Thư của Đức Giám quản ngày 10 tháng 10 năm 2024

Đức Giám quản Opus Dei mời gọi chúng ta suy tư về việc thánh hóa công việc và những thể hiện cụ thể của việc này trong đời sống thường nhật.

Các con thân mến, xin Chúa Giêsu thương giữ gìn các con!

Chúng ta thường được nhắc phải cầu nguyện luôn. Có rất nhiều điều chúng ta cần phó dâng cho lòng thương xót của Thiên Chúa: từ những vấn đề trong cuộc sống cá nhân đến những vấn đề lớn đang đe dọa thế giới. Đồng thời, chúng ta cũng nhận ra tầm quan trọng của việc tạ ơn Chúa vì nhiều khía cạnh tích cực. Theo cách này hay cách khác, mọi thứ đều là lý do để cầu nguyện; quả thực, mọi thứ đều có thể trở thành lời cầu nguyện.

Ở đây, chúng ta có thể xét đến nhu cầu biến công việc thành lời cầu nguyện, với niềm xác tín rằng “kể từ khi Chúa Kitô bắt tay làm việc, đối với chúng ta, lao động đã trở thành một thực tại được cứu chuộc và có tính cứu chuộc. Lao động không chỉ là bối cảnh của đời sống nhân loại; nó còn là phương tiện và con đường dẫn đến sự thánh thiện. Công việc là điều cần được thánh hóa và là điều có thể thánh hóa chúng ta.” (Khi Đức Kitô Đi Qua, số 47)

Thánh hóa công việc là thánh hóa hoạt động lao động của con người, vốn có những hiệu quả trực tiếp (đúng hơn là những khía cạnh của cùng một thực tại), đó là thúc đẩy việc thánh hóa người làm việc, thánh hóa người khác thông qua mầu nhiệm Các Thánh Thông Công, và thánh hóa các cơ cấu xã hội.

Nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực ra rất đơn giản – đơn giản nhưng không có nghĩa là dễ dàng: “Hãy thêm một động cơ siêu nhiên vào công việc thường ngày của bạn và bạn sẽ thánh hóa nó.” (Con Đường, số 359) Động cơ thánh hóa công việc này không đơn thuần là một khía cạnh đạo đức độc lập với công việc. Đúng hơn, đó là nghiêm túc trả lời câu hỏi tại sao và vì điều gì mà chúng ta làm việc, như là một mục tiêu tối hậu có ảnh hưởng quyết định đến việc thực hiện công việc, cũng như đến kết quả vật chất và hình thức của nó. Do đó, “một phần thiết yếu của nỗ lực này – thánh hóa lao động thường nhật – mà Chúa đã giao phó cho chúng ta là thực thi công việc một cách tốt nhất có thể, cùng với sự hoàn hảo nhân loại, hoàn thành tốt nhất mọi nghĩa vụ nghề nghiệp và xã hội của chúng ta.” (Thư 24, số 18)

Động cơ siêu nhiên ở nguồn gốc của việc thánh hóa lao động chính là tình yêu: “Cần nhớ rằng phẩm giá của lao động dựa trên Tình yêu. Một đặc ân lớn lao của con người là có thể yêu thương và vượt lên những gì là chóng qua và phù du. Chúng ta có thể yêu thương các thụ tạo khác, chúng ta phát âm từ ‘tôi’ và từ ‘bạn’ một cách đầy ý nghĩa. Và chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mở cửa thiên đàng cho chúng ta, làm chúng ta trở nên thành viên trong gia đình của Người và cho phép chúng ta trò chuyện với Người một cách thân mật, mặt đối mặt. Đó là lý do tại sao nhân loại không được phép giới hạn mình trong việc sản xuất của cải vật chất. Lao động được phát sinh từ tình yêu; lao động là biểu hiện của tình yêu và hướng đến tình yêu.” (Khi Đức Kitô Đi Qua, số 48)

Thật an ủi khi biết rằng lao động là thánh thiện và nó có thể thánh hóa khi được hướng dẫn và thấm nhuần bởi tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Đây là bản chất của động cơ siêu nhiên đủ để thánh hóa

công việc; và chúng ta hiểu rõ hơn tại sao động cơ này tự nó có xu hướng thúc đẩy sự hoàn thiện nhân sinh trong công việc.

Không chỉ là vấn đề làm việc vì Chúa và cho Chúa, nhưng đồng thời và nhất thiết là làm việc của Chúa. Người là Đấng đã yêu thương ta trước, và với Thánh Thần, làm cho tình yêu của chúng ta trở nên khả thi.

Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Khóa họp thứ hai của Đại hội Thường lệ lần thứ XVI Thượng Hội đồng Giám mục, bắt đầu vào ngày 2 tháng 10 này và sẽ kết thúc vào ngày 27, cũng là ngày sinh nhật của cha. Cha rất trông cậy vào lời cầu nguyện của các con.

Xin các con cũng hãy nhớ cầu nguyện cho việc điều chỉnh Quy chế của Giáo đoàn. Về nguyên tắc, cuộc họp tiếp theo của các chuyên gia sẽ diễn ra vào đầu tháng 11.

Cha chân thành chúc lành cho các con.

Rôma, ngày 10 tháng 10 năm 2024