Thư Đức Giám quản - tháng 11 năm 2013

Đức Giám quản nhấn mạnh rằng việc suy niệm những «thực tại cuối cùng», về sự sống lại của người chết và sự sống đời đời, phải làm cho chúng ta vui mừng vì tin tưởng vào lòng thương xót bao la của Thiên Chúa.

Các con thân mến,

Nguyện xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con của Cha!

Còn vài tuần nữa sẽ kết thúc năm Đức Tin. Đức Thánh Cha sẽ làm bế mạc ngày 24 tháng 11, ngày lễ Chúa Kitô Vua. Cha gợi ý các con nhân dịp này đọc lại những gì Đấng Sáng lập đã từng nói trong một bài giảng: Khi đọc Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng đức tin của ta vào Thiên Chúa là Cha toàn năng, vào Chúa Giêsu Kitô, Con của Người, Đấng đã chết và sống lại, và vào Chúa Thánh Thần, là Chúa và Đấng ban sự sống. Chúng ta tuyên xưng Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền là thân thể Chúa Kitô, hoạt động bởi Chúa Thánh Thần. Chúng ta vui mừng vì được tha tội và hy vọng sự sống đời sau. Nhưng những chân lý này có thấm nhập sâu sắc vào tim ta không, hay chỉ ở ngoài môi miệng? [1]

Lễ Các Thánh mà chúng ta cử hành hôm nay và lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời vào ngày mai là lời mời gọi chúng ta hãy luôn nhớ đến định mệnh vĩnh hằng của chúng ta. Những lễ phụng vụ này phản ánh những điều cuối cùng trong Kinh Tin kính. Thật vậy, «trong kinh Tin Kính, khi chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, và vào sự sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa của Người, đạt đến đỉnh cao trong lời tuyên xưng vào sự sống lại của những người đã chết vào lúc tận cùng của thời gian, và vào sự sống vĩnh hằng.» [2]

Kinh Tin kính tóm tắt trong vài lời những điều cuối cùng, định mệnh cuối cùng – trên phương diện cá nhân cũng như tập thể – dành cho mỗi người và cho toàn thể vũ trụ. Một lý trí ngay thẳng cũng đã có khả năng hiểu được rằng sau cuộc sống trần thế còn có một thế giới «bên kia», nơi mà công lý, vốn hay bị xâm phạm ở trần gian này, sẽ được phục hồi viên mãn. Tuy nhiên, chỉ trong ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa, và đặc biệt là trong ánh sáng của mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô mà những chân lý ấy mới xuất hiện rõ nét, mặc dù vẫn tiếp tục bị che phủ một cách bí ẩn.

Nhờ vào giáo huấn của Chúa Giêsu, những thực tế sau cùng này mới mất đi ý nghĩa bi thảm và định mệnh mà chúng từng mang, hay vẫn còn phải mang đối với rất nhiều người trong suốt lịch sử. Dĩ nhiên cái chết thể xác đang chờ tất cả chúng ta, nhưng trong Chúa Kitô nó có một ý nghĩa mới. Cái chết không chỉ là hậu quả của thân phận thụ tạo vật chất của chúng ta, với một thân xác thể lý có khuynh hướng bị hủy hoại. Ngay Cựu Ước đã mặc khải rằng cái chết không còn chỉ là một sự trừng phạt vì tội lỗi. Thánh Phaolô viết: Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi. Ngài còn thêm: Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. [3] «Cái mới mẻ đặc trưng của cái chết trong niềm tin Kitô giáo là ở đây: nhờ bí tích Thánh Tẩy, người Kitô hữu đã "cùng chết với Ðức Kitô" cách bí tích, để sống một đời sống mới; và nếu chúng ta chết trong ân sủng của Ðức Kitô, cái chết thể lý sẽ hoàn thành việc "cùng chết với Ðức Ki-tô" và như vậy sẽ hoàn tất việc tháp nhập chúng ta vào Đức Kitô trong hành vi cứu độ của Người.» [4]

Trong từng phút giây, Hội Thánh luôn là Mẹ chúng ta. Hội Thánh đã tái sinh chúng ta trong nước rửa tội và ngay lúc đó đã thông truyền cho chúng ta sự sống Chúa Kitô và lời hứa sự sống vĩnh hằng. Sau đó, qua các Bí tích khác – đặc biệt Bí tích Hòa giải và Thánh Thể – Hội Thánh đã chăm chút để linh hồn chúng ta ngày càng nghiệm thấy tình cảm được «ở với» và «bước đi» trong Chúa Kitô. Sau đó, khi cơn bệnh nặng đến, và nhất là trong giờ chết, Hội Thánh lại cúi xuống con cái mình. Hội Thánh củng cố chúng ta bằng Bí tích Xức dầu và ban Thánh Thể như của ăn đàng: Hội Thánh cho chúng ta tất cả những gì cần thiết để trong niềm hy vọng và bình an vui tươi, ta dấn bước vào chuyến đi cuối cùng, với ân sủng của Thiên Chúa, sẽ kết thúc trong vòng tay Cha chúng ta ở trên trời. Chính vì thế, Thánh Josemaria, cũng như bao vị Thánh trước và sau Ngài, đã viết những lời thật rõ ràng và lạc quan về cái chết Kitô giáo: Đừng sợ chết. – Hãy chấp nhận cái chết ngay từ bây giờ một cách quảng đại…, khi Chúa muốn…, như Chúa muốn …, ở nơi Chúa muốn. – Đừng nghi ngờ: Cái chết sẽ đến vào giờ, vào nơi và bằng cách thức phù hợp hơn cả…, do Thiên Chúa, Cha của bạn, gửi đến. – Xin chào người chị tử thần của chúng ta! [5]

Khi viết những dòng này, Cha không thể không nghĩ đến tất cả thành viên Opus Dei, thân nhân, bạn bè, các cộng tác viên, những người đang sắp về với Chúa. Cha cầu xin cho tất cả ơn được một cuộc vượt qua thánh thiện, đầy bình an, và hiệp thông mật thiết với Chúa Giêsu Kitô. «Chúa Phục sinh là niềm hy vọng không bao giờ thất bại và không bao giờ làm thất vọng (x. Rm 5,5). […] Biết bao nhiêu lần trong đời chúng ta những niềm hy vọng đã tan biến mất, biết bao nhiêu lần những gì chúng ta hết lòng mong đợi đã không thành hiện thực! Niềm hy vọng của người Kitô hữu mạnh mẽ, vững chắc trên trái đất này, nơi Chúa đã mời gọi chúng ta bước đi, và niềm hy vọng đó mở về vĩnh cửu, bởi vì nó dựa vào Thiên Chúa, là Đấng luôn trung thành.» [6]

Trong suốt tháng dành để cầu nguyện cho các tín hữu qua đời này, cha khuyến khích các con đọc lại và suy gẫm các đoạn trong Giáo lý Hội Thánh Công giáo nói về những thực tại sau cùng. Các con sẽ rút ra những lý do để hy vọng và lạc quan siêu nhiên, và một thúc đẩy mới trong cuộc đấu tranh thiêng liêng mỗi ngày. Những cuộc viếng thăm nghĩa trang, được thực hiện ở nhiều nơi trong những ngày này theo truyền thống đạo đức, cũng có thể là cơ hội giúp những người cùng chúng ta làm việc tông đồ suy nghĩ về các chân lý vĩnh cửu và ngày càng tích cực tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng đã dõi theo và kêu gọi chúng ta với sự dịu dàng của người Cha.

Với cái chết, thời gian chúng ta có để thực hiện những việc tốt lành và tích lũy công trạng trước mặt Thiên Chúa sẽ kết thúc: mỗi người sẽ được phán xét riêng ngay lập tức. Thật vậy, Hội Thánh tin rằng «ngay khi lìa khỏi xác, linh hồn bất tử sẽ chịu phán xét riêng để được thưởng hay bị phạt đời đời; tùy theo đời sống của mình trong tương quan với Ðức Kitô, linh hồn hoặc phải trải qua một cuộc thanh luyện, hoặc được hưởng phúc trên trời, hoặc phải sa địa ngục vĩnh viễn» [7].

Đề tài chính của cuộc phán xét này sẽ là tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, thể hiện qua việc trung thành tuân giữ các điều răn và hoàn thành các bổn phận. Ngày nay, nhiều người nhắm mắt làm ngơ trước thực tế này, như thể họ có thể thoát được sự phán xét công minh nhưng đầy thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta, con cái của Thiên Chúa, chúng ta «không sợ sống cũng không sợ chết», như Thánh Josemaria từng nói. Nếu chúng ta vững chãi trong đức tin, nếu khi phạm tội chúng ta ăn năn trở về với Thiên Chúa qua Bí tích Giải tội để sửa đổi những khiếm khuyết của mình, nếu chúng ta đón nhận Mình Chúa thường xuyên qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta không có gì phải sợ. Chúng ta hãy suy nghĩ về những gì Đấng Sáng lập đã viết từ rất nhiều năm trước: «Tôi không nhịn được cười khi nghe bạn bảo: Chúa sẽ ‘tính sổ’ với con. Không đâu, đối với tất cả các bạn, Chúa sẽ không là một quan tòa, theo nghĩa nghiêm ngặt của từ đó; Ngài chỉ đơn giản là Giêsu». – Những lời nói trên của một vị Giám mục thánh thiện đã an ủi nhiều tấm lòng đau khổ, chắc hẳn cũng sẽ an ủi được tâm hồn bạn.» [8]

Ngoài ra, và điều này còn làm chúng ta vui mừng hơn nữa, đó là Hội Thánh không bỏ rơi con cái mình sau cái chết: là Mẹ hiền, Hội Thánh cầu bầu trong mỗi Thánh Lễ cho linh hồn các tín hữu đã qua đời, để họ được vào hưởng vinh quang. Đặc biệt trong tháng 11, Hội Thánh ân cần gia tăng lời cầu xin. Trong Opus Dei, là một phần nhỏ của Hội Thánh, chúng ta thể hiện rộng rãi mong ước này, bằng cách hoàn thành với lòng trìu mến và biết ơn những lời dặn dò của Thánh Josemaria đối với những tuần lễ này. Chúng ta quảng đại dâng Thánh Lễ và việc Hiệp lễ cho các thành viên Opus Dei, các thân nhân và các cộng tác viên quá cố, và cho các linh hồn trong Luyện ngục. Các con đã nhận ra chưa: Việc suy gẫm về những thực tại sau cùng không có gì buồn bã, trái lại còn là cội nguồn của niềm vui siêu nhiên? Chúng ta chờ đợi với niềm tin tưởng hoàn toàn tiếng gọi cuối cùng của Thiên Chúa và sự viên mãn của thế giới vào ngày sau cùng, khi Đức Kitô sẽ đến cùng các Thiên thần để chiếm hữu Vương quốc của Người. Khi ấy, tất cả những người đã từng sống trên trái đất sẽ sống lại, từ người đầu tiên đến người cuối cùng.Giáo lý Hội Thánh Công giáo khẳng định rằng «ngay từ đầu, niềm tin vào việc kẻ chết sống lại đã là yếu tố cốt yếu của niềm tin Kitô giáo». Vì thế, ngay từ đầu, niềm tin này đã gặp hiểu lầm và chống đối. Thông thường, người ta dễ dàng chấp nhận rằng sau cái chết, cuộc sống con người sẽ được tiếp tục một cách thiêng liêng. Nhưng làm sao tin được thân xác chắc chắn phải chết này có thể sống lại để được sống đời đời?» [10] Hoặc là điều đó, bằng quyền năng của Thiên Chúa, sẽ thực sự xảy ra vào lúc tận cùng của thời gian, như Kinh Tin kính Athanase khẳng định rõ rằng: «Tất cả con người sẽ sống lại với thân xác và mỗi người sẽ được thưởng phạt theo những việc họ đã làm. Những người làm điều thiện sẽ được bước vào cuộc sống vĩnh hằng, những kẻ làm điều ác sẽ vào lửa muôn đời. » [11]

Lòng khoan nhân từ ái của Thiên Chúa, Cha chúng ta, thật tuyệt vời. Người đã tạo thành chúng ta như những thụ tạo có xác có hồn, có tinh thần và vật chất, và ý định của Người là chúng ta sẽ đến với Người như chúng ta đã từng hiện hữu, để được hưởng mãi lòng nhân từ, vẻ tuyệt vời và sự khôn ngoan của Người trong cuộc sống mai sau. Một thụ tạo đã đi trước chúng ta trong cuộc sống lại vinh quang này, theo ý định đặc biệt của Thiên Chúa: đó là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Đức Kitô và Mẹ chúng ta, Mẹ đã lên trời cả hồn và xác. Đó chính là một lý do bổ túc cho niềm hy vọng và lạc quan tin tưởng của chúng ta.

Hãy nắm giữ những lời hứa thiêng liêng không bao giờ sai lầm này trong tâm trí chúng ta, đặc biệt trong những lúc buồn bã, mệt mỏi và đau khổ… Hãy xem Thánh Josemaria diễn giải thế nào khi giảng về những thực tại sau cùng này: «Lạy Chúa, con tin là con sẽ sống lại; con tin là thân xác con sẽ lại hợp nhất với linh hồn con, để hiển trị vĩnh viễn với Ngài: vì công nghiệp vô cùng của Ngài, vì sự cầu bầu của Mẹ Ngài, vì tình yêu Ngài đã dành cho con.» [12] Cha muốn là các con đừng xem bức thư này là bức thư bi quan nhất. Ngược lại, nó nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta trung thành, Thiên Chúa sẽ ôm chúng ta vào lòng Ngài.Sau khi kẻ chết sống lại, sẽ đến việc phán xét chung. Những gì đã được quyết định trong lần phán xét riêng sẽ không thay đổi, nhưng lúc đó “chúng ta sẽ biết ý nghĩa tối hậu của toàn bộ công trình sáng tạo, mầu nhiệm cứu độ và những con đường kỳ diệu Thiên Chúa Quan Phòng dẫn dắt mọi sự đến mục đích tối hậu của chúng.” Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo tiếp: “Phán xét chung cho ta thấy sự công chính của Thiên Chúa sẽ chiến thắng mọi bất chính của thụ tạo và tình yêu của Người mạnh hơn sự chết.” [13]

Một cách tự nhiên, không ai biết được sự kiện cuối cùng này của lịch sử sẽ xảy ra khi nào và như thế nào, cũng như thế giới vật chất mới đi kèm theo đó sẽ như thế nào; chỉ có Thiên Chúa, trong sự quan phòng của Ngài, biết điều đó. Nhiệm vụ của chúng ta là tỉnh thức, bởi vì, như Chúa Giêsu đã thường nói: Anh em không biết ngày nào, giờ nào. [14]

Trong một bài Giáo lý về Kinh Tin kính, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Phán xét chung không làm chúng ta lo sợ, ngược lại điều đó thúc đẩy chúng ta sống hiện tại tốt hơn. Chúa cho chúng ta thời gian này với lòng nhân từ và nhẫn nại để mỗi ngày chúng ta có thể học cách nhận biết Ngài nơi những người nghèo khó và những người bé nhỏ, để chúng ta có thể làm điều thiện hảo và tỉnh thức trong cầu nguyện và yêu thương.” [15] Việc suy gẫm về những chân lý đời đời trở nên thiêng liêng hơn trong chúng ta qua ơn kính sợ Thiên Chúa, một món quà của Chúa Thánh Thần, Người thúc đẩy chúng ta, như Thánh Josemaria nói, biết sợ tội dưới mọi hình thức, vì đó là thứ duy nhất có thể tách chúng ta ra khỏi kế hoạch đầy thương xót của Thiên Chúa, Cha chúng ta.

Các con thân mến, chúng ta hãy suy gẫm sâu sắc những chân lý cuối cùng này. Bằng cách đó, niềm hy vọng của chúng ta sẽ gia tăng; chúng ta sẽ tràn đầy lạc quan khi gặp khó khăn, và chúng ta sẽ lại và lại chỗi dậy từ những vấp ngã, dù lớn dù nhỏ (Chúa không bào giờ từ chối ban ơn cho chúng ta), chúng ta sẽ luôn nhớ đến niềm hạnh phúc vĩnh cữu Chúa Kitô đã hứa cho chúng ta nếu chúng ta trung thành. “Cuộc sống viên mãn với Ba Ngôi Thiên Chúa – sự hiệp thông trong sự sống và tình yêu với Ba Ngôi, với Trinh Nữ Maria, các Thiên thần và các Thánh, được gọi là ‘Thiên đàng’. Thiên đàng là mục đích tối hậu và sự thực hiện các nguyện vọng sâu xa nhất của con người, là tình trạng hạnh phúc tuyệt hảo và chung cuộc.” [16]

“Nước Trời: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.” Những tiết lộ đó của vị tông đồ không thôi thúc bạn chiến đấu sao?” [17] Cha dám thêm rằng: Con có thường nghĩ đến Thiên đàng không? Con có là người đầy hy vọng, bởi vì Thiên Chúa yêu con với hết sức lực vô biên của Người? Chúng ta hãy nâng lòng lên Chúa Ba Ngôi, Người không ngừng và sẽ không bao giờ ngừng đồng hành cùng chúng ta.

Như các con biết đấy, Đức Thánh Cha đã tiếp cha trong một buổi yết kiến ngày 18 tháng 10. Thật là vui khi được gặp Đức Thánh Cha! Ngài thể hiện lòng yêu mến và cảm ơn vì những công việc tông đồ Hội đã thực hiện trên thế giới. Đó là một lý do nữa, các con thân mến, để chúng ta không ngừng cầu nguyện cho bản thân Đức Thánh Cha, cho các ý nguyện và các công sự viên của Ngài. Trong Thánh Lễ cách đây vài ngày, chúng ta đọc thấy Aaron và Khua đã đỡ hai cánh tay ông Môsê từ sáng đến tối, để người dẫn dắt Israel có thể cầu nguyện không mệt mỏi cho dân tộc của Chúa. [18] Đó cũng là nhiệm vụ của chúng ta và của toàn thể các tín hữu: nâng đỡ Đức Thánh Cha bằng lời cầu nguyện và hy sinh, để Người hoàn tất sứ mạng Chúa Giêsu Kitô đã trao cho Người trong Giáo Hội.

22 tháng 11 là ngày kỷ niệm Thánh Josemaria, trong hành trình vượt qua dãy Pyrênê vào năm 1937, đã tìm thấy đóa hoa hồng Rialp. Đó chính là vào ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình, và Cha chúng ta đã nhận ra đó là một dấu chỉ rằng Chúa muốn Ngài tiếp tục hành trình, để có thể tự do tiếp tục sứ vụ linh mục ở những nơi mà tự do tôn giáo được tôn trọng; đó cũng là lời Đức Maria mời gọi Ngài đến với Mẹ thường xuyên hơn.

Xin các con tiếp tục cầu nguyện cho các ý nguyện của cha. Trong những ngày này, xin hãy cầu nguyện đặc biệt cho các anh em sẽ nhận chức phó tế vào ngày 9. Và chúng ta cũng hãy chuẩn bị lễ Chúa Kitô Vua với niềm hy vọng và lạc quan mà việc suy niệm các chân lý vĩnh hằng đã mang lại nơi tâm hồn ta. Và hãy cảm tạ Chúa nhân kỷ niệm ngày Đức Thánh Cha thiết lập Opus Dei, ngày 28 tháng 11.

Với tất cả tình thương, cha chúc lành cho các con.

Cha của các con

+ Xavier

Roma, ngày 1 tháng 11 năm 2013

Ghi chú:

[1] Thánh Josemaria, Khi Chúa Kitô đi qua, số 129.

[2] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 988.

[3] Pl 1,21 và 2 Tm 2,11.

[4] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1010

[5] Thánh Josemaria, Con đường, số 739.

[6] Đức Thánh Cha Phanxicô, Huấn từ trong buổi yết kiến chung, 4/4/2013.

[7] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1022.

[8] Thánh Josemaria, Con đường, số 168.

[9] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 991.

[10] Sách đã dẫn, số 996.

[11] Kinh Tin kính Athanasia hoặc Quicumque, 38-39.

[12] Thánh Josemaria, Ghi chép từ một bài Suy niệm, 13/12/1948.

[13] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1040.

[14] Mt 25,13.

[15] Đức Thánh Cha Phanxicô, Huấn từ trong buổi yết kiến chung, 4/4/2013.

[16] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1024.

[17] Thánh Josemaria, Con đường, số 751.

[18] Xem Xh 17,10-13