Thư của Đức Giám Quản – Tháng 7-2012

“Hãy yêu Đức Thánh Cha thật nhiều. Hãy cầu nguyện cho Ngài thật nhiều. Yêu Ngài thật nhiều, thật nhiều”. Đức Giám quản đã nhắc lại những lời này của Thánh Josemaria để thúc giục chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho các ý nguyện của Đức Giáo Hoàng.

Các con thân mến,

Nguyện xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con của Cha!

Chúng ta vẫn đang tràn đầy niềm vui và lòng biết ơn Thiên Chúa vì các nhân đức anh hùng của Cha Don Alvaro thân yêu của chúng ta đã được nhìn nhận và được Tòa Thánh công bố hôm 28 tháng 6 rồi. Niềm vui của chúng ta còn lớn lao hơn vì qua việc này, Hội Thánh một lần nữa xác định rằng tinh thần của Opus Dei, mà Vị Kế nhiệm đầu tiên của Cha chúng ta đã sống cách trung thành mãnh liệt, là tin tưởng trọn vẹn vào Tin Mừng và vì thế là con đường “biến đổi mọi hoàn cảnh và biến cố trong cuộc sống thành cơ hội để yêu mến Chúa và phục vụ vương quốc Đức Giêsu Kitô,” như chúng ta vẫn đọc trong lời kinh cầu Vị Tôi tớ Đáng kính của Thiên Chúa.

Gratias tibi, Deus, gratias tibi! - Tạ ơn Người, Lạy Đức Chúa, con cảm tạ Người, Cha mời gọi các con cùng lặp lại lần nữa. Chúng ta hãy dâng lời tạ ơn lên Ba Ngôi Cực Thánh vì món quà này, là tinh thần của Opus Dei: “xưa như Tin Mừng, nhưng lại luôn mới như Tin Mừng.” [1] Đó mà món quà mà biết bao nhiêu người khác cùng sẻ chia, ngay cả những người không có ơn gọi vào Opus Dei, một cách nào đó, họ cũng là thành phần của gia đình thiêng liêng chúng ta: đó là nhiều người thân thuộc của chúng ta, là bạn bè, và nhiều người khác nữa đang cố gắng để cuộc sống thường nhật của mình thấm nhuần tinh thần mà Cha chúng ta đã lãnh nhận từ Thiên Chúa.

Những ngày qua, khi đọc những lá thư chúc mừng sinh nhật các con gửi về, tim Cha tràn ngập lòng biết ơn Thiên Chúa, Đấng đã muốn cho Opus Dei (cũng như Giáo Hội mà Opus Dei là thành phần) trở nên một gia đình thiêng liêng, hiệp nhất chặt chẽ nhờ các mối dây ràng buộc của tình phụ tử và tình huynh đệ. Ngay lúc đó, Cha đã nghĩ đến Người Cha thân yêu mà chúng ta vừa mới cử hành lễ mừng kính. Chính nhờ vào lòng trung thành anh hùng của Thánh Josemaría đối với Thánh Ý Thiên Chúa, mà nơi Opus Dei, chúng ta có được bầu không khí đúng nghĩa của một mái ấm. Điều đó được thể hiện cách đặc biệt tự nhiên qua những ngày lễ ghi dấu hành trình của chúng ta. Cha muốn cảm ơn tất cả các con và tất cả những ai đã cầu nguyện cho Cha trong những ngày này, và Cha sẽ cố gắng đáp đền bằng việc cầu nguyện nhiều hơn nữa cho tất cả mọi người.

Một lý do đặc biệt khiến Cha hân hoan và đầy biết ơn trong tâm tình con thảo là những lời trìu mến của Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI. Trong thông điệp viết tay Ngài gửi cho Cha nhân dịp sinh nhật, Đức Thánh Cha đã hứa cầu nguyện cho Cha trong vai trò Giám quản và Ngài đã ban phép lành Tòa Thánh đặc biệt cho Cha trong vai trò này cũng như Ngài mở rộng phép lành này cho tất cả những ai Cha đang chăm sóc mục vụ. Những biểu hiện thân ái của Đức Giáo Hoàng thôi thúc chúng ta, với một ý thức trách nhiệm sâu sắc, phải hiệp nhất hơn nữa với Ngài và các ý nguyện của Ngài, cầu nguyện liên lỉ để sứ vụ của Ngài là Vị Chủ Chăn Tối Cao được sinh hoa kết quả.

Cha hiểu rất rõ những lời mà Cha thường nghe từ miệng Đấng Sáng Lập của chúng ta nói về Vị Đại diện Chúa Kitô: “Hãy yêu mến Đức Thánh Cha thật nhiều. Hãy cầu nguyện nhiều cho Ngài. Yêu mến Ngài nhiều, thật nhiều! Vì Ngài cần tình yêu mến của tất cả con cái mình. Đó là điều mà Cha hiểu rất rõ bằng kinh nghiệm. Cha không phải là sỏi đá, mà là một con người bằng xương bằng thịt. Chính vì thế, Cha muốn Đức Giáo Hoàng biết rằng chúng ta yêu mến Ngài, và sẽ mãi yêu mến Ngài, vì Ngài chính là Chúa Kitô ngọt ngào ở nơi trần thế.” [2] Chúng ta có cầu nguyện mỗi ngày cho Đấng Kế vị Thánh Phêrô không? Ngài có thể trông cậy vào lòng trung thành của chúng ta không?

Tình yêu dành cho Đức Giáo Hoàng luôn đập mạnh trong trái tim của Cha chúng ta. Ở một trong những lá thư đầu tiên của mình, Cha chúng ta kể lại rằng khi Opus Dei còn là một hạt giống bé nhỏ hầu như bị giấu kín trong luống đất, Ngài đã thích tưởng tượng rằng mình được kề cận Đức Thánh Cha trong lúc lần chuỗi Mân Côi, và khi rước lễ thiêng liêng, Ngài như thấy mình được lãnh nhận Mình Thánh cách thiêng liêng từ tay Đức Thánh Cha. Như thế, bằng việc “cụ thể hóa” sự hiệp nhất của mình với vị Giám mục Rôma trong những chi tiết nhỏ nhặt, một lòng hiếu thảo mạnh mẽ và mang tính thần học hướng về vị Đại diện Đức Kitô trên trần thế, vị Cha chung của mọi Kitô hữu, ngày càng bén rễ mạnh hơn trong tâm hồn Ngài.

Một lý do nữa khiến Cha có những suy tư này là vì trong tháng bảy, chúng ta sẽ cử hành một ngày kỷ niệm mới, đó là kỷ niệm lần đầu tiên Cha chúng ta được Đức Giáo Hoàng tiếp đón. Đó là vào ngày 16 tháng 7 năm 1946, ba tuần sau khi Ngài đến Rôma lần đầu tiên. Vài ngày trước đó, thông qua Đức Ông Montini (người sau này trở thành Đức Giáo Hoàng Phaolô VI), Đức Giáo Hoàng Piô XII đã gửi đến Cha chúng ta bức ảnh Đức Giáo Hoàng với hàng chữ viết tay đề tặng và chúc lành cho Đấng Sáng lập và cho Opus Dei. Điều đó quả đã mang lại cho Cha chúng ta một niềm vui lớn lao trong tâm tình con thảo! Và ngay lập tức, Ngài đã viết cho các con trai, con gái của mình rằng: “Cha có một lời chúc lành được chính Đức Giáo Hoàng viết tay cho ‘Người Sáng Lập Hội Linh Mục Thánh Giá và Opus Dei’. Quả là một niềm vui trọng đại! Cha đã hôn kính tấm ảnh cả ngàn lần”. Và trong phần tái bút, Ngài viết thêm: “Ước chi các con không bao giờ lơ là việc cầu nguyện và cầu chúc các con thật hạnh phúc." [3]

Cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, cho chính bản thân đáng kính của Ngài và cho các ý nguyện của Ngài, đã trở thành một gia sản mà Cha Don Alvaro, vị kế nhiệm Đấng Sáng Lập Opus Dei, đã trao lại cho chúng ta với lòng trung thành mẫu mực. Giờ đây, đó là trách nhiệm của Cha phải củng cố tinh thần Công giáo này nơi các con. Cha thường xuyên làm thế, nhưng trong giai đoạn đặc biệt khó khăn hiện nay, khi từ khắp nơi vang lên những lời chỉ trích Giáo Hội và Đức Thánh Cha, thì Cha thấy khẩn thiết phải cầu nguyện cho Ngài liên lỉ hơn nữa. Vừa qua, đại lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, những người đã vun trồng Hội Thánh Rôma bằng máu của mình và là trụ cột của Hội Thánh hoàn vũ, đã giúp chúng ta gia tăng tình hiệp thông với Đức Thánh Cha: Yêu mến Ngài thật nhiều, và cố gắng giúp nhiều người khác gia tăng lòng yêu mến dành cho Thánh Phêrô!

Trong các buổi tiếp kiến chung gần đây, Đức Bênêđitô XVI đã nhấn mạnh hiệu năng của lời cầu nguyện. Khi nhắc đến những thời khắc cụ thể trong đời sống Giáo Hội buổi đầu, Ngài đã chỉ rõ sự đáp trả đức tin của các tín hữu khi phải đối mặt với chống đối và chịu đựng bách hại. Tất cả chúng ta đều nhớ việc Thượng Hội Đồng bỏ tù Thánh Phêrô và Thánh Gioan với yêu cầu các Ngài không được tiếp tục rao giảng nhân danh Chúa Giêsu. [4] Sau khi được thả, hai Tông đồ đã gặp các tín hữu đầu tiên và thuật lại cho họ nghe về sự đe dọa mà các Ngài đã bị. Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh rằng “đó không chỉ là một cộng đoàn không sợ sệt hay không bị chia rẽ, mà đó còn là một cộng đoàn hiệp nhất sâu sắc trong cầu nguyện, đồng lòng như một, để cầu khẩn Thiên Chúa... Cộng đoàn Kitô hữu cầu xin điều gì khi gặp thử thách? Họ không cầu xin một cuộc sống an toàn trong bách hại, họ cũng không cầu xin Thiên Chúa trả thù những kẻ đã bỏ tù Phêrô và Gioan. Họ chỉ cầu xin Thiên Chúa hãy cho họ được ‘nói lời Chúa với tất cả sự mạnh dạn’ (Cv 4, 29). Tóm lại, đó là lời nguyện xin không mất lòng can đảm tin tưởng, và lòng can đảm tuyên xưng niềm tin.’ [5] Làm như vậy, họ đã dốc lòng cầu nguyện Thánh vịnh 2, là lời tiên báo về chiến thăng của Đấng Mêsia, bất chấp sự tấn công của địch thù.

Những tín hữu đầu tiên ấy đã cho chúng ta một quy chuẩn ứng xử cho tình trạng ngày nay, khi chúng ta cũng chứng kiến nổ lực đáng buồn của những kẻ đang cố gắng loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi xã hội dân sự, hoặc ít ra là bỏ Người vào ngoặc đơn, hạn chế Người trong đời sống riêng tư mà thôi. Trong những tháng còn lại trước khi khởi đầu Năm Đức Tin vào ngày 11 tháng 10 tới đây, Cha đề nghị các con hãy nhớ thật kỹ gương mẫu của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, để cầu nguyện cách lạc quan và tin tưởng cho những nhu cầu của Hội Thánh, cho những ý nguyện của Đức Giáo Hoàng, cho sự hiệp nhất của toàn dân Thiên Chúa quanh các vị Mục tử. Chúng ta đừng quên, như Cha chúng ta hay cam đoan với chúng ta: “Thiên Chúa vẫn luôn là vậy. Chính con người cần có đức tin để những điều kỳ diệu ta đọc thấy trong Tin Mừng sẽ được tái diễn. - Ecce non est abbreviata manus Domini, Cánh tay quyền năng của Đức Chúa chẳng bao giờ trở nên yếu nhược! "[6]

Được thúc đẩy bởi lời đảm bảo này, chúng ta hãy vững vàng khởi động sứ mạnh tông đồ, tin chắc rằng hàng triệu tâm hồn (Cha không nói quá đâu) đang chờ đợi chúng ta. Nhưng như Thánh Josemaría nhấn mạnh: lời nói, mặc dù rất cần thiết, nhưng không đủ; còn cần phải có hành động mỗi ngày tương xứng với đức tin, và niềm vui vì biết rằng chúng ta là con Thiên Chúa.

Đức Bênêđitô XVI còn gợi lại một đoạn khác là việc Thánh Phêrô được cứu thoát khi Ngài sắp bị kết án. Trong lần đó, các tín hữu đầu tiên cũng đã hiệp nhất với nhau trong lời cầu nguyện. Sách Thánh viết rằng Phêrô bị bỏ tù; nhưng Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho Ngài. [7] Thánh Josemaría thường hay suy niệm làm thế nào lời cầu nguyện hiệp nhất của Giáo Hội có thể giải thoát Simon Phêrô khỏi tay Hêrôđê và khỏi mọi điều dân Do Thái muốn Ngài phải chịu. [8] Ngài viết trong tập Con đường: “Hãy kín múc từ nguồn mạch trong lành của sách Công vụ Tông đồ. Trong chương mười hai, Thánh Phêrô được cứu thoát khỏi tù nhờ Sứ thần. Ngài đi đến nhà mẹ ông Máccô. Những người trong nhà không tin cô gái báo tin rằng ông Phêrô đang ở ngoài cửa. Họ bảo: ‘Angelus ejus est! Thiên sứ của ông ấy đấy!’.

"Hãy xem các Kitô hữu tiên khởi sống với vị Thiên thần Bản mệnh của họ thân mật thế nào. Còn con thì sao?" [9]

Con và Cha có tin tưởng kêu cầu Thánh Thiên thần Bản mệnh của mình không? Chúng ta có nương tựa vào sự trợ giúp của các Thiên thần Bản mệnh trong những khó khăn cá nhân hay khó khăn của Hội Thánh mà ta phải xem như là chính khó khăn của mình không? Chúng ta có cầu xin sự trợ giúp của các Thiên thần Bản mệnh trong công việc tông đồ không?

Bình luận về những trình thuật đó, Đức Thánh Cha nói rằng, cũng như những tín hữu ấy, chúng ta cũng “phải suy ngẫm về những biến cố trong từng ngày sống của mình qua lời cầu nguyện để nhìn ra được đâu là ý nghĩa sâu xa của chúng. Và như cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, chúng ta cũng hãy để mình được Lời Chúa soi sáng, qua việc chiêm niệm Thánh Kinh; chúng ta cũng có thể học biết cách nhận ra Thiên Chúa hiện diện trong đời sống chúng ta, Ngài cũng đặc biệt hiện diện trong những giờ phút khó khăn và ta nhận ra rằng tất cả mọi sự - kể cả những điều không sao hiểu nổi - đều là một phần của kế hoạch yêu thương thiêng liêng mà trong đó, chiến thắng chung cuộc sẽ vượt trên sự dữ, vượt trên tội lỗi và vượt trên cái chết và thật sự là sự thiện hảo, là hồng ân, là sự sống của Thiên Chúa.” [10]

Trong một dịp khác, Đức Giáo Hoàng đã mời gọi chúng ta tự mình suy ngẫm về điều này: "Tôi đã cầu nguyện như thế nào? Chúng ta cầu nguyện ra sao? Tôi dành bao nhiêu thời gian cho mối quan hệ giữa tôi với Chúa?" [11]

Chúng ta cần nhớ những suy tư rất thường xuyên và đúng lúc đó trong tâm nguyện mỗi ngày: nếu không có những lần đối thoại đó với Chúa, với Mẹ Thánh của Ngài, với các Thiên thần và các Thánh, thì chúng ta sẽ không thể sống được và cũng không muốn sống! Thánh Josemaría cam đoan với chúng ta rằng: “Chủ đề lời cầu nguyện của Cha chính là chủ đề cuộc sống của Cha” [12]; Chúng ta cũng thế. Khi cầu nguyện riêng, chúng ta phải nghĩ về tất cả những gì chúng ta đang “bận rộn” và tất cả những gì “làm chúng ta lo lắng”, mặc dù - như Cha chúng ta từng nói - chúng ta là con cái Thiên Chúa, đừng bao giờ để mình “bị lo lắng chiếm giữ” nhưng chỉ “để mình bận rộn” mà thôi, vì chúng ta tin tưởng vào sự tốt lành của Thiên Chúa Cha, Đấng sắp đặt mọi sự vì lợi ích của chúng ta.

Cha đã từng ám chỉ một số điều “làm mình lo lắng” thật sự quan trọng bây giờ và mãi mãi, đó là: đời sống của Giáo Hội và của thế giới, công cuộc cứu rỗi các linh hồn, công việc tông đồng hằng ngày, đó phải là những mối bận tâm của mọi con cái Thiên Chúa. Những mối lo lắng khác gián tiếp hơn liên quan đến cuộc khủng hoảng đang ảnh hưởng nhiều đất nước và trên thế giới, mặc dù ở những cấp độ khác nhau. Cha nghĩ nhiều đến hậu quả của chúng và việc nhiều người đang cảm thấy bị vùi dập vì những vấn đề này: bị thất nhiệp, phải từ bỏ những tiện nghi cần thiết tối thiểu, phải cắt giảm chi ly chi tiêu để ngân sách gia đình có thể sống đến cuối tháng, nếu sự việc tồi tệ đến như thế. Cha cam đoan với các con là Cha cảm thấy rất gần gũi với từng người và với tất cả các con, Cha cầu nguyện đặc biệt cho những ai đang gặp khó khăn. Trong khi chính phủ và mỗi người chúng ta làm tất cả những bước cần thiết để thoát khỏi tình cảnh này càng nhanh càng tốt, Cha khuyên chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa và vui vẻ dâng cho Người các khó khăn mà chúng ta đang phải đương đầu.

Đồng thời, đừng ngại chấp nhận công việc thấp hơn trình độ nghề nghiệp của con, trong khi chờ đợi một thời cơ thuận lợi hơn. Hãy cố gắng thu lượm hoa trái từ giai đoạn khó khăn này: hãy đương đầu bằng một vẻ ngoài phi thường, điều đó sẽ giúp chúng ta trưởng thành nhân bản và sẽ lớn lên trong hiệp thông với Thiên Chúa và trong liên đới với anh em.

Tình hình này cũng là cơ hội để chúng ta giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn nhờ ân sủng. Trong những ngày gần đây, trong tâm trí Cha hiện lên những lời nói của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly, những lời mà Đấng Sáng lập thường hay lặp lại: Anh em hãy thương yêu nhau; như Thầy đã yêu thương anh em; anh em hãy yêu thương nhau. Bằng dấu này người ta sẽ biết anh em là môn đệ thầy. [13] Và Cha nhớ lại Thánh Josemaría đã xúc động thế nào khi nhắc đến giờ phút cuối đời của vị Tông đồ được Chúa Giêsu thương mến. [14] Do có một truyền thống cổ xưa nói rằng Thánh Gioan, có lẽ bằng giọng nói yếu ớt vì tuổi tác (cha chúng ta đã hình dung ra như vậy), cứ lặp đi lặp lại: filioli, diligite alterútrum! Các con nhỏ bé của ta, hãy yêu thương nhau! [15]

Ước gì không ai cảm thấy cô đơn. Xin cho mỗi người cảm thấy mình đang được nâng đỡ, được bảo vệ bằng lời cầu nguyện và tình huynh đệ cùa người khác. Chúng ta hãy vượt qua bản thân để phục vụ hầu cuộc sống của ta với tha nhân trở nên dễ chịu và vui vẻ, qua những hành động phục vụ nhỏ bé và cụ thể. Đôi khi, chỉ một nụ cười là đủ, một ánh nhìn trìu mến, một nổ lực để lắng nghe với sự quan tâm chân thành đến những khó khăn của tha nhân, để san sẻ nỗi khó khăn ai đó đang phải trải qua. Biết bao lần những lời này xuất hiện trong cuốn “Con đường”! “Lòng bác ái không hệ tại trong việc ‘cho đi’ cho bằng trong việc ‘thấu hiểu’.” [16]

Trước khi dừng bút, Cha muốn thôi thúc các con chuyển những lời đề nghị này đến người thân của mình, đến bạn bè và đồng nghiệp. Hãy giúp họ khám phá ra bàn tay quan phòng của Thiên Chúa Cha trong mọi hoàn cảnh. Như Cha chúng ta từng viết, vang vọng lời Thánh Phaolô: Trong mọi sự, Thiên Chúa làm sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, những kẻ được Người kêu gọi theo ý Người định. [17] Và tất cả chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để mang lời giảng dạy của Ngài đi khắp mọi nẻo đường thế giới. “Omnia in bonum!”, “Tất cả mọi sự đều ích lợi!”

Các con cũng đã biết, ngày 18 tháng 6, Cha đã chỉ định tòa án của Giáo phận Tòng nhân đảm nhận điều tra Án phong Chân phước và phong Thánh cho Dora del Hoyo, thành viên Numerary Assistant đầu tiên của Opus Dei. Xin các con hiệp lời tạ ơn cùng Cha dâng lên Ba Ngôi Chí Thánh vì tiến trình này và xin các con tiếp tục cầu nguyện cho những ý nguyện của Cha.

Cha không thể không nhớ lại lần nữa Cha Don Alvaro thân yêu của chúng ta, vào ngày 7 tháng 7 năm 1935 đã khởi đầu hành trình của mình như một người đầy tớ tốt lành và tin tưởng, sống tinh thần của Opus Dei: biết bao ký ức từ những thư từ của Ngài chất đầy niềm vui và không ngừng chiến đấu!Với tất cả lòng yêu mến, Cha chúc lành cho các con.

Cha của các con,

Javier

Barcelona, ngày 1, tháng 7 năm 2012

Ghi chú:

[1] Thánh Josemaría, Thư ngày 1 tháng 9 năm 1932, số 91.

[2] Thánh Josemaría, Ghi chép trong một buổi gặp gỡ các gia đình, 11 tháng 5 năm 1965.

[3] Thánh Josemaría, Thư gửi các con trong Công đồng chung, 30 tháng 6 năm 1946, ở Vazquez de Prada, Đuấng sáng lập Opus Dei, tập III, tr. 35-36.

[4] x. Cv 4,1-31.

[5] Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, Bài phát biểu trong buổi tiếp kiến chung, 18 tháng 4 năm 2012.

[6] Thánh Josemaría, “Con đường”, số 586.

[7] Cv 12,5.[8] Tài liệu vừa dẫn, 11.

[9] Thánh Josemaría, “Con đường”, số 570.[10] Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, Bài phát biểu trong buổi tiếp kiến chung, 18 tháng 4 năm 2012.[11] Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, Bài phát biểu trong buổi tiếp kiến chung, 30 tháng 11 năm 2012.

[12] Thánh Josemaría, “Khi Chúa Kitô đi ngang qua”, số 174.

[13] Ga 13,34-35.

[14] Ga 13,23.

[15] x. Thánh Giêrônimô, Bình luận về thư gửi các tín Hữu Galilê, III, 6, 10 (PL 26, 462).

[16] Thánh Josemaría, “Con đường”, số 463.

[17] Rm 8,28.