Thư Đức Giám Quản - Tháng 11 năm 2010

Đức Giám Quản mời gọi chúng ta suy nghĩ sâu hơn nữa về mầu nhiệm Các Thánh Thông Công, làm mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ giữa chúng ta với các thành phần Hội Thánh trên Thiên đàng, nơi Luyện ngục và ở trần gian.

Các con thân mến: Nguyện xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con của Cha!

Hôm nay chúng ta nhớ đến các vị Thánh đang hưởng phúc với Chúa trên Thiên đàng. Thánh Gioan đã ghi lại thị kiến của ông trong sách Khải huyền, kìa một đoàn người thật đông, không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta.” [1]

Chúng ta thấy, như trong một bức họa tuyệt vời, Sách Thánh mô tả vô số các linh hồn, những người đã đạt đến kết cuộc hạnh phúc của hành trình trần thế. Họ làm nên Hội Thánh Khải Hoàn. Với Đức Mẹ và Thánh Giuse, cùng tất cả các Thánh (mà trong số đó có Cha Thánh của chúng ta), hàng triệu triệu con người bình thường sống mãi trong Chúa và cho Chúa, họ đã chiến đấu những cuộc chiến đấu của đời sống tâm linh trên trần gian, và với sự trợ giúp của ơn Chúa, họ đã chiến thắng. Tự tâm can Cha tràn đầy lòng biết ơn đối với những thành viên nam nữ của Hội đã phục vụ Thiên Chúa với đầy lòng trung tín và họ đang cầu nguyện cho chúng ta trên thiên quốc. Thực tế này không phải chỉ là một điều đáng ghi nhớ, mà nó còn phải đưa chúng ta đến việc cậy nhờ vào các Ngài, trong tình hiệp thông, để chúng ta tiếp tục dấn bước trên con đường mà các Ngài đã hoàn tất cách phi thường.

Cha cũng nhớ lại với lòng yêu thương bao la của những người đã nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng ta hay những người mà chúng ta đã từng quen biết trên thế gian này: bố mẹ, anh chị em, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, và rất nhiều người khác mà ta không quen biết hoặc họ cũng không quen biết chúng ta, nhưng đã giúp chúng ta hoặc được chúng ta giúp bằng những cố gắng của bản thân, thông qua mầu nhiệm Các Thánh Thông Công, để một ngày nào đó đạt đến việc được chiêm ngắm Thiên Chúa Ba Ngôi. Cha đề nghị các con, như Cha đã thấy Cha Thánh của chúng ta hay làm, hãy phó thác chính chúng ta cho lời cầu bầu của ông bà tổ tiên, và cầu xin sự giúp đỡ của các Ngài.

Chúng ta không thể quên đoàn người đông đảo rất đáng yêu mến đang đợi chờ thời khắc bước vào quê hương trên trời. Họ là những linh hồn được chúc phúc trong Luyện ngục, là Hội Thánh Đau Khổ, những người đang chuẩn bị bước vào vinh quang. Thánh Josemaria từng nói: “Họ đã ở nơi hạnh phúc rồi, “bởi vì sự cứu rỗi của họ đã được đảm bảo, tuy nhiên họ vẫn phải cần được thanh luyện thêm đôi chút để được nhìn thấy Thiên Chúa.” [2] Hội Thánh nhớ đến họ vào ngày mai, ngày 2 tháng 11, và dành một nghi lễ tưởng nhớ đặc biệt, và yêu cầu mỗi linh mục đọc kinh cầu cho những người đã qua đời khi cử hành Bí tích Thánh Thể.

Những tuần lễ này là cơ hội tuyệt vời cho chúng ta củng cố mầu nhiệm Các Thánh Thông Công. Bằng lời cầu nguyện và sự hãm mình, bằng việc dâng hiến những công việc của chúng ta, và trên tất cả, bằng cách dâng hoa trái của Thánh Lễ để cầu nguyện cho các linh

hồn trong luyện ngục, chúng ta có thể giúp họ đền bù tội lỗi để đạt tới hạnh phúc Thiên đàng. Làm sao chúng ta có thể quên được lòng yêu mến mà Cha chúng ta luôn dành cho các linh hồn qua việc cầu nguyện liên lỉ và kêu gọi mọi người cầu nguyện cho các linh hồn, đặc biệt trong suốt tháng 11 này? Ngài đã mời gọi chúng ta hãy rộng lượng trong việc cầu nguyện cho các linh hồn. Khát vọng lớn nhất của Ngài là, hiệp nhất lại, chúng ta có thể thành công trong việc “dọn sạch Luyện ngục” thông qua vô số các Thánh Lễ được dâng hiến, cùng lòng quảng đại hy sinh và cầu nguyện. Do đó, Cha tự hỏi mình và hỏi các con: Chúng ta làm thế nào để thể hiện lòng yêu mến các linh hồn đã qua đời và cả những linh hồn đang còn sống? Chúng ta dành thời gian cho họ như thế nào?

Những suy tư này giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn về mầu nhiệm Hội Thánh Chiến Đấu, mà chúng ta đang là thành viên. Chúng ta không chỉ là thành viên cách thụ động qua việc nhận lãnh ơn cứu độ Thiên Chúa trao ban, mà còn phải theo một cách chủ động. Tất cả chúng ta phải cảm nhận được rằng chính mình là Hội Thánh, và chúng ta được mời gọi đóng góp tích cực vào việc xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô nơi trần thế để đi đến sự hiệp nhất vĩnh cữu trên Thiên Đàng. Chúng ta có thể tự hỏi mình như Thánh Josemaria đã làm: “Tôi có chia sẻ với Chúa Kitô lòng nhiệt thành dành các linh hồn không? Tôi có cầu nguyện cho Giáo Hội mà tôi là một thành phần, và trong đó tôi phải thực hiện một nhiệm vụ cụ thể mà không ai khác có thể làm giúp tôi hay không?” [3]

Công đồng Vatican II, dựa theo Kinh Thánh, đã dạy rằng Giáo Hội là “đền thờ của Thiên Chúa. Ngài đã tự ví mình như viên đá bị người thợ xây loại bỏ, nhưng đã trở nên đá tảng góc tường. Trên nền tảng này, Giáo Hội được xây dựng bởi các tông đồ, và từ đó Giáo Hội nhận được sự bền vững và hiệp nhất.” [4] Trong thư thứ nhất của mình, Thánh Phêrô đã viết rằng Đức Kitô là viên đá sống động, bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa tuyển chọn và coi là quý giá; hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em lên hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người nhờ Đức Giêsu Kitô. [5]

Điều này xảy ra nơi Bí Tích Rửa Tội, khi chúng ta được tháp nhập vào Giáo Hội như một nhân tố sống động để xây dựng ngôi nhà của Thiên Chúa nơi trần thế. [6] “Việc thuộc về Hội Thánh đã là nhiều, song chưa đủ. Chúng ta phải là chính Hội Thánh, vì Mẹ chúng ta không thể là người xa lạ đối với chúng ta, hay là cái gì đó ở bên ngoài, lạ lẫm với những suy tư thầm kín nhất của ta.” [7] Kết hợp trọn vẹn với Chúa Kitô là điều cần thiết để được sống trong Giáo Hội hiện tại và đạt đến hạnh phúc đời sau.

Chúng ta không phải là những nhân tố trì trệ, nhưng là những viên đá sống động cộng tác một cách tự do và tự nguyện vào việc áp dụng những giá trị của Chúa Kitô cho bản thân và tha nhân. Như vị Tồng đồ Dân ngoại đã nói: Theo ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi đặt nền móng như một kiến trúc sư lành nghề, còn người khác thì xây trên nền móng đó. Nhưng ai nấy phải coi chừng về cách mình xây cất vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã có sẵn là Đức Giêsu Kitô. Người ta có thể dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ, rơm mà xây trên nền đó. Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. [8]

Chúng ta hãy xây dựng Hội Thánh trong đời sống của mình trên nền tảng duy nhất là Đức Kitô, với vàng là sự hiến dâng hết mình cho Thiên Chúa, với bạc là sự hy sinh và hãm mình, với đá quý là các nhân đức của ta, có thể nhỏ bé thôi, nhưng làm vui lòng Thiên Chúa nếu chúng ta xứng đáng với hồng ân mà Ngài vẫn tuôn đổ trên chúng ta. Với ơn Chúa giúp, chúng ta hãy xa lánh không chỉ những tội nặng mà còn phải thận trọng với những tội nhẹ, những lỗi lầm và sự bất toàn: những gì không thể tiến dâng Thiên Chúa là “cỏ”, là “rơm”, là những vật thể mỏng giòn mà chúng ta phải tháo bỏ khỏi mình hầu được vào Thiên đàng. Điều đó cần cho việc ăn năn sám hối khi chúng ta còn đang bước trên con đường trần thế và cho việc thanh tẩy nơi luyện ngục sau khi chết.

Thánh Phaolô còn viết thêm: Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? [9] Phụng vụ nhấn mạnh xác tín này trong tháng mười một khi mừng Lễ Cung hiến Thánh đường Thánh Gioan Latêranô vào ngày 9 và Thánh đường Thánh Phêrô và Thánh Phaolô vào ngày 18. Chúng ta hãy suy niệm về những ý nghĩa biểu tượng của các ngày lễ này, mang lại hiệu quả thực tế cho đời sống đạo đức của chúng ta. Như lời nguyện nhập lễ dâng lên Chúa Cha trong Thánh Lễ cung hiến đền thờ: "Chúng con tạ ơn Cha vì ngôi nhà cầu nguyện này, nơi Cha chúc phúc cho gia đình Cha là chúng con đang hành hương về cùng Cha. Nơi đây, Cha bộc lộ sự hiện diên của Cha qua các Bí tích và làm cho chúng con nên một với Cha qua vô số ân phúc vô hình. Nơi đây, Cha xây dựng một đền thờ sống động là chính chúng con. Tại nơi này, Cha xây dựng Đền thờ của Cha bằng những viên đá sống động, và làm cho Hội Thánh đạt đến tầm vóc trọn vẹn là Thân thể Chúa Kitô nơi trần thế và đạt đến sự hoàn thiện sau hết của thành Giêrusalem thiên quốc”. [10]

Chúng ta hãy dừng lại cùng suy ngẫm về sự thật kỳ diệu này: Tất cả chúng ta đều là những thành phần ngang bằng nhau trong Hội Thánh, cho dù mỗi người có chức phận của riêng mình. Đức Giáo Hoàng Bênêđitô 16 nhấn mạnh: “Mỗi thành phần trong cơ cấu của Giáo Hội đều quan trọng, nhưng tất cả đều sẽ suy yếu và sụp đổ khi không có tảng đá góc tường là Chúa Kitô. Như những “công dân thân thiết” trong “ngôi nhà Thiên Chúa”, người Kitô hữu phải cùng nhau làm việc, sao cho ngôi nhà đứng vững hầu những người bên ngoài sẽ bị thu hút bước vào và khám phá kho tàng ân sủng phong phú bên trong.” [11]

Các con trai và con gái của Cha, chúng ta hãy suy ngẫm về nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta, và thực hiện nó với ý thức trách nhiệm, giống như những người đầy tớ trong dụ ngôn khi nhận những nén bạc ông chủ giao phó và đã làm sinh lời để trao lại khi ông chủ trở về [12]. Điều đó sẽ xảy đến; thật vui mừng nếu chúng ta ở lại trong Chúa qua những mối dây ràng buộc đức tin, qua việc lãnh nhận các Bí tích và hiệp thông với Đức Giáo Hoàng cùng hàng Giám Mục.

Chúng ta hãy suy ngẫm một biểu tượng quan trọng ở đây. Cha muốn đề cập đến bàn thờ ở bên trong các nhà thờ. Các bàn thờ chiếm một vị trí xứng hợp được thánh hiến để làm việc thờ phượng thông qua một nghi thức đặc biệt phong phú. Năm 1958, trong ngày lễ Các Thánh Nam Nữ, Thánh Josemaria đã thánh hiến các bàn thờ của nhà nguyện kính Các Thánh Tông đồ tại Villa Tevere. Như mọi khi, trong nghi thức phụng vụ, lòng sùng kính của Ngài thể hiện rất rõ ràng. Từng câu, từng từ biểu lộ tình yêu tinh tuyền Ngài dành cho Thiên Chúa, vì đã để lại cho chúng ta Hy tế Thánh lễ, như một dấu chỉ rằng Chúa đã yêu thương và vẫn yêu thương chúng ta biết dường nào.

Qua nghi lễ này, Giáo hội nhắc nhở chúng ta rằng “chúng ta cũng đã được thánh hiến 'riêng' cho việc thờ phượng Thiên Chúa và xây dựng Vương quốc của Ngài. Tuy nhiên, chúng ta thường thấy mình bị nhấn chìm trong một thế giới đang muốn gạt bỏ Thiên Chúa ‘ra rìa’. Nhân danh sự tự do và tự quản của nhân loại, danh Thiên Chúa bị âm thầm gạt bỏ, tôn giáo chỉ được xem như lòng đạo đức cá nhân, và đức tin bị xa lánh trong cộng đồng. Đức Thánh Cha Bênêđitô 16 nói: “Nhiều khi não trạng hoàn toàn xa lạ với cốt lõi Tin Mừng này thậm chí có thể che phủ sự thấu hiểu của chúng ta về Hội Thánh và sứ mệnh của Hội Thánh.” [13]

Chúng ta phải luôn cố gắng loại bỏ não trạng này vì đôi lúc nó tự xâm nhập vào cách hành xử của rất nhiều Kitô hữu. Trong bối cảnh này, Cha muốn đề cập đến những gì Thánh Josemaria đã nói khi cử hành lễ cung hiến một bàn thờ: "Các con và Cha, chúng ta cũng giống như những bàn thờ: chúng ta đã được xức dầu. Trước hết, chúng ta được xức dầu trong Bí tích Rửa tội, rồi sau đó trong Bí tích Thêm sức. Và chúng ta chờ đợi với niềm hân hoan lúc được xức dầu lần nữa trong Bí tích Xức dầu Bệnh nhân. Vì thế, chúng ta là điều gì đó thánh thiêng, và vì thế thân xác chúng ta phải được dâng hiến cho Chúa, là Thiên Chúa chúng ta. Nếu khôn ngoan, chúng ta phải biết tôn trọng thân xác của chúng ta với sự khiêm nhu, dùng thân xác ta phụng sự Thiên Chúa, và ăn mặc phù hợp. Để làm được như vậy, chúng ta còn phải biết điểm trang linh hồn chúng ta bằng những thói quen tốt, tức là các nhân đức, sao cho tương xứng với người mang danh Kitô hữu.” [14]

Chúng ta còn có thể rút ra nhiều suy niệm cho đời sống thiêng liêng từ những ngày lễ này. Cha muốn để các con tự suy gẫm. Tuy nhiên Cha không muốn kết thúc mà không nhắc lại các ngày lễ phụng vụ khác và các ngày lễ kỷ niệm trong lịch sử của Hội vào những tuần lễ tới. Trước tiên là ngày 21, Lễ Chúa Kitô Vua. Chúng ta hãy dâng hiến lại Hội chúng ta cho Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chúng ta hãy làm mới lại những lời tuyên xưng đầy ý nghĩa mà chúng ta đã nói với Thiên Chúa khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, và sau đó là khi nhận lãnh ơn gọi đến với Opus Dei. Cha gợi ý các con hãy tự hỏi mình xem: Các con đã để Chúa làm chủ ngày sống của mình như thế nào? Qua việc làm và bạn bè, các con đã mở rộng triều đại Ngài như thế nào?

Sau đó, vào ngày 28 tháng 11, kỷ niệm ngày công nhận Giáo đoàn Tòng nhân Opus Dei (năm nay, ngày này rơi vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, giống năm 1982), chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa với cả tấm lòng cho bước ngoặc vô cùng quan trọng này. Hãy cùng cầu khẩn Thiên Chúa một cách đặc biệt, như người tôi tá của Thiên Chúa là Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã viết trong Tông Hiến Ut Sit, Hội luôn là một công cụ hữu hiệu phục vụ cho sứ mệnh phổ quát của Hội Thánh.

Vài ngày trước, Cha đã ở Pamplona và cử hành Thánh Lễ tại Đại học Navarra. Cha đã dâng lời tạ ơn Thiên Chúa cùng với hàng ngàn người nhân dịp kỷ niệm năm mươi năm thành lập trường và sáng lập Hội ‘Những người bạn’ của trường. Các con có thể tưởng tượng thấy sự

hiện diện rất rõ ràng của Thánh Josemaría, bởi vì Cha đã cử hành Thánh Lễ ngay chính nơi Đấng sáng lập Hội đã cử hành Thánh Lễ vào tháng 10 năm 1967. Những lời của Ngài khi ấy đã giúp Cha soạn bài giảng, nhắc nhở mỗi người rằng Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta tìm kiếm sự thánh thiện mỗi ngày trong đời mình.

Nguyện cho lòng tri ân của chúng ta cũng đươc thể hiện nơi lời cầu nguyện liên lỉ dành cho Đức Thánh Cha và các ý nguyện của Ngài, người mà tất cả tín hữu Công giáo mong muốn duy trì sự hiệp thông sâu sắc trong mọi tình huống. Và xin các con hãy cầu nguyện liên lỉ cho những dự định của Cha, những dự định chỉ với mục đích duy nhất là phục vụ Hội Thánh và các linh hồn được thăng tiến hơn. Cha cảm thấy kết hiệp rất mật thiết với tất cả các con và Cha cần các con nâng đỡ Cha mỗi ngày.

Trong tháng này, chúng ta còn có một ngày kỷ niệm khác là ngày Cha chúng ta tìm thấy bông hồng bằng gỗ Rialp. Cha nguyện xin Đức Mẹ bổ sức cho chúng ta trong chuyến hành trình mà chúng ta phải hoàn thành để đạt đến Thiên đàng. Chúng ta cũng hãy nhớ cầu nguyện cho các thành viên của Hội sẽ được thụ phong phó tế vào ngày 13 này.

Với tất cả lòng yêu mến, Cha chúc lành cho các con.

Cha của các con

Javier

Rôma, ngày 1 tháng 11 năm 2010.

Ghi chú:

[1] Kh 7,9-10.

[2] Thánh Josemaría, Ghi chép trong một buổi họp mặt gia đình, ngày 9 tháng 4, 1974.

[3] Thánh Josemaría, Bài giảng Trung tín với Hội Thánh, ngày 4 tháng 6, 1972.

[4] Công đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, câu 6.

[5] 1 Pr 2,4-5.

[6] x. 1 Tm 3,15.

[7] Thánh Josemaría, Bài giảng Trung tín với Hội Thánh, ngày 4 tháng 6, 1972.

[8] 1 Cr 3,10-13.

[9] 1 Cr 3, 16.

[10] Sách Lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng I của nghi thức cung hiến thánh đường

[11] Đức Giáo Hoàng Bênêđitô 16, Bài giảng ngày 18 tháng 8, 2008.

[12] x.Mt 25,20-23.

[13] Đức Giáo Hoàng Bênêđitô 16, Bài giảng tại một buổi lễ cung hiến bàn thờ, ngày 19 tháng 7, 2008.

[14] Thánh Josemaría, Ghi chép trong một buổi họp mặt gia đình, ngày 27 tháng 10, 1974.