Bài Suy niệm của Đức Giám Quản: Điều răn Mới

Bài suy niệm của Đức Ông Fernado Ocáriz về Ý nghĩa Tuần Thánh (Bài thứ 2 trong chuỗi 4 bài Suy niệm).

Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta Điều răn Mới: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12). Và để ghi sâu vào tâm trí các môn đệ và tâm trí chúng ta, Người đã rửa chân cho các Tông đồ.

Trong thư thứ nhất của mình, Thánh Gioan viết: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em.” (1 Ga 3,16)

Có nhiều cách để thí mạng sống mình. Cha mẹ thí mạng sống bằng cách không ngừng chăm sóc từng đứa con của mình. Các công nhân thí mạng sống bằng cách làm việc với tinh thần phục vụ và cố gắng cải thiện môi trường chung quanh, và không cho phép bản thân bị lòng tham lam lôi cuốn. Các Linh mục thí mạng sống bằng việc phục vụ quên mình cho mọi tín hữu, những người đến gặp các Ngài để tìm kiếm Đức Kitô.

Trong thời gian này, chúng ta đặc biệt thấy nhiều người thí mạng vì người khác, trước tiên là các nhân viên y tế, những người đang mạo hiểm mạng sống mình để chăm sóc các bệnh nhân. Họ gánh lấy gánh nặng đau đớn của các bệnh nhân và của gia đình các bệnh nhân, những người thậm chí không thể đến bên các bệnh nhân. Các nhân viên y tế không chỉ giới hạn bản thân trong việc chu toàn nghĩa vụ, nhưng còn nhận ra rằng rất nhiều người đang cậy trông vào công việc quảng đại của họ. Tương tự như vậy với nhiều người khác đang giúp duy trì mọi thứ hoạt động bằng những công việc thiết yếu nhưng âm thầm của mình: nhân viên vận tải, nhân viên siêu thị, dược sĩ, cảnh sát…

Những người tiếp xúc trực tiếp với nỗi đau – các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, và cả các linh mục – làm Chúa Kitô hiện diện bằng nhiều cách thức khác nhau cho những ai đang đau đớn vì bệnh tật, sợ hãi và cô đơn. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người ấy, để khi mệt mỏi hay cảm thấy quá sức, họ nhớ rằng Chúa Giêsu hằng ở đó để khích lệ và thêm sức cho họ.

Tất cả chúng ta đều có thế góp phần bằng cách này hay cách khác. Đôi khi sự đóng góp sẽ theo những cách nhỏ bé như viết một tin nhắn cho các bệnh nhân, bạn bè hoặc người quen biết, những người có thể đang rất cô đơn. Chúng ta có thể đưa ra sáng kiến và sáng tạo để giúp đỡ những người cao niên và những người dễ bị tổn thương, trong lúc vẫn đảm bảo tuân thủ các hướng dẫn của chính quyền dân sự.

Trong gia đình, chúng ta thực hành Điều răn Mới của Chúa Giêsu bằng cách mỗi ngày làm những cử chỉ yêu thương nho nhỏ để trao bình an và niềm vui đến gia đình và những người chung quanh ta. Thánh Josemaria khuyên chúng ta : “Không chỉ là chuyện ‘cho đi’, bác ái hệ tại ở sự ‘thông cảm’ ” (Con Đường, số 463).

Có những cách thức khác để làm cho Giới răn Yêu thương này trở nên một phần trong đời sống hằng ngày của ta như: tha thứ và bỏ qua cho tha nhân; chân thành quan tâm đến tha nhân; những chi tiết nho nhỏ trong đời sống phục vụ hằng ngày; nhẫn nại trong đời sống gia đình, mà đối với nhiều người hiện nay là cố gắng giữ lòng an vui trong khi bị cấm túc cùng nhau tại nhà…

Ngày nay rất dễ nhận ra rằng công việc của chúng ta trên hết mọi sự là phục vụ, và lòng bác ái có thể mang lại cho mọi công việc ý nghĩa trọn vẹn nhất của chúng. Xã hội vẫn tiếp tục hoạt động nếu mọi người dùng tài năng và nỗ lực của mình vì lợi ích của người khác, mặc dù điều đó đòi hỏi hy sinh.

Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu cũng cầu nguyện với Chúa Cha cho sự hợp nhất của tất cả những ai muốn làm môn đệ Người trong những thế kỷ tiếp theo sau đó: “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” (Ga 17,21)

Ut omnes unum sint”, để tất cả nên một. Điều này không chỉ là sự hiệp nhất của một tổ chức được cấu thành quy củ theo kiểu con người, nhưng là sự hiệp nhất được trao ban bởi Tình Yêu được viết hoa: “Lạy Cha, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.” Các Kitô hữu tiên khởi là gương mẫu sáng ngời cho điều này. Chúng ta đọc trong sách Công Vụ Tông Đồ: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý.” (Cv 4, 32)

Vì đó là kết quả của tình yêu, sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta không mang tính “đơn điệu” nhưng “liên kết”. Đó là sự hiệp nhất trong đa dạng, thể hiện nơi việc vui vẻ chung sống mặc kệ tất cả những khác biệt của chúng ta, học hỏi từ người khác để trao dồi bản thân, nuôi dưỡng bầu khí tình yêu vô điều kiện quanh ta, và yêu thương người khác như họ là.

Chúa Giêsu nhấn mạnh sự hiệp nhất này như một điều kiện để việc loan báo Tin Mừng trổ sinh hoa trái, cụ thể là trong việc tông đồ của chúng ta: “Như vậy, thế gian sẽ tin” (Ga 17,21). Một sự hiệp nhất không tạo ra nhóm kín, nhưng là nhóm mở, để trao cho mọi người tình bạn của ta trong sứ mạng truyền giáo tuyệt diệu này. Ơn gọi Kitô hữu, khi được sống trọn vẹn, sẽ đưa bạn bè và đồng nghiệp của ta đến gần Đức Giêsu hơn, cho dù họ đã hoặc chưa gần Ngài.

“Như Cha ở trong con và con ở trong Cha.” (Ga 17,21) Xin Chúa ban cho chúng con ơn hiệp nhất và giúp chúng con làm cho ơn ấy nên hữu hình nơi những việc chúng con làm phục vụ tha nhân.

Nghe b ản ghi âm gốc tiếng Tây Ban Nha ở đây: