Thư Đức Giám Quản - Tháng 7 năm 2016

“Thẻ căn cước của người Kitô hữu là niềm vui”, Đức Giám quản nói với chúng ta như thế với việc nhắc lại huấn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Ngài thôi thúc chúng ta thực thi lòng thương xót qua việc tông đồ “an ủi người đau khổ”.

Các con yêu dấu, xin Chúa Giêsu thương giữ gìn các con

Suốt những ngày tháng này, chúng ta đang nỗ lực thực hiện những việc làm của lòng thương xót. Hôm nay, chúng ta hãy cùng suy ngẫm một trong những lời Chúa Giêsu nói khi Người rao giảng về chương trình sống của người Kitô hữu qua các mối phúc thật: Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. [1]

Đó là một việc làm của lòng thương xót, cũng giống như việc tha thứ lỗi phạm, việc đó sẽ giúp chúng ta ngày càng nên giống Chúa hơn, biết bắt chước Người. Thời Cựu Ước, Đức Chúa đã phán: Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta cũng sẽ an ủi ngươi như vậy. [2] Và Chúa Giêsu, trong bữa Tiệc Ly, đã cho chúng ta thấy sự an ủi theo cách tốt nhất khi Người hứa gửi Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu sống động, có sứ mạng an ủi các Kitô hữu khi họ bị đau khổ, và nói chung, Đấng ban thêm sức mạnh cho những người đau khổ nhằm giúp họ vượt qua mọi sự dữ.

Các con thân mến, khi suy ngẫm tình hình thế giới hiện nay, chúng ta nhận thấy có quá nhiều người lầm than và đau khổ. Các thảm cảnh do chiến tranh gây ra khiến chúng ta không thể thờ ơ; nhu cầu cấp thiết của vô số di dân và những người chịu bất công đang kêu thấu trời thật đáng buồn biết bao! Đặc biệt, cha nghĩ đến những người đang chịu đau khổ, thậm chí đang gặp nguy hiểm tính mạng, để bảo vệ niềm tin của mình.

Đọc thư của các con gửi về, và trong các cuộc nói chuyện riêng với các con, cha hết lòng chia sẻ niềm vui của các con, cũng như những đau khổ và u buồn các con đang gánh chịu. Biết bao gia đình đang hết sức đau khổ vì một thành viên đang sống xa cách Thiên Chúa, hay vì một thành viên đang lâm bệnh mà mọi người còn lại đều thấy bất lực, không biết làm sao để an ủi! Là những người sống giữa thế gian, chúng ta cảm thấy tất cả các vấn đề của xã hội đương thời – tệ nạn nghiện ngập, khủng hoảng gia đình, sự vô cảm do chủ nghĩa cá nhân gây ra, khủng hoảng kinh tế – tác động sâu sắc đến chúng ta.

Trước thực trạng đó, chúng ta không được phép u sầu. Chúng ta chia sẻ một niềm xác tín rằng nếu chúng ta ở lại trong Trái Tim Cực Thánh của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được an ủi, không phải chỉ ở đời sau. Nhưng ngay tại đây, trên trần gian này, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta niềm an ủi khi ta ở gần bên Ngài. Như Người Cha đầy yêu thương, Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Như Thánh Josemaria luôn dạy: Niềm vui siêu nhiên của người Kitô hữu bắt nguồn từ nhận thức rằng mình là con của Chúa. “Bản thân cha luôn được niềm an ủi lớn lao bởi sự đảm bảo chắc chắn là, vì là con Chúa, chúng ta không bao giờ cô đơn, vì Chúa luôn ở với chúng ta. Bạn không cảm động vì Thiên Chúa luôn dịu dàng và quan tâm biết bao đến mọi tạo vật của Ngài sao?” [3]

Một trong những lý do trở lại đạo của thế giới ngoại giáo vào thời các Kitô hữu tiên khởi chính là tấm gương của những tiền nhân của chúng ta, những người không bao giờ đánh mất niềm vui siêu nhiên trên gương mặt ngay cả khi họ bị tra tấn hoặc hành hình vì tình yêu dành cho Đức Kitô. Sách Công Vụ Tông Đồ kể lại cho chúng ta thấy các tông đồ, sau khi bị trừng phạt vì rao giảng Tin Mừng, ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu. [4]

Ngày nay cũng thế, niềm vui siêu nhiên và tự nhiên của những người theo Đức Kitô, ngay cả khi gặp nghịch cảnh, phải nên như thỏi nam châm có sức hấp dẫn những người đang bị nhấn chìm trong đau buồn và vô vọng vì không biết rằng Thiên Chúa yêu thương mình biết bao. “Người Kitô hữu sống trong niềm vui và lạc quan nhờ vào sự Phục Sinh của Đức Kitô. Như chúng ta đọc thấy trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô (1,3-9), mặc dù chúng ta đang chịu nhiều thử thách, niềm vui vì những điều Thiên Chúa đã làm nơi chúng ta sẽ không bao giờ bị lấy đi khỏi chúng ta… Thẻ căn cước của người Kitô hữu chính là niềm vui: niềm vui của Tin Mừng, niềm vui được Chúa Giêsu tuyển chọn, được Người cứu độ và tái sinh; niềm vui của niềm hy vọng rằng Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta, niềm vui – thậm chí trong thập giá và những đau khổ của cuộc sống này – được diễn tả theo một cách khác, đó là sự bình an vì biết chắc rằng Chúa Giêsu đang đồng hành cùng chúng ta, rằng Người đang ở cùng chúng ta. Người Kitô hữu làm cho niềm vui ấy triển nở trong niềm tín thác vào Thiên Chúa.” [5]

Trong bối cảnh ấy của niềm tin tưởng và trông cậy siêu nhiên, chúng ta có thể hiểu điều Cha chúng ta đã nói với niềm xác tín: “Niềm vui là sở hữu của người Kitô hữu, đó là cái mà chúng ta có chừng nào chúng ta còn chiến đấu, vì đó là kết quả của bình an,” [6] đó là niềm vui có “bộ rễ mang hình Thánh giá.” [7]

Một người Kitô hữu nhận thức được rằng mình là con Thiên Chúa sẽ không bao giờ buồn bã. Chúng ta có thể đau đớn nơi thể xác hay tâm hồn, nhưng sự nhận ra tình con thảo thiêng liêng, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, sẽ cho chúng ta động lực mới để tiến lên phía trước semper in laetitia – luôn trong niềm vui! Như Thánh Josemaria khuyên dạy: “Càng chiến đấu bền bỉ, chúng ta càng thăng tiến trên đường nên thánh. Không có vị thánh nào không phải chiến đấu với quyết tâm cao độ. Những thất bại không thể làm chúng ta buồn bã và nản chí. Vì nỗi buồn có thể trỗi dậy từ tính kiêu căng hoặc từ sự mệt mỏi; và trong bất cứ trường hợp nào, nếu bạn tìm đến vị Mục Tử Nhân Lành và trình bày rõ ràng, bạn sẽ tìm được phương thuốc đúng đắn. Luôn có giải pháp cho dù ta có phạm tội cực trọng!” [8]

Phương thế chắc chắn để tránh buồn chán hay để thoát khỏi vòng kiềm hãm của buồn chán là mở lòng ra với Chúa Giêsu trước Nhà Tạm, và với người linh hướng – vốn là công cụ của Chúa – hướng dẫn linh hồn ta giữa những vòng xoáy của đời sống tâm linh. Chúng ta hãy luôn thực hành lời khuyên này của Thánh Josemaria: “Nâng tâm hồn lên Chúa khi những khó khăn xuất hiện trong ngày sống, khi nỗi buồn đang cố gặm nhấm chúng ta, khi chúng ta cảm thấy gánh nặng của cuộc đời này, hãy nói: Miserere mei, Domine, quoniam ad te clamavi tota die; laetifica animam servi tui, quoniam ad te, Domine, animam meam levavi (Tv 86, 3-4). Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con kêu con gọi Chúa suốt ngày. Lạy Chúa, xin làm cho con được vui thỏa, vì con nâng tâm hồn lên tới Chúa. [9]

Các Kitô hữu thực hiện những công việc đẹp biết bao khi an ủi những người đang gặp khó khăn, dù lớn hay nhỏ, những khó khăn đã lấy mất sự bình an nơi họ! Ngoài việc cầu nguyện cho họ, chúng ta cần cố gắng đón tiếp họ, vì có nhiều tâm hồn chỉ cần tìm kiếm ai đó kiên nhẫn lắng nghe vấn đề của mình. Biết bao gương mặt ủ rũ chúng ta đã từng bắt gặp trên các nẻo đường trần thế này, chỉ vì không ai chỉ cho họ cách gieo mình vào vòng tay quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta phải đón tiếp họ trong sự an ủi huynh đệ nồng ấm nhất! “Mỗi giây trôi qua, biết bao giọt lệ rơi xuống trong thế giới chúng ta; không giọt lệ nào giống giọt lệ nào nhưng tất cả hợp thành một đại dương đau khổ đang kêu gào lòng thương xót, trắc ẩn và an ủi. Những giọt nước mắt cay đắng nhất là do sự ác của con người: đó là giọt nước mắt của những người chứng kiến người thân yêu bị rứt khỏi mình, giọt nước mắt của ông bà, cha mẹ, con cái… Chúng ta cần lòng thương xót và sự an ủi của Thiên Chúa! Tất cả chúng ta đều cần lòng thương xót và sự an ủi của Thiên Chúa. Đó chính là sự nghèo khó của chúng ta, nhưng cũng là sự giàu có của chúng ta: nài xin sự an ủi của Thiên Chúa, Đấng đến lau khô mọi giọt lệ trên mắt chúng ta bằng sự dịu dàng của Người.” [10]

Đó là những gì Thầy Giêsu đã làm khi Người đến ở giữa chúng ta. Động lòng trắc ẩn, Người đã dừng lại an ủi bà góa thành Naim khóc thương đứa con trai duy nhất qua đời; Người cũng làm như vậy với Mátta và Maria ở Bêtania đau buồn vì cái chết của người em trai Lagiarô. Người cũng khóc thương số phận thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá. [11] Bắt đầu cuộc Vượt Qua của mình, trong vườn Cây Dầu, Người đã đau khổ đến mức đổ mồ hôi máu và đã để “một thiên thần - một loài thụ tạo - đến an ủi Người (x. Lc 22, 39-46). Còn dấu hiệu nhân tính nào cho bằng việc Người để mình được an ủi, như khi chúng ta được người khác tiếp sức để vượt qua những mệt mỏi, yếu đuối, và chán nản của mình?” [12]

Theo chân Thầy Chí Thánh, chúng ta hãy an ủi những ai cần ủi an. Nỗ lực đó nằm ngay tâm điểm của tinh thần Kitô giáo. Thánh Phanxicô đã xin Chúa điều đó trong lời nguyện lưu truyền qua nhiều thế hệ: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Nơi đâu có oán thù, con sẽ đem đến yêu thương; nơi đâu có lăng nhục, con sẽ đem đến thứ tha; nơi đâu có nghi nan, con sẽ đem đến niềm tin; nơi đâu có u sầu, con sẽ đem đến niềm vui; nơi đâu có thất vọng, con sẽ đem đến hy vọng; nơi đâu có tối tăm, con sẽ dọi chiếu ánh sáng.” [13]

Ngày 22 tháng này, chúng ta kính nhớ Thánh Maria Mađalêna. Cách đây vài ngày, Đức Thánh Cha đã nâng lễ phụng vụ của Thánh nữ lên bậc lễ kính. Những giọt nước mắt thống hối của Thánh nữ đã gội rửa những lỗi lầm trong quá khứ của Ngài, và làm cho Ngài có thể kết hiệp với Đức Kitô trong cuộc Vượt Qua và Phục Sinh một cách mật thiết hơn các phụ nữ thánh thiện khác, dĩ nhiên ngoại trừ Mẹ Maria. Chúng ta hãy khẩn nài Mẹ Thiên Chúa, cũng là Mẹ chúng ta, trong mọi nhu cầu của chúng ta; Mẹ là Đấng An Ủi Kẻ Âu Lo, Đấng Bào Chữa Kẻ Có Tội, Đấng Phù Hộ Các Giáo Hữu, Mẹ sẽ không bao giờ ngừng chăm sóc, giữ gìn chúng ta. “Mẹ! Hãy gọi Mẹ, gọi thật to. Mẹ đang lắng nghe bạn, Mẹ thấy bạn không chừng đang bị hiểm nguy, và Mẹ, Mẹ Maria của bạn, nhờ ân sủng của Con Mẹ, sẽ cho bạn vòng tay chở che, sự âu yếm dịu dàng và bạn sẽ thấy mình được thêm sức để đối mặt với thử thách phía trước.” [14]

Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và các ý nguyện của Ngài. Hãy cùng đồng hành trong tinh thần với Ngài trong chuyến Tông du đến Ba Lan nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sẽ diễn ta tại Krakow.

Với tất cả lòng yêu mến, cha ban phép lành cho các con.

Cha của các con,

+ Javier

Aix-en-Provence, ngày 1 tháng 7 năm 2016


Ghi chú:

[1] Mt 5,5.

[2] Is 66,13.

[3] Thánh Josemaría, Một mình với Chúa, số 143.

[4] X. Cv 5,41.

[5] Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài giảng tại Nhà nguyện Thánh Mátta, 23/05/2016.

[6] Thánh Josemaría, Lò Rèn, số 105.

[7] Thánh Josemaría, Lò Rèn, số 28.

[8] Thánh Josemaría, Thư tín, 28/06/1955, số 25.

[9] Thánh Josemaría, Thư tín, 09/01/1932, số 15.

[10] Đức Thánh Cha Phanxicô, Canh thức cầu nguyện “Để lau những giọt nước mắt”, 05/05/2016.

[11] Xem Lc 7, 11-13; Ga 11,17 và tiếp theo; Lc 19,41-44.

[12] Thánh Josemaría, Thư tín, 29/09/1957, số 34.

[13] Kinh nguyện được cho là của Thánh Phanxicô Assisi.

[14] Thánh Josemaría, Con Đường, số 516.