Thư Đức Giám Quản - Tháng 1 năm 2013

Đức Giám Quản tiếp tục suy niệm về Kinh Tin kính nhân Năm Đức tin. Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là con người thật: “Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần mà Ngài được sinh ra bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria và làm người.”

 

Các con thân mến,

Nguyện xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con của Cha!

Trong những ngày mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta thường đến hang đá Bêlem chiêm ngắm Chúa Giêsu trong tay Mẹ Ngài. Chúng ta đến thờ lạy Ngài, cùng với ước mong được đại diện cách nào đó cho cả nhân loại. Và hôm nay, trước thềm năm mới, chúng ta xúc động khi nghe những lời của Thánh Phaolô trong bài đọc hai của Thánh Lễ: Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. [1]

Khi ngày Giáng sinh đến, từ thâm tâm, chúng ta cảm nhận một khao khát mãnh liệt muốn loan báo “tin mừng” này cho toàn thế giới, theo cách Cha chúng ta thường nói - với những điểm nhấn mới mỗi năm! “Chúng ta muốn cả thế giới đối xử thật tử tế với Chúa, trìu mến nghênh đón Ngài. Chúng ta phá tan sự câm lặng thờ ơ của những người không biết Chúa hoặc không mến Chúa, bằng cách hát lên những bài thánh ca Giáng Sinh, những bài hát quen thuộc mà già trẻ lớn bé khắp các quốc gia đều hát, theo truyền thống Kitô giáo. Các con có để ý thấy các bài hát này luôn nói về việc tìm gặp và chiêm ngắm Chúa Hài Nhi, như các mục đồng đã làm trong đêm thánh ấy không? Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. (Lc 2,16).” [2] 

Suốt những ngày qua, lòng đầy kinh ngạc, chúng ta chiêm ngắm lòng nhân từ Chúa được tỏ hiện tuyệt hảo. Chúng ta đừng bao giờ hết ngạc nhiên! “Các con hãy nhìn Hài Nhi trong máng cỏ. Ngài là Tình Yêu của chúng ta. Nhìn ngắm Ngài, chúng ta nhận ra toàn bộ việc này thật là một mầu nhiệm. Chúng ta cần đón nhận mầu nhiệm đó bằng lòng tin và dùng đức tin mà khám phá sâu sắc mầu nhiệm đó.” [3] Vì thế, ngoài việc bắt chước các mục đồng hối hả chạy đến hang lừa, chúng ta có thể suy nghĩ về hình ảnh ba nhà Đạo sĩ mà chúng ta kỷ niệm trong lễ Hiển Linh. Nhờ lòng tin khiêm tốn, ba vị đã vượt qua những trở ngại gặp phải trên suốt hành trình dài. Thiên Chúa đã chiếu sáng tâm hồn các vị, để qua ánh sao sáng, các vị có thể khám phá ra lời loan báo về Đấng Mêsia ra đời. Các vị đã vâng phục và sẵn sàng làm theo điều Chúa muốn là được dẫn đến Bêlem. Khi bước vào nơi Thánh Gia đang ở, họ thấy Hài Nhi với Thân Mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. [4]

Chúng ta cũng hãy vâng phục những thôi thúc của hồng ân Chúa ban qua các bí tích, cũng như qua lời cầu nguyện cá nhân khi ta suy niệm các trình thuật Tin Mừng, và qua việc vui lòng đón nhận những lời khuyên bảo của vị linh hướng và cố gắng thực hành. Lời khuyên nhủ của Thánh Tôma Aquinô giúp chúng ta dễ hiểu hơn về điều này: “Vì sự yếu đuối của tâm trí mà con người luôn cần một bàn tay dẫn dắt, không chỉ để hiểu biết mà còn để yêu mến những điều thánh thiêng, qua những sự việc có thể nhận biết được. Đứng đầu những điều thánh thiêng ấy là Nhân tính của Chúa Kitô, như trong Kinh Tiền tụng của Mùa Giáng Sinh, ‘để khi nhận biết Thiên Chúa xuất hiện hữu hình, thì nhờ Người lôi cuốn mà chúng con biết yêu mến những thực tại vô hình’.” [5]

Kinh Tin kính đọc trong Thánh Lễ trình bày rất đơn giản mầu nhiệm Nhập Thể cứu chuộc khi tuyên xưng rằng Con Thiên Chúa ‘vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người’. [6] Những lời ngắn gọn mà chúng ta cúi sâu mình mỗi khi đọc hay hát lên ấy tóm tắt sự kiện trọng tâm của lịch sử đã mở cho chúng ta cánh cửa thiên đàng. Trong lời kinh ấy, như một dấu ấn xác thực, ta nghe thấy tiếng vọng của cả ba bài tường thuật về Mầu nhiệm Nhập Thể mà Tin Mừng kể lại. Trong trình thuật báo mộng cho Thánh Giuse, Thánh Mátthêu đặt lên môi miệng thiên thần cùng một lời mô tả về Người Con của Trinh Nữ Maria: “Ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. [7] Mầu

nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh của Chúa Giêsu cho thấy sự tốt lành vô bờ bến của Thiên Chúa: Vì chúng ta không bao giờ có thể tự mình quay về với Thiên Chúa do tội tổ tông và tội lỗi của bản thân, nên Chúa đã đến gặp chúng ta: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con  ột,

để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. [8] Cho phép cha nhắc lại lời của Đấng Sáng lập khi thúc giục chúng ta sống một niềm tin sống động và sâu sắc: “Nếu ta không còn biết thán phục trước những mầu nhiệm của Thiên Chúa, thì cuối cùng chúng ta sẽ đánh mất đức tin”. [9] Chúng ta có cố gắng yêu mến để luôn ở kề cận Chúa Giêsu không? Chúng ta có biết tạ ơn Thiên Chúa quyền năng, Đấng muốn chúng ta chứng minh tình yêu dành cho Ngài bằng sự vâng phục không?

Verbum caro factum est. Ngôi Lời đã trở nên xác phàm. [10] Ngôi Lời Thiên Chúa không chỉ đến để nói với chúng ta như trước đây trong thời Cựu Ước, nhưng Ngài đã đến hóa thân nên một trong số chúng ta, một hậu duệ của Adam và Eva, bằng cách mang lấy thân xác và huyết nhục từ Đức Trinh Nữ Maria, nên giống chúng ta hoàn toàn, ngoại trừ tội lỗi. [11] Ngài đã muốn đến thế gian để dạy chúng ta rằng: “Tất cả mọi nẻo đường trần thế, mọi hoàn cảnh sống, mọi nghề nghiệp, mọi công việc lương thiện đều có thể trở nên thánh thiêng.” [12] Và Ngài thôi thúc chúng ta sống những điều đó một cách thánh thiện, trong sự hoàn hảo siêu nhiên và tự nhiên. Tuyệt vời biết bao khi Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta đã đến ở gần chúng ta! 

Thánh Luca, trong trình thuật truyền tin cho Đức Maria, đã ghi lại lời Tổng lãnh Thiên thần Gabriel nói cùng Mẹ, khi giải thích cho Mẹ kế hoạch của Thiên Chúa: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. [13] Đức Mẹ chúng ta đã thu hút cái nhìn trìu mến của Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng đã chọn Mẹ từ trước muôn đời để trở nên Hòm Bia Giao Ước thật sự, nơi nương ẩn của kẻ tội lỗi, vì từ cung lòng vô cùng thanh khiết của Mẹ, Con Thiên Chúa đã mặc lấy xác thân con người. Lời thưa xin vâng cách nhanh chóng và cương quyết của Mẹ - fiat mihi secundum Verbum tuum, [14] hãy làm cho tôi như lời sứ thần đã nói - đã mở đường cho mầu nhiệm vĩ đại và yêu thương này. Mỗi ngày, khi đọc lại lời kinh Truyền tin, chúng ta tưởng nhớ đến thời khắc độc nhất ấy trong lịch sử cứu độ. Lời cầu nguyện của chúng ta thấm đẫm

bao nhiêu lòng mến yêu? Từ sâu thẳm tâm hồn, chúng ta có cám ơn Mẹ vì sự tận hiến trọn vẹn của Mẹ để thực thi kế hoạch Thiên Chúa không? Hãy suy gẫm kỹ hơn lời Thánh Josemaría: "Mẹ, Mẹ ơi! Với lời thưa fiat – ‘ước chi việc ấy thành sự’ – của Mẹ, Mẹ đã cho chúng con trở nên anh chị em của Thiên Chúa và thừa hưởng vinh quang Người. Mẹ thật có phúc!” [15]

Tất cả những suy niệm này, và nhiều suy niệm khác đã từng được nói đến, có thể tóm tắt trong một điều duy nhất này: Ngôi Lời đã làm người để chúng ta được ‘thông phần bản tính Thiên Chúa’ (2 Pr 1,4): “Đó là lý do vì sao Ngôi Lời đã làm Người, và Con Thiên Chúa trở nên Con của con người: chính là để con người, khi đi vào mối tương quan với Ngôi Lời và nhận lấy tình phụ tử thiêng liêng, thì được trở nên con của Thiên Chúa”. [16]

Chúa Giêsu Kitô thật sự là Ngôi Hai của Ba Ngôi Thiên Chúa: là Con của Cha hằng sống, Đấng đã mặc lấy bản tính con người của chúng ta nhưng không mất đi bản tính Thiên Chúa. 

Chúa Giêsu không phải một phần là Thiên Chúa và một phần là con người, một dạng hòa trộn không thể của Thiên Chúa và nhân loại. Ngài là perfectus Deus, perfectus homo, Thiên Chúa trọn vẹn và con người trọn vẹn, như chúng ta đã tuyên xưng trong Quicumque hay Bản Tuyên tín Thánh Atanaxiô. Chúng ta hãy thử đào sâu hơn chân lý này; hãy xin Đấng An Ủi soi sáng để chúng ta có thể nắm bắt chân lý này đầy đủ hơn, làm cho nó sống động trong chính cuộc sống chúng ta, hầu chúng ta có thể thông truyền chân lý ấy với lòng nhiệt thành thánh thiện cho tha nhân. Xin đừng quên chúng ta phải luôn thể hiện niềm tự hào thánh thiện vì được làm anh em và chị em với Chúa Giêsu, được làm con của Thiên Chúa Cha trong Chúa Kitô.

Chúng ta hãy suy nghĩ thêm về điều này: “Trong đức tin chân chính, chúng ta tin và tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Thiên Chúa thật và là người thật; là Thiên Chúa do bởi bản

tính của Chúa Cha, được sinh ra trước vạn vật; là người do bởi bản tính của Mẹ Ngài, được sinh ra trong thế gian. Đức Giêsu là Thiên Chúa trọn vẹn và là con người trọn vẹn với linh hồn và thể xác loài người. Người ngang hàng với Chúa Cha xét theo thiên tính, và thấp hơn Chúa Cha xét theo nhân tính. Mặc dầu là Thiên Chúa và là người, nhưng Người không phải là hai, nhưng chỉ là một Đức Kitô. Một, không phải bởi sự biến chuyển thần tính thành xác phàm, nhưng là do Thiên Chúa đã nhận lấy nhân tính. Một, không do sự hòa trộn của bản tính, nhưng

do bởi sự duy nhất của ngôi vị.” [17]

Rõ ràng, chúng ta thấy mình đối diện với một mầu nhiệm quá sáng láng khiến con mắt trí khôn chúng ta chói lòa không nhìn thấy được. Thật vậy, nếu dùng một ví dụ tương tương để diễn đạt, thì giống như lúc ta cố gắng nhìn trực diện vào mặt trời, ta phải nhìn qua hướng khác vì ánh mặt trời quá sáng khiến ta không thể chịu được. Đứng trước mầu nhiệm Nhập Thể, không có cách nào khác điều Cha chúng ta dạy: “Chúng ta phải có thái độ khiêm nhượng của một tâm hồn Kitô hữu. Đừng cố làm giảm đi sự vĩ đại của Thiên Chúa bằng những suy nghĩ nghèo nàn hoặc những giải thích phàm nhân của chính chúng ta. Hãy cố hiểu rằng, mầu nhiệm này, với tất cả các góc khuất của nó, là ánh sáng dẫn soi cuộc sống loài người.”[18]

Trong hang đá Bêlem, chúng ta không chỉ thấy lòng nhân hậu vô cùng Thiên Chúa tỏ lộ cho loài thụ tạo của Người, mà còn thấy sự khiêm nhượng không dò thấu được của Người. Hài Nhi nhỏ bé cất tiếng khóc đầu đời, lạnh lẽo, cần hơi ấm của Mẹ Maria và Thánh Giuse, lại là một

Thiên Chúa quyền năng và hằng sống, đã bỏ thiên đàng xuống gian trần, đã tự mình trút bỏ vinh quang thần thánh của mình: Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc

lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. [19] Thấy được sự thật huyền nhiệm đó, chúng ta mới có thể hiểu tại sao Cha chúng ta thường kêu lên rằng: “Chúa ơi, sao Chúa lại yêu con đến như vậy?” 

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói: “Nghịch lý Kitô giáo ẩn chứa chính trong sự nhận biết Đức Khôn Ngoan, đó là Logos - Ngôi Lời - hằng hữu, với con người Giêsu Nagiarét và câu chuyện của Ngài. Giải đáp cho nghịch lý này chỉ có thể tìm thấy trong từ ‘Yêu’, với chữ ‘Y’ viết hoa, ám chỉ một Tình Yêu vô biên vượt qua những chiều kích nhân loại và lịch sử.” [20]

Để minh chứng rằng lòng khiêm hạ sẽ nhận được ánh sáng mầu nhiệm Nhập Thể như thế nào, Kinh Thánh đã kể cho chúng ta về những chứng nhân đầu tiên – ngoài Đức Maria và Thánh Giuse – được chứng kiến sự tự hạ thần linh, đó là các mục đồng nghèo khó, những người đang chăn chiên quanh Bêlem, những con người tầm thường mà chắc người đời chẳng mấy

quan tâm. Thiên Chúa đã đối xử đặc biệt với họ vì “sự khiêm nhường của tâm hồn đã thu hút lòng thiện hảo của Thiên Chúa.”[21] Chính Chúa Giêsu, những năm sau đó, cũng tạ ơn Cha trên trời của Ngài, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. [22]

Ba Đạo sĩ cũng được thấy Đấng Mêsia vì họ đơn sơ, quảng đại chú ý vào dấu chỉ thiêng liêng. “Thiên Chúa mời gọi mọi người đến gặp Người, mời gọi mọi người nên thánh. Người không chỉ mời gọi ba vị Đạo sĩ, những người khôn ngoan và quyền lực. Trước đó Người đã gửi, không

phải là một vì sao, nhưng là một trong các thiên thần của Người đến với những mục đồng ở Bêlem (x. Lc 2,9). Giàu hay nghèo, khôn ngoan hay kém khôn ngoan, tất cả chúng ta phải làm cho lòng mình sẵn sàng để có thể nghe được tiếng Chúa.” [23] 

Cha xúc động nhớ lại những lần Thánh Josemaría kể lại cảnh Chúa giáng sinh. Ngài nói về “tòa giảng Bêlem”, nơi Hài Nhi Giêsu dạy chúng ta biết bao bài học; trong số những bài học đó, đặc biệt có bài học về đức khiêm nhượng, để chúng ta học cách từ bỏ tính kiêu căng và tự

đại, qua việc suy niệm về Hài Nhi Thiên Chúa. Chúng ta cũng ngạc nhiên khi thấy Thiên Chúa, khi chọn Đức Trinh Nữ Maria làm Mẹ Người, đã bị quyến rũ - theo cách nói của người đời - cách đặc biệt bởi sự khiêm nhượng và tự hạ của Mẹ: Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. [24]

Chúng ta hãy xin Chúa ban cho ý muốn được nên hữu dụng hơn trong những công việc mà mỗi người chúng ta được trao phó, sử dụng tất cả các phương tiện nhân loại ta có để cải thiện, hầu vinh danh Thiên Chúa trong các hoạt động hằng ngày của ta. Và như Cha Thánh đã nói,

đó là việc “đào sâu hiểu biết, trong khi vẫn duy trì một tinh thần như ‘những con người nhỏ bé’, một tinh thần khiêm tốn và đơn sơ, như của Mẹ Maria, là ‘Tòa Khôn Ngoan’. Quả có nhiều lần chúng ta sợ bị lôi cuốn đến gần với hang Bêlem, sợ rằng điều đó sẽ gây trở ngại cho ý nghĩa quan trọng và cho ‘cuộc sống hiện đại’ của ta! Nếu không, nơi hang Bêlem, mỗi người chúng ta đã có thể khám phá sự thật về Thiên Chúa và về nhân loại, về chính chúng ta. Nơi Hài Nhi được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ ấy, có hai điều đã cùng nhau đến: nỗi khao khát của nhân loại về một cuộc sống vĩnh hằng đã làm mềm lòng Thiên Chúa, Đấng đã không e ngại mặc lấy thân phận con người.” [25]

Trong cuộc chiến đấu thánh thiện này, để chắc chắn rằng chỉ mình Thiên Chúa soi đường dẫn lối cho chúng ta, trong công việc, trong việc tông đồ, chúng ta hãy chạy đến nhờ lời cầu bầu của Cha chúng ta, đặc biệt là vào ngày 9 tháng này, sinh nhật của Ngài, và ngày 13, ngày Ngài được rửa tội, chúng ta hãy xin Ngài ban nhiều ánh sáng Nước Trời. Đừng quên cầu nguyện cho Giáo Hội và cho Đức Thánh Cha, cho các hoạt động tông đồ của Opus Dei, hiệp nhất với ý nguyện của cha và với nhận thức rằng chúng ta cần lời cầu nguyện của mọi anh em Kitô hữu.

Tạ ơn Chúa, việc tông đồ đang lớn mạnh ở khắp nơi, nhưng chúng ta phải vươn tới nhiều người, nhiều môi trường, nhiều nơi chốn hơn nữa. Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta từ hang đá Bêlem, vì Ngài muốn chúng ta giúp Ngài trong sứ vụ của Giáo Hội để mang ơn cứu độ đến cho mọi linh hồn. Cha đã trải nghiệm được nỗi khao khát Thiên Chúa nơi nhiều người, như trong chuyến đi Verona giữa tháng trước (thật tuyệt vời khi được gặp các con, và các anh chị em khác!), và Cha nhận thấy điều đó trong tin tức Cha nhận được từ khắp nơi trên thế giới.

Khởi đầu một năm mới, nhân đại lễ kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và các lễ khác trải dài trong suốt tháng đánh dấu lịch sử của Hội, cha chạy đến xin Mẹ chúng ta nguyện cầu Thiên Chúa ban ơn lành xuống cho mỗi một người các con và gia đình các con, cho công việc và những hoạt động tông đồ của chúng con. 

Với tất cả lòng yêu mến, Cha chúc lành cho các con !

Cha của các con,

Javier

 

Rôma, ngày 1 tháng 1 năm 2013

Ghi chú:

[1] Sách Lễ Rôma, Đại lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, bài đọc hai (Gl 4,4-5).

[2] Thánh Josemaría, Ghi chú trong một buổi suy niệm, ngày 25 tháng 12 năm 1973.

[3] Thánh Josemaría, Chúa Kitô Đi Ngang Qua, số 13.

[4] Mt 2,11.

[5] Thánh Tôma Aquinô, Tổng Luận Thần Học, II-II, 1. 82, a. 3 ad 2.

[6] Sách Lễ Rôma, Lễ Mùa Thường Niên, Kinh Tin kính Công đồng Nicê-Constantinop.

[7] Mt 1,21.

[8] Ga 3,16.

[9] Thánh Josemaría, Ghi chú trong một buổi đối thoại, ngày 25 tháng 10 năm 1973.

[10] Ga 1,14.

[11] x. Dt 4,15.

[12] Trò chuyện, số 26.

[13] Lc 1,35.

[14] Lc 1,38.

[15] Thánh Josemaría, Con Đường, số 512.

[16] Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 460. Trích dẫn từ Thánh Irênê thành Lyon, Chống Lạc Giáo, 3, 19, 1 (PG 7/1, 939).

[17] Quicumque (Bản Tuyên Tín của Thánh Atanaxiô), các số 30-36.

[18] Thánh Josemaría, Chúa Kitô Đi Ngang Qua, số 13.

[19] Pl 2,6-7.

[20] Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, Bài giảng trong giờ Kinh chiều, ngày 17 tháng 12 năm 2009.

[21] Chân Phước Gioan Phaolô II, Bài phát biểu trong buổi yết kiến chung, ngày 6 tháng 11 năm 1996.

[22] Mt 11,25-26.

[23] Thánh Josemaría, Chúa Kitô Đi Ngang Qua, số 33.

[24] Lc 1,48.

[25] Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, Bài giảng trong giờ Kinh chiều, ngày 17 tháng 12 năm 2009.