Các Tin Mừng kể cho chúng ta về những cuộc hành trình của Chúa Giêsu trên các nẻo đường xứ Palestina. Nhiều người đã gặp Ngài trên những chuyến hành trình này. Đáng buồn thay, một số người không nhận ra Con Người đầy lòng thương xót, hấp dẫn và phi thường ấy chính là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, một số người tin tưởng vào Ngài và chào đón Ngài. Trong số đó có những người ở Galilê đã chứng kiến những dấu lạ Ngài làm [1], và nhiều người khác mà Tin Mừng không ghi lại tên. Trong số những người nói “vâng” với Chúa Kitô, chúng ta thấy có mười hai Tông đồ, ông Giakêu, viên đại đội trưởng… Trong các bài trước của loạt bài này, chúng ta đã học hỏi tấm gương đức tin mà một số người đó để lại. Giờ đây, chúng ta hãy nhìn vào cô Mácta và cô Maria, những người đã có may mắn tuyệt vời là được tiếp đón Chúa ngay trong nhà mình.
Việc Mácta đón Chúa vào nhà mình [2] là diễn tả và là kết quả của niềm tin cô đặt nơi Người. Mácta tin Chúa Giêsu. Cô không chỉ mở cánh cửa ngôi nhà mình cho Người mà còn mở cả cánh cửa trái tim cô. Và như đã làm với Mácta, Chúa Giêsu cũng gõ cửa lòng mỗi con người nam nữ ở mọi thời đại, để xin được vào. Lời Hằng Hữu của Chúa Cha làm người đến gặp chúng ta, là những anh chị em của Người, để tìm kiếm một sự đón tiếp. Về phần chúng ta, tất cả những gì chúng ta cần làm là đón nhận Người bằng đức tin. Như Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy: đức tin là lời đáp của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng mạc khải chính Ngài và hiến mình cho chúng ta. [3] Tin có nghĩa là mở cửa chúng ta cho Chúa Kitô, chào đón Người vào nhà, chia sẻ bữa ăn với Người; tin có nghĩa là để Chúa đi vào phần sâu kín nhất trong tâm hồn chúng ta. Đó là điều mà gia đình Mácta, Maria và Ladarô đã làm tại Bêtania. Bắt chước ba chị em này, chúng ta cũng có thể chia sẻ sự thân mật của Chúa. “Đức tin làm cho chúng ta như được nếm trước niềm hoan lạc và ánh sáng của thị kiến hồng phúc, là mục tiêu cuộc lữ hành của chúng ta trên trần gian này. Lúc ấy, chúng ta sẽ nhìn thấy Thiên Chúa ‘mặt giáp mặt’, như Ngài là,” bởi vì “đức tin đã là khởi đầu của sự sống vĩnh cửu.” [4]
Đức tin với việc làm
Đức tin đòi hỏi sự tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa, đó là khởi đầu của sự công chính hóa. Nhân đức này cũng đòi hỏi việc tán đồng các chân lý đã được đưa ra để tin. Đồng thời, đức tin, nếu là đức tin đích thực, hoạt động nhờ đức ái, [5] được thể hiện qua những hành động yêu thương cụ thể, bởi vì việc gặp gỡ Chúa Kitô “mang lại cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi quyết định.” [6] “Không hề có việc kéo chúng ta ra khỏi thực tại, niềm tin vào Con Thiên Chúa làm người nơi Đức Giêsu Nadarét giúp chúng ta nắm bắt được ý nghĩa sâu sắc nhất của thực tại và thấy Thiên Chúa yêu thương thế giới này biết bao và không ngừng dẫn nó về với Ngài. Điều này hướng dẫn chúng ta, với tư cách là Kitô hữu, sống cuộc đời trong thế giới này với cam kết và cường độ cao hơn bao giờ hết.” [7] Mácta đã chào đón Chúa, bày tỏ niềm tin và sự tin tưởng của cô vào Người bằng cách bận rộn phục vụ. [8] Cô không chỉ tin vào Chúa Giêsu mà còn để Người bước vào cuộc đời cô, thừa nhận quyền chủ tể của Người bằng hành động của cô và tôn vinh Vị Khách Thần Linh bằng những việc làm cụ thể.
Thái độ của Mácta cho thấy rằng lời đáp trả của chúng ta đối với Chúa không chỉ là vấn đề trí tuệ hay cảm xúc, mà còn phải thể hiện bằng việc làm. Khi một người chấp nhận Thiên Chúa, Đấng mạc khải chính Ngài, đức tin sẽ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh và hành động của người ấy. Đó là lý do vì sao
những việc làm với tình yêu cũng cần thiết cho ơn cứu rỗi. Thánh Giacôbê, đứng trước trường hợp có người có thể cho rằng mình có đức tin nhưng không có việc làm, đã nói rằng: “Bạn hãy thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.” [9] Hành động giúp tăng sự công chính của linh hồn. [10] Như Sách Giáo Lý dạy: “Hồng ân đức tin vẫn tồn tại trong người không phạm tội nghịch với đức tin. Nhưng ‘đức tin không có việc làm là đức tin chết’ (Gc 2,26). Nếu thiếu đức cậy và đức mến, đức tin sẽ không kết hợp đầy đủ người tín hữu với Chúa Kitô và không làm cho người ấy trở nên chi thể sống động của Thân Mình Người.” [11]
Do đó, như Chúa Kitô thể hiện tình yêu của Người đối với Cha Người bằng việc làm, Kitô hữu chúng ta, với tư cách là những người con thảo hiếu, phải chứng tỏ rằng mối quan hệ làm con Chúa của chúng ta là thật và phải làm cho nó trưởng thành, bằng cách thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa với tình yêu. Nói rằng chúng ta tin vào Thiên Chúa và phó thác cho Thánh Ý của Ngài thì chưa đủ, trừ khi chúng ta xác nhận điều đó bằng việc làm: hoàn thành công việc của mình trọn vẹn hết mức có thể vì yêu mến Chúa, có thể chịu đau khổ vì Ngài, bày tỏ sự quan tâm yêu mến tha nhân bằng những hành động cụ thể, chấp nhận bệnh tật và thất bại. Thánh Augustinô viết: “Mọi việc bạn làm phải dựa trên đức tin, bởi vì người công chính sống bằng đức tin và đức tin hành động qua đức ái.” [12] Những việc tốt của chúng ta, những việc làm được thực hiện với hy vọng và yêu thương, sẽ đồng hành cùng chúng ta khi chúng ta đến trình diện trước Thiên Chúa toàn năng. Đây chính là điều Thánh Josemaria muốn nói khi ngài đề cập đến “đức tin hành động”, [13] đức tin hoạt động nhờ tình yêu và được thể hiện trong đời sống hàng ngày của con cái Thiên Chúa.
Mácta, mặc dù lúc đầu phàn nàn về việc em gái mình dường như không làm việc, vẫn là một mẫu gương về niềm tin vào Chúa Giêsu. Thánh Josemaria khích lệ chúng ta bắt chước sự tin tưởng thánh nữ đặt nơi Chúa. “Hãy trình bày những lo lắng của bạn với Ngài, chân thành mở lòng bạn về mọi vấn đề dù rất nhỏ bé.” [14] Đối với chúng ta cũng vậy, dấu hiệu thực sự cho thấy chúng ta tin và yêu Chúa chính là những hành động yêu thương của chúng ta: ước muốn làm một việc đạo đức cụ thể, hoặc một việc sùng kính sốt mến, lòng bác ái đối với tha nhân, tận tâm làm việc, nỗ lực để thấu hiểu và giúp đỡ những người mình biết, và vô số những việc xảy ra trong ngày sống của ta. Tất cả những hoạt động này phải phản ánh đức tin của ta, bởi vì chúng được bắt đầu và kết thúc vì yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Những việc cụ thể được thực hiện vì tình yêu sẽ xác nhận tính chân thực của đức tin chúng ta, vì khi đó đức tin hoạt động nơi chúng ta qua đức ái.
Đức tin thờ lạy
Tất nhiên, việc làm không thay thế đức tin. Nếu không, chúng ta có nguy cơ trở thành người chỉ biết hoạt động, làm mọi việc chỉ vì để làm việc, để mình bị cuốn vào cơn lốc hoạt động. Chúa Giêsu trách Mácta đã quên điều quan trọng nhất. Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá; chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. [15] Chúa lặp lại lời dạy này khi Ngài cảnh báo chúng ta về mối nguy hiểm khi tập trung quá nhiều vào những nhu cầu vật chất trước mắt. Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó. Vậy, hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho. [16] Bận rộn nhiều việc, chỉ biết hoạt động, chính là mối nguy mà ta luôn phải đối mặt.
Vì thế, nếu muốn hoạt động mà qua đó ta được nên phong phú với những việc làm vì yêu mến Chúa, ta cần lắng nghe Lời Chúa với một tâm hồn chăm chú và chiêm niệm. Đó là điều Maria đã làm: Cô ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. [17] Thật dễ hình dung cảnh tượng ấy: Maria chăm chú nhìn Chúa Giêsu, say sưa uống lấy từng lời của Người. Đó là lý do vì sao Truyền thống Giáo hội nhìn thấy nơi cô Maria hình ảnh đời sống chiêm niệm. Thánh Josemaria, một con người chiêm niệm, khuyến khích
chúng ta nói chuyện với Chúa Giêsu khi cầu nguyện như Maria đã làm, hoàn toàn chăm chú, “bám lấy từng lời của Chúa Giêsu.” [18]
Đức tin không có việc làm thì chết, còn đức tin không được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện và thờ phượng thì mòn mỏi. Ngày sống của ta, từ sáng đến tối, đầy ắp vô số bận tâm: công việc ngập tràn và yêu cầu cao, chăm sóc gia đình, quan tâm bạn bè. Nhưng ta mong muốn tất cả những hoạt động đó là nơi ta có thể gặp Chúa. Vì vậy, ta cần tìm những khoảnh khắc trong ngày để “ngồi” trong sự hiện diện của Chúa, quỳ gối trước Chúa và thờ phượng Ngài. Và trong những lúc ấy, ta không muốn điều gì làm mình xao lãng khỏi việc chiêm niệm, chăm chú nhìn và lắng nghe Chúa. “Trước bất kỳ hoạt động nào, trước khi có thể thay đổi cả thế giới, chúng ta phải thờ phượng. Chỉ thờ phượng thôi cũng khiến ta được thực sự tự do; chỉ thờ phượng mới cho ta tiêu chuẩn để hành động. Chính trong thế giới không có tiêu chuẩn hướng dẫn và luôn có nguy cơ là mỗi người sẽ tự làm luật cho riêng mình, chính trong thế giới ấy ta cần nhấn mạnh đến việc thờ phượng Thiên Chúa.” [19]
Như vậy, đức tin sẽ dẫn tới việc thờ phượng. Đức tin cho ta biết trước cuộc sống vĩnh hằng với Thiên Chúa trên thiên đàng sẽ ra sao; đức tin khiến ta muốn làm trên mặt đất này điều mà các thiên thần làm trên thiên quốc, là vinh danh Thiên Chúa. Đức tin tôn thờ dẫn ta đến việc phủ phục trước Thiên Chúa và ao ước kết hợp với Ngài.
Đó là lý do vì sao đức tin, tức là việc tin tưởng vào Thiên Chúa và gần gũi với Ngài, đạt đến đỉnh cao trong việc thờ lạy Thánh Thể. “Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, cần bạn nói khi đón nhận Ngài vào mỗi sáng: ‘Lạy Chúa, con tin rằng đó là Ngài. Con tin Ngài thực sự đang ẩn mình trong bí tích này! Con tôn thờ Chúa, con yêu mến Chúa!’ Rồi khi bạn đến nhà nguyện thăm Ngài, hãy lại nói với Ngài: ‘Lạy Chúa, con tin rằng Chúa thực sự hiện diện! Con thờ lạy Chúa! Con yêu mến Chúa!’ Đó là cách thể hiện tình yêu dành cho Chúa. Và tình yêu chúng ta dành cho Chúa sẽ từng ngày lớn lên như thế đó. Rồi tiếp tục yêu mến Chúa trong suốt ngày sống, hãy tự nhủ: Tôi sẽ hoàn thành mọi việc thật tốt đẹp vì tình yêu dành cho Chúa Giêsu, Đấng đang dõi theo chúng ta từ Nhà Tạm.” [20] Do đó, chúng ta có thể hiểu tại sao Thánh Josemaria gọi Nhà Tạm là Nhà Bêtania và khuyến khích mỗi người chúng ta “đi vào bên trong”. [21] Bằng niềm tin vào sự hiện diện cách bí tích của Chúa Giêsu, chúng ta có thể bước vào Nhà Tạm và nếm thử trước việc được nhìn thấy Thiên Chúa. Chính tinh thần thờ phượng sẽ dẫn ta đến gần Chúa trong suốt ngày trong sự hiệp nhất yêu thương được thể hiện nơi mọi hoạt động của ta.
Một lần kia, có người nói với Đức Giêsu rằng Mẹ và các anh em muốn gặp Người. Người đáp: Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành. [22] Quang cảnh ở Bêtania nhấn mạnh lời dạy này. Lắng nghe Người như Maria đã làm và làm những gì Người nói như Mácta đã làm chính là tổng hòa đức tin của các thành viên trong gia đình của Chúa. Qua việc lắng nghe và nỗ lực thực hành Lời Chúa, chúng ta sẽ trở nên những thành viên sống động của Giáo Hội, và với ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu. “Để sống, lớn lên và kiên trì trong đức tin cho đến cùng, chúng ta phải nuôi dưỡng đức tin bằng Lời Chúa; chúng ta cần cầu xin Chúa gia tăng đức tin của chúng ta (x. Mc 9,24; Lc 17,5 và 22,32); đức tin phải ‘hoạt động qua đức ái’ (Gal 5,6; Gc 2,14-26), phải đầy tràn đức cậy (xem Rm 15,13), và bén rễ trong đức tin của Hội Thánh.” [23]
Nếu điều trên nghe có vẻ khó khăn hoặc chúng ta thực sự không biết phải làm như thế nào, chúng ta có thể tìm thấy mẫu gương và sự trợ giúp nơi Mẹ Maria. Mẹ là người lắng nghe Lời Chúa cách chăm chú nhất và là người, với lời ‘xin vâng’ của mình, đã thực hành Lời Chúa cách trung thành nhất. Trong cuộc đời Mẹ, ở mọi thời điểm, đức tin đều hành động qua tình yêu.
Ghi chú
[1] Xem Lc 8,40.
[2] Lc 10,38.
[3] Xem Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG), 26.
[4] GLHTCG, 163.
[5] Xem Gl 5,6.
[6] Bênêđíctô XVI, Thông điệp Deus Caritas Est, 25 tháng 12 năm 2005, 1.
[7] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông điệp Ánh Sáng Đức Tin, ngày 29 tháng 6 năm 2013, 18.
[8] Xem Lc 10,40.
[9] Gc 2,17-18.
[10] Công đồng Trentô, De Justificatione, 10.
[11] GLHTCG, 1815.
[12] Thánh Augustinô, Enarrationes in Psalmos, 32, 2, 9.
[13] Xem Con Đường, 317, Luống Cày, 111, Lò Rèn, 155, Bạn Của Chúa, 198, v.v.
[14] Bạn Của Chúa, 222.
[15] Lc 10,41-42.
[16] Lc 12,30-31.
[17] Lc 10,39.
[18] Bạn Của Chúa, 222.
[19] Đức Bênêđíctô XVI, Diễn văn trước Giáo triều Rôma, 22 tháng 12 năm 2005.
[20] Thánh Josemaría, Ghi chép trong một cuộc họp mặt, ngày 4 tháng 4 năm 1970, trong Javier Echevarria, Thư Mục vụ, ngày 6 tháng 10 năm 2004.
[21] Xem Con Đường, 269 và 322.
[22] Lc 8,21.
[23] GLHTCG, 162.