Suy niệm: Lễ Hiển Linh

Một vài dòng suy niệm có thể giúp ích cho việc cầu nguyện trong ngày lễ Đức Kitô Hiển linh cho mọi quốc gia.

“Ba Vua Đến Sùng Bái” bởi Filippino Lippi (Wiki Commons)
  • Ba nhà chiêm tinh đại diện cho mọi quốc gia
  • Ơn cứu độ cho mọi linh hồn
  • Đem ánh sáng cho đời sống chúng ta

“CÁCH ĐÂY KHÔNG LÂU, Thánh Josemaria nói, “Cha đang ngắm nhìn một bức phù điêu bằng đá cẩm thạch khắc họa cảnh các nhà chiêm tinh tôn kính Chúa Giêsu Hài đồng. Viền quanh bức phù điêu là hình ảnh khác: bốn thiên thần, mỗi người cầm một biểu tượng: một vương miện, địa cầu trên đó có thập giá, một thanh gươm và một vương trượng. Bằng cách này, sử dụng những biểu tượng rất nổi tiếng, sự kiện chúng ta đang chiêm ngắm hôm nay được biểu lộ: một vài nhà thông thái - truyền thống cho rằng họ là những vị vua - tìm đến để phủ phục trước Hài nhi, sau khi hỏi thăm ở Giêrusalem, Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? (Mt 2:2) [1]

“Hiển linh” nghĩa là sự hiện ra hoặc tỏ lộ cho thấy. Chúng ta hân hoan cử hành sự kiện Đức Kitô được biểu lộ cho mọi quốc gia, tượng trưng bởi những nhà chiêm tinh đến từ phương Đông. Sau các mục đồng, Chúa chúng ta đã tỏ mình ra cho những nhân vật huyền bí này. Trong ngày Lễ Hiển linh, Thiên Chúa giới thiệu Con của Ngài “cho mọi nước nhờ sự dẫn dắt của ngôi sao lạ”[2] Chúng ta tìm thấy “vinh quang của Đức Chúa, Đấng đã hạ sinh vì mọi người: mọi quốc gia, mọi ngôn ngữ và dân tộc đều được Ngài đón nhận và yêu thương. Điều này được khắc họa bởi ánh sáng, một thứ có thể xuyên thấu và chiếu sáng mọi vật.”[3] Đứa trẻ mới sinh là Đấng Messiah được hứa ban cho dân Israel, nhưng sứ mạng cứu chuộc của Ngài mở rộng ra cho mọi dân tộc trên thế giới. “Chúng ta mừng Đức Kitô, cùng đích của mọi người lữ hành đang tìm kiếm ơn cứu độ.”[4]

Tin Mừng kể cho chúng ta rằng các nhà chiêm tinh, vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. (Mt 2:11). Ở cảnh tượng thờ lạy này, chúng ta thấy hình ảnh biểu tượng cho hàng triệu người từ khắp bờ cõi trái đất đã lên đường, nghe theo tiếng gọi của Chúa, để thờ lạy Đức Kitô. Đây là ý nghĩa đầy đủ lời tiên tri của ông Isaiah: Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi (Is 60:1). Vị tiên tri nói với toàn thể thành thánh, một biểu tượng của Hội Thánh, một Giêrusalem mới, về ánh sáng của muôn nước. Các vị vua và các dân tộc sẽ tìm đến từ những miền xa xôi, do bị thu hút bởi ánh vinh quang chói lọi của Hội Thánh. Với cương vị là mẹ và thầy dạy của mọi dân tộc, Hội Thánh chào đón tất cả mọi người nơi cung lòng mình và dâng lên Đức Kitô như quà hồi môn quý giá.

HƠN HAI MƯƠI THẾ KỶ ĐÃ TRÔI QUA kể từ cuộc viếng thăm của các nhà chiêm tinh, và dòng người đông đảo từ khắp mọi nơi trên thế giới chỉ mới bắt đầu. Toàn thế giới, muôn người nhớ lại và trở về cùng Chúa. Mọi dân tộc dưới trần phủ phục trước Tôn Nhan (Tv 22:27). Công cuộc loan báo Tin Mừng của các Kitô hữu tiên khởi rất sâu sát. Họ đã lan truyền đức tin đến khắp mọi nơi từng được biết đến trên thế giới, chăm chỉ gieo hạt giống, và hoa trái sẽ sớm xuất hiện. Kể từ đó, nhiều dân tộc đã đến - và tiếp tục tìm đến - với Đức Giêsu và Mẹ Maria. Tương tự như thế, chúng ta cũng tìm đến với các Ngài, từ mọi vùng miền, chủng tộc và ngôn ngữ. Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới (Is 60:4).

“Chúng ta cần phải nhắc đi nhắc lại,” Thánh Josemaria nhấn mạnh, “rằng Đức Giêsu không tự giới hạn Ngài cho một nhóm người có đặc quyền; Ngài đến để tiết lộ cho chúng ta rằng tình yêu của Thiên Chúa dành cho mọi người. Mọi người nam, người nữa đều được Thiên Chúa yêu thương, và Ngài mong mỏi tình yêu đến từ tất cả. Từ mọi người, bất kể hoàn cảnh, địa vị xã hội, học vấn hay nghề nghiệp của người ấy có là gì. Đời sống thường nhật không phải là thứ ít có giá trị: mọi nẻo đường trên thế gian đều có thể là một cơ hội để gặp gỡ Đức Kitô, Đấng mới gọi chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, để có thể thực thi sứ mạng thánh thiêng của Ngài - ở ngay chính nơi ở của mình. Chúa kêu gọi chúng ta qua những ngóc ngách của đời sống hằng ngày, trong nỗi đau khổ và vui sướng của những người mà ta chung sống, trong những sở thích con người của các đồng nghiệp và trong những điều nhỏ nhặt làm nên cuộc sống gia đình của chúng ta. Chúa cũng mời gọi chúng ta qua những vấn đề to lớn, những xung đột và thách thức của từng giai đoạn lịch sử và là căn nguyên cho những nỗ lực tạo nên chủ nghĩa duy tâm của một phần lớn nhân loại.”[5]

Sứ mạng của chúng ta cũng giống như các Kitô hữu thời kỳ đầu: “Các con thân mến, chúng ta có mặt ở đây là để giúp đám đông, vô số người. Không có linh hồn nào mà chúng ta không muốn yêu mến và giúp đỡ. Chúng ta phải trở nên mọi thứ cho muôn người: ómnibus ómnia factus sum (1 Cor 9:22). Chúng ta không thể quay lưng trước bất kỳ mối bận tâm hay nhu cầu con người nào.”[6] Cả chúng ta cũng đã nhìn thấy ngôi sao lạ. Đức Chúa muốn chạm đến mọi linh hồn, qua mỗi chúng ta, để mang lại cho mọi người niềm an ủi và ơn cứu độ.

TRONG PHẦN NHẬP LỄ của Thánh Lễ hôm nay, chúng ta nguyện rằng: “Lạy Chúa, trong Đức Kitô, là ánh sáng của muôn dân, Chúa đã mạc khải cho muôn dân nhận biết mầu nhiệm ơn cứu độ.” Chúng ta ao ước được góp phần vào công trình Cứu chuộc. Thánh Gioan Phaolo II đã chỉ ra rằng “tình hình chung của nhân loại cho thấy sứ mạng này chỉ vừa mới bắt đầu.”[7] Chúng ta vững lòng trông cậy rằng Hài nhi này là ánh sáng đích thực của thế giới, ánh sáng tỏa chiếu trong sự khiêm hạ. Và bằng cách nào đó, chúng ta muốn trở nên giống như ngôi sao của các nhà chiêm tinh để chỉ đường dẫn đến với Chúa.

“Vị Vua ở đâu? Thánh Josemaria đã hỏi như thế trong ngày lễ Hiển Linh năm 1956. “Lẽ nào chẳng phải Đức Giêsu muốn ngự trị trên hết mọi thứ trong trái tim con người, trong trái tim bạn sao?” Đó là lý do Ngài đã trở nên một Hài nhi, vì ai lại không yêu một trẻ nhỏ chứ? Vậy vị Vua ở đâu? Đức Kitô, Đấng mà Chúa Thánh Thần muốn khắc ghi nơi linh hồn chúng ta ở đâu? Ngài không thể hiện diện trong sự kiêu ngạo tách rời chúng ta khỏi Thiên Chúa, hay trong sự thiếu bác ái tách biệt chúng ta khỏi tha nhân. Đức Kitô không thể ở đó; ở đó chỉ có trơ trọi mỗi con người. Khi bạn quỳ chiêm ngắm Hài nhi Giêsu vào ngày lễ Hiển linh, đứng trước một vị Vua không hề mang dấu hiệu hoàng gia bên ngoài nào, bạn có thể thưa với Ngài: Lạy Chúa, xin lấy khỏi con sự kiêu ngạo, xin phá vỡ tình yêu vị kỷ của con, nỗi khao khát khẳng định bản thân và áp đặt mình lên người khác. Xin biến đổi để nhân cách của con trở nên giống với Ngài.”[8]

Trong ngày lễ trọng đại này, chúng ta âu yếm nhìn Bethlehem, để học hỏi từ những nhà chiêm tinh từ phương Đông đã đến phủ phục trước Hài nhi. Bắt chước các nhà chiêm tinh, chúng ta cũng nói với Đức Giêsu rằng, nhờ ơn Ngài giúp sức, chúng ta sẽ không cản trở ý định cứu độ của Ngài. Chúng ta xin Đức Maria dạy chúng ta trở nên ánh sáng cho gia đình và bạn bè mình. Chúng ta cũng cầu xin sự khiêm nhường để Đức Kitô có thể sống trong trái tim chúng ta, một khi trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, chúng ta sẽ thu hút được nhiều người đến với tình yêu cứu độ của Ngài.

[1] Thánh Josemaría, Christ Is Passing By, 31.

[2] Chúa Hiển Linh, Thánh Lễ chính ngày, lời nguyện nhập lễ (tổng nguyện).

[3] ĐGH Phanxicô, Bài giảng, ngày 6 tháng Giêng năm 2019.

[4] ĐGH Benedict XVI, Bài giảng, ngày 6 tháng Giêng năm 2007.

[5] Thánh Josemaría, Christ Is Passing By, 110.

[6] Thánh Josemaría, Thư gửi ngày 6 tháng 5 năm 1945, 42.

[7] Thánh Gioan Phaolo II, Thông điệp Redemptoris missio, 1.

[8] Thánh Josemaría, Christ Is Passing By, 31.