Thư của Đức Giám Quản - Tháng 6/2010

Các con thân mến: Nguyện Chúa Giêsu thương gìn giữ các con của Cha!

Thánh Lễ mà hằng ngày Thiên Chúa vẫn mời gọi chúng ta, đưa chúng ta vào trọng tâm của mầu mhiệm Phục Sinh. Mỗi lần chúng ta cử hành hoặc tham dự Thánh Lễ là chúng ta dự phần vào hành vi yêu thương tuyệt đỉnh mà Chúa Kitô đã thể hiện trên Thánh Giá, là điều mà Ngài đã dành trọn đời mình để hướng đến. Tuy nhiên có những khoảnh khắc và những hoàn cảnh mà việc tôn thờ và tạ ơn, ăn năn và cầu khẩn mà ta dâng lên Thiên Chúa thông qua Đức Giêsu trong Thánh Lễ mang lại một ý nghĩa đặc biệt.

Niềm vui và lòng tri ân chúng ta dâng lên Thiên Chúa như một món quà tuyệt vời mà chúng ta cần phải làm mới mỗi ngày, được củng cố bằng việc cử hành các nghi thức phụng vụ trọng thể mà chúng ta đã và sẽ cử hành trong những ngày này vì các nghi lễ đó đưa ta vào sự kết hợp mật thiết với những khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm Chúa Giêsu và mang đến nhiều hồng ân đặc biệt cho chúng ta.

Sách Công vụ Tông đồ kể lại, trong những ngày đầu của Hội Thánh, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trong Lễ Ngũ Tuần qua một cơn gió mạnh và dưới hình lưỡi lửa đậu trên đầu các Thánh Tông đồ, đổ đầy ơn phúc và bình an cho các Ngài như Chúa Giê-Su đã hứa: Bình an cho anh em; Thầy ban bình an của Thầy cho anh em. [1] Qua các dấu chỉ của Chúa Thánh Thần khi hiện xuống, Thiên Chúa cũng chỉ cho chúng ta thấy Đấng Bào Chữa hoạt động hiệu quả trong tâm hồn của những ai biết mở lòng đón nhận hồng ân Ngài.

Trong làn gió phi thường đó, chúng ta khám phá ra sức mạnh thiêng liêng có thể chiến thắng mọi cản trở to lớn nhất và làn không khí trong lành xua tan đám mây ô nhiễm. Đức Giáo Hoàng Bênêđitô 16 đã giải thích: Hình ảnh này giúp ta nghĩ về việc hít thở không khí trong lành thật quý giá, việc hít thở thể lý bằng hai lá phổi và hít thở về mặt tinh thần bằng con tim, hít thở không khí trong lành của Chúa Thánh Thần Tình Yêu. [2] Lưỡi lửa nói cho chúng ta về tình yêu nung nấu mà Thiên Chúa muốn nhen lên trong trái tim mỗi người chúng ta. Ánh lửa “đậu xuống trên các Thánh Tông Đồ đang tụ họp đã khơi lên trong các Ngài và ban cho các Ngài nhuệ khí của Thiên Chúa. Như thế là để ứng nghiệm lời Chúa phán: Thầy đến để ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên ! (Lc 12,49). Các Thánh Tông đồ cùng các cộng đoàn tín hữu đã mang lửa này đến khắp nơi trên trái đất. Bằng cách này, các Ngài đã mở đường cho nhân loại, một con đường ánh sáng, và các Ngài cộng tác với Thiên Chúa, Người muốn canh tân bộ mặt trái đất bằng lửa thiêng”. [3]

Chúng ta hãy xin Đức Mẹ chuyển cầu liên lỉ để chúng ta có thể cảm nhận nhiều hơn thần khí Chúa Thánh Thần như các Thánh Tông đồ đã cảm nhận khi tụ họp quanh Mẹ trong phòng Tiệc ly. Cha đang nghĩ đến những món quà đặc biệt mà chúng ta đã dâng lên Mẹ trong suốt thánh 5 qua. Trong đó, chúng ta đã cố gắng thể hiện lòng tôn kính Mẹ với sự hiếu thảo thật sự của những người con, và đặc biệt Mẹ mời gọi chúng ta trở nên gần gũi với Chúa Giêsu để được Ngài nâng đỡ.

Thêm nữa, Lễ Chúa Ba Ngôi Cực Thánh trong Chúa Nhật vừa qua là một lời mời gọi mới từ Thiên Quốc để hướng dẫn những suy tư và tâm hồn chúng ta đến với nơi mà chúng ta có thể tìm thấy niềm hân hoan thật sự, đó là ở bên cạnh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, Ngài ngự trị qua ân sủng ban xuống tâm hồn chúng ta và Ngài muốn dẫn dắt để chúng ta được thông phần với Ngài trên Thiên Quốc. Chúng ta đã đọc kinh cầu Chúa Ba Ngôi trong những ngày trước Lễ. Chúng ta đã hòa cùng các Thiên Thần không ngớt ngợi khen và ca tụng Thiên Chúa Ba Ngôi. Và giờ đây, khi ngày lễ đã qua, chúng ta có đang tiếp tục nổ lực để được ở gần bên Ba Ngôi Thiên Chúa, phân biệt nhưng không tách rời các Ngôi vị hay không?

Cha muốn kể cho các con nghe một giai thoại: Tại nhà nguyện nhỏ của Cha Thánh Josemaría trong Trường Trung học Thánh Giá Roma, phía trên cung thánh có tấm đá cẩm thạch khắc dòng chữ: BENEDICTA SIT SANCTA TRINITAS ATQUE INDIVISA UNITAS (Chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi và Duy nhất). Cha Thánh hay đến đó ngay từ khi nhà nguyện còn đang xây dựng. Khi đó, Ngài đã không còn nhìn thấy rõ, và dù biết nằm lòng dòng chữ khắc đó, Ngài vẫn hay hỏi để mời gọi con cái Ngài cầu nguyện: Trên đó viết gì thế các con? Ước chi cuộc đời chúng ta trở thành lời tán dương Thiên Chúa Ba Ngôi.

Giờ đây, chúng ta đang chuẩn bị cho Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô và Lễ Thánh Tâm Chúa, hai lễ này rất gần nhau, không chỉ về thời gian, mà còn vì hai lễ này gợi nhớ đến tình yêu bao la Thiên Chúa dành cho nhân loại: “Tình yêu được biểu lộ cho chúng ta trong sự nhập thể, hành trình cứu độ mà Chúa đã thực hiện nơi trần gian mà đỉnh cao là sự hy sinh cao cả trên Thập Giá. Và nơi Thập Giá, tình yêu đã được thể hiện qua một dấu chỉ mới: Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra (Ga 19, 34). Máu và nước này nói lên sự hy sinh đến tận cùng của Chúa Giêsu: Mọi sự đã hoàn tất (Ga 19, 30) – Mọi sự đã hoàn tất vì tình yêu”. [4]

Cùng với Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Năm Thánh Linh Mục được bế mạc ngày 11 tháng 6. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện và kêu gọi mọi người cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục, cho sự thánh thiện của các Linh mục và sự hiệp nhất của các Kitô hữu. Cha khẩn xin Thiên Chúa cho lời nguyện cầu mạnh mẽ mà chúng ta cố gắng gia tăng trong những tháng qua sẽ không bao giờ ngừng nghỉ trong tâm hồn chúng ta, và cũng để làm lặng yên những ai đang tấn công vào quà tặng vô giá là ơn Thiên triệu. Cách đây vài hôm, Cha có đi hành hương đến Turin để cầu nguyện trước tấm Khăn liệm thánh được trưng bày cho các tín hữu kính viếng. Thật là xúc động khi nhận ra Thiên Chúa đã phải đau khổ như thế nào để trả giá cho tội lỗi của chúng ta. Như Đức Giáo Hoàng quá cố Gioan Phaolô II đã nói: “Khăn liệm thánh là tấm gương phản chiếu Tin Mừng. Trên thực tế, nếu chúng ta suy ngẫm về tấm khăn thánh, chúng ta sẽ thấy rõ mối quan hệ sâu sắc giữa những hình ảnh trên khăn liệm với những gì Tin Mừng đề cập trong cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu, sâu sắc đến nỗi mỗi người, với sự nhạy cảm của mình, sẽ cảm thấy xúc động trong tâm hồn khi ngắm nhìn tấm Khăn liệm”. [5]

Cha đã đi kính viếng tấm Khăn liệm như thể có các con cùng đi - Cha luôn làm thế trong các chuyến đi của mình - để cầu xin Thiên Chúa nhóm lửa Chúa Thánh Thần trong tâm hồn chúng ta. Như Đức Thánh Cha Bênêđitô 16 đã nói cách đây vài tuần sau chuyến viếng thăm Turin: “Khăn liệm thánh có thể dưỡng nuôi và tăng cường đức tin và tiếp thêm sinh lực cho lòng sùng kính của các Kitô hữu vì nó thôi thúc chúng ta đến với khuôn mặt Chúa Giêsu, đến với thân thể chịu đóng đinh và phục sinh của Chúa và đến với Mầu nhiệm Phục Sinh, trọng tâm của thông điệp Kitô giáo”. [6]

Xem thấy Thiên Chúa, chiêm ngắm dung nhan Chúa Giêsu, và được hạnh phúc đời đời thông qua thị kiến về vinh quang Nước Chúa, đó là khao khát sâu thẳm nhất của con người, mặc dầu hàng triệu người không nhận biết được khao khát này. Có thể hiểu được niềm khao khát được xem thấy dung nhan Chúa Giêsu của Cha Thánh Josemaria. Ngài đã nói với chúng ta rằng khao khát này là hợp lẽ. Những người đang yêu mong mỏi nhìn thấy nhau. Những người đang yêu dường như chỉ nhìn thấy người mình yêu. Điều này không phải là tự nhiên sao? Trái tim con người cảm nhận được những đòi hỏi cấp bách này. Sẽ là nói dối nếu Cha chối rằng Cha không xúc động sâu sắc khi khao khát được chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Giêsu. “Lạy Chúa, con tìm kiếm thánh nhan Ngài (Tv 26,8); Lạy Chúa, con khao khát được ngắm nhìn khuôn mặt Ngài. Con muốn nhắm mắt lại.” Cha Thánh của chúng ta thường nói như thế, đặc biệt vào những năm cuối đời Ngài, để khi nào Chúa muốn, Cha được nhìn thấy Chúa, không phải thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mà là…mặt giáp mặt (I Cr 13,12). Vâng, các con của ta: Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan? (Tv 41,3)”. [7]

Chúng ta hãy nuôi dưỡng khát vọng này, hãy tìm kiếm Chúa nơi nhà tạm – nơi Ngài thật sự hiện diện – và nơi tâm hồn chúng ta trong ân sủng. Chúng ta cũng hãy cố tìm Ngài trong các chi thể của Giáo Hội, nơi thân thể huyền nhiệm của Ngài, đặc biệt là trong những người khốn cùng nhất: người bệnh, người nghèo, và những ai đang đau khổ vì bị bức hại vì đạo, những ai đang chịu nhiều bất công khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta không nên hờ hững với bất kỳ ai. Chúng ta được mời gọi để trở thành những chi thể trong thân thể Chúa Giêsu. Thân thể đó đã trổi dậy và tiếp tục hoạt động trong lịch sử: “Chi thể sống là chi thể biết liên kết vai trò thực hành nhiệm vụ Chúa đã hứa trao phó cho chúng ta” [8] thông qua sự hiệp nhất với Ngài trong Bí tích Rửa Tội.

Sự hiệp thông Kitô hữu được bén rễ nơi các Bí tích. Chúng ta được mời gọi nên thánh và nên tông đồ đặc biệt khi chúng ta biết xem mình là người trung gian trong Chúa Giêsu Kitô cho công cuộc cứu chuộc thế giới. Thánh Josemaría đã nói rất rõ: “Tông đồ chính là người Kitô hữu, khi họ biết rằng mình là cành cây ghép liền với thân cây là Chúa Giêsu, nên một với Ngài qua Bí tích Rửa Tội. Qua Bí Tích Thêm Sức, họ được ban cho khả năng làm chủ cuộc chiến nhân danh Chúa Kitô. Họ được mời gọi để phụng sự Thiên Chúa qua các hoạt động giữa thế gian, qua chức vụ tư tế cộng đồng, làm cho họ thông phần, một cách nào đó, vào chức vụ tư tế của Chúa Giêsu. Chức vụ tư tế cộng đồng này, mặc dù cơ bản khác biệt với chức linh mục thừa tác, giúp cho người Kitô hữu tham dự vào việc thờ phượng của Hội Thánh và giúp anh em mình trong hành trình đến với Thiên Chúa, với lời chứng và gương sáng, thông qua việc cầu nguyện và đền tạ”. [9]

Chúng ta hãy cùng nhau suy gẫm sâu sắc những điều trên, nhất là khi Năm Linh mục sắp khép lại, và cố gắng rút ra những kết quả cho bản thân. Đôi lời của Thánh Josemaría trong quyển The Forge (“Lò rèn”) có thể giúp ích ta: “Chúa Giêsu, người gieo giống tốt lành, nắm giữ mỗi người chúng ta, những đứa con của Ngài, và giữ gìn chúng ta như những hạt lúa mì trong bàn tay đầy thương tích của Ngài. Ngài nhúng chúng ta trong máu Ngài. Ngài thanh tẩy và làm cho chúng ta trở nên tinh sạch. Ngài đổ đầy chúng ta bằng rượu thánh của Ngài. Và rồi, Ngài rộng rãi tung hạt, gieo chúng ta đến tận cùng trái đất, từng hạt một, không phải gieo cả bao hạt một lúc, nhưng là từng hạt một.” [10]

Trước hết, Chúa “nhúng chúng ta trong máu của Ngài” thông qua các Bí tích, và nhờ đó, “Ngài thanh tẩy và làm cho chúng ta trở nên tinh sạch”: Ngài dẫn chúng ta đến sự thánh thiện. Dĩ nhiên chỉ khi chúng ta muốn điều ấy, khi chúng ta để cho Đấng Bào Chữa hoạt động, Ngài sẽ là một nghệ nhân tạc chúng ta nên giống Chúa Giêsu.

Chúng ta phải tìm kiếm sự hiệp nhất với Nhân Tính Cực Thánh của Chúa Giêsu thông qua Bí tích Hòa Giải và Bí tích Thánh Thể. Chúng ta cần thấm nhuần lời dạy bảo của Ngài, không chỉ qua việc đọc Kinh Thánh và hăng say củng cố nền tảng giáo lý, mà còn qua việc duy trì cuộc đối thoại chân thành với Chúa qua lời cầu nguyện: khấn xin Lời Ngài thấm vào những ngõ ngách sâu thẳm nhất trong con người của chúng ta, thấm đẫm các giác quan và khao khát của chúng ta. Và chúng ta phải ao ước Ngài dẫn dắt chúng ta: bước theo Ngài, học các nhân đức của Ngài, để trở nên giống như Ngài, trong cách cảm nhận, thấu hiểu và yêu thương.

Một khi Thần Khí thực hiện những điều này trong chúng ta – hoặc tốt hơn, trong lúc thực hiện những điều này – Thiên Chúa đã tung gieo chúng ta trên mọi miền trái đất, như người gieo giống gieo những hạt lúa mì trên luống cày, để nó đơm hoa kết hạt. Nhờ vào tâm hồn mục tử, chúng ta là sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và con người. Các thừa tác viên có chức thánh có thêm chức linh mục thừa tác được lãnh nhận nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh, cho phép họ hoạt động thay mặt Chúa Giêsu Kitô là Đầu, để nhờ đó Chúa Giêsu là Đầu Hội Thánh hiện diện trong các buổi cử hành phụng vụ. Trong Opus Dei, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một ơn gọi đặc biệt, nằm trong ơn gọi chung của người Kitô hữu, để thúc đẩy chúng ta phục vụ theo tinh thần của Thánh Josemaría từ năm 1928. Trên nền tảng của ấn tích Rửa tội, đặc sủng ơn gọi của Opus Dei luôn thúc giục chúng ta hỗ trợ Thiên Chúa trong việc cứu rỗi các linh hồn. Không phải vì chúng ta tốt lành hơn những người khác, nhưng vì Chúa Giêsu, Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, [11] Ngài muốn chúng ta giúp đỡ Ngài trong công việc này.

Trước hết, chúng ta phải kết hiệp trong lòng tôn kính sâu sa với hy tế của Chúa Kitô trong Thánh Lễ. Qua mối liên kết này với Thánh Thể, trọn cuộc sống của chúng ta được biến đổi thành một hành động thờ lạy, tạ ơn và đền tạ: nó trở thành sự hy sinh bản thân và các hoạt động của bản thân để trở nên những khí cụ của Chúa Kitô trong thế giới. Với việc biến đổi mỗi ngày trong đời sống ta “thành một Thánh Lễ”, như Thánh Josemaría từng nói, chúng ta là những linh hồn yêu mến Thánh Thể thật sự: và chúng ta, nam cũng như nữ, phấn đấu để noi gương Thầy Chí Thánh trong tất cả các ứng xử.

Như vậy, chúng ta có thể giúp mọi người nhận lãnh hoa trái cứu độ; chúng ta trở nên những khí cụ của Chúa Kitô để rao giảng giáo lý của Ngài, mang mọi người đến nguồn ân sủng nơi các Bí tích và dẫn họ trên con đường tiến về sự sống vĩnh hằng, làm như vậy mỗi ngày trong đời chúng ta. Dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ đi gần bên những dấu chân của Chúa, và khát vọng mạnh mẽ của Thánh Josemaría sẽ được thực hiện trong cuộc đời chúng ta: “Chúng ta phải trao cuộc sống mình cho người khác. Đó chính là cách duy nhất để sống cuộc sống của Chúa Giêsu Kitô, để trở nên một và nên giống Ngài.” [12]

Sắp đến dịp kỷ niệm chuyến hành trình của Cha Thánh Josemaría về Thiên Đàng. Chúng ta hãy tin tưởng vào sự cầu bầu của Ngài trong những tuần còn lại trước ngày 26 tháng 6 này, để trung thành noi theo gương lành và lời Ngài dạy, chúng ta cũng sẽ học cách biến đổi cuộc sống để nên một với Chúa Kitô.

Trước ngày 26 tháng 6, chúng ta sẽ kỷ niệm Lễ thụ phong 3 vị Linh mục đầu tiên của Opus Dei, các Ngài đã cho chúng ta thấy gương đức tin bền đỗ tuyệt vời. Các Ngài luôn dấn thân vào những mối bận tâm của Thiên Chúa, và vì vậy, các Ngài biết cách vâng phục những gì Cha Thánh Josemaria yêu cầu, nhằm làm cho Opus Dei trung thành luôn trong việc phụng sự Giáo Hội. Người ta đã nói về các Ngài, cũng là ám chỉ đến Đấng Sáng lập Opus Dei: Ngài đã tấn phong họ và Ngài đang “giết” họ bằng công việc. Chúng ta hãy học hỏi từ các Ngài, các Linh mục cũng như giáo dân cách nói: Không bao giờ là “đủ” trước những đòi hỏi của tâm hồn người mục tử nơi chúng ta.

Xin các con tiếp tục hiệp nhất với Cha trong lời cầu nguyện và những dự định. Cha đặc biệt nhờ cậy các bệnh nhân  - những người không bao giờ thiếu trong Opus Dei - và những người đau khổ vì lý do này hay lý do kia. Nếu họ kết hợp những nỗi thống khổ của mình với Thập giá Chúa Kitô, hân hoan dâng lên Ngài những gian khổ và đau buồn, họ có thể trở thành những rường cột vững chắc để nâng đỡ người khác trong chính sự yếu đuối của mình.

Cha chúc lành cho các con với tất cả lòng yêu mến.

Cha của các con,

Javier

Rôma, ngày 1 tháng 6 năm 2010.

Chú giải:

1. Ga 14,27.

2. Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, Bài giảng trong Đại Lễ Ngũ Tuần, 31 tháng 5, 2009

3. Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, Bài giảng trong Đại Lễ Ngũ Tuần, 23 tháng 5, 2010

4. Thánh Josemaría, Christ Is Passing By, số 162.

5. Cố Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Bài giảng tại Turin, 24 tháng 5, 1998.

6. Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, Bài phát biểu trong buổi yết kiến chung, 5 tháng 5, 2010.

7. Thánh Josemaría, Notes taken in a meditation, 24 tháng 12, 1973.

8. Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, Bài phát biểu trong buổi yết kiến chung, 5 tháng 5, 2010.

9. Thánh Josemaría, Christ Is Passing By, số 120.

10. Thánh Josemaría, The Forge, số 894.

11. c. 1 Tm 2,5. 12. Thánh Josemaría, The Way of the Cross, Đường Thánh Giá.