Bài suy niệm của Đức Giám Quản: Đức Kitô, tấm gương phản chiếu đau khổ của chúng ta

Bài suy niệm của Đức Ông Fernado Ocáriz về Ý nghĩa Tuần Thánh (Bài thứ 3 trong chuỗi 4 bài Suy niệm).

Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh đặt chúng ta đối diện với mầu nhiệm vĩ đại của Thập Giá Đức Kitô.

Qua Tin Mừng, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu trong vườn Giếtsêmani, Người bị nhóm binh lính do Giuđa dẫn đến bắt giữ. Chúng ta lặng ngắm Ngài bị điệu đến trước Thượng tế Caipha, bị tra hỏi, bị vả vào mặt cách bất công.

Sau đó, trước sự hiện diện của Tổng trấn Philatô, dân chúng la lớn: “Đóng đinh, đóng dinh nó vào thập giá!” (Ga 19,6). Tiếp đến, Chúa Giêsu bị đánh đòn và chịu đội mão gai.

Vào sáng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Philatô trình diện Đức Giêsu đã bị tra tấn, nhục mạ trước dân chúng. Philatô bảo: “Ecce Homo - Đây là người!” (Ga 19,5). Vài giờ sau đó, Người bị đóng đinh.

Trong bức họa nổi tiếng Ecce Homo của danh họa Titian, chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu như một con người bị hành hạ đến tàn tạ, nhưng thiên tính và vẻ đẹp của Người vẫn rạng ngời. Thiên Chúa muốn để chúng ta nhìn thấy Người ngay cả trong tình trạng thương tích như vậy.

Trong đau thương và có lẽ trong đêm tối nội tâm của rất nhiều người đang đau khổ trên thế giới (nhất là bởi dịch bệnh virus Corona hiện nay), chúng ta có thể chiêm ngắm Đức Kitô bị tra tấn và đội mão gai. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhìn Người như thế này: “Đây là người, là mọi người, là mỗi người trong nét độc đáo duy nhất của mình, không ai có thể thay thế, đã được Thiên Chúa tác thành và cứu chuộc … Ecce Homo!

Quả là chúng ta cùng nhau chia sẻ đau khổ như rất nhiều bằng chứng về tình đoàn kết hiện nay đã cho thấy. Tuy nhiên, nếu phân tích đến cùng, mỗi người chúng ta trải nghiệm đau khổ một mình với Thiên Chúa.

Nỗi cô đơn của Chúa Giêsu khi Người bị đưa ra trước dân chúng làm chúng ta liên tưởng đến các bệnh nhân đã qua đời mà không thể nói lời từ biệt gia đình mình do những biện pháp cách ly hiện nay. Hình ảnh ấy cũng khiến chúng ta liên tưởng đến những người đang bị bệnh và đau khổ một mình. Đức Giêsu, đứng trước dân chúng, cũng đã nếm trải nỗi cô đơn. Tiếng khóc của Người trên Thập Giá – “Sao Cha bỏ rơi con?” – có lẽ đã bắt đầu sớm hơn, trong sự thinh lặng bình thản của Người khi được giới thiệu “ Ecce Homo”.

Hình ảnh Đức Kitô bị Tổng trấn Philatô trình diện trước dân chúng cũng là một biểu trưng của nhân phẩm bị ngược đãi. Có một sự hiện diện huyền nhiệm của Thiên Chúa trong đau khổ của mỗi con người – nơi những người vô tội phải hứng chịu thiên tai hay bất công của con người, và cả nơi những đau khổ do chính chúng ta gây nên cho bản thân, mà chủ yếu là do tội lỗi của mình. Chúng ta nài xin Chúa cứu giúp, giải thoát chúng ta. Người đã gánh trên mình mọi hậu quả của tội lỗi con người. Người là niềm hy vọng của chúng ta.

Chúa Giêsu, bị thương và khiêm hạ, cũng là tấm gương nơi chúng ta nhìn thấy bản thân. Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, tỏ lộ Người nơi những vết thương của Đức Kitô đau khổ.

Một sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa cũng được thấy nơi những ai trao ban chính mình cách vô vị lợi cho tha nhân, vì “nơi đâu có bác ái và yêu thương, nơi đó có Chúa hiện diện. Ubi caritas et amor, Deus ibi est! ” Chúng ta thấy rất nhiều người đang hành động như những người Samaria nhân hậu, là hình ảnh của Chúa Giêsu, trong các bệnh viện, các nhà dưỡng lão, và trong gia đình. Chúng ta đã thấy rõ rằng chủ nghĩa cá nhân và những thứ thực dụng không có tiếng nói cuối cùng. Trong một xã hội dường như tự mãn, Thánh Thần Thiên Chúa ẩn náu trong trái tim của nhiều người. Bằng cách này hay cách khác, Thiên Chúa luôn làm cho sự hiện diện của Người được đánh dấu trong lịch sử và làm lịch sử lại trổ sinh nhiều hoa trái hơn bằng tình yêu.

Hình ảnh Ecce Homo cũng giúp chúng ta ý thức rõ mình yếu đuối thế nào và không thể tự vệ trong nhiều hoàn cảnh, như Đức Thánh Cha đã nhắn gửi chúng ta từ Quảng trường Thánh Phêrô vắng lặng hôm nào. Từ nơi ấy, Ngài đã nói với chúng ta về cơn giông tố đã để lộ sự mong manh của chúng ta. Việc nhận ra sự thật về bản thân có thể giúp chúng ta xác định lại mối tương quan với Chúa và với tha nhân.

Tin Mừng tiếp tục kể cho chúng ta về việc Chúa Giêsu vác Thập Giá, bị tước đoạt quần áo, và dường như bị tước đoạt cả phẩm giá. Khoảnh khắc bị đóng đinh, Chúa chúng ta la lớn tiếng với lời Thánh Vịnh: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46)

Tại sao Chúa phải chịu tất cả những đau khổ này? Tại sao là Thập Giá?

Mặc dù chúng ta không thể hiểu thấu hoàn toàn, việc Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh đã mặc khải cho ta thấy rằng ngay tại nơi dường như không có gì ngoài yếu đuối, Thiên Chúa đã biểu lộ quyền năng vô biên của Người. Nơi chúng ta chỉ thấy vấp ngã, thất bại, hiểu lầm và thù hận, cũng chính là nơi Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta quyền năng vô biên của Thiên Chúa, quyền năng đã biến Thập Giá thành biểu hiện của yêu thương và chiến thắng.

Trong thư gửi tín hữu Do Thái, chúng ta đọc thấy rằng nơi cây gỗ Thập tự, chúng ta tìm thấy “ngai tòa của ân sủng, để được lãnh nhận lòng thương xót” (Dt 4,16).

Đó cũng là cảm nghiệm của một trong hai người bị kết án đóng đinh cạnh Đức Kitô trên đồi Canvê. “Người trộm lành” đã cảm nghiệm Thập Giá Chúa Giêsu trở thành nơi anh được tha thứ và yêu thương như thế nào khi Người bảo anh: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43). Chính nơi ấy, trên Thập Giá, chúng ta nghe thấy từ “Thiên Đàng” được thốt ra.

Thập Giá và Thiên Đàng. Từ một công cụ của tra tấn, bạo lực và ô nhục, Thập Giá đã được biển đổi thành phương tiện của cứu rỗi, thành một biểu tượng của hy vọng. Thập Giá trở nên dấu hiệu của tình yêu vô biên và đầy thương xót của Thiên Chúa. Thánh Josemaria nói với chúng ta rằng trên con đường Thánh Giá, chúng ta học biết Đức Kitô đã “tự hiến bản thân mình cho đến chết với tự do hoàn toàn của Tình Yêu như thế nào”. Nhìn lên Đấng Chịu Đóng Đinh là chiêm ngắm niềm cậy trông của chúng ta.

Chúng ta cũng có thể suy ngẫm chân lý ấy khi cầm một cây Thánh Giá trong tay và đơn giản nhìn vào Đấng Chịu Đóng Đinh. Trong một bài giảng, Đức Thánh Gia Phanxicô nói: “Đôi mắt Chúa Giêsu không khép lại nhưng mở ra, mở to: Người nhìn chúng ta với ánh nhìn chạm đến tim ta. Thánh Giá không nói với chúng ta về thất bại và vấp phạm; nghịch lý thay, Thánh Giá nói với chúng ta về một cái chết mà lại là sự sống, một cái chết mang lại sự sống, vì Thánh Giá nói với chúng ta về tình yêu, Tình Yêu của Thiên Chúa nhập thể, một Tình Yêu không thể chết đi, nhưng lại chiển thắng sự dữ và sự chết. Khi để Chúa Giêsu-chịu-đóng-đinh nhìn mình, chúng ta được tái tạo, chúng ta trở trên tạo vật mới.”

Biết bao hy vọng khi chúng ta chiêm ngắm Đấng Bị Đóng Đinh trong thời gian này! Có thể nơi cây Thánh Giá trong phòng chúng ta hay một nơi khác trong nhà. Chúng ta có thể dừng lại trong thinh lặng và cho Người thấy những vết thương trong lòng mình, những mệt mỏi, âu lo, và đặt tất cả vào tay Người.

Rồi chúng ta sẽ cảm nghiệm sức mạnh biến đổi của Tình Yêu Thiên Chúa, Tình Yêu của Đấng trên thập giá đã ôm lấy mọi yếu đuối và đong đầy chúng ta niềm hy vọng. Và rồi chúng ta cũng sẽ trở nên dấu chỉ rõ ràng của tình yêu Thiên Chúa trong gia đình, cho bạn bè, cho tất cả những người quanh ta. Trong mỗi hoàn cảnh, chúng ta có thể là dấu chỉ rõ ràng của niềm hy vọng, nếu chúng ta kết hiệp với Đức Giêsu trên Thập Giá và với Người chúng ta mở rộng vòng tay cho tha nhân.

Vào Thứ sáu Tuần Thánh, chúng ta hãy tạ ơn cách đặc biệt Lòng Thương Xót của Chúa đã chạm đến chúng ta qua Bí tích Hòa Giải. Hiện nay, trong Mùa Chay và Tuần Thánh, là thời gian chúng ta gia tăng cầu nguyện và sám hối, nhưng nhiều người tại nhiều nơi thế giới lại không thể đi xưng tội.

Trong hoàn cảnh rất ngoại thường này, vài hôm trước, Đức Thánh Cha đã khuyên chúng ta hãy thực hành những gì Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy về việc ăn năn thống hối. [1] “Nếu các con không thể tìm thấy một linh mục để nghe các con xưng tội, các con hãy thưa với Chúa, là Cha của các con, hãy nói với Ngài sự thật: ‘Lạy Chúa, con đã phạm tội này, tội này, tội này… Con xin lỗi Chúa’, rồi hết lòng xin Người tha tội, đọc kinh ăn năn tội, và hứa với Chúa: ‘Con sẽ đi xưng tội sau, nhưng xin Chúa tha thứ cho con bây giờ nhé.’”

Vào Thứ Sáu Tuần Thánh, Hội Thánh hướng mọi chú tâm về Lignum Crusis , Cây Thánh Giá. Trong phụng vụ, chúng ta cầu nguyện: “Chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa, ôi lạy Chúa, chúng con ca ngợi và chúc tụng sự Phục Sinh rất thánh của Chúa. Bởi lẽ bằng cây gỗ thánh thiêng này, niềm vui đã đến với toàn thể nhân loại.”

Thánh Giá đong đầy thế giới bằng niềm hy vọng. Trên Thánh Giá, chúng ta nhìn thấy Chúa chúng ta với đôi tay giang rộng, sẵn sàng đón lấy và chữa lành những yếu đuổi của chúng ta. Cũng nơi Thánh Giá, chúng ta nhìn thấy Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh.

Danh họa Titian, sau khi vẽ bức Ecce Homo , đã vẽ bức Đức Mẹ Sầu Bi với đôi tay giang rộng . Trong nhiều năm, hai bức họa được treo cạnh nhau trên cùng một bức tường. Khi đau khổ len vào cuộc sống, chúng ta cũng nhận ra rằng khi nhìn lên Chúa Giêsu, chúng ta luôn được Đức Maria đồng hành. Chúng ta nài xin Mẹ giúp chúng ta đứng gần bên Thập Giá, để chúng ta có thể trao tặng niềm hy vọng cho những người quanh ta.

[1] Số 1451 và 1452.

Nghe b ản ghi âm g ốc ti ếng Tây Ban Nha ở đây: