"Nụ cười và niềm vui"

"Mỉm cười là một hành vi khiêm nhường; mỉm cười là chấp nhận bản thân và cách sống của mình, ở lại nơi mình đang hiện diện với một sự an bình thánh thiện." Bài viết của cha Carlo de Marchi, phụ trách Opus Dei vùng Trung-Nam

“Bạn không thể rao giảng Tin Mừng với một bộ mặt đưa đám.” Những lời nói có vẻ thách thức này của Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ là một lời nói đùa; quả thật, ý tưởng các Kitô hữu không nên xuất hiện buồn bã trước mặt người khác không phải là một điều mới mẻ. Nietzsche đã từng nói: “Họ nên hát cho tôi nghe một bài hát hay ho hơn, nếu họ muốn tôi tin vào Đấng Cứu Thế của họ. Các môn đệ của Ông ấy cần trông như những người được cứu rỗi!”

Nhưng làm sao có thể mỉm cười khi lo lắng, công việc, thất bại và đau khổ lớn nhỏ cứ xảy ra trong cuộc đời?

Nụ cười đầu tiên là nụ cười quan trọng nhất. Kinh Thánh bảo: “Thiên Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em” (Ds 6,25). Và “niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em” (Nkm 8,10). Thiên Chúa mỉm cười trước. Niềm vui của Đấng Tạo Hóa khi ngắm nhìn từng thụ tạo của Người phải là nền tảng vững chắc cho sự thanh thản và bình an của chúng ta.

Tuy nhiên, có bất kính không khi nghĩ rằng Thiên Chúa, Chúa tể của vũ trụ, đang mỉm cười? Một nhân vật trong những câu chuyện của Ray Bradbury từng nói: “Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta càng lớn lao hơn khi chúng ta có thể làm Ngài mỉm cười.” Một nhân vật khác bảo: “Tôi chẳng bao giờ nghĩ Thiên Chúa lại là một người hài hước.” Nhân vật đầu tiên liền đáp: “Chẳng lẽ Đấng đã tạo nên thú mỏ vịt, lạc đà, đà điểu và con người lại không có óc hài hước sao? Thôi nào!”

Nụ cười thứ hai là nụ cười khi tôi nhìn vào chính mình. Không quá xét nét về những đặc điểm, những giới hạn của bản thân, những thứ không nhất thiết là khiếm khuyết và không nên bị nghiêm trọng hóa. Đấng Tạo Hóa yêu tôi như tôi là, bởi vì nếu Người muốn tôi khác đi thì Người đã tạo thành tôi khác đi rồi.

Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêđitô XVI từng nhận xét: “Tôi nghĩ điều quan trọng là ta có thể nhận ra khía cạnh hài hước của cuộc sống, nhận ra chiều kích vui tươi của nó, và không bi thảm hóa mọi sự. Tôi cũng muốn nói rằng điều này rất cần thiết cho sứ vụ của tôi. Một nhà văn từng bảo rằng sở dĩ các thiên thần có thể bay được là vì các ngài không quá nghiêm khắc với bản thân. Có lẽ chúng ta cũng có thể bay đôi chút nếu chúng ta không nghĩ rằng mình quá quan trọng!”

“Mỉm cười là một hành vi khiêm nhường; mỉm cười là chấp nhận bản thân và cách sống của mình, ở lại nơi mình đang hiện diện với một sự bình an thánh thiện. Không quá nghiêm khắc với bản thân, bởi vì như G.K. Chesterton nói: “Nghiêm khắc không phải là một nhân đức, mà có thể là một tà thuyết, và là một tà thuyết nhạy cảm, nếu không nói là một thói xấu. Nghiêm khắc thực sự là một xu hướng tự nhiên hoặc một cám dỗ con người sa vào chỗ trầm trọng hóa bản thân, bởi vì đó vốn là việc dễ làm nhất. Thật dễ để viết một bài dẫn dắt cho tạp chí Thời Đại hơn là soạn một câu chuyện vui cho tờ Punch. Sự nghiêm trang xuất phát cách tự nhiên từ con người; còn tiếng cười là bước nhảy vọt. Thật dễ để trĩu nặng; và khó để nên nhẹ nhàng. Santan đã ngã bởi trọng lực.”

Nụ cười thứ 3 là hệ quả của hai nụ cười trước. Đó là nụ cười tôi chào đón tha nhân, đặc biệt những người đang sống và làm việc với tôi. Thể hiện lòng yêu mến họ, không quá coi trọng những lỗi lầm hoặc xung đột có thể xảy ra. Khi nhận giải Nobel, Mẹ Têrêsa Calcutta, với nụ cười vui tươi, đã làm khán giả ngạc nhiên bằng lời đề nghị này của Mẹ: “Hãy mỉm cười với nhau, dành thời gian cho nhau trong gia đình.”

Sách Khôn Ngoan bảo: “Quần áo, nụ cười và cách đi đứng cho thấy tâm hồn một con người.”

Nụ cười thực sự là dấu chỉ để người khác nhận ra một Kitô hữu.