Bài Suy niệm của Đức Giám Quản: Hiệp nhất trong Bữa Tiệc Ly

Bài suy niệm của Đức Ông Fernado Ocáriz về Ý nghĩa Tuần Thánh (Bài thứ 1 trong chuỗi 4 bài Suy niệm).

Chúng ta đang tiến gần đến Tuần Thánh, và những suy tư của ta sẵn sàng tiến đến cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa chúng ta, những thời khắc trung tâm của lịch sử loài người hằng chiếu soi niềm tin và cuộc đời chúng ta.

Từ Rôma, bằng cầu nguyện, cha đi đến từng quốc gia, từng trung tâm, từng gia đình của các con, đặc biệt những nơi mà mọi người hiện phải sống trong tình trạng cách ly nghiêm ngặt do đại dịch virus Corona.

Chúng ta đặc biệt nhớ đến và cầu nguyện cho tất cả bệnh nhân và những người chăm sóc họ. Giờ đây, chúng ta có thể đồng hành với Chúa trong cuộc Khổ Nạn của Người từ giường bệnh trong bệnh viện hay từ chính ngôi nhà của chúng ta. Thập Giá là một mầu nhiệm, nhưng nếu chúng ta ôm lấy Thập Giá như Đức Kitô và với Đức Kitô, Thập Giá sẽ là ánh sáng và sức mạnh cho mỗi người chúng ta, và chúng ta có thể trao lại cho người khác.

Tất cả chúng ta hy vọng và cầu nguyện rằng dịch bệnh này sẽ chấm dứt. Hoàn cảnh này đặc biệt thuận lợi để làm mới niềm tin của chúng ta nơi tình yêu Thiên Chúa dành cho ta, và đáp lại tình yêu ấy bằng cách phục vụ người khác.

Như cha có nhắc các con trong một bức thư gần đây, mầu nhiệm Các Thánh Thông Công cho phép mọi việc của chúng ta tác động đến người khác, bởi lẽ chúng ta thực sự có thể nói, như lời Thánh Phaolô, rằng: “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau” (1 Cr 12,26). Lạy Chúa và Mẹ Maria, Mẹ chúng con, xin giúp chúng con làm như vậy.

Chúa Nhật vừa qua, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta ứng phó với đại dịch bằng tính phổ quát của lời cầu nguyện, của lòng trắc ẩn và sự đồng cảm. Chúng ta hãy hiệp nhất. Chúng ta hãy làm cho những người cô đơn nhất cũng như những người đang trải qua giai đoạn rất khó khăn cảm thấy được gần gũi.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người bị nhiễm virus. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những hệ quả kinh tế và xã hội của cuộc khủng hoảng này được giảm thiểu hết mức có thể. Hãy nghĩ đến rất nhiều gia đình đang lo lắng cho tương lai, rất nhiều người lao động đang lo âu, rất nhiều chủ doanh nghiệp đang sợ hãi. Chúng ta cần hiệp nhất, hy vọng, quảng đại và hy sinh.

Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nói: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng hãy can đảm lên; Thầy đã thắng thế gian.” Với niềm tin tưởng ấy, chúng ta chuẩn bị cho Tam Nhật Vượt Qua, mà năm nay sẽ được cử hành trong những ngôi thánh đường trống rỗng tại nhiều quốc gia, nhưng những ngôi thánh đường ấy sẽ được lấp đầy bằng tâm trí và trái tim của các tín hữu khi họ tham dự các nghi thức thông qua các phương tiện truyền thông. Chúa chúng ta đã chiến thắng khải hoàn, vì thế không điều gì có thể khiến chúng ta nản lòng; quả thật, chiến thắng của Chúa khích lệ chúng ta lại chiến đấu với niềm hy vọng.

Chúng ta tiến gần đến ngày Thứ Năm Tuần Thánh, với tưởng niệm việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, thật cảm động khi đọc Tin Mừng Thánh Gioan: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13,1)

Chúng ta hãy đi trong tưởng tượng đến căn phòng Tiệc Ly tại Giêrusalem để chiêm ngắm biểu hiện vĩ đại của tình yêu Chúa Giêsu dành cho chúng ta.

Thiên Chúa luôn ở bên ta. Nhưng trong Thánh Thể, Người hiến trao chính mình với trọn cả Thân Xác, Máu Huyết, Linh Hồn, và Thần Tính của Người. Không ai bị loại trừ khỏi tình yêu ấy. Chúa Giêsu đã yêu chúng ta “đến cùng”.

Trong tình yêu đến cùng ấy của Người, Chúa Giêsu đã muốn tự mình gánh lấy tội lỗi của toàn thể nhân loại, để phục hồi cho chúng ta tình bằng hữu với Thiên Chúa là Cha.

Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta tưởng nhớ giây phút Chúa lập Bí tích Thánh Thể, hy tế bí tích để cứu chuộc chúng ta. Vào ngày ấy, theo truyền thống, rất nhiều Kitô hữu biểu lộ theo nhiều cách thức khác nhau lòng tôn thờ và yêu mến dành cho Chúa Giêsu trong Bí tích nhiệm mầu.

Tuy nhiên, Thứ Năm Tuần Thánh năm nay được cử hành theo một cách khác. Ai trong chúng ta cũng đều muốn được tham dự đêm canh thức trước Thánh Thể Chúa… Những ai trong các con đã không được đón nhận Chúa trong Thánh Thể từ nhiều ngày nay, các con hãy cố gắng rước lễ thiêng liêng với niềm xác tín rằng Chúa ở với chúng ta.

Chúng ta đang đối diện với một cơ hội độc nhất để lớn lên, theo một cách thức mới và với ơn Chúa giúp, trong tình yêu dành cho Chúa Giêsu nơi Thánh Thể và Thánh Lễ.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con nhớ lại và cảm tạ Chúa vì những lần chúng con đã đón nhận Chúa khi Rước lễ. Mặc dù luôn có Chúa ở bên, nhưng việc nhận ra chúng con đang thiếu sự hiện diện cách bí tích của Chúa khiến chúng con thêm lòng khao khát lại được đón nhận Chúa khi có thể.

Thánh Josemaria đã dạy hàng ngàn người lời nguyện mà Ngài đã học được từ một Linh mục dòng Piarist: “Lạy Chúa của con, con ước ao được đón nhận Chúa với tất cả sự trong trắng, khiêm nhu và lòng sùng kính như Mẹ Maria rất thánh đã đón nhận Chúa, với tinh thần và lòng nhiệt thành của các Thánh.”

Dâng lời nguyện này với lòng mến yêu có thể là một chuẩn bị tuyệt vời vào Thứ Năm Tuần Thánh: “Lạy Chúa của con, con ước ao được đón nhận Chúa với tất cả sự trong trắng, khiêm nhu và lòng sùng kính như Mẹ Maria rất thánh đã đón nhận Chúa, với tinh thần và lòng nhiệt thành của các Thánh.”

Tham dự vào Hy tế Thánh Thể không chỉ là tưởng niệm một việc của quá khứ; nhưng Thánh Lễ còn là làm mới cách bí tích hy tế trên đồi Canvê, sự tự hiến mà Chúa Giêsu đã tiên báo trong bữa Tiệc Ly. “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.” (Lc 22,19)

Thánh Gioan Phaolô II viết rằng hy tế Thập Giá “mang tính quyết định cho sự cứu rỗi loài người, đến nỗi Chúa Giêsu Kitô đã dâng hiến hy tế ấy và Người chỉ trở về cùng Chúa Cha sau khi Người để lại cho chúng ta cách thức để thông phần vào hy tế đó như thể chúng ta đã hiện diện nơi ấy .”

Hội Thánh làm cho Cuộc Thương Khó và Cái Chết của Chúa Kitô hiện diện trong mọi cử hành Thánh Thể. Không có Thánh Lễ nào là “riêng tư”. Mọi Thánh Lễ đều “phổ quát”, bởi vì mỗi Thánh Lễ đều do Chúa Kitô cử hành, và cùng với Người, là Hội Thánh, Thân Thể Mầu Nhiệm của Người. Và Hội Thánh là tất cả những người đã được rửa tội, là mỗi người chúng ta.

Vì thế, đối mặt với việc không thể tham dự Thánh Lễ trong thời điểm này, hãy an tâm rằng trong mỗi Thánh Lễ khi các Linh mục cử hành và không có giáo dân hiện diện, tất cả chúng ta đều có mặt ở đó. Như Thánh Josemaria đã nói: “Khi cha cử hành Thánh Lễ với chỉ một người giúp lễ, hết thảy mọi người đều hiện diện. Cha cảm nhận có mặt nơi ấy cùng với cha là tất cả mọi người Công Giáo, tất cả mọi tín hữu, và cả những người vô thần. Mọi tạo vật của Thiên Chúa đều hiện diện trong Thánh Lễ - trái đất, biển cả, bầu trời, các sinh vật và cây cối - toàn bộ công trình sáng tạo đều vinh danh Thiên Chúa.” [1]

Hãy hết lòng tin tưởng vào sức mạnh vẫn chạm đến tất cả chúng ta qua việc cử hành Hy Tế Thánh Thể, bao gồm cả các con, những người không thể có mặt. Chúng tôi, các Linh mục, muốn mang tất cả anh chị em vào Thánh Lễ, hết thảy những người thân quen và bạn bè, toàn thể Giáo Hội, toàn thể nhân loại, và đặc biệt những người đang đau ốm và những người cô đơn.

Lạy Chúa, cảm tạ Ngài đã ban cho chúng con Bí tích Thánh Thể, đã ban cho chúng con Thánh Lễ. Chúng con nhớ lại hình ảnh Đức Thánh Cha chúc lành cho toàn thể thế giới với Mặt Nhật Thánh Thể trong tay và ánh mắt dõi nhìn qua hàng cột nơi Quảng trường Thánh Phêrô. Lạy Chúa, cảm tạ Ngài, vì Bí tích Thánh Thể. Và cảm tạ Ngài đã ban cho chúng con các Linh mục, để tiếp nối Tình yêu Ngài vĩnh cửu của Ngài qua muôn thế hệ. Chúng ta hãy cầu nguyện thật nhiều cho các Linh mục.

[1] Thánh Josemaria, Bài giảng “Linh mục mãi mãi” trong tập “ Yêu mến Hội Thánh”

Nghe bản ghi âm gốc tiếng Tây Ban Nha ở đây: