Các Tông đồ giữa lòng thế giới: Ý thức Sứ mệnh

“Động lực hoạt động trong việc tông đồ là lòng bác ái, một món quà từ Thiên Chúa, và nơi người Kitô hữu, là con cái Chúa, tình bạn và lòng bác ái chính là một.”

https://opusdei.org/en/document/apostles-in-the-middle-of-the-world/

Thánh Luca cho thấy một bức tranh sống động về đời sống của các tín hữu đầu tiên ở Giêrusalem sau Lễ Ngũ Tuần: Ngày ngày họ chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ. (Cv 2,46-47). Nhưng chẳng bao lâu sau, các trở ngại đã xảy ra: Gioan và Phêrô bị bỏ tù, Stêphanô chịu tử đạo, và cuối cùng là sự bắt bớ công khai.

Trong bối cảnh đó, tác giả Tin Mừng đã kể lại một điều khá ngạc nhiên: Bây giờ những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa (Cv 8,4). Điều đáng ngạc nhiên là các tông đồ đã không ngừng rao giảng ơn cứu rỗi mà Chúa Kitô mang đến, ngay cả khi điều này đòi hỏi họ phải mạo hiểm mạng sống. Sau đó một chút, chúng ta đọc thấy một lời tường thuật tương tự: Vậy những người phải tản mác vì cuộc bách hại xảy ra nhân vụ ông Stêphanô, đi đến tận miền Phênixi, đảo Sýp và thành Antiôkhia. Họ không rao giảng lời Chúa cho ai ngoài người Do Thái (Cv 11,19). Điều gì khiến các tín hữu đầu tiên nói về Chúa, thậm chí đang lúc chạy trốn bắt bớ? Đó là niềm vui tràn ngập trong lòng họ: Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi (1Ga 1,3). Họ loan báo điều đó, rất đơn giản là để niềm vui của chúng ta được trọn vẹn (1Ga 1,4). Tình Yêu mà họ đã khám phá phải được chia sẻ; niềm vui của họ phải được lan truyền. Kitô hữu chúng ta có nên làm như vậy trong thời đại ngày nay không?


Con đường của tình bạn

Một chi tiết nhỏ trong bối cảnh mà sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại khá quan trọng. Trong số những người bị phân tán có một số người gốc đảo Sýp và Kyrênê, khi đến Antiôkhia, đã giảng cho cả người Hy Lạp, loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu cho họ (Cv 11,20). Các Kitô hữu không đến với những nhóm nhỏ riêng biệt, cũng không đợi đến những nơi thích hợp để loan báo về Sự Sống và Tự Do mà họ đã được nhận. Họ chia sẻ niềm tin của mình cách tự nhiên, ngay trong môi trường sống, với những người mà Chúa đặt để bên họ. Như Philíphê với người Êthiôpia trên đường trở về từ Giêrusalem, hay như cặp vợ chồng Aquila và Priscilla với chàng thanh niên Apôlô (Cv 8,26-40; 18,24-26). Tình yêu Thiên Chúa tràn ngập tâm hồn khiến họ quan tâm đến mọi người, chia sẻ với mọi người kho tàng “có thể mở rộng tâm hồn chúng ta và làm cho những ai đón nhận được tốt hơn và hạnh phúc hơn.” [1] Nếu trái tim chúng ta cũng tràn đầy tình yêu Thiên Chúa, chúng ta sẽ chia sẻ tình yêu đó với những người gần gũi chúng ta nhất. Và chúng ta sẽ cảm thấy được thôi thúc để tiếp cận ngày càng nhiều người hơn, để chia sẻ với họ sự sống mới mà Chúa đã ban cho chúng ta. Và như ngày xưa, giờ đây bàn tay Thiên Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa. (Cv 11,21)

Ý tưởng thứ hai mà chúng ta có thể xem xét ở đây, dưới ánh sáng của lịch sử là Giáo Hội lớn mạnh và tiếp tục phát triển hơn hết là nhờ lòng bác ái của mỗi thành viên hơn là những hoạt động có tổ chức và cơ cấu. Cơ cấu và tổ chức sẽ đến sau, như là thành quả của lòng quảng đại này và để phục vụ nó. Chúng ta cũng từng nhìn thấy những điều tương tự trong lịch sử của Opus Dei. Những người đầu tiên theo Thánh Josemaria đã yêu thương nhau với tình cảm chân thành, và điều này tạo môi trường cho thông điệp của Chúa được lan truyền. Chúng ta nhìn thấy điều này trong ngôi nhà dành cho sinh viên đầu tiên của Opus Dei: “Những người sống ở số 33 đường Luchana là những người bạn hiệp nhất với nhau trong tinh thần Kitô giáo mà Cha Josemaría đã truyền lại. Do đó, mỗi người cảm thấy như được về nhà mình trong môi trường mà Cha Josemaria và những người bên cạnh cha tạo ra, và vì thế họ đã quay lại nơi đó. Quả thật, những người đến căn hộ trên phố Luchana ấy đầu tiên là theo lời mời, sau đó đã quay lại nơi ấy vì tình bạn.” [2]

Thật tốt khi chúng ta gợi lại các khía cạnh lịch sử này của Giáo Hội và của Opus Dei, mặc dù có nguy cơ là do cả hai đã phát triển rất nhiều theo thời gian nên chúng ta có thể phải dựa vào các cơ cấu tổ chức tông đồ hiện hữu hơn là dựa vào nỗ lực tông đồ của mỗi cá nhân. Gần đây, Đức Giám quản nhắc chúng ta: “Tình hình truyền giáo hiện nay khiến việc ưu tiên cho cách truyền giáo thông qua quan hệ cá nhân trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Khía cạnh tương quan này là trọng tâm của cách thức hoạt động tông đồ mà Thánh Josemaría đã tìm thấy trong các trình thuật Tin Mừng.” [3]

Điều này rất tự nhiên. Động lực hoạt động trong việc tông đồ là lòng bác ái, một món quà từ Thiên Chúa, và “nơi người Kitô hữu, là con cái Thiên Chúa, tình bạn và lòng bác ái chính là một. Đó là ánh sáng thiêng liêng lan toả hơi ấm.” [4] Tình bạn là tình yêu và đối với con cái Chúa đó là lòng bác ái đích thực. Vì vậy, chúng ta không tìm kiếm bạn bè để làm việc tông đồ, nhưng tình bạn và việc tông đồ là biểu hiện của tình yêu. Hơn nữa, “tình bạn tự nó có tính chất tông đồ; tình bạn tự nó là một cuộc đối thoại trong đó chúng ta cho và nhận ánh sáng. Trong tình bạn, chúng ta cùng mở ra những chân trời mới. Chúng ta vui mừng trước những điều tốt đẹp và chúng ta hỗ trợ nhau trong những khó khăn; chúng ta có những khoảng thời gian vui vẻ với nhau, vì Chúa muốn chúng ta hạnh phúc.” [5] Chúng ta nên tự hỏi: Tôi quan tâm đến các bạn mình tới mức nào? Tôi có chia sẻ với họ niềm vui đến từ việc biết Chúa yêu thương chúng ta nhiều như thế nào không? Và tôi có cố gắng tiếp cận nhiều người hơn, những người có thể chưa bao giờ biết rõ về một người có đức tin, để kéo họ đến gần hơn với Tình yêu của Chúa không?


Ở các giao lộ của thế giới

Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. (1Cr 9,16) Những lời này của Thánh Phaolô là một lời kêu gọi không ngừng dành cho Giáo Hội. Tương tự, ý thức của Thánh nhân về việc đã được Thiên Chúa kêu gọi thực hiện một sứ mệnh là một gương sáng mãi mãi sống động: Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó (1Cr 9,17). Vị Tông đồ Dân ngoại biết mình được mời gọi để mang danh của Đức Kitô đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Israel (Cv 9,15), và do đó ông cảm thấy sự thôi thúc thánh thiện để đến với mọi người.

Trong chuyến đi thứ hai, khi Thần Khí dẫn Phaolô đến Hy Lạp, trái tim Thánh nhân rộng mở và ngài cảm nhận được nỗi khao khát Thiên Chúa xung quanh mình. Tại Athêna, trong lúc đợi những người ở lại Bêrêa, Thánh Luca kể rằng Phaolô đã nổi giận vì thấy thành phố nhan nhản những tượng thần (Cv 17,16). Như thường lệ, Thánh nhân đến hội trường trước. Nhưng phản ứng ở đó nửa vời, vì vậy Phaolô đi đến Hội đồng Arêôpagô, nơi những người Athêna hỏi: Chúng tôi có thể biết thứ đạo lý ông dạy là gì không? (Cv 17,19). Như vậy, chính tại Hội đồng Arêôpagô Athêna, nơi người ta tranh luận các trào lưu tư tưởng có ảnh hưởng nhất thời đó, Phaolô đã công bố danh của Chúa Giêsu Kitô.

Giống như các Thánh Tông đồ, chúng ta cũng được kêu gọi góp phần, với sự chủ động và đều đặn, vào việc cải thiện thế giới và nền văn hoá thời đại chúng ta, để thế giới mở lòng đón nhận các kế hoạch Chúa dành cho nhân loại: cogitations cordis eius - ý định của lòng Người vạn kiếp trường tồn (Tv 33,11). [6] “Thật tự nhiên khi trong trái tim của nhiều Kitô hữu nảy sinh niềm khao khát được đến những nơi có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành xã hội tương lai.” [7] Hai nghìn năm trước, những nơi quan trọng cần đến là Athêna và Rôma. Ngày nay đó là những nơi nào? Ở đó có các Kitô hữu có thể lan toả hương thơm của Đức Kitô (2Cr 2,15) không? Chúng ta không thể làm gì nhiều hơn để đem ánh sáng đến những người phải ra các quyết định quan trọng cho thế giới ngày nay sao? Ngày nay, trong các thành phố, các khu phố, các nơi làm việc, những người tốt có thể làm gì khi cố gắng nuôi dưỡng một cái nhìn công bằng và chân thật hơn về các mối quan hệ giữa con người với nhau, không phân biệt giàu nghèo, khỏe mạnh hoặc ốm yếu, người bản xứ hay người nước ngoài.

Khi suy nghĩ kỹ, chúng ta thấy rằng tất cả những điều này làm nên một phần sứ mệnh của người giáo dân trong Giáo Hội. Như Công đồng Vatican II dạy: “Họ được Thiên Chúa kêu gọi để, bằng cách thực hiện chức năng của mình một cách tốt đẹp và được dẫn dắt bởi tinh thần của Tin Mừng, họ có thể thánh hoá thế giới từ bên trong như một loại men. Bằng cách đó, họ có thể làm cho người khác biết Chúa Kitô, đặc biệt là bằng chính đời sống rực sáng đức tin, đức cậy và đức ái.” [8] Lời mời gọi này, dành cho tất cả mọi giáo dân, được cụ thể hóa cách đặc biệt đối với những người nhận được ơn gọi trong Opus Dei. Thánh Josemaría mô tả việc tông đồ của các con cái ngài như “một mũi tiêm vào tĩnh mạch dòng máu xã hội.” [9] Ngài hình dung thấy họ sốt sắng mang Chúa Kitô đến mọi lĩnh vực công việc của con người: “các nhà máy, phòng thí nghiệm, nông trại, thương mại, trên đường phố các thành phố lớn cũng như trên các lối mòn miền núi.”[10] Qua công việc của mình, người giáo dân cố gắng đặt Chúa Giêsu Kitô “ở trung tâm của mọi hoạt động trần thế.” [11]

Với mong muốn củng cố tính năng thiết yếu này của Opus Dei, Đức Giám quản, trong lá thư đầu tiên của ngài với tư cách Giám quản, đã khuyến khích chúng ta “nuôi dưỡng trong mỗi người niềm hăng say lớn lao đối với nghề nghiệp của mình: nơi những người còn là sinh viên, những người ấp ủ ước mơ lớn lao xây dựng xã hội, và nơi những người đang thi hành một nghề nghiệp. Với ý định ngay lành, họ cần nuôi dưỡng tham vọng thánh thiện là tiến xa trong nghề nghiệp và tạo ra ảnh hưởng.” [12] Điều này không có nghĩa là chạy theo các trào lưu mới nhất một cách vô tâm. Thay vào đó, các tín hữu trong Opus Dei cần cố gắng “cập nhật các phát triển hiện đại và thấu hiểu thế giới. Cùng với những người xung quanh, những người bình đẳng với họ, họ là một phần của thế giới đương đại và làm cho nó trở nên hiện đại.” [13]
Đó là một nhiệm vụ cao đẹp đòi hỏi chúng ta không ngừng nỗ lực để thoát ra khỏi thế giới nhỏ bé của mình và nâng tầm mắt đến những chân trời bao la của công trình cứu độ. Cả thế giới đang chờ đợi sự hiện diện sống động của những người tin Chúa chân chính! Tuy nhiên, “chúng ta thường chỉ dám thả lưới gần bờ! Còn Chúa thì kêu gọi chúng ta ra nơi nước sâu và thả lưới (x. Lc 5,4). Người kêu gọi chúng ta dành cả đời mình để phục vụ. Gắn bó với Người, chúng ta được truyền cảm hứng để dùng cả con người mình để phục vụ tha nhân. Xin cho chúng ta luôn cảm thấy bị thúc giục bởi tình yêu của Chúa (x. 2Cr 5,14) và cùng nói với Thánh Phaolô: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16). ”[14]


Sẵn sàng xây dựng Opus Dei

Với mong muốn đem ơn cứu độ đến cho nhiều người, tấm lòng của vị Tông đồ luôn hướng về các Giáo Hội địa phương (x. 2Cr 11,28). Giáo Hội có nhiều nhu cầu ngay từ những ngày đầu thành lập. Chẳng hạn, sách Công Vụ Tông Đồ kể lại việc Banaba bán ruộng của mình và đặt tiền dưới chân các tông đồ (x. Cv 4,37). Trong nhiều bức thư của mình, Thánh Phaolô đề cập đến sự đóng góp mà ngài dành cho dân Chúa tại Giêrusalem. Opus Dei cũng không ngoại lệ. Chỉ một tuần sau khi đến Rôma, ngày 30 tháng 6 năm 1946, Thánh Josemaría đã viết thư cho các thành viên của Hội đồng chung lúc đó đang ở Madrid: “Cha dự định sẽ về Madrid càng sớm càng tốt và sau đó sẽ quay trở lại Rôma. Ricardo ơi! Chúng ta cần gấp sáu trăm nghìn pesetas. Với các vấn đề tài chính của chúng ta, đây có vẻ là một sự điên rồ. Nhưng chúng ta cần mua một ngôi nhà ở đây.” [15] Nhu cầu xây dựng cơ sở ở Rôma chỉ mới bắt đầu, và giống như các tín hữu đầu tiên, mọi người trong Opus Dei xem các nhu cầu vật chất ấy như một trách nhiệm cá nhân. Cách đây một vài năm, Cha Javier có kể về hai linh mục đầu tiên đến Uruguay để bắt đầu việc tông đồ của Opus Dei tại đó. Sau một thời gian ở đó, các cha nhận được một khoản đóng góp lớn có thể giúp ích nhiều để giải quyết các vấn đề tài chính của các ngài. Thế nhưng, không chút do dự, các ngài đã gửi tất cả về Rôma cho các trung tâm ở đó.

Nhu cầu vật chất trong Opus Dei không bao giờ ngưng trong thời gian Thánh Josemaría còn tại thế, và đó cũng là một thực tế hôm nay. Tạ ơn Chúa, công việc tông đồ đang nhân rộng trên khắp thế giới, và nhu cầu duy trì những việc đã tồn tại là mối quan tâm thường xuyên. Do đó, chúng ta cần duy trì tinh thần trách nhiệm để đáp ứng các nhu cầu này. Như Đức Giám quản nhắc nhở: “Tình yêu của chúng ta đối với Giáo Hội thúc đẩy chúng ta tìm ra các nguồn lực để phát triển việc tông đồ.” [16]

Cũng có thể nói điều tương tự về một diễn tả kỳ diệu khác của niềm tin của chúng ta vào nguồn gốc thiêng liêng của ơn gọi xây dựng Opus Dei giữa thế giới. Chúng ta biết Thánh Josemaría đã vui mừng thế nào khi thấy sự dâng hiến vui vẻ của các con gái và con trai mình. Trong một trong những lá thư cuối cùng của mình, Cha Thánh đã cảm tạ Thiên Chúa vì “sự sẵn sàng hoàn toàn của các con cái để phụng sự Thiên Chúa trong Opus Dei, trong lúc vẫn thực hiện các nghĩa vụ cá nhân của mỗi người giữa thế gian.” [17] Giai đoạn bấp bênh và mâu thuẫn đó trong Giáo Hội và trên thế giới đã làm cho sự dâng hiến quảng đại của họ tỏa ra một ánh sáng rất đặc biệt. “Những người trẻ tuổi và những người không còn trẻ nữa đã đi từ nơi này đến nơi khác một cách rất tự nhiên, hoặc kiên trì trung thành ở một nơi mà không mệt mỏi. Khi cần, họ sẵn lòng thay đổi toàn bộ công việc của mình, bỏ lại những gì đang làm và đảm nhận một nhiệm vụ khác đem lại lợi ích lớn hơn cho việc tông đồ. Họ học cách làm những điều mới. Họ vui vẻ đồng ý để ẩn mình và biến mất, để cho những người khác vượt qua mình.” [18]

Mặc dù công việc tông đồ chính yếu của Opus Dei là việc tông đồ cá nhân của mỗi thành viên, [19] chúng ta không nên quên rằng Opus Dei còn hỗ trợ các hoạt động xã hội, giáo dục và bác ái cụ thể. Đó là tất cả những diễn tả của cùng một tình yêu nồng nhiệt mà Thiên Chúa đã đặt trong trái tim chúng ta. Ngoài ra, sự đào luyện mà Opus Dei đem đến “đòi hỏi một cơ cấu nhất định,” [20] tối thiểu nhưng cần thiết. Ý thức về cùng một sứ mệnh thúc đẩy chúng ta đến gần nhiều người và cố gắng trở nên muối men bất cứ khi nào các quyết định quan trọng ảnh hưởng đến lợi ích của nhân loại được đưa ra, dẫn chúng ta đễn chỗ quan tâm sâu sắc đến các nhu cầu này của Opus Dei.

Nhiều thành viên Opus Dei, độc thân cũng như có gia đình, làm việc trong nhiều hoạt động tông đồ khác nhau. Một số đảm nhận các nhiệm vụ đào luyện và quản trị trong Opus Dei. Mặc dù loại công việc này không phải là bản chất ơn gọi của họ, nhưng đó là một cách thức cụ thể để xây dựng Opus Dei. Đó là lý do tại sao Đức Giám quản khuyến khích các thành viên độc thân trong Opus Dei “sẵn sàng tích cực và quảng đại, khi cần thiết, dâng hiến bản thân với cùng một sự hăng say chuyên nghiệp cho các nhiệm vụ đào luyện và quản trị.” [21] Các thành viên đó không chấp nhận các vai trò ấy như một nhiệm vụ áp đặt, chẳng liên quan gì đến cuộc sống của mình. Ngược lại, họ chấp nhận vì ý thức mình được Thiên Chúa mời gọi vì một sứ mệnh lớn lao, và giống như Thánh Phaolô, họ muốn trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người (1Cr 9,19 ). Trên thực tế, các nhiệm vụ nội bộ này là một “công việc chuyên nghiệp, đòi hỏi được đào tạo cụ thể và cẩn thận.” [22] Do đó, khi chấp nhận các công việc thuộc loại này, các thành viên đón nhận chúng với ý thức sứ mệnh, với mong muốn góp hạt cát bé nhỏ vào nhiệm vụ to lớn. Vì lý do tương tự, các công việc ấy không tách biệt một ai ra khỏi thế giới, nhưng đó là cách thức cụ thể để họ ở lại giữa thế giới, nhằm giao hòa thế giới với Thiên Chúa. Và các công việc đó trở thành “bản lề” cho việc nên thánh của họ.

Trong Hội Thánh sơ khai, các môn đệ một lòng một ý (Cv 4,32). Họ yêu thương nhau thật lòng, và sống tình huynh đệ tuyệt vời: Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không thấy lòng sôi lên? (2Cr 11,29). Từ chỗ lần đầu tiên gặp được niềm vui Tin Mừng, họ đã làm thế giới tràn ngập ánh sáng. Tất cả đều cảm thấy nhu cầu cấp thiết phải mang ơn cứu rỗi của Đức Kitô đến cho càng nhiều người càng tốt. Tất cả đều muốn cộng tác vào công việc của các Tông đồ: bằng chính cuộc đời dâng hiến, bằng lòng hiếu khách, bằng sự giúp đỡ vật chất, hoặc bằng cách phục vụ anh em, như những người đã đồng hành cùng Thánh Phaolô trong các cuộc hành trình của ngài. Đó không chỉ là một hình ảnh của quá khứ, nhưng là một thực tế tuyệt vời ngày nay mà chúng ta thấy thể hiện trong Giáo Hội và trong Opus Dei. Và tất cả chúng ta được mời gọi để thể hiện điều đó trong cuộc sống của chính mình, thông qua lời đáp trả tự nguyện và không ngừng làm mới đối với hồng ân Thiên Chúa.

[1] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Gaudete et Exsultate, ngày 19 tháng 3 năm 2018, số 131.
[2] José Luis González Gullón, DYA: La Academia y Residencia en la historia del Opus Dei (1933-1939) (Madrid: Rialp), tr. 196.
[3] Đức Giám quản Fernando Ocáriz, Thư Mục vụ, ngày 14 tháng 2 năm 2017, số 9.
[4] Thánh Josemaría, Lò Rèn, số 565.
[5] Đức Giám quản Fernando Ocáriz, Thư Mục vụ, ngày 9 tháng 1 năm 2018, số 14.
[6] Đức Giám quản Fernando Ocáriz, Thư Mục vụ, ngày 14 tháng 2 năm 2017, số 8.
[7] Tài liệu đã dẫn, số 29.
[8] Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, số 31.
[9] Thánh Josemaría, Instrucción, ngày 19 tháng 3 năm 1934, số 42.
[10] Thánh Josemaría, Chúa Kitô đi ngang qua, số 105.
[11] Tài liệu đã dẫn, không. 183.
[12] Đức Giám quản Fernando Ocáriz, Thư Mục vụ, ngày 14 tháng 2 năm 2017, số 8.
[13] Các cuộc trò chuyện với Thánh Josemaría Escrivá, số 26.
[14] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 130.
[15] Andrés Vazquez de Prada, Đấng Sáng lập Opus Dei (Scepter 2005), Tập III, tr. 35. Với tư cách là Tổng Quản nhiệm, Ricardo Fernandez Vallespín phụ trách các vấn đề kinh tế của Opus Dei.
[16] Đức Giám quản Fernando Ocáriz, Thư Mục vụ, ngày 14 tháng 2 năm 2017, số 8.
[17] Thánh Josemaría, Thư tín, ngày 14 tháng 2 năm 1974, số 5.
[18] Tài liệu đã dẫn
[19] Xem Các cuộc trò chuyện với Thánh Josemaría Escrivá, số 51.
[20] Tài liệu đã dẫn, số 63.
[21] Đức Giám quản Fernando Ocáriz, Thư Mục vụ, ngày 14 tháng 2 năm 2017, số 8.
[22] Thánh Josemaría, Thư tín, ngày 29 tháng 9 năm 1957, số 9.