản dự định sẽ suy tư về Kinh Tin kính nhân Năm Đức tin. Thư tháng 11 sẽ nói về Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa và Cha.

Thư đầu tiên trong loạt thư Đức Giám quản dự định sẽ suy tư về Kinh Tin kính nhân Năm Đức tin. Thư tháng 11 sẽ nói về Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa và Cha. Thư Đức Giám quản - tháng 11 năm 2012

Các con thân mến,

Nguyện xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con của Cha!

Hội Thánh, vâng lời vị kế nhiệm Thánh Phêrô, mong muốn tất cả các tín hữu khẳng định lại sự gắn bó với Đức Giêsu Kitô, suy niệm sâu sắc hơn những chân lý mà Chúa đã mặc khải. Giáo Hội muốn chúng ta làm mới lòng nhiệt thành hàng ngày để đi theo con đường mà Chúa đã chỉ cho chúng ta, và nỗ lực giới thiệu Chúa qua việc tông đồ. Hãy cảm tạ Chúa Ba Ngôi ngay từ giờ vì những hồng ân dồi dào mà Cha chắc chắn Ngài sẽ tuôn đổ xuống các linh hồn trong những tháng tới. Không gì hợp lý hơn việc chúng ta cố gắng sống xứng hợp với các hồng ân từ trời cao.

Cha có ý định sẽ trình bày mỗi tháng một điểm cụ thể trong đức tin Công giáo của chúng ta để mỗi người chúng ta suy ngẫm trong sự hiện diện của Chúa và cố gắng rút ra những kết quả thực tế. Như Đức Thánh Cha đề nghị, chúng ta hãy cẩn thận xem lại các mục trong Kinh Tin kính. Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Chúng ta tìm thấy công thức cơ bản của đức tin ở đâu? Chúng ta tìm thấy những chân lý đã được truyền lại một cách trung thành và trở nên ánh sáng cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta ở đâu?” [1] Và chính Đức Thánh Cha đã cho chúng ta câ trả lời: “Trong Kinh Tin kính, trong việc Tuyên xưng Đức tin, chúng ta được kết nối với sự kiện gốc về Con người và lịch sử của Chúa Giêsu thành Nazareth; và câu nói của vị Tông đồ Dân ngoại với tín đồ Côrintô trở thành sự thật: ‘Tôi truyền lại cho anh em điều quan trọng nhất mà tôi đã lãnh nhận’ [...]” (1Co 15, 3-4)

Nhân Năm Đức tin được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố vào năm 1967, Thánh Josémaría cũng đã mời gọi chúng ta đi sâu hơn vào nội dung Kinh Tin kính. Chúng ta hãy quyết tâm làm theo lời khuyên này. Sau khi nhắc lại lần nữa là trong Opus Dei, chúng ta cố gắng ở mọi nơi, mọi lúc sentíre cum Ecclesia, cảm nhận cùng Giáo Hội của Chúa Kitô, Mẹ chúng ta [3], Ngài nói thêm: Vì vậy, Cha muốn cùng các con nhắc lại, một cách ngắn gọn và vắn tắt, những chân lý cơ bản trong Kinh Tin kính thánh thiện của Giáo Hội, kho tàng mà Chúa đã giao cho Giáo Hội qua mặc khải.[4] Cha nhấn mạnh, chúng ta phải liên tục, và đặc biệt trong năm nay, thực hiện mạnh mẽ hơn công tác tông đồ giáo lý. Chúng ta nhận thấy việc đó càng ngày càng cần thiết hơn, vì rất nhiều người Kitô hữu, ngay cả người Công giáo, không giải thích được nguyên nhân niềm tin của mình cho những người chưa biết Tin Mừng, hay cho những người có một kiến thức yếu kém về các chân lý mà các Thánh Tông đồ đã truyền lại và được Giáo Hội trung thành gìn giữ.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bày tỏ hy vọng rằng năm nay sẽ giúp cho mỗi người “đào sâu hơn những chân lý chủ chốt trong đức tin, liên quan đến Thiên Chúa, con người, Hội Thánh, đến toàn bộ thực tế xã hội và vũ trụ, bằng cách suy niệm và suy nghĩ những khẳng định của inh Tin kính”. Ngài nói tiếp:“Cha mong muốn rằng những nội dung hay chân lý đức tin (fides aquæ)

này tác động trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta; chúng đòi hỏi sự đổi mới trong cuộc sống để nảy sinh một phong cách sống đức tin mới vào Chúa (fides aqua). Biết Chúa, gặp Chúa, đào sâu hiểu biết của ta về những đường nét dung mạo của Ngài là vấn đề sống còn cho cuộc đời chúng ta, vì như vậy Chúa mới có thể đi vào những động lực sâu xa của con người.” [5]

Đây là hai khía cạnh không thể tách rời nhau: chấp nhận các chân lý đức tin bằng trí khôn, và nỗ lực bằng ý chí làm thấm đẫm niềm tin đó vào mọi hành động của chúng ta, ngay cả việc làm nhỏ bé nhất, đặc biệt là những bổn phận gắn liền với hoàn cảnh của mỗi người. Đấng Sáng lập viết như sau: “Chúng ta phải tuân phục trong tự do và giải thoát hoàn toàn, dù trong động lực và ánh sáng của ân sủng hay qua cách diễn tả bên ngoài những điều phải tin. Chúng ta sẽ Không làm cho việc nghe lời Chúa Thánh Thần được thuận lợi nếu chúng ta chống lại những diễn tả bên ngoài được chấp nhận trong giáo lý đức tin”. [6]

Kết luận thật rõ ràng: Chúng ta phải mong muốn và cố gắng tìm hiểu nhiều hơn và rõ hơn các giáo huấn của Chúa Kitô để có thể truyền lại cho người khác. Với ơn Chúa giúp, chúng ta sẽ làm việc đó bằng cách dừng lại chăm chú suy niệm các nội dung đức tin. Học lý thuyết thôi chưa đủ. Chúng ta phải “tìm ra mối liên hệ sâu sắc giữa những chân lý chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin kính và cuộc sống hằng ngày của ta, để những chân lý đó trở nên ánh sáng thật sự và cụ thể - như vốn luôn là như thế - soi dẫn từng bước đường đời ta đi, nên dòng nước tưới mát những đoạn đường khô cằn, nên sự sống chiến thắng những sa mạc của cuộc sống hiện đại. Đời sống luân lý của người Kitô hữu được tháp nhập vào Kinh Tin kính, nơi nó tìm thấy nền tảng và ý nghĩa.” [7] Chúng ta hãy sốt sắng cầu nguyện, suy niệm lời tuyên xưng đức tin, và xin Đấng Phù Trợ soi sáng để chúng ta ngày càng yêu quý và gần gũi các chân lý đức tin hơn.

Vì vậy, trong những cuộc trò truyện tông đồ và những buổi học giáo lý dành cho những người tham gia các hoạt động tông đồ của Hội, chúng ta hãy luôn nghiên cứu và ôn lại quyển Giáo lý của Hội Thánh Công giáo hay quyển Toát yếu. Các linh mục cũng sẽ cố gắng kiên trì sử dụng các tài liệu này trong suy niệm và giảng dạy. Như vậy, tất cả chúng ta đều cố gắng đối chiếu đời sống hằng ngày với các nội dung trong Giáo lý. Cha thường nhớ Thánh Josémaría hay đọc quyển Giáo lý của Thánh Piô V – ngày nay không còn nữa – và Giáo lý của Thánh Piô X mà Ngài hay khuyên đọc.

Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Ðấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. [8] Câu đầu tiên trong Kinh Tin kính diễn tả đức tin của Hội Thánh vào sự hiện hữu của một Đức Chúa ngôi vị, sáng tạo và bảo tồn mọi thứ, điều khiển toàn thể vũ trụ và đặc biệt là nhân loại bằng sự quan phòng. Dĩ nhiên, khi chúng ta nhìn bằng một đôi mắt trong sáng, tất cả đều nói về Thiên Chúa chúng ta, Đấng Tạo Hóa. Chúa Giêsu, đã tưởng thưởng cho Thánh Phêrô vì niềm tin của Ngài bằng cách đặt Ngài đứng đầu Hội Thánh (x. Mt 16,13-19), cũng sẽ tưởng thưởng cho các Kitô hữu - những người tin bằng một sự sáng suốt mới. Quả nhiên, những gì người ta biết về Chúa được bày tỏ giữa các tín hữu, vì Chúa đã mặc khải cho họ; bởi vì từ khi thế giới được tạo thành, sự vô hình của Chúa, sức mạnh vĩnh cữu và thiên tính của Người, được biểu lộ qua các tạo vật (xm Rm 1,20). [9] Cha đề nghị các con, như Cha từng viết, hãy đọc Kinh Tin kính với một niềm tin mới, hân hoan tuyên xưng và tìm nương náu trong các chân lý cốt yếu đó của người Kitô hữu.

Tất cả chúng ta đều biết rằng, do hậu quả của tội nguyên tổ, bản chất con người đã bị tổn thương nặng nề, vì vậy, chỉ bằng sức mạnh của lý trí tự nhiên, con người rất khó nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, không thể sai lầm. [10] Chính vì thế, trong lòng nhân hậu và thương xót vô biên, Chúa đã từ từ bày tỏ mình trong Cựu Ước cho đến khi mặc khải trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô. Bằng cách gửi Con mình xuống làm người, Thiên Chúa đã không những chỉ rõ những chân lý mà tội lỗi đã che khuất, mà còn cho chúng ta biết sự sống thần linh của Người. Trong bản tính thánh thiêng duy nhất từ muôn đời đã có Ba Ngôi thực sự riêng biệt: Cha, Con và Thánh Thần, hiệp nhất bất khả phân ly trong một tình yêu tuyệt vời và khôn tả. “Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô giáo. Đây là mầu nhiệm về Thiên Chúa trong chính mình. Vì thế, đó là nguồn gốc của tất cả các mầu nhiệm đức tin khác, là ánh sáng chiếu rọi các mầu nhiệm khác”. [11] “Đó là một mầu nhiệm đức tin theo nghĩa hẹp, một trong những “huyền nhiệm được ẩn giấu nơi Thiên Chúa, mà không ai có thể biết được trừ khi chúng được Thiên Chúa mặc khải từ trên cao” (Công đồng Vatican I: DS 3015). [12]

Việc mặc khải đời sống thân mật của Chúa, để cho chúng ta được chia sẻ kho tàng ân sủng đó, là món quà quý giá nhất mà Thiên Chúa đã trao tặng chúng ta. Một món quà hoàn toàn cho không, xuất phát từ lòng nhân hậu của Chúa. Vì vậy, Cha chúng ta hoàn toàn có lý khi đề nghị: “Chúng ta hãy luôn cầu nguyện với Kinh Tin kính trong một tinh thần tôn thờ, ngợi khen và suy niệm yêu mến”. [13]

Cha xin Thánh Josémaria giúp chúng ta có thể nói từ “tôi tin” với một niềm đam mê thánh thiện như Ngài đã có khi thường xuyên lặp lại lời đó trong ngày sống. Cha thánh cũng đã từng khuyên: “Hãy học cách ca tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Hãy học cách có một niềm yêu quý đặc biệt Ba Ngôi: tôi tin Thiên Chúa Cha, tôi tin Thiên Chúa Con, tôi tin Thiên Chúa Thánh Linh; tôi trông cậy nơi Chúa Cha, tôi trông cậy nơi Chúa Con, tôi trông cậy nơi Chúa Thánh Thần; tôi yêu mến Chúa Cha, tôi yêu mến Chúa Con, tôi yêu mến Chúa Thánh Thần. Tôi tin, tôi trông cậy và tôi yêu mến Ba Ngôi cực thánh”. [14] Rồi Ngài nói tiếp: “Lòng yêu mến cần thiết như một cuộc tập luyện thiêng liêng cho linh hồn, được diễn tả bằng nhịp đập con tim, và không phải lúc nào cũng có thể diễn tả bằng lời.” [15] Chúng ta có thực hành những lời khuyên này không? Chúng ta có cần “tin” như Chúa muốn không? Việc tin vào Thiên Chúa quyền năng và hằng sống có làm cho chúng ta bình an không?

Tín điều đầu tiên trong Kinh Tin kính là phiến đá tảng trên đó đức tin và hành vi của người Kitô hữu dựa vào. Như Đức Bênêđictô XVI đã tuyên bố vào hôm trước ngày khai mạc Năm Đức tin: “Chúng ta phải học bài học đơn giản và căn bản nhất của Công đồng [Vatican II], đó là điều cốt yếu của Kitô giáo hệ tại nơi niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu Ba Ngôi, và nơi cuộc gặp gỡ, cá nhân và cộng đoàn, với Đức Kitô, Đấng hướng dẫn và làm cho cuộc sống có ý nghĩa; tất cả những cái còn lại sẽ từ đó mà ra [...] Công đồng nhắc nhở chúng ta rằng Hội Thánh, trong tất cả các thành phần của mình, có bổn phận, có sứ mệnh thông truyền lời tình yêu của Thiên Chúa cứu độ, để lời mời gọi thiêng liêng chứa đựng hạnh phúc vĩnh cữu đó được lắng nghe và đón nhận.” [16]

Vì thế chúng ta cần tìm hiểu ngày càng sâu sắc hơn tín điều đầu tiên của niềm tin của chúng ta. Tôi tin Đức Chúa Trời! Lời khẳng định đầu tiên này cho chúng ta thấy đó là điều nền tảng nhất. Toàn bộ Kinh Tin kính nói về Thiên Chúa, và khi nói về con người và thế giới thì cũng do mối liên hệ với Thiên Chúa. Các tín điều khác trong lời tuyên xưng niềm tin này tùy thuộc vào tín điều đầu tiên: Chúng giúp ta biết rõ hơn về Thiên Chúa qua sự mặc khải tiệm tiến của Người cho nhân loại.Quả thật, bởi vì tín điều đầu tiên này chứa đựng điều gì đó rất nền tảng, chúng ta không thể bỏ qua không truyền thông tín điều này cho tha nhân. Và như Cha đã nói từ đầu thư, ơn Chúa không thiếu để chúng ta hoàn thành nhiệm vụ này.

Trong tháng 11 này, phụng vụ mời gọi chúng ta đặc biệt suy nghĩ về những sự thật vĩnh cửu. Thánh Josémaria hay nói: “Chúng ta đừng bao giờ để mất hút điểm đến tối hậu mà tất cả chúng ta hướng đến. ‘Người được cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích gì? Hoặc con người có thể lấy gì để đổi linh hồn?’ (Mt 16,26). Chúng ta chỉ có một điểm đến tối hậu, điểm đến ấy thiêng liêng và làm cho kết cục tự nhiên của đời ta được nâng lên và hoàn hảo, bởi vì ân sủng quan phòng, nâng đỡ, chữa lành, dạy dỗ và làm cao quý bản tính tự nhiên.” [17]

Chúng ta hãy xác tính rằng bằng cách sống Kinh Tinkính, áp dụng lời kinh vào toàn bộ cuộc sống, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn và yêu mến hơn sự phụ thuộc tuyệt vời của chúng ta vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ nếm trải niềm vui khôn ví vì được làm con Chúa và vì chính chúng ta ý thức được điều đó. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo nhắc nhở chúng rằng đức tin đem đến nhiều hiệu quả to lớn cho đời sống chúng ta. Trước hết, đức tin thúc đẩy chúng ta nhìn nhận sự vĩ đại và quyền năng của Thiên Chúa, tôn thờ Người; biết ơn Người vì muôn vàn ân ban; khám phá ra phẩm giá thật sự của tất cả con người, nam cũng như nữ, được tạo thành theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, và vì thế con người xứng đáng được tôn trọng; sử dụng đúng đắn những của cải Thiên Chúa đã tạo ra và trao cho chúng ta sử dụng; tin tưởng Người trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt trong những nghịch cảnh. [18]

Trước khi kết thư, Cha muốn thúc giục chúng ta hãy gia tăng cầu nguyện đặc biệt cho hoa trái của cuộc họp Thượng Hội đồng Giám mục về Tân Phúc âm hóa đã kết thúc cách đây vài ngày. Chúng ta hãy khẩn nài Thiên Chúa cho trên khắp thế giới, từ cực này đến cực kia, hơi thở của Đấng Bầu Chữa sẽ làm lay động trái tim của các tín hữu Công giáo để mọi người dự phần cách

tích cực vào mùa xuân mới này của đức tin, mà Đức Thánh Cha đang nhấn mạnh.

Hãy cầu nguyện cách đặc biệt cho những người anh em sẽ lãnh nhận chức phó tế vào ngày 3/11 ở Vương cung Thánh đường Eugene. Và hãy gia tăng lời cảm tạ Ba Ngôi vì ngày 28/11 là ngày kỷ niệm 30 năm Opus Dei được thiết lập như một Giáo phận Tòng nhân. Biết bao hoa trái thiêng liêng đã trổ sinh từ ngày ấy, như Cha Don Alvaro thân yêu đã đoan chắc khi nói rằng việc hoàn thành “ý nguyện đặc biệt” của Cha Thánh Josemaria đã mang lại bao ơn lành cho Hội: omnia bona pariter cum illa! [19]

Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ lên Thiên Quốc qua tay Mẹ Maria, và đấng kế vị đầu tiên Cha Thánh Josemaria, là người đã cầu nguyện, đau khổ và làm việc để thực hiện sứ mạng mà Đấng Sáng lập đã trao cho. Việc cụ thể hóa lòng biết ơn này nằm trong tầm tay chúng ta: đó là trung tín với Thiên Chúa, bằng cách bắt đầu và lại bắt đầu mỗi ngày trong nỗ lực tìm biết Chúa càng ngày thân mật hơn.

Với tất cả lòng yêu mến, Cha chúc lành cho các con,

Cha của các con,

 + Javier

Rome, ngày 1 tháng 11 năm 2012

Chú thích: [1] ĐGH Bênêđitô XVI, Bài nói chuyện buổi Triều yết chung ngày 17/10/2012.

[2] Như trên. [3] Thánh Josemaría, Thư ngày 19 tháng 3 năm 1967, số 5.

[4] Như trên. [5] ĐGH Bênêđitô XVI, Bài nói chuyện buổi Triều yết chung ngày 17/10/2012.

[6] Thánh Josemaría, Thư ngày 19 tháng 3 năm 1967, số 42

[7] ĐGH Bênêđitô XVI, Bài nói chuyện buổi Triều yết chung ngày 17/10/2012.

[8] Sách lễ Roma, Kinh Tin kính (Công đồng Nicê-Constantinop).

[9] Thánh Josemaría, Thư ngày 19 tháng 3 năm 1967, số 42

[10] Xem Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, các số 36-38.

[11] Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 234.

[12] Như trên, số 237.

[13] Thánh Josemaría, Thư ngày 19 tháng 3 năm 1967, số 55

[14] Thánh Josemaría, Lò Rèn, số 296.

[15] Như trên. [16] ĐGH Bênêđitô XVI, Bài nói chuyện buổi Triều yết chung ngày 10/10/2012.

[17] Thánh Josemaría, Thư ngày 19 tháng 3 năm 1967, số 59

[18] Xem Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, các số 222-227.

[19] Kn 7,11. Xem Thư, ngày 28 tháng 11 năm 1982, số 4 (Thư Gia đình, tập II, số 313).