Thư từ Đức Giám Quản - Tháng 3/2011

Trong thư tháng này, Đức Giám Quản thúc giục chúng ta: Những tuần lễ Mùa Chay sắp tới là dịp quan trọng để thực hiện “những thay đổi hằng ngày hầu đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn, chung phần trọn vẹn hơn vào cuộc đời Chúa Giêsu Kitô.”

Các con thân mến: Nguyện xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con của Cha!

“Không có điều gì Thiên Chúa mong muốn và làm Người hài lòng cho bằng việc các con hoán cải trở về cùng Người với lòng ăn năn, sám hối chân thành.” [1] Những lời này đúng trong mọi lúc, và sẽ đúng hơn nữa trong những tuần lễ sắp tới, khi chúng ta bước vào Mùa Chay. Trong phụng vụ thứ Tư Lễ Tro, với những lời của Thánh Phaolô, Giáo Hội tha thiết thôi thúc chúng ta đừng thờ ơ với ân sủng mà chúng ta đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Vì Ngài đã phán: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ. [2]

 

Đức Thánh Cha nói: Trong quan niệm sống của người Kitô hữu, “mỗi thời khắc đều là thời thi ân, mỗi ngày sống đều là ngày cứu độ, nhưng Phụng vụ Hội Thánh nói đến điều này cách đặc biệt hơn trong Mùa Chay.” [3] Những tuần lễ chúng ta đang chuẩn bị đây đặc biệt thích hợp để một lần nữa chúng ta nỗ lực đến gần Chúa hơn, để ân sủng Ngài dẫn đưa chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta khám phá tính nghiêm túc của lời mời gọi này, để những ngày này không trôi qua mà chẳng để lại gì trong tâm hồn, như Thánh Josemaría đã viết: “như mưa trên đá, không để lại vết tích gì.” [4] Vậy thì chúng ta hãy cầu xin cho suối nguồn ân sủng của Chúa “thấm vào tận bên trong con, biến đổi con. Con sẽ hoán cải, con sẽ quay về cùng Thiên Chúa và yêu Chúa như Ngài cần được yêu.” [5] 

Ở đây, chúng ta không nên chỉ nghĩ về sự hoán cải của một tội nhân quyết tâm mở lòng đón nhận ân sủng, đi từ cõi chết tâm linh trở về với Sự Sống. Sự hoán cải còn bao gồm cả những thay đổi hằng ngày dẫn chúng ta đến gần Chúa hơn, sẻ chia cuộc đời của Chúa Kitô cách trọn vẹn hơn qua việc lãnh nhận các bí tích, nuôi dưỡng tinh thần cầu nguyện, dùng đời sống của chính chúng ta phục vụ tha nhân về vật chất cũng như tinh thần. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nói: “Hoán cải có nghĩa là lội ngược dòng; đó là dòng nước của lối sống hời hợt, không thống nhất và dối trá. Lối sống đó thường cuốn chúng ta theo nó, khống chế chúng ta và biến chúng ta thành những nô lệ của tội lỗi, hoặc nếu không thì là những tù nhân của đời sống đạo đức tầm thường. Nói cách khác, bằng sự hoán cải, chúng ta đang nhắm đến chuẩn mực cao của đời sống Kitô hữu; chúng ta dấn thân cho Tin Mừng sống động là chính con người Chúa Giêsu Kitô.” [6]

Trong Hội Thánh, Chúa chúng ta đã ban cho chúng ta muôn vàn con đường, muôn vàn cách thức để không ngừng nuôi dưỡng việc hoán cải bản thân, điều rất cần thiết cho đời sống người Kitô hữu. Chúng ta hãy nhớ lại Cha Thánh Josemaría thường nói rằng những biến đổi liêng thiêng phải được thực hiện cách bền bỉ, và thậm chí là nhiều lần mỗi ngày. “Bắt đầu lại ư? Vâng, đúng vậy. Mỗi khi các con ăn năn sám hối – các con có thể thực hiện điều này nhiều lần mỗi ngày – là các con bắt đầu lại, vì các con dâng một tình yêu mới lên cho Thiên Chúa.” [7] Chúng ta có thường xuyên nhớ rằng Chúa đang chờ đợi chúng ta ngay ở đây và ngay bây giờ không? Chúng ta có dừng lại để suy nghĩ: Lạy Chúa, Ngài muốn gì nơi con? Chúng ta có tha thiết muốn ngày càng gần Chúa Kitô hơn không?

Ngoài ra, Cha muốn hướng đến một phương thức đặc biệt giúp củng cố mối dây thân tình với Ba Ngôi Thiên Chúa, đó là: tham dự các cuộc tĩnh tâm. Ở nhiều nơi, tĩnh tâm thường được tổ chức trong Mùa Chay. Dĩ nhiên là tĩnh tâm không chỉ dành riêng cho những tuần lễ này, song, với lời mời gọi khẩn thiết biến đổi đời sống, phụng vụ trong thời gian này mời gọi các Kitô hữu tham gia vào các cuộc tĩnh tâm. Ngoài ra còn các cuộc tĩnh tâm tháng, chiếm một vi trí quan trọng trong số những phương thức đào luyện tâm linh mà Hội mang đến cho hàng ngàn người trên toàn cầu.

Thánh Josemaría đã từng chỉ ra rằng việc thao luyện thiêng liêng này đã phổ biến trong Giáo Hội từ những thế kỷ đầu tiên. Bất cứ khi nào có ai đó cần chuẩn bị cho một sứ vụ, hay chỉ đơn thuần là thấy có nhu cầu lớn hơn cần thích ứng trọn vẹn hơn với các đụng chạm của ân sủng, họ sẽ cố gắng để được sống gần Chúa hơn. “Các Kitô hữu tiên khởi đã có các cuộc tĩnh tâm. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, chúng ta thấy các Tông đồ và một nhóm đông các tín hữu tập họp tại Phòng Tiệc ly, cùng với Đức Mẹ, đợi chờ Đấng An Ủi đến như Lời Chúa Giêsu đã hứa. Khi đó, Chúa Thánh Thần thấy tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện (Cv 1, 14).

 “Ngay trong giai đoạn đầu của Kitô giáo, nhiều Kitô hữu dâng mình cho Thiên Chúa ngay trong chính ngôi nhà của mình, không xa lánh đời sống cộng đồng; cũng có các ẩn sĩ lánh mình vào hoang mạc, để đắm mình chiêm ngưỡng Thiên Chúa…và để lao động ! Tất cả các Kitô hữu thật sự ưu tư về đời sống linh hồn mình đều có cách này hay cách khác để tĩnh tâm. Bởi vì đó là một thực hành Kitô giáo.” [8] 

Từ những tháng năm đầu của Hội chúng ta, Đấng sáng lập đã rất xem trọng những khoảng thời gian đặc biệt dành riêng cho việc cầu nguyện và xét mình này, là thời gian rất cần thiết để nhen nhóm và gìn giữ đời sống nội tâm. Có lần Ngài hỏi rằng: “Cha và các con sẽ làm gì trong suốt những ngày tĩnh tâm này đây?” Rồi Ngài trả lời: “Chúng ta đang bước đến rất gần Chúa, tìm kiếm Người, như Thánh Phêrô, và tiếp tục trò chuyện với Ngài cách thân tình. Hãy chú ý, Cha nói “trò chuyện”, nghĩa là cuộc đối thoại giữa hai người, mặt đối mặt, không mai danh ẩn tích. Chúng ta cần cầu nguyện riêng, thân mật, trực tiếp kết nối với Chúa là Thiên Chúa chúng ta.” [9]

Khởi đầu triều đại Giáo Hoàng của mình, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI một lần nữa đã khuyến khích các cuộc tĩnh tâm, “đặc biệt những cuộc tĩnh tâm diễn ra trong thinh lặng hoàn toàn.” [10] Và trong thông điệp truyền thống của Mùa Chay năm nay, liên hệ đến Tin Mừng Chúa Nhật thứ hai thuật lại việc Hiển dung của Chúa chúng ta, Đức Thánh Cha nói: “Đó là lời mời gọi chúng ta bước ra khỏi sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống thường nhật để dìm mình vào sự hiện diện của Chúa. Ngài khao khát trao ban cho chúng ta mỗi ngày một Lời xuyên thấu đến nơi sâu thẩm của tâm trí chúng ta, giúp ta phân biệt tốt xấu (x. Dt 4, 12), và củng cố ý chí theo Chúa của chúng ta.” [11]

Để mang lại hoa trái từ những phương thức mà Cha chúng ta gọi là “đào luyện và biến đổi” này, chúng ta phải tĩnh lặng các giác quan và trí năng của mình; tuy nhiên, điều này không dễ dàng tí nào – Cha không nói là bất khả thi – để khám phá ra ánh sáng Đấng An Ủi đã nhen nhóm trong tâm hồn và lắng nghe tiếng Người. Tiếng nói đó đề nghị với chúng ta những mục tiêu phấn đấu cụ thể để theo sát Chúa Kitô và bước theo chân Ngài.

Vì thế, các con trai và con gái của Cha, Cha khuyên các con đừng sao lãng nét thinh lặng đặc trưng này trong những ngày tĩnh tâm và linh thao của các con. Cũng phải biết rằng điều này có thể điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của những người tham dự, vì hoàn cảnh của mỗi người khác nhau: có những người đã quen với những việc liêng thiêng này, có người mới chập chững những bước đầu tiên trong đời Kitô hữu. Giống như người quản gia trung tín và khôn ngoan mà Tin Mừng đã nói đến, chúng ta phải biết cấp phát phần thóc gạo cho họ đúng giờ đúng lúc. [12]

Cho nên, tùy theo sự đa dạng của các hoạt động tông đồ và của những người tham dự, thật là bổ ích khi tính đến, trong cái nhìn siêu nhiên, hoàn cảnh riêng biệt của những người tham dự khi tổ chức những ngày tĩnh tâm, ngay cả khi việc đó có thể đòi hỏi phải tổ chức nhiều hoạt động hơn. Cũng với lý do đó, Đấng Sáng Lập của chúng ta thường căn dặn chúng ta đừng hủy bỏ những buổi tĩnh tâm, những buổi trò chuyện, v.v., ngay cả khi số người tham dự không được đông như dự kiến, thậm chí ngay cả khi chỉ có một người.

Tóm lại, như chúng ta đọc thấy trong tập sách Lò Rèn, tĩnh tâm là khoảng thời gian “suy tư để biết Chúa, để biết con và từ đó mà tiến bộ lên. Một khoảng thời gian cần thiết để khám phá ra con nên thay đổi đời sống mình ở phương diện nào và như thế nào. Tôi phải làm gì? Tôi nên tránh gì? [13] Trong những ngày tĩnh tâm này, Thánh Josémaría nói với chúng ta rằng: “Việc xét mình của các con phải sâu sắc hơn việc xét mình bình thường mỗi tối. Bằng không, các con sẽ bỏ qua một cơ hội tuyệt vời để sửa mình.” [14]

Đức Thánh Cha nhấn mạnh trong thông điệp của mình: Phụng vụ Mùa Chay mang đến cho chúng ta nhiều chất liệu dồi dào để chiêm niệm. Việc Chúa Kitô chịu cám dỗ trong hoang mạc mà chúng ta đọc vào Chúa Nhật thứ nhất nhắc nhở chúng ta rằng “đức tin Kitô giáo của chúng ta, theo gương Chúa Giêsu và hiệp nhất với Ngài, đưa ta đến cuộc chiến đấu chống lại những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này (Ep 6, 12), nơi đó sự dữ hoạt động không mệt mỏi – cho đến nay vẫn vậy – để cám dỗ bất cứ ai có ước ao đến gần Chúa.” [15] Vì thế, chúng ta phải xem mình có đang chuẩn bị cho trận chiến này không, có tin dùng các phương thế siêu nhiên hay không. Thánh Josemaría đề xuất một chiến thuật rất thiêng liêng: “Hãy điều khiển cuộc chiến – những cuộc chiến hằng ngày trong đời sống nội tâm của con – trên những vị trí ngoài các thành lũy pháo đài của con. Kẻ thù sẽ đến đương đầu với con ở đó: ở những việc hãm mình nho nhỏ, ở việc cầu nguyện hằng ngày, trong cách sắp xếp công việc, trong kế hoạch cuộc sống của con. Khó khăn lắm nó mới có thể đến gần để đánh bật thành lũy của  con. Và nếu nó làm được điều đó, nó cũng sẽ kiệt sức.” [16]

Vào Chúa Nhật tiếp theo, chúng ta sẽ nghe tiếng Chúa Cha từ trời phán với chúng ta, nói về Chúa Giêsu Kitô: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! [17] Chúng ta phải nổ lực hơn nữa để khám phá ra trong những lúc cầu nguyện riêng những điều Thiên Chúa đang nói với từng người chúng ta để đem ra thực hành. Chúng ta cũng cần phải suy nghĩ xem chúng ta phải cậy dựa vào hồng ân mà chúng ta lãnh nhận từ các bí tích như thế nào, cũng như vào những lời khuyên răn mà chúng ta nhận được trong các buổi linh hướng cá nhân.

Khi Chúa Nhật thứ ba Mùa Chay đến, vào ngày 27 tháng 3, phụng vụ giới thiệu cho chúng ta “câu mà Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samari: Cho tôi xin chút nước uống (Ga 4, 7), câu nói này diễn tả tình yêu nồng nàn của Thiên Chúa dành cho từng người nam và nữ, và tìm cách đánh thức trong lòng chúng ta niềm khao khát về nơi mà một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời (Ga 4,14).” [18] Chúng ta hãy hân hoan đón nhận lời mời gọi để luôn nhận thức rằng chúng ta, những môn đệ của Ngài, phải mang ánh sáng và ơn huệ của Ngài đi khắp mọi nơi: trước hết, bằng cách giúp đỡ bạn bè và người thân của ta giao hòa với Thiên Chúa qua bí tích Giải tội; và sau là mời gọi họ tham gia một buổi tĩnh tâm hay linh thao trong những tuần lễ này. 

Chúng ta đang đến gần lễ mừng kính trọng thể Thánh Giuse, vị bảo trợ của Giáo Hội và của Hội chúng ta. Hãy cùng dọn lòng để vào ngày 19 này, chúng ta sẽ làm mới lại cam kết yêu thương Thiên Chúa trong Hội, và cầu nguyện với niềm tin tưởng cùng Thánh Cả để Ngài lãnh nhận từ Thiên Chúa muôn hồng ân hầu giúp những người nam nữ ở mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội có thể quyết định dấn bước theo Chúa Giêsu Kitô trong Opus Dei.

Cũng trong ngày đó, chúng ta có lễ kỷ niệm ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô II thương mến đã ban bố sắc lệnh Ut Sit. Với sắc lệnh đó, Ngài đã kiến lập Opus Dei như một giáo phận tòng nhân, theo đó định rõ sự cộng tác có hệ thống giữa các Linh mục và Giáo dân trong việc thực hiện linh hứng mà Thiên Chúa đã đặt vào tâm hồn Thánh Josemaría vào ngày 2 tháng 10 năm 1928. Chúng ta có nghĩa vụ trung thành, với ý thức rằng Chúa Thánh Thần đã muốn Công đồng Vatican II thiết lập cơ cấu này, mở ra một kênh mới cho những nhu cầu mục vụ trong Giáo Hội. 

Ngày 28 là ngày kỷ niệm Cha chúng ta thụ phong Linh mục. Chúng ta hãy dâng lời tạ ơn lớn lao lên Ba Ngôi Thiên Chúa vì mỗi người trong chúng ta thật sự là một người con của việc Cha chúng ta đã sẵn sàng nhận lãnh chức vụ Linh Mục của Chúa Giêsu Kitô. Nếu không có sự quảng đại và hoàn toàn chấp nhận thánh ý của Ngài thì sẽ chẳng có Opus Dei trong Giáo Hội. Việc thiết lập Opus Dei như là câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao tôi trở thàng Linh Mục?”, câu hỏi mà Cha chúng ta đã đặt ra trong suốt những năm ở chủng viện tại Saragossa, và đó cũng là lý do sâu xa cho xác quyết của Ngài để bắt đầu và tiếp bước trên con đường đó.

Chúng ta hãy đến nhờ Ngài cầu bầu, để số lượng ơn gọi Linh mục ở mỗi quốc gia được gia tăng: Xin cho có những người nam có lòng tin, vì tình yêu với Chúa, vui lòng tận hiến chính mình phục vụ lợi ích các linh hồn, trong lòng trung thành với Đức Giáo Hoàng và kết hiệp mật thiết với các Giám mục đặc trách giáo phận. Và xin cũng không thiếu các Linh mục trong Hội để chăm lo các việc mục vụ mà Thiên Chúa đang yêu cầu chúng ta. Đồng thời, chúng ta hãy cầu nguyện liên lỉ với Ba Ngôi Thiên Chúa, xin cho tất cả các tín hữu Công Giáo, cả nam lẫn nữ, biết cách nuôi dưỡng tinh thần linh mục mà Thiên Chúa đã đặt để nơi mỗi người chúng ta. 

Tiếp tục cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và cho những vị phụ tá Ngài, đặc biệt trong tuần đầu tiên của Mùa Chay, khi Giáo triều Rôma tham dự kỳ tĩnh tâm Mùa Chay. Chúng ta cũng hãy nắm bắt cơ hội để dự tĩnh tâm thường niên vào những ngày này. Cha hy vọng với lòng khao khát thật sự, các con sẽ đồng hành cùng Cha về tinh thần trong suốt những ngày này. Cha không ngần ngại nói với các con rằng mỗi ngày Cha khẩn cầu cùng Thiên Chúa cho đừng có ai trong chúng ta bỏ phí hồng ân dạt dào mà Thiên Chuá tuôn đổ trên chúng ta qua các phương thức này.

Với tất cả lòng yêu mến, Cha chúc lành cho các con.

Cha của các con,

Javier

Rôma, ngày 1 tháng 3 năm 2011

Ghi chú:

[1] Thánh Maximus Hiển tu, Thánh thư 11 (tr. 91, 454).

[2] Sách Lễ Rôma, Thứ Tư Lễ Tro, Bài đọc hai (2 Cr 6, 1-2).

[3] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Bài phát biểu trong buồi yết kiến chung, ngày 17 tháng 2 năm 2010.

[4] Thánh Josemaría, Chúa Giêsu đi qua, số 59.

[5] Ibid.

[6] Bênêđictô XVI, Bài phát biểu trong buổi yết kiến chung, ngày 17 tháng 2 năm 2010.

[7] Thánh Josemaría, Lò Rèn, số 384.

[8] Thánh Josemaría, Ghi chép trong một buổi suy niệm, ngày 25 tháng 2 năm 1963

[9] Tài liệu vừa dẫn.

[10] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Bài giảng cho các Giám mục trong chuyến viếng thăm ad limina, ngày 26 tháng 11 năm 2005.

[11] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Thông điệp Mùa Chay 2011, ngày 4 tháng 11 năm 2010, số 2.

[12] Lc 12,42.

[13] Thánh Josemaría, Luống Cày, số 177.

[14] Thánh Josemaría, Con Đường, số 245.

[15] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Thông điệp Mùa Chay 2011, ngày 4 tháng 11 năm 2010, số 2.

[16] Thánh Josemaría, Con Đường, số 307.

[17] Mt 17, 5.

[18] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Thông điệp Mùa Chay 2011, ngày 4 tháng 11 năm 2010, số 2.