Thư Đức Giám quản - tháng 9 năm 2013

Lễ Sinh nhật Đức Maria ngày 8/9, lễ Suy tôn Thánh Giá và hình ảnh Đức Mẹ đứng dưới chân Thập Giá ngày 14 và 15/9, dẫn dắt tư tưởng của thư tháng này.

Các con thân mến,

Nguyện xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con của Cha!

Cha viết thư này cho các con từ Đức, sau chuyến viếng thăm các nước Nam Mỹ. Cha thật vui mừng được gặp gỡ rất nhiều anh chị em của các con, cũng như rất nhiều người khác cùng chia sẻ tinh thần Opus Dei. Chúng ta hãy dâng lời cảm ơn lên Thiên Quốc vì chúng ta đã có những giây phút trải nghiệm, cũng như trong kỳ Đại hội Giới trẻ Thế giới, rằng Giáo Hội luôn và sẽ luôn trẻ đẹp, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI từng nói. Các con hãy tiếp tục đồng hành với Cha về mặt thiêng liêng như các con đã làm trong những tuần qua, để công việc tông đồ trổ sinh thật nhiều hoa trái.

Những tháng qua, chúng ta chiêm ngắm vẻ đẹp của Giáo Hội qua việc suy gẫm về những đặc tính của Giáo Hội mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin kính. Bằng Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã được đưa vào gia đình Chúa Kitô, từ lúc đó chúng ta đã là con chiên trong đàn chiên của Ngài. Chúa Giêsu tiếp tục chăm sóc mỗi người chúng ta, đặc biệt với những ân sủng Ngài ban cho chúng ta qua các Bí tích khác, mà trên hết là Bí tích Thánh Thể, giúp chúng ta ngày càng giống Chúa Kitô hơn và làm chúng ta trở nên những thành phần tích cực trong Nhiệm Thể của Ngài, những viên đá sống động của Đền Thờ thiêng liêng được Chúa Thánh Thần tác động. Rồi qua Bí tích Hòa Giải, Chúa tha thứ tội lỗi của chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh mới để chúng ta có thể chiến thắng trong cuộc chiến đấu thiêng liêng.

Thực tế đó làm cha thật vui khi ngày Sinh nhật Đức Maria, ngày 8 tháng 9, gần đến. Nơi Đức Mẹ, chúng ta nhận ra thật rõ lý tưởng sống mà Chúa mời gọi chúng ta. Ngay từ lúc được Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ đã được phòng giữ khỏi mọi tội lỗi và được đầy tràn ân sủng, Mẹ là người con gái được Thiên Chúa Cha thương yêu đặc biệt, là Đền Thờ sống động của Chúa Thánh Thần, được tiền định để trở thành Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể. Chúng ta hãy chuẩn bị lễ này với lòng trìu mến của đứa con dành cho mẹ. Chúng ta hãy chúc mừng sinh nhật Mẹ và hãy dâng tặng Mẹ tình yêu của những đứa con ngoan và lòng trung thành không lay chuyển mà chúng ta dành cho Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Chúng ta hãy cố gắng đến gần Mẹ nhân các ngày lễ mừng kính Mẹ trong tháng này cũng như luôn mãi.

Cha cũng muốn lưu ý các con những lễ chúng ta mừng kính trong tháng này: lễ Suy tôn Thánh Giá ngày 14, và ngày hôm sau là lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Đó cũng là ngày kỷ niệm cha Alvaro rất yêu mến được bầu làm người kế vị đầu tiên của Cha chúng ta, Đấng Sáng lập Opus Dei.

Những ngày lễ này gắn liền chặt chẽ với Giáo Hội. Giáo Hội nhận sức mạnh cứu rỗi từ vết thương nơi cạnh sườn Chúa Kitô trên Thánh Giá, với sự cộng tác của Đức Mẹ, là Êva mới, mà theo kế hoạch của Thiên Chúa, đã cộng tác với Chúa Kitô, là Ađam mới, để cứu rỗi nhân loại. Vì thế, khi kết thúc một trong những phiên họp của Công đồng Vatican II, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã tuyên bố Đức Maria là Mẹ Giáo Hội; «nghĩa là Mẹ của hết thảy Dân Thiên Chúa, của các tín hữu cũng như các mục tử, những người gọi Mẹ là Mẹ thân yêu. Và chúng ta mong ước Mẹ được tôn vinh và khẩn cầu dưới danh nghĩa đáng mến này.» [1] Cha khó diễn tả được niềm vui của Thánh Josemaria khi Ngài cầu khẩn Mẹ bằng danh xưng ấy, danh xưng mà Ngài đã dùng từ lâu khi cầu nguyện riêng.

Nơi Mẹ, bừng sáng huy hoàng những đặc điểm cốt yếu nhất của Giáo Hội: sự gắn kết mật thiết với Chúa và với nhân loại; sự thánh thiện đặc biệt; tính phổ quát công giáo với Trái Tim Mẹ mở ra đón nhận mọi nhu cầu của con cái Mẹ, và cả tính tông truyền. Trong những tuần lễ này, Cha rất vui khi nhắc các con điểm này khi chúng ta tuyên xưng rằng Giáo Hội «được xây dựng trên một nền tảng vững chắc: ‘mười hai tông đồ của Con Chiên’ (Kh 21,14); Giáo Hội bất diệt (xem Mt 16,18). Giáo Hội được nâng đỡ tuyệt đối trong chân lý: Chúa Kitô điều khiển Giáo Hội qua Thánh Phêrô và các Tông đồ khác, các Ngài hiện diện trong những người kế vị, là Đức Thánh Cha và Giám mục đoàn.» [2]

Đặc tính tông truyền của Giáo Hội được tỏ hiện rõ rệt nơi Đức Maria. Chính Mẹ, ở Cana miền Galilê, đã giúp các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu tin vào Người, và như vậy đã chuẩn bị các ông cho ơn gọi tông đồ mà các ông được mời gọi sau đó. [3] Và nơi Mẹ, Chúa Kitô trên Thập Giá đã phó thác người môn đệ thương mến, và qua đó, phó thác tất cả các môn đệ cho Mẹ. [4] Trung thành với trách nhiệm này, Đức Maria đã củng cố sự đoàn kết giữa các môn đệ trong lúc chờ đợi lễ Ngũ Tuần. [5] Chúng ta thật xúc động khi thấy Mẹ quan tâm như thế nào đến những bước đầu tiên của việc rao giảng Tin Mừng, sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống: Theo những lời chứng của Giáo Hội sơ khai, «Đức Mẹ không những cổ vũ các Tông đồ và các tín hữu nhẫn nại và chịu đựng các thử thách, mà Mẹ còn chia sẻ các khó khăn, nâng đỡ họ trong việc rao giảng. Mẹ hiệp nhất cách thiêng liêng với các môn đệ của Chúa trong những thiếu thốn, những khổ hình, những xiềng xích họ phải chịu đựng.» [6] Giờ đây, từ trời cao, Mẹ tiếp tục khích lệ cách hiệu quả hơn nữa công việc tông đồ của Giáo Hội trên toàn cầu. Mẹ thêm sức cho các chủ chăn và các tín hữu để mỗi người, tùy theo khả năng và ân sủng đã nhận được, làm nhân chứng Chúa Kitô và mang danh Ngài, như Thánh Phaolô, đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Israel [7], đến nơi những ơn gọi nhân loại và thiêng liêng đã đặt họ vào.

Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy chúng ta rằng: «Toàn thể Giáo Hội tông truyền vì hiệp thông trong đức tin và trong cuộc sống với cội nguồn của mình qua những đấng kế vị Thánh Phêrô và các Tông đồ. Toàn thể Giáo Hội tông truyền vì được sai đến thế gian; mỗi thành viên trong Giáo Hội, tuy bằng các hình thức khác nhau, đều được sai đi.» [8] Vì vậy, không ai có thể nói rằng nhiệm vụ mà Chúa Kitô giao cho mười hai Tông đồ trước khi Người lên Trời chỉ dành riêng cho những người có chức thánh. Trong Giáo Hội có nhiều chức vụ khác nhau, nhưng đều hướng đến một mục đích duy nhất: thánh hoá nhân loại. Và mọi Kitô hữu đều tham gia vào nhiệm vụ này, nhờ đặc tính họ đã lãnh nhận qua Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Tất cả chúng ta phải nhận thức trách nhiệm của mình trong sứ mệnh của Giáo Hội, cũng là sứ mệnh của Chúa Kitô. Ai không cảm thấy nhiệt huyết trong việc cứu rỗi các linh hồn, ai không cố gắng làm danh hiệu và giáo lý của Chúa Kitô được hiểu biết và yêu mến, thì sẽ không hiểu được tính tông truyền của Giáo Hội. [9]

Những tháng đầu trong vai trò vị Chủ chăn toàn cầu, Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng nhắc nhở tất cả Kitô hữu sứ mệnh vui tươi này. Bằng cách này cách khác, Ngài kêu gọi chúng ta hãy tự hỏi: «Chúng ta là Giáo hội như thế nào? Chúng ta có là những viên đá sống động hay chúng ta như những viên đá nản lòng, chán chường và dửng dưng? Các con có thấy thật tệ hại không khi một Kitô hữu nản lòng, chán chường hay dửng dưng? Một người Kitô hữu như vậy thật là sai. Người Kitô hữu phải sống động, vui tươi vì mình là Kitô hữu; anh ta hay chị ta phải sống được vẻ đẹp vì được thuộc về Dân Thiên Chúa là Giáo Hội. Chúng ta có mở lòng đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần [...], hay chúng ta thu mình lại và nói: "Tôi có quá nhiều chuyện phải làm; đó đâu phải nhiệm vụ của tôi"? [10] Vừa qua, khi kết thúc Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh lời kêu gọi này cho giới trẻ khi Ngài tóm tắt thông điệp trong ba điểm: «Hãy lên đường, đừng sợ hãi, để phục vụ.» Và Ngài còn giải thích: «Hãy coi chừng! Chúa Giêsu đã không nói: ‘Hãy lên đường nếu các con muốn, nếu các con có thời giờ’, nhưng Chúa đã nói: ‘Hãy lên đường và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.’ Chia sẻ kinh nghiệm đức tin, làm nhân chứng đức tin, loan báo Tin Mừng là mệnh lệnh Chúa đã trao cho Giáo Hội và cho các con. Nhưng mệnh lệnh này không đến từ khát vọng cai trị hay quyền lực, nhưng đến từ sức mạnh của tình yêu, bởi vì Chúa Giêsu đã chủ động đến giữa chúng ta và [...] Ngài đã trao tặng trọn vẹn chính mình, Ngài đã chịu chết để cứu chúng ta.» [11]

Một Kitô hữu nguội lạnh, thụ động, «sẽ không hiểu được điều Chúa Giêsu muốn nơi chúng ta. Một Kitô hữu chỉ lo việc của mình và không quan tâm đến phần rỗi của tha nhân thì không thể yêu bằng Trái Tim của Chúa Giêsu. Việc tông đồ không phải là nhiệm vụ dành riêng cho các đấng bậc, cho các Linh mục hay Tu sĩ. Chúa Giêsu kêu gọi tất cả chúng ta, với gương sống và lời nói của chúng ta, trở nên công cụ của dòng suối ân sủng tuôn trào về đời sống vĩnh hằng.» [12] Thánh Josemaria đã dạy điều đó ngay từ những thời khắc đầu tiên thành lập Opus Dei, như là một phần rất quan trọng trong sứ mệnh Ngài đã lãnh nhận từ Thiên Chúa trong Giáo Hội. Thông điệp của Ngài, phù hợp cho mọi người, đặc biệt nhắm đến những người Công giáo bình thường, những người nam và nữ, bằng ơn gọi siêu nhiên, sống giữa những thực tại trần thế, cố gắng biến mình nên những khí cụ để mở mang Nước Chúa. Thánh Josemaria đã viết từ những năm 1930: «Con ơi, hãy lưu tâm điều này: con không chỉ là một tâm hồn liên kết với các tâm hồn khác để làm việc lành. Điều đó đã là nhiều…, nhưng chưa đủ. Con là người Tông đồ đang chu toàn lệnh truyền cấp bách của Đức Kitô.»

Hai điều kiện chính yếu để việc tham dự của người tín hữu vào sứ mệnh tông truyền của Giáo Hội mang lại kết quả: đó là vâng theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần và hiệp thông chặt chẽ với Đức Thánh Cha và các Giám mục hiệp nhất với Toà Thánh. Hai điều kiện này nhất thiết phải có.

Như Đức Thánh Cha Phaolô VI đã từng nói, Chúa Thánh Thần là «tác nhân chính trong việc truyền giáo» [14], là người gợi hứng cho việc tông đồ trong đời sống cá nhân của chúng ta cũng như trong đời sống của từng người trong Giáo Hội. Loan truyền Tin Mừng là «ân sủng và ơn gọi đặc thù của Giáo Hội, là bản chất sâu xa nhất của Giáo Hội. Giáo Hội tồn tại để loan truyền Tin Mừng.» [15] Điều này cũng đúng đối với từng người Kitô hữu: ý nghĩa đời sống chúng ta là để đạt được Thiên Đàng và lôi kéo nhiều người khác theo. Chúng ta phải xin Chúa Thánh Thần soi sáng và ban sức mạnh cần thiết để thực hiện công cuộc Tân Phúc Âm hóa đã được giao cho tất cả chúng ta.

«Như vậy, để Phúc Âm hóa, chúng ta cần phải mở lòng mình ra lần nữa để đón lấy chân trời của Thần Khí Thiên Chúa, không lo sợ việc Chúa đòi hỏi nơi ta hoặc nơi Người đưa ta đến. Hãy tin tưởng vào Người! Người sẽ giúp chúng ta sống và làm chứng cho đức tin, Người sẽ soi sáng trái tim của những người chúng ta gặp gỡ.» [16]

Quả là một niềm vui lớn lao khi loan truyền sự hiểu biết về Chúa Giêsu và tình yêu của Người! Chúng ta đừng thôi cố gắng khi đối diện với khó khăn. Ngược lại, giống như những Kitô hữu đầu tiên, dưới sự bảo vệ của Đức Maria, chúng ta hãy cố gắng ngày càng trở nên những ‘loa phóng thanh’ hiệu quả của Chúa Thánh Thần tại nơi chúng ta sống: bằng cách cư xử đúng đắn của người Kitô hữu, bằng một lời nói đúng lúc vào tai người đang chao đảo, bằng cách đối xử bác ái với tất cả mọi người.

Điều kiện thứ hai là hiệp thông với Đức Thánh Cha và các Giám mục: một sự hiệp thông trong cầu nguyện và ý nguyện. Cha luôn nhấn mạnh điểm này, bởi vì chỉ với Thánh Phêrô và dưới quyền Thánh Phêrô, hiệp thông với Giám mục đoàn mà chúng ta có thể phục vụ Giáo Hội một cách hiệu quả. Thánh Josemaria viết: «Chúng ta góp phần làm cho sự tiếp nối tông truyền trở nên hiển nhiên trước mắt mọi người, qua việc chứng tỏ sự hiệp thông trung thành tuyệt đối của chúng ta đối với Đức Thánh Cha, người hiệp thông với Thánh Phêrô. Tình yêu dành cho Đức Thánh Cha phải là niềm đam mê tuyệt vời nơi chúng ta, bởi vì chúng ta nhìn thấy Chúa Kitô nơi Ngài. Nếu chúng ta trò chuyện với Chúa trong cầu nguyện, chúng ta sẽ bước tới với một cái nhìn rõ ràng về điều giúp chúng ta khám phá tác động của Chúa Thánh Thần ngay cả khi đối diện với những biến cố mà chúng ta không thể hiểu, hoặc khiến chúng ta buồn bã hay đau khổ.» [17]

Qua việc yêu mến Chúa Giêsu trên Thánh Giá, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh cần thiết để chiến đấu không lo âu hay sợ hãi trong cố gắng khôi phục thế giới lại cho Chúa Kitô. Đó chính là điều mà lễ Suy tôn Thánh Giá dạy chúng ta. Con đường vinh quang phải đi qua việc chấp nhận vui tươi và tự nguyện những đau khổ, thể xác và tinh thần, mà Chúa cho phép trong cuộc sống chúng ta: per crucem ad lucem, qua thập giá đến ánh sáng, như Thánh Josemaria hay nói. Với sự hiện diện thường trực của Đức Maria, Thập Giá tràn đầy niềm vui ; những bông hoa hồng bung nở trên cây gỗ (như trên những cây Thánh Giá gỗ nơi các các nhà nguyện của chúng ta), mặc dù thỉnh thoảng gai hoa hồng vẫn còn đó. Nhưng bất chấp sự nhỏ bé của chúng ta, niềm vui được cộng tác với Chúa Giêsu trong việc cứu rỗi các linh hồn là một thực tế tuyệt vời!

Vài ngày tới, Cha sẽ trở về Rôma, và như mọi khi, có nhiều việc đang chờ Cha giải quyết. Trong đó, có việc chuẩn bị lễ phong Chân phước Cha Don Alvaro quý mến của chúng ta, mặc dù ngày chưa được xác định. Các con hãy cầu nguyện đặc biệt cho ý nguyện này và hãy tận dụng thời gian còn lại để tìm hiểu rõ hơn về Ngài, về những gì Ngài đã viết, và phổ biến chúng. Hãy tạ ơn vì sự đáp trả đầy trung thành của Ngài đối với Thiên Chúa Ba Ngôi, với tinh thần Opus Dei, và với Cha Thánh.

Các con hãy tiếp tục cầu nguyện cho những bệnh nhân - trong Opus Dei và tất cả mọi người, để họ biết kết hiệp với Thánh Giá Chúa. Như vậy, họ sẽ tham gia mạnh mẽ hơn vào việc áp dụng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đến mọi linh hồn.

Với tất cả lòng yêu mến, Cha chúc lành cho các con.

Cha của các con

+ Javier

Solingen, ngày1 tháng 9 năm 2013

Ghi chú:

[1] Đức Thánh Cha Phaolô VI, Diễn văn kết thúc chặng ba Công đồng, ngày 21 tháng 11 năm 1964, số 25

[2] Sách Giáo lý Giáo Hội Công giáo, số 869

[3] Xem Gioan 2,11; Mc 3,13-15

[4] Xem Gioan 19,26-27

[5] Xem Tông đồ Công vụ 1,12-14.

[6] Thánh Maxime Cha Giải tội, Cuộc đời Đức Maria VIII, 97

[7] Tông đồ Công vụ 9,15.

[8] Giáo lý Giáo Hội Công giáo, số 863.

[9] Thánh Josemaria, bài giảng Trung thành với Giáo Hội, ngày 4 tháng 6 năm 1972.

[10] Đức Thánh Cha Phanxicô, Phát biểu trong buổi yết kiến chung, ngày 26 tháng 6 năm 2013.

[11] Đức Thánh Cha Phanxicô, bài giảng Thánh Lễ Bế mạc Đại hội Giới trẻ Thế giới, Rio de Janeiro, ngày 28 tháng 7 năm 2013.

[12] Thánh Josemaria, bài giảng Trung thành với Giáo Hội, ngày 4 tháng 6 năm 1972.

[13] Thánh Josemaria, Con Đường , số 942.

[14] Đức Thánh Cha Phaolô VI, Evangelii nuntiandi , ngày 8 tháng 12 năm 1975, số 75.

[15] Tài liệu đã dẫn trên, số 14.

[16] Đức Thánh Cha Phanxicô, Phát biểu trong buổi yết kiến chung, ngày 22 tháng 5 năm 2013.

[17] Thánh Josemaria, bài giảng Trung thành với Giáo Hội, ngày 4 tháng 6 năm 1972.