Thế giới cần thiên tài của người nữ

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2006, Đức Giám quản Opus Dei lúc bấy giờ, Đức Cha Javier Echevarria đã viết bài báo sau đây, được đăng lại trên nhật báo “The Guardian” của Nigeria.

8 tháng 3 là một ngày liên quan đến quá khứ, vì nó nhắc lại lịch sử lâu dài của những nỗ lực nhằm chống lại việc phân biệt đối xử người nữ, một nhiệm vụ vẫn phải làm trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn về tương lai để hình dung những điều sẽ xảy ra và những lợi ích sẽ đạt được khi người phụ nữ tham gia trọn vẹn vào mọi lĩnh vực xã hội.

Nhưng trên hết, chúng ta cần bắt đầu từ việc nhìn nhận phẩm giá bình đẳng giữa nam và nữ. Ngay từ đầu Thánh Kinh, trong trình thuật Sáng Thế, chúng ta được mạc khải rằng Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ như hai cách làm người, hai cách diễn đạt của một nhân tính chung.

Người nữ là hình ảnh của Thiên Chúa, không hơn không kém người nam, và cả hai được mời gọi nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa hoàn hảo và con người hoàn hảo.

Với những tiền đề thiết yếu này của đức tin Kitô giáo, người ta hiểu sâu sắc hơn rằng việc đối xử tồi tệ với bất kỳ con người nào, dù là nam hay nữ, đều là một sự đồi bại. Việc đối xử tồi tệ đôi khi diễn ra dưới những hình thức bạo lực và đôi khi dưới những phương thức rất tinh vi, như kinh doanh thân thể phụ nữ, xem phụ nữ như món đồ chứ không phải con người; hoặc như trường hợp người nữ được khéo léo và ngấm ngầm cho biết rằng việc mang thai là không phù hợp với hợp đồng lao động của cô. Còn rất nhiều lý do để ghi nhận việc cần thiết phải phản đối những phân biệt đối xử này.

Cũng trong sách Sáng Thế, chúng ta tìm thấy yếu tố cơ bản và hiển nhiên thứ hai: tính đa dạng. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến gia đình: người cha và người mẹ thực hiện những nhiệm vụ khác nhau và đều cần thiết như nhau, nhưng không thể thay thế nhau. Trách nhiệm là như nhau nhưng cách tham gia thì khác nhau.

Người ta thường nói rằng một trong những vấn đề gay gắt nhất của gia đình ngày nay chính là sự khủng hoảng của tình phụ tử. Không thể xem người đàn ông như “người mẹ thứ hai”, cũng như người đàn ông không được lơ là trách nhiệm gia đình, tuy nhiên anh cần học cách làm cha. Cũng có thể nói điều tương tự phải được áp dụng trong toàn thể xã hội, nơi mỗi con người cần tìm ra vị trí của mình. Người nam có quyền được phát triển như một người nam; người nữ có quyền được phát triển như một người nữ. Đừng bao giờ chừa chỗ cho sự bắt chước, vốn sẽ tạo ra khủng hoảng bản sắc, những phức tạp tâm lý và những vấn đề xã hội nghiêm trọng.

Nguyên tắc bình đẳng có thể thất bại tự bản chất và mất đi trạng thái cân bằng khi sự bình đẳng (về phẩm giá, quyền lợi và cơ hội) bị nhầm lẫn với sự hòa tan của tính đa dạng. Nếu đàn bà trở nên giống đàn ông, hoặc đàn ông giống đàn bà, cả hai sẽ mất phương hướng và không biết liên hệ với nhau như thế nào. Nhưng nguyên tắc của khác biệt cũng có thể thất bại và trên thực tế đã nhiều lần thất bại khi sự khác biệt được xem là cơ sở để biện minh cho việc phân biệt đối xử.

Thật thích hợp và cần thiết để nhìn lại đức bác ái Kitô giáo, nhân đức mà Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã đặt vào vị trí khởi đầu và trung tâm triều đại giáo hoàng của Ngài. Bác ái giúp hòa hợp sự bình đẳng với sự khác biệt và mời gọi sự hợp tác vì nó chi phối mối tương quan với Thiên Chúa cũng như mối tương quan của mỗi người với phần còn lại của nhân loại. Từ đức ái, Giáo Hội cổ vũ sự hiệp thông, tôn trọng, hiểu biết, cởi mở với sự đa dạng, giúp đỡ lẫn nhau và phục vụ.

Trong những lời đầu tiên của sách Sáng Thế, chúng ta cũng đọc thấy rằng Thiên Chúa, trong sự tốt lành của Ngài, đã giao phó thế giới cho người nam và người nữ. Chúng ta đã nhận được sứ mệnh cùng nhau chăm sóc thế giới và làm cho thế giới tiến bộ. Dự án chung thú vị này giúp định vị mối tương quan giữa hai giới. Chúng ta không phải đang đối diện với một vấn đề đóng kín, hẹp hòi và mơ hồ, nhưng là một vấn đề cởi mở và tích cực: với trách nhiệm ngang nhau và những đóng góp phù hợp với thiên tài của mỗi giới, chúng ta cùng nhau làm việc vì một xã hội tốt đẹp hơn. Bức tranh này cho thấy việc phân biệt đối xử người nữ không chỉ xúc phạm người nữ, mà còn là sự ô nhục đối với người nam và là một vấn đề rất nghiêm trọng đối với thế giới. Uớc mơ thực sự cùng nhau thực thi nhiệm vụ chăm sóc thế giới và làm cho nó tiến bộ đòi hỏi phải từ bỏ những cơ chế sai lầm và khuynh hướng xung đột. Điều cần thiết là thái độ đối thoại, hợp tác, tế nhị và nhạy bén. Người nam cần đòi hỏi nhiều hơn ở chính mình để biết lắng nghe, thấu hiểu, kiên nhẫn, nghĩ đến người khác. Người nữ cũng cần hiểu biết, kiên nhẫn, vượt qua chính mình để đối thoại mang tính xây dựng và vận dụng trực giác phong phú của mình.

Có lẽ cả hai nên từ chối những hình mẫu được đề xuất bởi một số khuôn mẫu mang tính áp đặt trong xã hội: những hình mẫu bắt buộc người nam phải cạnh tranh khốc liệt, hoặc kêu mời người nữ cư xử cách phù phiếm hoặc phô trương cách đáng xấu hổ. Chúng ta cần một cách suy nghĩ mới, một cách nhìn mới về người khác phái, vượt qua sự thống trị và quyến rũ. Bằng cách này, một kịch bản xã hội mới sẽ xuất hiện: không còn kẻ đi chinh phục và người bị chinh phục.

Trong Thư gửi Phụ nữ, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chỉ ra rằng sự đóng góp của phụ nữ là không thể thiếu để “xây dựng một nền văn hóa có khả năng dung hòa lý trí với tình cảm”, cũng như để “xây dựng các cơ cấu kinh tế và chính trị phong phú hơn với tính nhân văn.” Thiên tài của người nữ, với khả năng bẩm sinh là hiểu biết, thấu hiểu và quan tâm đến người lân cận, phải mở rộng ảnh hưởng của mình đến gia đình và toàn xã hội.

Thánh Josemaria Escriva thường nhắc chúng ta rằng "trước mặt Thiên Chúa, không có việc nào là lớn hay nhỏ. Mọi việc đều mang giá trị của Tình Yêu đã thực hiện nó." Khi chúng ta khám phá ra rằng điều quan trọng là con người thì mọi sự phân biệt đối xử sẽ chấm dứt. Đức tin Kitô giáo có thể trở thành thứ men đích thực cho sự thay đổi văn hóa trong lĩnh vực này, nếu chúng ta, những người nam và nữ có đức tin, biết cách thể hiện điều đó trong đời sống thường nhật của mình.

Giám mục Javier Echevarria, Cố Giám quản Opus Dei