Thư Đức Giám quản – Tháng 11 Năm 2016

“Bế mạc Năm Thánh không phải là điểm kết của một hành trình để chúng ta chuyển sang một thứ khác. Nhưng đó là khởi điểm để từ đó chúng ta bước đi với sức sống được làm mới trên con đường của đời sống Kitô hữu.” Vì thế, Đức Giám quản Opus Dei đề nghị chúng ta “hãy đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, và như vậy đón nhận tha nhân: hãy sống hướng về người khác.”

Các con yên dấu, xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con!

Gần một năm đã trôi qua kể từ khi Đức Thánh Cha mở Cửa Thánh, trước hết ở trung tâm châu Phi và sau đó tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Vì chúng ta đang tiến đến gần ngày bế mạc Năm Thánh ngoại thường vào lễ trọng Chúa Giêsu Kitô Vua, ngày 20 tháng 11, chúng ta hãy cùng nhau điểm lại những sự kiện đã diễn ra trên khắp thế giới. Nhưng có lẽ những sự kiện quan trọng nhất chính là những sự kiện đã diễn ra giữa Thiên Chúa và mỗi người chúng ta. Chỉ có Chúa mới biết đã có bao nhiêu người trở lại hòa giải với Người, nhiều khi là sau nhiều năm xa cách hoặc sống nguội lạnh.

Trong những tháng ngày qua, chúng ta đã cố gắng tái khám phá sự nhiệm mầu của Tình yêu Thiên Chúa, chất chứa trong lòng Mẹ Giáo Hội. Quả thật, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa lấp đầy cả trần gian này như nước ngập tràn trong các đại dương bao la; và chúng ta cũng đã thấy điều tươi mới ấy trong Thánh Kinh – trong các lời Ngôn sứ và Thánh vịnh, và đặc biệt trong các sách Tin Mừng –, trong phụng vụ, và trong các việc đạo đức bình dân. Chúng ta cũng nhận thấy điều tươi mới ấy trong cuộc sống của mỗi người chúng ta: Chỉ cần nhìn vào cuộc đời của mình, chúng ta sẽ ngạc nhiên khám phá ra mối quan hệ rất gần gũi mà Thiên Chúa đã duy trì với chúng ta kể từ khi Ngài đưa chúng ta vào Giáo Hội qua Bí tích Thánh Tẩy và thậm chí từ trước đó nữa.

Chúa Giêsu Kitô để lại cho chúng ta một bài học rõ ràng trong chương 15 của Tin Mừng theo Thánh Luca. Ở đó, chúng ta đọc thấy ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa: con chiên lạc, đồng bạc bị mất, và người con hoang đàng. Thánh Ambrosio chú giải: “Ba nhân vật ấy – người mục tử, người phụ nữ, người cha – là ai vậy? Chẳng phải Đức Kitô là người mục tử, còn Giáo Hội là người phụ nữ, và Thiên Chúa là người cha nhân hậu sao? Đức Kitô cõng bạn trên vai Người; Giáo Hội đi tìm kiếm bạn; Chúa Cha nhân hậu đón nhận bạn. Như mục tử, Đức Giêsu không ngừng che chở chúng ta; như người mẹ, Giáo Hội không ngừng tìm kiếm chúng ta; như người cha, Thiên Chúa mặc áo cho chúng ta. Trước hết, đó là lòng thương xót; thứ hai, đó là sự nguyện giúp cầu thay; và thứ ba, là ơn hòa giải.” [1]

Những tháng qua đã giúp chúng ta làm mới lại tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân, chính tại những nơi có thể mỏng dòn nhất. Có lẽ chúng ta cũng khám phá ra rằng nhiều khi chúng ta vẫn còn thiếu lòng thương xót đối với tha nhân. Chúng ta đừng thất vọng vì điều đó, bởi vì lời mời gọi “hãy thương xót như Cha” là một lời mời gọi cho cả cuộc đời.

Bế mạc Năm Thánh không phải là điểm kết của một hành trình để chúng ta chuyển sang một thứ khác. Nhưng đó là khởi điểm để từ đó chúng ta bước đi với sức sống được làm mới trên con đường của đời sống Kitô hữu. Từ khi lãnh nhận Phép Rửa, mỗi Kitô hữu chúng ta mang lấy sứ vụ tư tế phổ quát, sứ vụ ấy dẫn chúng ta đến việc thực thi lòng thương xót với một ý thức sâu sắc của người con Chúa. Thánh Josemaría nhấn mạnh rằng người Kitô hữu phải nhìn thấy nơi mỗi người anh em một mối nợ tình yêu chân thành và phục vụ vô vị lợi.[2] Đây là thông điệp được Đức Giáo Hoàng đưa ra một vài tuần trước khi kết thúc năm hồng ân đặc biệt này.Trải nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta thôi vẫn chưa đủ; bất cứ ai đã lãnh nhận lòng thương xót cũng phải trở thành dấu chỉ và khí cụ của tình thương dành cho tha nhân. Lòng thương xót, vì thế, không chỉ dành cho những khoảnh khắc đặc biệt, nhưng bao trùm toàn bộ đời sống hằng ngày của chúng ta. [3]

Chính vì thế, cha tự hỏi mình và khuyến khích các con hãy tự hỏi mình: Năm Thánh này đã để lại gì trong ta? Chúng ta có đắm mình sâu sắc hơn trong niềm xác tín rằng Thiên Chúa nhìn chúng ta bằng đôi mắt của một người Cha đầy ấm áp và yêu thương vô hạn không? [4] Trong cuộc sống hàng ngày mà chúng ta chia sẻ với người khác, trong gia đình, trong công việc, trong việc tông đồ, trong khi đi thăm những người nghèo khó và khi giúp đỡ những người đau khổ, tình yêu Thiên Chúa, được biểu lộ nơi Đức Kitô, có được thể hiện rõ ràng hơn không? Chúng ta có luôn vững niềm cậy trông sống động rằng, cho dù những lỗi phạm của mình nhiều thế nào, Thiên Chúa, Chúa chúng ta, vẫn muốn chúng ta hành động như những chiếc máy chuyển phát tốt nhất lòng thương xót của Ngài? Thật thích hợp cho chúng ta, như đối vợi Mẹ chúng ta, Đức Trinh Nữ Maria, suy ngẫm về những điều đó và chiêm niệm trong lòng.

Với lòng quyết tâm ngày càng tăng, để bước theo con đường mà Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn Giáo Hội, cha đề nghị với các con hai việc. Hai việc này tóm tắt toàn bộ hành trình chúng ta đã đi trong những tháng qua, và có thể giúp chúng ta giữ cho ánh sáng Năm Thánh này vẫn tiếp tục bừng cháy trong tâm hồn chúng ta: đó là mỗi người hãy đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, và hãy dành lòng thương xót cho tha nhân, hãy sống hướng về tha nhân.

Việc đầu tiên, hãy đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa: mọi thứ khác phụ thuộc vào điều này. Khi ta nhận ra rằng Thiên Chúa sắp xếp mọi hoàn cảnh để kéo ta đến với Người, lòng đạo đức và lòng nhiệt thành tông đồ của ta sẽ tăng triển. Chúng ta sẽ dễ dàng đến nương náu trong cánh tay Chúa Giêsu Kitô, bằng cách chiến đấu không mệt mõi trong cuộc chiến nội tâm, với niềm khát khao được làm mới để mang nhiều linh hồn về cho Chúa, và với niềm vui không gì và không ai có thể lấy mất.

Chúng ta khám phá ra rằng Tình yêu Thiên Chúa rất đòi hỏi nhưng đồng thời lại thanh thản. Đòi hỏi, bởi vì Chúa Giêsu Kitô đã vác Thánh Giá và Ngài muốn chúng ta bước theo Ngài, giúp Ngài mang lại hoa trái Cứu độ cho toàn thế giới. Thanh thản, bởi vì Chúa Giêsu biết tất cả những giới hạn của chúng ta, và hướng dẫn chúng ta tốt hơn cả những người mẹ thấu hiểu nhất. Không phải chúng ta, với những nỗ lực của chính mình, sẽ thay đổi thế giới; nhưng điều đó sẽ được Thiên Chúa thực hiện, Ngài là Đấng có thể biến đổi những trái tim chai đá thành những trái tim biết yêu thương.

Thiên Chúa không yêu cầu chúng ta đừng bao giờ phạm sai lầm, nhưng Ngài muốn chúng ta đứng lên sau mỗi lần vấp ngã và không bị mắc kẹt trong những thất bại của mình. Ngài muốn chúng ta đi hết hành trình dương thế này với sự thanh thản và tin tưởng phó thác của những người con. Hãy thường xuyên suy niệm những lời dịu dàng mà thánh Gioan mời gọi chúng ta: Hãy an lòng trước mặt Thiên Chúa, ngay cả khi lòng chúng ta có cáo buộc chúng ta, vì Thiên Chúa cao cả hơn lòng chúng ta, và Ngài biết tất cả mọi sự. [5] An lòng không đến từ việc làm đúng mọi thứ, cũng không phải là kết quả của việc từ bỏ nỗ lực sống yêu thương; nhưng an lòng đến từ việc luôn trở về trong vòng tay Thiên Chúa, ngay cả khi chúng ta sa ngã. Chúa Giêsu Kitô không đến để tìm người khỏe mạnh nhưng tìm các bệnh nhân [6], và Ngài rất vui với tình yêu được chúng ta làm mới mỗi ngày, bất chấp những lỗi lầm của chúng ta, khi chúng ta tìm về các bí tích như suối nguồn không bao giờ vơi của ơn tha thứ.

Lòng thương xót cũng thúc giục chúng ta trở thành nơi trú ẩn cho tha nhân, thúc giục chúng ta hướng về người khác. Chúng ta có khả năng thông chuyển lòng thương xót nếu chúng ta đã nhận lòng thương xót từ Thiên Chúa. Bằng cách đó, “sau khi nhận lãnh lòng thương xót và theo lẽ công bằng, các Kitô hữu sẵn sàng tỏ lòng trắc ẩn với những người bất hạnh và cầu nguyện cho các tội nhân khác. Người Kitô hữu trở nên trắc ẩn ngay cả với kẻ thù.” [7] Chỉ mình Thiên Chúa, với lòng đại lượng và thông biết của Người, “mới có khả năng khôi phục lại sự giàu có từ cái đã mất đi, trả lại bằng điều tốt cho kẻ gây ra điều dữ, và mang lại hoa trái của sự công chính và thánh thiện.” [8]

Nhiều khi, khối lượng công việc hoặc những khó khăn có thể làm u mê tâm hồn ta đôi chút, như những chiếc gai nhọn bóp nghẹt hạt giống tốt. Thiên Chúa làm cho trái tim chúng ta cực kỳ nhạy cảm để chúng ta có thể hướng đến người khác, không chỉ trong những vấn đề hay bi kịch của họ, nhưng còn trong muôn vàn những điều nhỏ nhặt hàng ngày đòi hỏi một tấm lòng chu đáo không phải để xé chuyện bé ra to, nhưng trong nỗ lực xem trọng những gì đáng lưu tâm và không cần gây chú ý. Thiên Chúa không mời gọi chúng ta chỉ để sống cùng với những người khác, nhưng còn để sống cho người khác. Người đòi chúng ta phải có lòng yêu thương trìu mến, biết chào đón mọi người với nụ cười chân thành luôn nở trên môi. [9]

Vì thế, chúng ta luôn cậy nhờ vào việc cầu nguyện, đặc biệt khi chúng ta gặp một tình huống hay một người nào đó quá sức chúng ta, chúng ta phó thác cho Chúa mọi trở ngại gặp phải trên đường. Hãy xin Chúa giúp chúng ta vượt qua chúng, và đừng quan trọng hóa chúng. Hãy xin Chúa ban cho chúng ta tình yêu theo khuôn mẫu tình yêu của Ngài, nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria rất thánh, Mater Misericordiæ, Mẹ Của Lòng Thương Xót.

Trong chuyến tông du đến Ba Lan, Đức Thánh Cha đã trưng dẫn Tin Mừng như một cuốn sách sống động của lòng Chúa thương xót. Đức Thánh Cha nói cuốn sách ấy vẫn còn có rất nhiều trang trống. Đó là một cuốn sách mở và chúng ta được mời gọi viết tiếp với cùng một văn phong, bằng những việc làm của lòng thương xót. [10] Rồi Ngài kết luận: Mỗi người chúng ta nắm giữ trong tim mình một trang rất riêng của cuốn sách lòng thương xót của Chúa. [11] Chúng ta hãy viết, một cách vui tươi, vào những trang mà Thiên Chúa đã trao phó cho mỗi người chúng ta, đừng lấy làm nản lòng vì những đường kẻ dọc ngang hoặc những vết lem do sự vụng về của chúng ta gây ra. Nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, Thánh Thần sẽ hiện diện trong những thiếu sót của ta, vì khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ. [12] Chúng ta được củng cố bởi ân sủng của Đức Kitô, và do vậy có thể vượt qua những gì chúng ta gặp phải.

Khi chúng ta phục vụ tha nhân chu đáo, chúng ta không quên, đặc biệt vào ngày 02 tháng 11, và trong cả tháng này, công việc kín đáo của lòng thương xót mà lại rất đẹp trong mắt Chúa: đó là việc cầu nguyện cho những người đã qua đời. Cha xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta ân sủng để thực hành mầu nhiệm Các Thánh Thông Công với mọi người: những người cần lời cầu nguyện của chúng ta, những người đã được hưởng hạnh phúc Thiên đàng, và những người vẫn đang lữ hành nơi dương thế này, bắt đầu với Đức Giáo Hoàng và các vị cộng sự của Ngài, và mở rộng lời cầu nguyện của chúng ta đến hết mọi người, đặc biệt những người cần sự hỗ trợ này nhất.

Cha không thể kết thư này mà không dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì việc truyền chức phó tế vừa qua trong Giáo Đoàn. Hãy cầu nguyện cho các tân Phó tế và cho tất cả các thừa tác viên có chức thánh trên toàn thế giới. Đồng thời, cha gửi lời cảm ơn vì những hoa trái của chuyến đi mục vụ Cha đã thực hiện 2 tuần trước ở Phần Lan và Estonia. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội tại các quốc gia này cũng như cho cả Bắc Âu. Cha rất vui được chia sẻ với các con chi tiết về niềm vui của Cha Thánh Josemaria – và của Cha Don Alvaro yêu quý của chúng ta – khi khởi sự Opus Dei tại các quốc gia ấy. Cha mời gọi các con cùng suy niệm về điều đó khi cầu nguyện trước Thánh Thể nơi Nhà Tạm. Và xin cho lòng tri ân chân thành nhất của chúng ta bay lên tới Thiên đàng nhân kỷ niệm ngày Opus Dei được xác lập như một Giáo Phận Tòng Nhân.

Cha chúc lành cho tất cả các con.

Cha của các con,

X Javier


Ghi chú:

[1] Thánh Ambrôsiô, Diễn giải Tin Mừng theo thánh Luca VII, 208 (PL 15, 1755).

[2] Thánh Josémaria, Trò chuyện, số 29.

[3] Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài nói chuyện nhân buổi triều yết chung, 12/10/2016.

[4] Thánh Josémaria, Lò Rèn, số 331.

[5] X. 1 Ga 3, 19-20.

[6]X. Mt 9, 13.

[7]Thánh Chromace Aquilée, Bài giảng 41, 5, về các mối phúc (CCL IX A, 177).

[8] Chân phước Phaolô VI, Bản viết tay chưa xuất bản, Istituto Paolo VI, Notizario 71 [2016], 7-8 (cũng phát hành trên báo Osservatore Romano, tháng 9/2016).

[9]Thánh Josémaria, Lò Rèn, số 282.

[10] Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài giảng, 30/07/2016.

[11]Tài liệu đã dẫn.

[12] X. 2 Cr 12, 10.