Thư Đức Giám Quản - Tháng 8 năm 2016

Đức Giám quản viết về việc Đức Maria hồn xác lên trời và được tôn vinh Nữ Vương, và suy tư về việc làm thương xót: “nhẫn nại chịu đựng khiếm khuyết.”

Các con thân yêu, xin Chúa Giêsu thương gìn giữ các con!

Ngày 15 tháng 8 năm 2007, khi trích dẫn lời Ca Nhập Lễ – Một dấu lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, và trên đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao [1], Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã giải thích rằng người phụ nữ đó chính là “Đức Maria, Mẹ đã hoàn toàn sống trong Thiên Chúa, được bao bọc và xuyên thấu bởi ánh sáng Thiên Chúa. Mẹ được bao quanh bởi mười hai ngôi sao, chính là mười hai chi tộc Israel, là toàn thể Dân Thiên Chúa, là toàn thể các Thánh thông công; và dưới chân Mẹ, mặt trăng là hình ảnh của cái chết và hủy diệt... Như thế, được hưởng phúc vinh quang sau khi vượt qua cái chết, Mẹ muốn nhắn nhủ chúng ta rằng: Hãy giữ lấy trái tim, vì cuối cùng chính tình yêu sẽ thắng! Thông điệp của cuộc đời Mẹ là: “Tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa.” Cuộc sống của Mẹ là một lễ vật dâng lên Thiên Chúa và trao tặng cho tha nhân. Và cuộc đời phục vụ ấy giờ đây đạt đến sự sống đích thực.” [2] Những lời ngợi khen Đức Mẹ trên đây gợi nhớ đến niềm tin tưởng mà Thánh Josemaría đã từng nói từ năm 1951, khi Ngài chạy đến cậy nhờ lời chuyển cầu của Mẹ: “Cor Mariae dulcissimum, iter para tutum! – Lạy Trái Tim rất ngọt ngào Mẹ Maria, xin chỉ cho chúng con nẻo đường bình an!”

Một tuần lễ sau đó, vào ngày lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương, phụng vụ lại giới thiệu Đức Mẹ trong những lời nói về Đức Kitô như sau: Bên hữu Ngài, Hoàng Hậu sánh vai, mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng, điểm trang rực rỡ [3]. Những lời lẽ mang ý nghĩa sâu sắc ấy vẫn không thể diễn tả trọn vẹn sự cao cả của Mẹ Thiên Chúa. Lòng chúng ta tràn ngập ái mộ khi chiêm ngắm mầu nhiệm thứ Năm mùa Mừng trong tràng chuỗi Mân Côi: “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đã trao triều thiên vinh quang đặt Mẹ làm Nữ Vương hoàn vũ. Các thiên thần, thần dân của Mẹ, bày tỏ lòng kính trọng Mẹ..., rồi đến các tổ phụ, các ngôn sứ, các tông đồ..., các thánh tử đạo, các thánh hiển tu, các thánh đồng trinh và toàn thể các thánh..., cũng như hết thảy tội nhân, cả bạn và tôi.” [4]

Đức Maria, Đấng được đầy ơn phước từ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, đã lớn dần lên trong thánh thiện qua việc hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa, cho đến khi Mẹ được trao vương miện Nữ Vương Trời Đất, Nữ Vương Thiên Đàng, Đấng ấy chính là Mẹ chúng ta, Đấng đã mời gọi chúng ta chiến đấu để đáp trả trọn vẹn lời mời gọi của Thiên Chúa, trong niềm vui và hết lòng quảng đại. Hãy tận dụng tối đa lời cầu bầu đầy quyền thế của Mẹ! Chúng ta hãy làm theo lời khuyên của Cha Thánh: “Với sự liều lĩnh của một đứa trẻ, hãy tham gia vào ngày lễ ấy trên Thiên Đàng. Phần tôi, vì chẳng có đá quý hoặc nhân đức nào đó để dâng tặng Mẹ, tôi cả gan trao vương miện cho Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ của tôi bằng những thất bại, một khi chúng đã được thanh luyện. Mẹ cũng đang trông chờ nơi bạn một cái gì đó.” [5]

Đức Mẹ mang danh hiệu “Thầy dạy các nhân đức.” Tháng Đức Mẹ đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này là một cơ hội thuận tiện để khẩn cầu Mẹ xin với Con của Mẹ cho chúng ta được thêm nhân đức xót thương trong các hành vi cá nhân của mình. Hãy khẩn cầu Đức Maria, Ngai Tòa Ân Phúc và Vinh Quang, ut misericordiam consequamur, [6] để chúng ta biết sống lòng thương xót trong những gì chúng ta làm.

Tin Mừng Thánh Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời thuật lại một cảnh huống tuyệt vời trong cuộc đời Mẹ: đó là cuộc thăm viếng người chị họ, thánh nữ Elizabeth. Đức Thánh Cha nói: “Hai người phụ nữ gặp nhau, gặp nhau trong niềm hân hoan. Khoảnh khắc đó thực sự đáng vui mừng! Nếu chúng ta có thể học cách thức phục vụ như thế: đi ra ngoài và gặp gỡ người khác, thế giới sẽ thay đổi biết dường nào! Đến với tha nhân là một dấu chỉ khác của người Kitô hữu. Một người tự xưng là Kitô hữu nhưng không có khả năng đi ra ngoài để gặp gỡ người khác thì chưa hoàn toàn là Kitô hữu. Cả hai việc phục vụ và đi ra ngoài đòi hỏi chúng ta bước ra khỏi chính mình; đi ra để phục vụ, đi ra để gặp gỡ, để ôm lấy tha nhân.” [7]

Cha muốn đề nghị chúng ta hãy xem lại một việc làm thương xót mà Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo diễn tả là “nhẫn nại chịu đựng khiếm khuyết” [8] – điều không chỉ nảy sinh từ những hạn chế của bản thân ta, mà còn đến với chúng ta từ bên ngoài. Chúng ta hãy duy trì niềm tin tưởng tuyệt đối vào lòng thương xót của Chúa, Đấng có thể mang lại những điều tốt lành từ bất cứ điều gì xảy ra. Nhẫn nại còn là một trong những hoa trái tốt lành nhất của đức bác ái đối với tha nhân. Thánh Phaolô nói đến điều này trong bài thánh ca tuyệt vời về đức mến: Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. [9]

Lòng thương xót phải dẫn chúng ta đến việc sống với người khác một cách nhẫn nại, kể cả những khi họ làm phiền chúng ta. Tất cả chúng ta đều có những khiếm khuyết, thiếu sót trong tính cách của mình, và, mặc dù không cố ý, chúng ta thường gây ra những va chạm, làm tổn thương người khác: các thành viên trong gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, hoặc trong các tình huống tình cờ, ví dụ trong lúc kẹt xe... Tất cả những dịp đó cho chúng ta cơ hội làm cho cuộc sống trở nên dễ chịu hơn cho người khác bằng cách kiềm chế tính nóng giận của mình.

Lòng kiên nhẫn thúc đẩy chúng ta không bi kịch hóa những lỗi lầm của người khác, không để rơi vào cơn cám dỗ đổ lỗi cho người khác, hoặc giải tỏa bằng cách nhiều chuyện với người khác về những lỗi lầm đó. Ví dụ: sẽ không nên nếu ta im lặng về khiếm khuyết của ai đó, rồi sau đó lại để lộ ra qua vài nhận xét mỉa mai; hoặc chúng ta đối xử với họ cách lạnh lùng vì không bằng lòng; hoặc chúng ta rơi vào các hình thức ngồi lê đôi mách tinh tế hơn, làm tổn hại đến chính chúng ta, đến đối tượng của những câu chuyện phiếm đó, và đến cả những người nghe chúng ta. Chịu đựng khiếm khuyết của tha nhân cách kiên nhẫn có nghĩa là cố gắng đảm bảo sao cho tình yêu của chúng ta đối với họ không bị tác động bởi những khiếm khuyết ấy; chúng ta đừng yêu mến họ bất chấp các khiếm khuyết của họ, nhưng chúng ta hãy yêu mến họ với cả những khiếm khuyết ấy. Đó là một ơn mà chúng ta có thể xin Chúa ban cho: không để bụng, hoặc biện hộ cho bản thân khi chúng ta khó chịu vì người khác làm mình phật lòng, bởi vì mỗi người đều có những phẩm chất tốt đẹp vốn có giá trị hơn những điểm xấu của họ. Do vậy, khi chúng ta nhận ra rằng trái tim của mình không ưng thuận, hãy đặt nó trong Trái Tim của Chúa chúng ta: Cor Iesu sacratissimum et misericors, dona nobis pacem! – Lạy Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu đầy lòng thương xót, xin ban cho chúng con bình an! Và Người sẽ biến đổi trái tim chai đá của chúng ta thành một trái tim bằng thịt. [10]

“Vậy, chúng ta hãy thật cẩn trọng hoàn thành mọi nhiệm vụ của mình, ngay cả với những nhiệm vụ tưởng chừng như ít quan trọng. Hãy gia tăng lòng kiên nhẫn khi đối mặt với những điều khó chịu hàng ngày và chăm chút tới những chi tiết nhỏ bé trong công việc của mình. Nỗ lực cải thiện của chúng ta phải mãnh liệt hơn nữa. Vì vậy, hãy chiến đấu trong các cuộc chiến đấu nho nhỏ nơi Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta. Tại sao lại bực bội khi đối mặt với những va chạm hàng ngày tự nhiên phát sinh do các khác biệt về tính cách và khí chất? Hãy chiến đấu để chế ngự bản thân: đó chính là nơi Thiên Chúa chờ đợi chúng ta.” [11]

Mỉm cười với những người tiếp xúc chúng ta cách cộc cằn, hoặc những người đáp trả cách thô lỗ những yêu cầu thân thiện của chúng ta, đó chính là cách bày tỏ tinh thần hy sinh tuyệt vời. Như Cha chúng ta đã bảo: Nụ cười thường là dấu hiệu tốt nhất của tinh thần sám hối. Trong cuốn Con Đường, trong số các phương thế thực hành hãm mình Ngài đề nghị vào những năm 1930 có những điều sau: “Nhịn không nói ra một câu nói hờn mát, giận dỗi; nở nụ cười dễ thương với kẻ trái ý bạn; im lặng trước lời tố cáo bất công; trò chuyện thân thiện với người bạn thấy nhàm chán và nhạt nhẽo; cố gắng mỗi ngày bỏ qua những chi tiết khó chịu và nhỏ nhặt của những người sống chung… Tất cả những điều đó, với sự bền chí, là những hãm mình nội tâm thật sự.” [12]

Đại hội Giới trẻ Thế giới vừa kết thúc ở Krakow là một lý do nữa để tạ ơn Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô và rất nhiều người đã hết sức quảng đại nỗ lực tổ chức sự kiện này. Chúng ta hãy cầu nguyện để những ngày vừa qua mang lại nhiều hoa trái thiêng liêng phong phú, qua lời cầu bầu của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đấng đã trải qua phần lớn thời gian phục vụ Hội Thánh và thế giới ngay tại Krakow này, Đấng cũng đã chủ trì Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Czestochowa, khi đó Cha Don Alvaro yêu dấu của chúng ta đã tham dự.

Như mọi năm, vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, chúng ta sẽ kết hiệp mật thiết với Cha chúng ta khi tái dâng hiến Opus Dei cho Trái Tim rất ngọt ngào của Đức Maria tại các Trung tâm của Opus Dei. Xin hãy suy gẫm về những lời Thánh Josemaría đã viết, và đưa vào lời cầu nguyện của các con – như các con đã làm – những ý nguyện của cha cho Hội Thánh, cho Đức Thánh Cha, cho Hội, cho tất cả anh chị em của chúng ta đang đau yếu hoặc gặp khó khăn các loại, để các anh chị em ấy có thể siêu nhiên hóa các thử thách đó và gắn kết chúng với Thánh Giá của Chúa chúng ta, bằng cách cậy nhờ vào sự chuyển cầu đầy quyền thế của Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ chúng ta.

Lời cầu chúc bình an thân thương từ

Cha của các con,

+ Javier

Kracow, ngày 1 tháng 8 năm 2016


Ghi chú:

[1] Sách Lễ Roma, Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, Ca Nhập Lễ (x. Kh 12,1).

[2] Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, Bài giảng, 15/08/2007.

[3] Sách Lễ Roma, Lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương, Ca Nhập Lễ (x. Tv 44(43),10).

[4] Thánh Josemaría, Tràng Hạt Mân Côi, Mầu nhiệm Mừng thứ năm.

[5] Thánh Josemaría, Lò Rèn, số 285.

[6] Dt 4,16.

[7] Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài giảng tại Nhà nguyện Thánh Marta, 31/05/2016.

[8] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2447.

[9] 1 Cr 13,4-7. X. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm Hoan Lạc Của Tình Yêu), ch. 4.

[10] X. Ed 11,19.

[11] Thánh Josemaría, Ghi chép từ một buổi suy niệm, 24/06/1937; trong Lớn lên bên trong, tr. 123.

[12] Thánh Josemaría, Con Đường, số 173.