Làm việc để chăm sóc thế giới

Nhân lễ kính Thánh Giuse Thợ và Ngày Quốc tế Lao động ở Châu Âu, tờ “Aleteia” đã xuất bản một bài báo của Đức Ông Fernando Ocáriz về ý nghĩa đích thực của lao động để phục vụ tha nhân.

Đường dẫn đến bài báo Aleteia

Năm nay, Ngày Quốc tế của Người Lao động, còn gọi là Ngày Lao động, mời gọi chúng ta nghĩ về nhiều chủ đề khác nhau mà cơn khủng hoảng do virus Corona mang đến: có biết bao người tốt trong thế giới này; sự tiến bộ cần tôn trọng thiên nhiên ra sao khi sử dụng thiên nhiên; chúng ta phụ thuộc vào nhau thế nào; tất cả chúng ta dễ bị tổn thương biết mấy, và xã hội cần thể hiện tình liên đới như thế nào nếu thực sự mang tính nhân văn.

Để chống lại dịch bệnh, các ngành nghề chăm sóc con người đang được chú ý đặc biệt. Những từ ngữ liên quan đến chăm sóc như đồng hành, thương tiếc, bảo vệ, lắng nghe, và nhiều từ ngữ khác nữa luôn được dùng trong các tiêu đề báo chí. Điều đó giúp chúng ta suy ngẫm về cách thức và lý do tồn tại của mọi công việc. Nhờ vậy, chúng ta có thể hiểu rõ hơn rằng phục vụ chính là linh hồn của xã hội, và là điều mang lại ý nghĩa cho lao động.

Lao động không chỉ là một nhu cầu hoặc một sản phẩm. Sách Kinh Thánh kể về nguồn gốc loài người nói rằng Thiên Chúa dựng nên con người “để cày cấy” và canh giữ đất đai (Sáng Thế 2,15). Lao động không phải là một hình phạt nhưng là vị thế tự nhiên của con người trong vũ trụ. Khi chúng ta lao động, chúng ta thiết lập mối liên hệ với Thiên Chúa và tha nhân, và có thể phát triển tốt hơn trong tư cách con người.

Lời đáp trả tuyệt vời của rất nhiều chuyên gia, dù là tín hữu hay không, trước cơn dịch bệnh hiện nay đã làm nổi bật chiều kích phục vụ này. Nó giúp chúng ta thấy rằng người hưởng lợi ích cuối cùng của bất kỳ công việc hay nghề nghiệp nào đều là một con người với đầy đủ tên họ, là một con người sở hữu một phẩm giá không thể bị tước mất. Mọi công việc chân chính cuối cùng đều quy hướng về nhiệm vụ “chăm sóc con người”.

Khi chúng ta cố gắng làm việc thật tốt với mối quan tâm dành cho những người chung quanh ta, công việc của chúng ta – bất kỳ công việc nào – đều mang một ý nghĩa hoàn toàn mới và có thể trở thành con đường dẫn đến gặp gỡ Thiên Chúa. Thật tốt để áp dụng quan điểm con người này vào công việc, thậm chí với những công việc bình thường nhất, bởi vì đó là viễn cảnh của việc phục vụ vượt qua khỏi những bổn phận mà chúng ta buộc phải làm.

Như trong thời kỳ đầu của Kitô giáo, ngày nay chúng ta cũng có thể thấy rất rõ khả năng của những người giáo dân nam nữ đang nỗ lực làm chứng cho Tin Mừng, chung vai sát cánh làm việc với các đồng nghiệp, chia sẻ niềm đam mê dành cho công việc, và thể hiện tình đồng loại giữa mọi đau khổ do dịch bệnh gây ra và trước sự bất bênh của tương lai.

Mỗi Kitô hữu là một “Hội Thánh”, và mặc những giới hạn của bản thân, trong sự kết hiệp với Đức Kitô, chúng ta vẫn có thể đem tình yêu của Thiên Chúa “vào huyến quản xã hội”. Đây là một hình ảnh được Thánh Josemaria Escriva sử dụng, Ngài đã rao giảng sứ điệp tìm kiếm sự thánh thiện qua công việc thường ngày. Bằng công việc và phục vụ, chúng ta cũng có thể cho thấy một thực tế rằng Thiên Chúa luôn chăm sóc mỗi con người.

Ngày Quốc tế Lao động năm nay còn mang đến những lo ngại mới về tương lai, vì những bất ổn việc làm trong ngắn hạn hoặc trung hạn. Người Công giáo chúng ta đặc biệt cậy nhờ lời chuyển cầu của Thánh Giuse Thợ, xin cho không ai đánh mất niềm hy vọng và tất cả chúng ta sẽ thích ứng được với tình huống mới này. Chúng ta xin Thánh Giuse soi sáng cho những người có trách nhiệm đưa ra quyết sách, và xin giúp chúng ta hiểu rằng lao động là để mang lại điều tốt đẹp cho con người, chứ không phải con người vì lao động.

Trong những tháng và những năm sắp đến, chúng ta nên thường xuyên nhớ đến những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và ghi nhớ cách “chúng ta nhận ra mình đang ở trên cùng một con thuyền, rằng tất cả chúng ta đều mỏng dòn và mất phương hướng, nhưng đồng thời tất cả đều quan trọng và cần thiết, tất cả chúng ta được mời gọi cùng nhau lèo lái con thuyền.”

Ước gì ngày 1 tháng 5 này mang đến niềm hy vọng rằng sự tự do chúng ta lại có khi thời gian phong tỏa qua đi có thể thực sự là sự tự do để phục vụ tha nhân. Khi ấy, việc làm của chúng ta sẽ trở nên giống những gì Thiên Chúa đã mong muốn trong kế hoạch của Người ngay từ thuở ban đầu: đó là chăm sóc thế giới, bắt đầu từ những người đang sống trong đó.

Đức Ông Fernando Ocáriz

Giám quản Opus Dei