Thư Đức Giám quản – tháng 6 năm 2016

Câu hỏi Đức Giám quản đặt cho chúng ta trong thư mục vụ tháng 6 này phản ánh một đặc tính của việc tông đồ Kitô giáo: “Tôi có hạnh phúc vì Thiên Chúa đã gọi tôi để làm cho người khác biết Ngài không?” Quả thật, “sức mạnh nhờ đó chân lý chiến thắng phải chính là niềm vui, là sự diễn tả chân lý cách rõ ràng nhất. Chính trên niềm vui mà người Kitô hữu phải phấn đấu; chính trong niềm vui mà họ phải tỏ mình ra cho thế giới.”

Các con yêu dấu của cha, xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con!

Đã hai tuần lễ trôi qua kể từ lễ Chúa Giêsu Kitô Thăng Thiên, lời nói cuối cùng của Người trên trần gian vẫn văng vẳng vang lên bên tai chúng ta: Hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. [1] Chúng ta có sự trợ giúp của Thánh Thần, là Đấng mà Thiên Chúa đã gửi đến cho các Tông đồ trong nhà Tiệc ly và là Đấng tiếp tục ban sự sống cho Hội Thánh, như trong một lễ Hiện Xuống mới. [2] Chúa Giêsu đã hứa: Nhưng Đấng An Ủi, Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Người sẽ dạy cho anh em biết tất cả mọi điều, và làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. [3] Và Đức Giêsu đã thực hiện lời hứa của mình. Người đã giao phó sứ điệp cứu rỗi cho các Kitô hữu, và sứ điệp đó đã truyền đến chúng ta, những môn đệ của Người, để chúng ta mang đến cho toàn thế giới bằng lời nói và gương sáng của mình.

Mục tiêu của Giáo Hội không là gì khác hơn điều này: cứu rỗi tất cả các linh hồn, từng linh hồn một. Chính vì lý do đó Chúa Cha đã sai Con của Ngài, và bây giờ đến lượt Thầy, Thầy cũng sai anh em (Ga 20,21). Đó là nguồn gốc lệnh truyền dạy giáo lý của Chúa và của việc ban phép rửa, để Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh ngự vào linh hồn con người trong ân sủng [4]. Nhờ ân sủng Chúa, lệnh truyền của Đức Kitô đã được Cha chúng ta đón nhận trong hân hoan và hết lòng sẵn sàng. Và Ngài đã lan truyền tới chúng ta, với phong cách và lòng nhiệt thành tông đồ vô biên của Ngài.

Thánh Josemaría luôn dạy rằng một trong những đam mê chủ đạo phải điều khiển hành vi chúng ta là niềm đam mê loan truyền giáo lý của Chúa Giêsu Kitô. Hoạt động chính của Opus Dei là mang đến cho các thành viên và những ai mong muốn các phương thế thiêng liêng để giúp họ sống như những Kitô hữu tốt lành giữa thế gian. Hội giúp họ học hỏi giáo lý của Chúa Kitô và giáo huấn của Hội Thánh. Linh đạo của Hội khuyến khích họ làm việc tốt vì lòng yêu mến Chúa và phục vụ người khác. Tắt một lời, Hội giúp họ hành xử như những Kitô hữu đích thực: làm bạn với mọi người, tôn trọng quyền tự do chính đáng của mỗi người, và cố gắng làm cho thế giới của chúng ta được công bằng hơn. [5]

Niềm đam mê chủ đạo đó đặc biệt quan trọng trong Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót này, bởi vì khi, kết thúc cuộc đời, chúng ta sẽ được hỏi liệu chúng ta có cho kẻ đói ăn và cho kẻ khát uống, chúng ta cũng sẽ được hỏi xem có giúp người khác giải tỏa các nghi nan, xem chúng ta có đón tiếp các tội nhân qua việc cảnh tỉnh hoặc sửa sai họ, và xem chúng ta có cố gắng chiến đấu chống lại sự thiếu hiểu biết, đặc biệt trong lãnh vực đức tin Kitô giáo và cách sống tốt lành. [6]

Có nhiều cách loan truyền các nội dung của đức tin. Thánh Josemaría nhấn mạnh đến việc tông đồ cá nhân, một người với một người, dưới hình thức những cuộc trò chuyện bạn bè không nhằm mục đích lên lớp cho ai nhưng chỉ đơn thuần diễn tả những gì chất chứa trong tâm hồn chúng ta, thứ vốn là căn nguyên của một niềm vui bất tận.

Nhiều lần cha đã kể cho các con lời Cha Thánh hay khuyên: Trước khi nói về Chúa cho các linh hồn, hãy nói nhiều về các linh hồn ấy cho Chúa nghe. [7] Những cuộc trò chuyện riêng tư của ta với Đức Giêsu Kitô trong cầu nguyện là nguồn năng lượng nuôi dưỡng tinh thần hăng say thúc đẩy ta trao cho mọi người vẻ đẹp của đức tin, thúc đẩy chúng ta chiếu rọi ánh sáng vào những nơi con người còn đang sống trong tăm tối. Chính sự gần gũi với Thiên Chúa giúp chúng ta có thể mang ánh sáng đến cho thế giới. Đó là lý do tại sao Cha chúng ta thường nói: Càng ở trong thế gian, chúng ta càng phải kết hiệp với Thiên Chúa. [8]

Thánh Josemaría truyền cho chúng ta một cái nhìn tích cực về thế giới, và về những công việc cao quý của con người. Đó là lý do tại sao chúng ta nên có thái độ chủ động hơn là phòng thủ. Người Kitô hữu không sợ sự thật, hoặc e ngại giải quyết những vấn đề khó khăn mà môi trường quanh ta hoặc xã hội đặt ra. Chúng ta biết rằng, ngay cả khi chúng ta không phải luôn luôn có câu trả lời, Tin Mừng có thể làm sáng tỏ mọi vấn đề nan giải và những vấn nạn khó khăn nhất. Tình yêu chân lý cho phép người Kitô hữu chúng ta chuyển tải niềm tin của mình để niềm tin ấy thực sự là một lời “xin vâng” tuyệt vời đối với tất cả mọi người – nam cũng như nữ –, đối với sự sống, tự do, hòa bình, phát triển, đoàn kết, và các nhân đức. Nếu Đức Kitô đã làm cho chúng ta hạnh phúc, tự nhiên niềm hạnh phúc đó cũng thể hiện trong hành vi của chúng ta. Trong thực tế, “sức mạnh nhờ đó chân lý chiến thắng phải chính là niềm vui, là sự diễn tả chân lý cách rõ ràng nhất. Chính trên niềm vui mà người Kitô hữu phải phấn đấu; chính trong niềm vui mà họ phải tỏ mình ra cho thế giới.” [9]

Vậy, các con thân mến, các con hãy tự hỏi: Tôi có hạnh phúc vì Thiên Chúa đã gọi tôi để làm cho người khác biết Ngài không? Việc tông đồ của tôi có gieo rắc bình an và niềm vui không? [10] Tôi có sáng kiến gì trong việc học giáo lý, để làm sâu sắc và sống động hơn đời sống nội tâm của bản thân?

Thánh Josemaría dạy chúng ta nói về giáo lý của Đức Kitô sao cho mọi người đều có thể hiểu được sứ điệp Tin Mừng, bất kể trình độ văn hóa hoặc kiến thức tôn giáo của họ. Ngài gọi đó là ơn ngôn ngữ, tương tự những gì đã xảy ra khi Chúa Thánh Thần ngự xuống cách hữu hình trên Giáo Hội. Với các Tông Đồ và các môn đệ đầu tiên, Chúa Thánh Thần đã xuất hiện dưới hình giống như lưỡi lửa, tản ra và đậu xuống trên từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau. [11]

Đấng Sáng lập Opus Dei giải thích rằng ơn ngôn ngữ, mà Ngài đã cầu xin Thiên Chúa ban cho mọi người, hệ tại ở chỗbiết tự thích ứng với khả năng của người nghe (...), là trình bày giáo lý cách cẩn thận, “thông minh”và “khéo léo” đủ để người nghe tiếp nhận được. Chúng ta phải truyền đạt giáo lý cho mọi người, nhưng không nên làm cho người ta choáng ngợp; phải với liều lượng hợp lý, tùy theo khả năng tiếp nhận của mỗi người. Điều này cũng là một phần của ơn ngôn ngữ. Đó như khả năng tự làm mới mình, để nói lại cùng một điều mỗi ngày nhưng với một sức lôi cuốn mới. [12]

Ơn ngôn ngữ là một hồng ân của Chúa Thánh Thần, Đấng chờ đợi chúng ta có sáng kiến. Việc nghiên cứu và ôn lại thần học, được thực hiện một cách có trách nhiệm và với quan điểm làm tông đồ, sẽ cho ta nhìn thấy vẻ đẹp của các chân lý đức tin và giúp ta khám phá ra cách trình bày các chân lý ấy một cách thu hút nhất mà ta có thể. Các cuộc trò chuyện với bạn bè và đồng nghiệp trong bầu khí cởi mở sẵn sàng lắng nghe các câu hỏi cũng sẽ cho chúng ta cơ hội giải tỏa các lo âu của họ. Để làm được điều ấy, căn bản là chúng ta phải lắng nghe, phải có khả năng chia sẻ các câu hỏi và những mối nghi nan, phải cùng đồng hành, phải vượt qua việc đòi hỏi quyền lực tuyệt đối, để khiêm tốn đem khả năng và năng lực của chúng ta phục vụ lợi ích chung.

Lắng nghe không bao giờ dễ dàng. Đôi khi, giả điếc thì thuận lợi hơn. Lắng nghe nghĩa là phải chú ý, là mong muốn tìm hiểu, làm tăng giá trị, tôn trọng và ghi nhớ những gì người khác nói. (...) Biết lắng nghe là một ân huệ lớn lao, đó là một hồng ân mà chúng ta cần phải cầu xin và sau đó cần nỗ lực thực hành. [13]

Chia sẻ về đức tin không phải là “tranh cãi để giành phần thắng”, nhưng là đối thoại để thuyết phục, bởi vì “không nên áp đặt ý tưởng, nhưng chỉ nên đề xuất”. [14] Đối thoại dẫn chúng ta đến việc trình bày cách rõ ràng Chân Lý vốn đang chiếu sáng tận căn cuộc sống của chúng ta. Các con thân mến, cả cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc đối thoại tuyệt diệu, một cuộc trò chuyện tuyệt vời với con người.[15] Nếu chúng ta học cách sống như thế, chúng ta sẽ giúp đỡ và được giúp đỡ trong cuộc sống khiêm nhu hằng ngày của chúng ta, để làm cho Tin Mừng trở nên ánh sáng thế gian đối với mọi người. [16]

Cha vui mừng nhắc các con rằng ngày 23 tháng 6, trước lễ Thánh Josemaría (vốn là lễ trọng trong Giáo đoàn), là kỷ niệm 70 năm ngày Cha Thánh đến Roma. Cha vẫn còn nhớ những kỷ niệm – mà cha cũng thường nghe Ngài nhắc lại – về những ngày đầu tiên của Ngài tại Kinh Thành Vĩnh Hằng này: những lời cầu nguyện mãnh liệt Ngài dành cho Đức Thánh Cha ngay từ đêm đầu tiên đến Roma; nỗi xúc động khi Ngài nhận được bức thư tay của Đức Piô XII không bao lâu sau khi đến Roma; niềm tin tưởng khi Ngài đến dự buổi triều kiến Đức Thánh Cha ngày 16 tháng 7... Rồi nhiều lần, trong những tuần lễ đầu tiên, Ngài đến cầu nguyện tại quảng trường Thánh Phêrô, rất gần căn hộ nhỏ tại Città Leonina nơi Ngài lưu trú lúc bấy giờ.

Cha có thể hình dung rất rõ niềm tin và tình yêu của Cha chúng ta trong những tuần lễ đó khi Ngài thốt lên lời nguyện vắn tắt vốn đúc kết mọi khát vọng sâu xa nhất của tâm hồn Ngài từ lúc khởi sự Opuse Dei:Omnes, cum Petro, ad Iesum per Mariam! Mọi người, cùng với Thánh Phêrô, đến với Chúa Giêsu qua Mẹ Maria! Cha mời gọi các con thường xuyên lặp lại lời đó, kết hiệp với cha trong lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các trợ lý của Ngài, và cho toàn thể Giáo Hội. Đặc biệt trong tháng 6 này, sẽ được khép lại với lễ trọng mừng kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, hai trụ cột của Giáo Hội và Quan thầy của Hội.

Với tất cả lòng yêu mến, cha chúc lành cho tất cả các con.

Cha của các con,

X Javier

Roma, ngày 1 tháng 6 năm 2016

Ghi chú:

[1] Mc 16, 15.

[2] Thánh Josémaria, Luống cày, số 213.

[3] Ga 14, 26.

[4] Thánh Josémaria, Bài giảng Mục tiêu siêu nhiên của Giáo Hội, 28/05/1972.

[5] Trò chuyện với Cha Escrivá, số 27.

[6] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn văn tại buổi họp toàn thể của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, 29/01/2016.

[7] Thánh Josémaria, Ghi chép từ một buổi họp mặt gia đình, không rõ ngày (AGP, biblioteca, P01, VIII-1982, tr. 88).

[8] Thánh Josémaria, Lòn rèn, số 740.

[9] Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, “Đối với tôi, Mình Thánh Chúa có ý nghĩa gì?”, trong Opera omnia, quyển 11, Partie C, XI, 4.

[10] Thánh Josémaria, Bạn của Chúa, số 105.

[11] Cv 2, 3-4

[12] Thánh Josémaria, Thư ngày 30/04/1946, số 70.

[13] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông điệp nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Thế giới về Truyền thông Xã hội, 24/01/2016.

[14] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Diễn văn nói với giới trẻ Madrid, 03/05/2003.

[15] Thánh Josémaria, Thư ngày 24/10/1965, số 7.

[16] Mt 5,14.