Thánh Josemaría để Thiên Chúa làm việc qua ngài
NGÀY 6 THÁNG 10 NĂM 2002, Cha Josemaría Escrivá được tuyên phong hiển thánh tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma. Trong bài giảng lễ, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh đặc biệt đến cam kết quan trọng của Đấng Sáng lập Opus Dei trong việc khuyến khích các Kitô hữu nỗ lực để nên thánh giữa cuộc sống thường nhật: “Ngài không ngừng mời gọi các con cái tinh thần khẩn cầu Chúa Thánh Thần để đảm bảo rằng đời sống nội tâm của họ, cụ thể là mối tương quan của họ với Thiên Chúa và đời sống gia đình, nghề nghiệp và xã hội, bao gồm tất cả các thực tại trần thế nhỏ bé, sẽ không bị tách rời nhưng chỉ tạo nên một cuộc sống ‘thánh thiện và tràn đầy Thiên Chúa’.” [1]
Tất cả chúng ta được mời gọi hãy luôn gần gũi Chúa Giêsu, trong một mối tương quan ngày càng lấp đầy chúng ta bằng sự bình an, vì mối tương quan ấy dẫn chúng ta đến chỗ nhận ra, với một sự sáng suốt hơn bao giờ hết, rằng chúng ta đang ở trong bàn tay Thiên Chúa, cho dù có điều gì xảy ra đi nữa. Thánh Josemaría nhấn mạnh: “Cuộc sống bình thường của người Kitô hữu có đức tin, dù làm việc hay nghỉ ngơi, dù cầu nguyện hay đi ngủ, mọi lúc mọi nơi, là một cuộc sống luôn có Thiên Chúa hiện diện.” [2] Viễn kiến về cuộc sống ấy chữa lành những chia rẽ nội tâm của ta và mở ra một chân trời bao la cho ta: “Thiên Chúa đến bên ta và ta có thể cộng tác vào kế hoạch cứu rỗi của Người.” [3] Mở lòng ta ra cho tác động của Thánh Thần – tức là cho sự thánh thiện – là góp phần biến đổi thế giới này và nâng thế giới lên tới Thiên Chúa.
Tuy nhiên, khi suy ngẫm về sứ mệnh này, chúng ta có thể nghĩ rằng nó dành cho những người đã được chuẩn bị tốt hơn, chứ không dành cho chúng ta. Đức Giám quản Opus Dei viết: “Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Kitô đã không gọi các môn đệ vì các ông tốt hơn những người khác. Người hiểu rõ những điểm yếu của các ông (cũng như của chúng ta), những ngóc ngách sâu thẳm nhất trong trái tim các ông và quá khứ của các ông.” [4] Thánh Josemaría cũng trải nghiệm điều tương tự khi ngài thành lập Opus Dei. Như Đức Hồng y Ratzinger viết trong một bài báo xuất bản vào ngày 6 tháng 10 năm 2002: “Khi Josemaría Escrivá nói rằng tất cả chúng ta đều được kêu gọi nên thánh, với tôi có vẻ như ngài muốn nói đến kinh nghiệm cá nhân của mình, bởi vì ngài không bao giờ tự mình làm được những điều đáng kinh ngạc, nhưng chỉ giới hạn bản thân để cho Thiên Chúa làm việc.” [5]
____________________________________________________________________
Mẫu gương của các thánh
KHI GIÁO HỘI tôn vinh một vị thánh lên bàn thờ, Giáo Hội giới thiệu người đó như một hình mẫu noi theo gương sống của Chúa Kitô. Các thánh đã sống với niềm trông cậy vào Chúa Kitô, và cho chúng ta thấy rằng việc theo Chúa là điều giá làm, chính Chúa là Đấng đã lấp đầy cuộc sống của các thánh bằng niềm vui và bình an tương ứng với những ngoại cảnh đa dạng nhất.
Đồng thời, tất cả các thánh nhắc nhớ chúng ta rằng sống gần Chúa là một mục tiêu mà chúng ta không thể đạt được bằng sức mạnh bản thân, nhưng là kết quả của ân sủng thiêng liêng. Chính Chúa đã làm cho các ngài nên thánh, dĩ nhiên là dựa trên sự lựa chọn tự do của các ngài và thường với nỗ lực quyết liệt của các ngài. Các thánh không phải là hình mẫu của những mục tiêu không thể đạt được, nhưng đúng hơn là “những con người sống với đôi chân trên mặt đất; các ngài đã trải qua những vất vả hằng ngày của cuộc sống với thành công và thất bại, tìm thấy sức mạnh nơi Chúa để đứng lên hết lần này đến lần khác, và tiếp tục cuộc hành trình của mình”. [6] Thánh Josemaría bảo rằng cuộc đời ngài bao gồm việc bắt đầu và lại bắt đầu, thậm chí là nhiều lần mỗi ngày. Ngài gọi nỗ lực này là “tinh thần thể thao”. “Giải quyết những vấn đề nghiêm trọng bằng tinh thần thể thao sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp. Có lẽ tôi đã thua nhiều trận đấu? Tốt thôi, nhưng – nếu kiên trì – cuối cùng tôi sẽ chiến thắng.” [7]
Con đường nên thánh không chỉ bao gồm những hành động anh hùng đơn lẻ, mà còn là rất nhiều tình thương hằng ngày. Tất cả chúng ta đều có thể yêu thương nhau bằng sự quan tâm và tinh tế của Chúa Kitô. Trong cuộc đời của các thánh, chúng ta thấy “tình thương hằng ngày” này được thể hiện trong những hành động cụ thể. Từ các ngài, ta học được rằng trong mỗi con người, ta có thể gặp gỡ “Thiên Chúa ‘ẩn mình’ (Is 45,15). Nhờ các ngài, Thiên Chúa được tỏ lộ, trở nên hữu hình, và chính Người hiện diện giữa chúng ta.” [8]
Do đó, mỗi vị thánh “giống như một tia sáng xuất phát từ lời của Chúa.” [9] Các ngài cho chúng ta thấy những góc cạnh khác nhau của gương mặt Chúa Kitô và giáo huấn Người. Như Sách Giáo lý của Giáo Hội cho chúng ta biết, các thánh, “trong sự đa dạng phong phú của các ngài, là những tia khúc xạ của Ánh Sáng tinh tuyền duy nhất của Chúa Thánh Thần.” [10] Thánh Josemaría nói: “Thánh thiện không có nghĩa gì khác ngoài sự kết hợp với Thiên Chúa. Càng gần gũi với Thiên Chúa, sự thánh thiện càng lớn lao.” [11]
____________________________________________________________________
Sự gần gũi và chuyển cầu của các thánh
CÁC THÁNH “chiêm ngưỡng Thiên Chúa, ngợi khen Người và không ngừng chăm sóc những người mà các ngài để lại trên trần gian. Khi bước vào chung hưởng niềm vui với Thầy Chí Thánh, các ngài được ‘giao phó nhiều việc’ (x. Mt 25,21). Sự chuyển cầu của các ngài là việc phục vụ cao cả nhất của các ngài đối với kế hoạch của Thiên Chúa.” [12] Các thánh không những chỉ cho chúng ta con đường nên thánh mà còn giúp chúng ta bước đi trên con đường đó. Hoạt động của các ngài “không chỉ giới hạn trong tiểu sử trần thế của các ngài mà còn bao gồm việc các ngài hiện hữu và hoạt động trong Thiên Chúa sau khi từ trần. Nơi các thánh, có một điều trở nên rõ ràng, đó là những ai gần gũi Thiên Chúa thì không xa lánh con người, mà thực sự trở nên gần gũi con người.” [13] Thánh Josemaría, và rất nhiều con cái nam nữ của ngài trong Opus Dei,
thậm chí có thể là những người mà chúng ta biết, đang ở trên thiên đàng, gần bên Thiên Chúa và chuyển cầu cho chúng ta.
Trên thực tế, chúng ta đã thấy sự gần gũi và chuyển cầu này trong các tương quan con người. Cha mẹ và giáo viên cố gắng đồng hành cùng các con và học sinh của mình trong những bước đi đầu đời; Bản thân họ cũng đã được giúp đỡ khi còn trẻ, và giờ đây họ thấy làm như vậy cho các thế hệ tiếp theo là điều tự nhiên. Tương tự như vậy, các thánh cũng đã phải nỗ lực để gần gũi Thiên Chúa. Các ngài đã trải qua những khó khăn như chúng ta, và nhắc chúng ta nhớ rằng mặc dù ta cảm nhận khuynh hướng nghiêng về tội, nhưng sự thánh thiện có hiệu quả hơn nhiều trong việc theo đuổi hạnh phúc. “Mỗi khi chúng ta nắm tay nhau và mở lòng ra với Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy mình được các thánh vô danh và các thánh được tuyên phong đồng hành, các ngài đang cầu nguyện với chúng ta và chuyển cầu cho chúng ta như những người anh, người chị đã đi trước chúng ta trong cuộc phiêu lưu nhân loại này.” [14]
Đức Mẹ hiện diện trong cuộc đời của tất cả các thánh. Điều duy nhất Thánh Josemaría muốn chúng ta noi gương từ cuộc đời ngài là tình yêu ngài dành cho Đức Maria. Chúng ta có thể cầu nguyện bằng lời của Đấng Sáng lập Opus Dei: “Lạy Mẹ, Mẹ có thể làm linh hồn con cất cánh trên chuyến bay vinh quang và quyết định này, mà điểm đến chính là Trái Tim của Thiên Chúa. Hãy tin tưởng vào Mẹ, vì Mẹ đang lắng nghe bạn.” [15]
[1] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Bài giảng ngày 6/10/2002.
[2] Thánh Josemaría, Suy niệm ngày 3/3/1954, được trích dẫn trong bài giảng của Thánh Gioan Phaolô II ngày 6/10/2002.
[3] Thánh Gioan Phaolô II, Bài giảng ngày 6/10/2002.
[4] Đức Giám quản Fernando Ocáriz, Thông điệp ngày 20/7/2020.
[5] Đức Hồng y Joseph Ratzinger, Osservatore Romano, “Hãy để Chúa làm”, ngày 6/10/2002.
[6] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Kinh Truyền tin, 1/11/2019.
[7] Thánh Josemaría, Luống Cày, số 169.
[8] Thánh Gioan Phaolô II, Kinh Truyền tin, 1/11/1983.
[9] Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI, Verbum Domini, số 48.
[10] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2684.
[11] Thánh Josemaría, Yêu Hội Thánh, số 5.
[12] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2683.
[13] Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI, Kinh Truyền tin, 1/11/2010.
[14] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tiếp kiến chung, 7/4/2021.
[15] Thánh Josemaría, Lò Rèn, số 994.